Bản sắc văn hóa - Chìa khóa thành công

20:48 | 04/09/2017

2,333 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) được coi là nền tảng, là bí quyết thành công của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, luôn tồn tại một câu hỏi: Làm thế nào tạo dựng và phát huy VHDN? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Phan Quốc Việt - nguyên Chánh Văn phòng Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Phó chủ tịch thứ nhất Hiệp hội Phát triển VHDN Việt Nam - nhằm tìm câu trả lời.

Cốt lõi trong VHDN

PV: Theo quan điểm riêng, ông định nghĩa như thế nào về VHDN?

ban sac van hoa chia khoa thanh cong
Ông Phan Quốc Việt

Ông Phan Quốc Việt: Để định nghĩa về VHDN trước hết phải đặt nó trong văn hóa nói chung. Văn hóa đầu tiên phải là bản sắc, sự khác biệt, ví như văn hóa của mỗi quốc gia đều có sự độc đáo và phải trường tồn. Văn hóa là sản phẩm của loài người, được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, duy trì sự bền vững và trật tự xã hội...

VHDN là văn hóa của một tổ chức, liên quan đến nhận thức và hành xử của các thành viên đối với bên trong và bên ngoài tổ chức đó. Đồng thời, văn hóa của tổ chức chính là sự hiện diện sinh động và cụ thể nhất của tổ chức mà mọi người có thể dễ dàng nhận ra.

VHDN chịu ảnh hưởng rất lớn từ người đứng đầu, mặc dù họ không phải là người tạo ra văn hóa đó. Nhưng những nét đặc trưng của họ sâu đậm trong văn hóa của DN. Chính vì vậy, không có chuyện văn hóa của DN này giống DN kia. Và người đứng đầu, nói như một nhà kinh tế học nổi tiếng, khi chọn cộng sự phải chọn người hợp về văn hóa rồi mới chọn đến tài năng, nghĩa là VHDN phải là sự đồng tâm, đồng hướng. Nói một cách hình tượng: VHDN là cái không thể thiếu khi ta có tất cả, là cái còn lại khi tất cả đã mất. Điều cốt lõi trong VHDN chính là tinh thần và giá trị của DN.

PV: Có nhiều người quan niệm, chỉ những hoạt động nhìn, chạm vào được như biểu diễn nghệ thuật, bắt tay, đi đứng, chào hỏi… mới thể hiện rõ VHDN. Như vậy có đúng không, thưa ông?

Ông Phan Quốc Việt: VHDN liên quan đến cả đời sống tinh thần và vật chất, thể hiện trong cái vô hình và hữu hình của DN đó.

Ông Phan Quốc Việt: “Người đứng đầu không tạo ra VHDN nhưng mang dấu ấn sâu đậm trong văn hóa đó. Nếu họ là cá nhân xuất sắc sẽ tạo ra cộng đồng xuất sắc - một cộng đồng văn hóa mang bản sắc riêng không lẫn vào đâu để trở thành nền tảng cho sự thành công của DN”.

Cái vô hình chính là giá trị của DN mà mỗi nhân viên phải thấm nhuần, là niềm tin, thái độ, tâm trạng, cảm xúc, là phong cách làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, hết mình vì DN và sáng tạo…

Hữu hình là những hoạt động bề nổi có thể nhìn, chạm vào được như hoạt động văn hóa nghệ thuật, trang phục làm việc, môi trường làm việc, cấu trúc tổ chức, quan hệ…

Như vậy, VHDN không chỉ là hoạt động bề nổi mà là cả cái rất riêng, chỉ có thể cảm nhận. Riêng hành vi bắt tay, chào hỏi, gọi điện thoại… theo tôi chỉ là hành vi văn minh theo từng thời đại, vùng miền, chứ không phải là bản sắc văn hóa.

Không có bản sắc không có phát triển

PV: Vậy VHDN có tác động như thế nào đối với sự phát triển của DN?

Ông Phan Quốc Việt: Trước hết phải khẳng định, VHDN là giá trị cốt lõi để trường tồn và phát triển. Vì văn hóa tạo nên bản sắc riêng cho DN và chính cái riêng đó làm cho DN phát triển.

ban sac van hoa chia khoa thanh cong
Lễ khai mạc Tuần lễ Văn hóa Dầu khí lần thứ X năm 2017

Để hình thành bản sắc riêng cho VHDN thì điều đầu tiên phải đặt câu hỏi tại sao thành lập và phát triển DN này, nó sẽ tạo ra giá trị gì cho xã hội (tầm nhìn và sứ mệnh)? Đây là câu hỏi quan trọng nhất làm nền tảng cho giá trị cốt lõi chính là cách thức, phương pháp để xây dựng, phát triển DN và đó cũng chính là phần nào văn hóa đặc thù của DN.

PV: Thưa ông, lợi nhuận không được tính đến sao?

Ông Phan Quốc Việt: Không phải là không tính, mà do đặc thù của DN là làm kinh tế nên nó là thước đo, hệ quả của VHDN và là mục tiêu cuối cùng của DN trong quá trình xây dựng và phát triển. Nếu như DN nào cũng chỉ nghĩ đến kiếm tiền, lợi nhuận thì tất cả đều giống nhau, không có bản sắc văn hóa dẫn đến khó tồn tại và phát triển bền vững.

PV: Như vậy có thể hiểu VHDN phải là sự kết hợp cả văn hóa và kinh tế?

Ông Phan Quốc Việt: Đúng vậy. Vì kinh doanh không có lợi nhuận thì không gọi là kinh doanh, DN cũng không có cơ sở để tồn tại và phát triển. Nhưng để cho việc phát triển đó bền vững với giá trị đích thực, đạt được sứ mệnh và tầm nhìn đã đặt ra, thì phải có gốc là VHDN. Theo tôi, đây là mối quan hệ biện chứng.

PV: Theo ông, dấu ấn cá nhân của người đứng đầu mà VHDN chịu ảnh hưởng hay văn hóa do tập thể DN đó tạo nên là chìa khóa thành công?

Ông Phan Quốc Việt: Tôi nghĩ là cả hai. Vì DN là một cộng đồng và văn hóa do cộng đồng tạo nên chứ một cá nhân không tạo được, chỉ là ảnh hưởng thôi. Người đứng đầu không tạo ra VHDN nhưng mang dấu ấn sâu đậm trong văn hóa đó. Nếu họ là cá nhân xuất sắc sẽ tạo ra cộng đồng xuất sắc - một cộng đồng văn hóa mang bản sắc riêng không lẫn vào đâu để trở thành nền tảng cho sự thành công của DN. Một trong những sự xuất sắc ở đây theo tôi chính là họ đã chọn được cộng sự phù hợp về văn hóa, sau mới đến tài năng. Điều đó cho thấy họ đồng tâm, đồng hướng, cộng hưởng phát triển. Hiểu đơn giản sự thành công của VHDN như thế này: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cậy chụm lại nên hòn núi cao”, hay “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”.

TS Phạm Văn Phổ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Hà Nội: “Xây dựng VHDN là một quá trình kiên nhẫn, lâu dài và đòi hỏi ý chí lớn lao của từng nhà lãnh đạo, cán bộ công ty. Để xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, trước hết phải là ý chí xây dựng văn hóa của lãnh đạo DN, sau đó phải qua công tác giáo dục để nhân viên hiểu, chấp nhận chia sẻ và đi đến sự đồng thuận trong cộng đồng DN đó”.

PV: Ông nhận xét như thế nào về văn hóa của các DN Việt hiện nay?

Ông Phan Quốc Việt: Văn hóa của không ít DN hiện nay đang xây dựng theo chiều hướng ảnh hưởng từ tiêu cực của nền kinh tế thị trường, đó chính là lấy tiền làm mục tiêu lớn nhất và đầu tiên, quên mất sứ mệnh rất lớn của DN là tạo ra giá trị cho xã hội. Chính vì xây dựng VHDN như vậy, hay nói chính xác hơn là quan niệm giá trị của VHDN thay đổi như vậy, nên không ít DN thất bại, phá sản. Còn giả sử trong trường hợp nếu chỉ đánh giá dựa trên lợi nhuận thì sự phát triển đó cũng chỉ là “ăn xổi” không bền vững, bởi không có gốc là VHDN.

PV: Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó?

Ông Phan Quốc Việt: Nó bắt đầu từ người đứng đầu, xác định giá trị sai cho VHDN dẫn đến sai cả trong đường hướng phát triển. Bởi theo dõi từ nhiều DN thất bại, tôi thấy như vậy. “Không ai tắm từ vai trở xuống”!

Sức mạnh của “Văn hóa Dầu khí”

PV: Đã từng công tác lâu năm tại Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, ông nhận định như thế nào về văn hóa của ngành Dầu khí?

Ông Phan Quốc Việt: Do điều kiện, môi trường và yêu cầu của công việc nên dầu khí có thể nói là một ngành có văn hóa rất đặc thù: Người dầu khí trình độ học vấn cao, làm việc quyết liệt, nhanh nhạy, năng động, sáng tạo, biết hy sinh, cống hiến cho ngành, hội nhập tốt (do làm việc nhiều với đối tác nước ngoài), tiếp cận công nghệ cao nhanh, đặc biệt là đóng góp cho xã hội lớn do doanh thu lớn so với nhiều ngành nghề khác.

ban sac van hoa chia khoa thanh cong
PVFCCo tặng quà gia đình chính sách tại TP HCM

Nói đến Văn hóa Dầu khí còn phải nói đến tính gắn kết, mạo hiểm và tính truyền thống, kế thừa rất lớn. Chính vì có sức mạnh văn hóa như vậy mà ngành Dầu khí rất phát triển, có thể sánh ngang tầm thế giới như hiện nay.

PV:Những khó khăn đang diễn ra trong ngành Dầu khí, theo ông, nguyên nhân do dâu?

Ông Phan Quốc Việt: Với những khó khăn đang diễn ra của ngành Dầu khí mà ai cũng biết, một phần do nguyên nhân khách quan, giá dầu thế giới xuống thấp một cách chưa từng thấy trong lịch sử. Một phần khác theo tôi là do ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường tới một số cá nhân đã làm ngành Dầu khí đã khó khăn càng khó khăn hơn. Với bản sắc của “Văn hóa Dầu khí”, của người dầu khí, tôi tin rằng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ vượt qua gian khó để tiếp tục phát triển vững mạnh, xứng đáng với vai trò là tập đoàn kinh tế “đầu tàu” của nền kinh tế nước ta.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

ban sac van hoa chia khoa thanh cong
Hội diễn “Tiếng hát những người đi tìm lửa” lần thứ V

“Văn hóa Dầu khí” - Tinh thần làm chủ

Mục tiêu xây dựng và phát triển “Văn hóa Dầu khí” là xây dựng con người dầu khí phát triển toàn diện, có đời sống vật chất ngày càng cao và đời sống tinh thần ngày càng phong phú. Một trong những nội dung “Văn hóa Dầu khí” rất quan trọng là người lao động được dân chủ tham gia quyết định mọi hoạt động của đơn vị từ việc thảo luận và giải quyết những vấn đề liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, đời sống, việc làm, thu nhập…

ban sac van hoa chia khoa thanh cong
Hội thi Tìm hiểu quy ước một PVOIL

Doanh nghiệp là một thực thể văn hóa

Để “Văn hóa Dầu khí” đi vào cuộc sống, để DN thành một thực thể văn hóa, không phải cứ định ra vô số những quy tắc mà cốt yếu phải làm sao biến các quy tắc đó thành hơi thở cuộc sống, biến thành sức mạnh tạo nên sự trường tồn của DN. “Văn hóa Dầu khí” được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ. Mỗi đơn vị thành viên trong Tập đoàn đã hình thành những nét văn hóa riêng, vừa phát huy được giá trị văn hóa chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa xây dựng bản sắc văn hóa phù hợp với tính chất đặc thù của DN.

Tú Anh

DMCA.com Protection Status