Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 11/10 - 17/10

09:11 | 18/10/2021

3,038 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Các tin chính của ngành năng lượng trong nước tuần qua, từ ngày 11/10 đến 17/10/2021.

Khánh thành hai công trình giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo tại Quảng Trị

cắt băng khánh thành công trình
Cắt băng khánh thành công trình

Ngày 16/10, tại Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) khánh thành hai công trình góp phần giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo tại Quảng Trị là trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo.

Dự án đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo có quy mô xây dựng mới đường dây 220kV mạch kép dài khoảng 47,3 km với 124 vị trí cột, đi qua các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Công trình được khởi công ngày 19/6/2019 và hoàn thành đóng điện ngày 1/10/2021.

TBA 220kV Lao Bảo (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) có quy mô xây dựng mới trạm biến áp 220/110/22kV với quy mô 2 máy biến áp, công suất 500MVA và mở rộng 02 ngăn xuất tuyến 220kV tại TBA 220kV Đông Hà. Công trình được hoàn thành đóng điện ngày 13/9/2021.

Đây là công trình điện cấp bách để truyền tải hết công suất tại các nhà máy điện gió phía Tây tỉnh Quảng Trị và các thủy điện nhỏ trong khu vực lên hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cung cấp điện một cách an toàn và tin cậy cho phụ tải các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).

Đóng điện trạm biến áp 110kV Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (Tiền Giang)

Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 có công suất thiết kế 50MW
Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 có công suất thiết kế 50MW.

Ngày 15/10, chủ đầu tư, tổng thầu và các đơn vị liên quan phối hợp đóng điện thành công và an toàn trạm biến áp 110kV Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 tại địa bàn xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Nhà máy có công suất thiết kế 50MW gồm 12 trụ tuabine gió với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Dự kiến khi đưa vào vận hành thương mại, dự án sẽ cung cấp lượng điện khoảng 153,4 GWh/năm.

Trạm biến áp 110kV được đóng điện thành công và an toàn là bước tiến quan trọng trong việc đưa Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 đi vào vận hành phát điện thương mại đúng theo tiến độ đề ra, giúp bổ sung thêm nguồn năng lượng sạch lên lưới điện, nâng cao khả năng cung cấp điện và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Tiền Giang và các khu vực lân cận.

11/106 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại

Các nhà máy điện gió cần được công nhận vận hành thương mại trước thời điểm 31/10/2021.
Các nhà máy điện gió cần được công nhận vận hành thương mại trước thời điểm 31/10/2021. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Văn bản số 6302/EVN-TTĐ về việc công nhận Ngày vận hành thương mại (COD) và vận hành các dự án nhà máy điện gió. Văn bản này sẽ thay thế văn bản số 5375/EVN-TTĐ ngày 1/9/2021 của EVN về bổ sung hồ sơ được công nhận Ngày vận hành thương mại Nhà máy điện gió đã gửi chủ đầu tư các dự án điện gió.

Theo thông tin cập nhật mới nhất về tiến độ công nhận COD đối với các nhà máy điện gió tính đến ngày 15/10, đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại. Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là trên 5.655 MW.

Trong số này đã có 11 nhà máy điện gió (NMĐG) với tổng công suất 443 MW đã được công nhận vận hành thương mại COD bao gồm: NMĐG Hòa Bình 1 - giai đoạn 2 có tổng công suất 42,6 MW; NMĐG số 5 Bình Thuận có tổng công suất 46,2 MW; NMĐG 7A; NMĐG Đông Hải 1 giai đoạn 2 có tổng công suất 46,2 MW; NMĐG EA Nam tổng công suất 12,6MW; NMĐG BIM với tổng công suất 88 MW; Phương Mai 1 công suất 24 MW, Hướng Tân 46,2 MW, Tân Linh 46,2 MW, Nhơn Hòa 1 với 25,2 MW, Nhơn Hòa 2 với 29 MW.

EVN cho biết, sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin về tiến độ công nhận vận hành thương mại các dự án điện gió trước thời điểm ngày 31/10/2021.

Ninh Thuận tìm nhà đầu tư khảo sát hai dự án điện gió ven biển

Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 11/10 - 17/10
Tìm nhà đầu tư khảo sát hai dự án điện gió ven biển Ninh Thuận. (Ảnh minh họa)

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận mới đây đã ban hành thông báo số 3721/TB-SKHĐT về việc đăng ký khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch một số dự án điện gió ven biển trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Cụ thể, dự án điện gió ven biển vùng 1 thuộc vùng biển huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận với diện tích khảo sát khoảng 1.060,09 ha, công suất dự kiến phát triển khoảng 200 MW. Dự án điện gió ven biển vùng 3 thuộc vùng biển huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận với diện tích khảo sát khoảng 912,74 ha, công suất khoảng 180 MW.

Nhà đầu tư tham gia đầu tư trực tiếp hoặc nhà đầu tư là thành viên trong liên doanh phải có năng lực kinh nghiệm phù hợp để triển khai dự án, được chứng minh bằng tài liệu đã đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có tổng quy mô tương đương 70% trở lên so với công suất dự án đăng ký. Ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm triển khai các dự án năng lượng tái tạo có quy mô cao hơn.

Về quy mô, dự án đăng ký phải có quy mô tối thiểu 200 MW đối với vị trí V1 và 180 MW đối với vị trí V3. Ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư đề xuất dự án có quy mô cao hơn trong cùng một vị trí, đồng thời có kinh nghiệm triển khai dự án điện gió biển và đóng góp an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhiều hơn.

Việt Nam - Hoa Kỳ đối thoại về an ninh năng lượng lần thứ 3

Đối thoại An ninh năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 3 diễn ra theo hình thức trực tuyến
Đối thoại An ninh năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 3 diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Đối thoại An ninh năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 3 diễn ra trong hai ngày 14 - 15/10 theo hình thức trực tuyến. Đối thoại do ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương và bà Anna Shpitsberg, Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đồng chủ trì.

Đối thoại An ninh năng lượng lần thứ 3 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là thời điểm phù hợp để Việt Nam và Hoa Kỳ cập nhật cho nhau về kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia theo các định hướng chuyển dịch năng lượng phù hợp với xu hướng giảm nhẹ biến đối khí hậu toàn cầu.

Đối thoại gồm 4 phiên trao đổi về các chủ đề: chuyển dịch năng lượng; phát triển lưới điện và tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện; phát triển điện gió; lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện, năng lượng tái tạo. Sự kiện tạo điều kiện để hai bên hiểu biết sâu sắc hơn về tình hình phát triển năng lượng mỗi nước, giúp mở rộng hơn nữa những cơ hội hợp tác giữa các cơ quan quản lý cũng như gia tăng dự án hợp tác cụ thể giữa các doanh nghiệp hai bên.

Hoa Kỳ tài trợ phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam

Ảnh minh họa
Hệ thống pin lưu trữ năng lượng. (Ảnh minh họa)

Ngày 15/10, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM công bố tài trợ 2,96 triệu Đô la cho Công ty AMI AC Renewables thực hiện dự án thí điểm phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam.

Thỏa thuận tài trợ được ký kết bên lề Đối thoại an ninh Năng lượng Hoa Kỳ - Việt Nam, giữa hái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam và Công ty AMI AC Renewables. Dự án này được hình thành tiếp sau nghiên cứu về tính khả thi trong việc sử dụng công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam do Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) tài trợ.

Dự án sẽ sử dụng công nghệ và thiết bị hàng đầu của Hoa Kỳ nhằm cho thấy hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến có thể góp phần giảm tổn thất năng lượng và giúp Việt Nam tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn vào hệ thống năng lượng quốc gia. Dự án này sẽ được xây dựng và kết nối với nhà máy điện mặt trời với công suất 50MW của công ty AMI AC Renewables tại tỉnh Khánh Hòa.

Hơn 22 tỷ USD vốn đầu tư từ châu Âu đã rót vào Việt Nam

Vốn đầu tư của các tập đoàn lớn từ châu Âu lên tới 22 tỷ USD
Vốn đầu tư của các tập đoàn lớn từ châu Âu lên tới 22 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Trong báo cáo Chính phủ vừa gửi Quốc hội cho thấy, trao đổi thương mại, vốn đầu tư trực tiếp từ các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU) rót vào Việt Nam tăng mạnh sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020. Đến hết tháng 9, hơn 22 tỷ USD vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn của châu Âu đã rót vào Việt Nam, tăng gần nửa tỷ USD so với cùng kỳ dù chịu tác động của Covid-19.

Cụ thể, EU đã có 2.242 dự án của 26 trong số 27 nước thành viên rót vào Việt Nam, tăng 164 dự án so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đăng ký số dự án này đạt 22,24 tỷ USD, tăng 483 triệu USD so với cùng kỳ 2020. Hà Lan là quốc gia đứng đầu với 382 dự án, tổng vốn gần 10,4 tỷ USD (chiếm gần 46,5% vốn đầu tư EU vào Việt Nam). Pháp đứng thứ 2 với 3,62 tỷ USD, kế đến là Đức 2,25 tỷ USD.

Để đón làn sóng đầu tư từ các quốc gia thành viên EU, nhiều địa phương đã chú trọng chuẩn bị quỹ đất sạch trong và ngoài khu công nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, các địa phương cũng tập trung hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế và chính sách khuyến khích đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Lâm Anh (tổng hợp)

Bản tin năng lượng xanh: Chevron và thế giới cam kết không phát thải carbon ròng Bản tin năng lượng xanh: Chevron và thế giới cam kết không phát thải carbon ròng
Bản tin Dầu khí 15/10: Thế giới sẽ không bao giờ rời bỏ hoàn toàn hydrocacbon Bản tin Dầu khí 15/10: Thế giới sẽ không bao giờ rời bỏ hoàn toàn hydrocacbon
Bản tin Dầu khí 14/10: Israel dừng cấp giấy phép thăm dò dầu khí Bản tin Dầu khí 14/10: Israel dừng cấp giấy phép thăm dò dầu khí
Bản tin năng lượng xanh: lưu trữ năng lượng toàn cầu, đặc biệt là năng lượng tái tạo sẽ tăng mạnh Bản tin năng lượng xanh: lưu trữ năng lượng toàn cầu, đặc biệt là năng lượng tái tạo sẽ tăng mạnh
Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 4/10 - 10/10 Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 4/10 - 10/10

DMCA.com Protection Status