Bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau: An toàn, hiệu quả, tiết kiệm
Việc bảo dưỡng tổng thể (BDTT) Nhà máy Đạm Cà Mau được thực hiện định kỳ hàng năm và đây là đợt BDTT lần thứ 4 của Nhà máy kể từ khi bắt đầu chạy thử vào tháng 11 năm 2011. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, đợt đại tu Nhà máy lần bày có quy mô lớn với hàng ngàn thiết bị máy móc được kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì, nhằm đảm bảo khả năng vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả. Từ trước đến nay, các đợt BDTT đều diễn ra tốt đẹp, đảm bảo các tiêu chí an toàn tuyệt đối, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm.
Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau – ông Văn Tiến Thanh cho biết, để chuẩn bị kế hoạch toàn diện cho đợt bảo dưỡng tổng thể này, trước đó, PVCFC đã phối hợp chặt chẽ cùng Nhà máy để đưa ra kế hoạch tiến độ tổng thể, phê duyệt các hạng mục công việc và dự toán chi phí, thành lập Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy công trường và ban hành chức năng nhiệm cụ các tổ/đơn vị trực tiếp tham gia bảo dưỡng.
Thời điểm bảo dưỡng năm nay cũng rơi vào thời điểm một số hạng mục máy móc đến chu kỳ cần đại tu sau gần 4 năm hoạt động, vì vậy khối lượng công việc trong đợt bảo dưỡng tăng lên khá nhiều. Mọi năm công tác bảo dưỡng thường chỉ có khoảng hơn 2000 đầu mục công việc cần thực hiện, tuy nhiên năm 2015 tổng các đầu mục công việc lên đến xấp xỉ 4000. Công việc tập trung phần lớn vào một số máy móc thiết bị đặc biệt như hệ thống cao áp của xưởng urea, một số hạng mục bơm nước sông, van điều khiển,... Tất cả các thiết bị liên quan đều được tháo ra và đại tu trong đợt này.
Bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau |
Để giải quyết được tất cả các đầu việc trên chỉ trong vòng 16 ngày, Giám đốc Văn Tiến Thanh cho biết Nhà máy đã có những bước chuẩn bị từ tháng 9 năm 2014, sau khi kết thúc đợt bảo dưỡng định kỳ năm ngoái; các công việc lập kế hoạch, mua sắm vật tư, thuê các dịch vụ phụ trợ đã sớm bắt đầu được thực hiện. Đây gần như là một chuỗi công việc phải làm liên tục và lặp đi lặp lại hàng năm.
Với sự tập trung cao độ các nguồn lực, sự đoàn kết, nhất trí và tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm cao của đội ngũ CBCNV Nhà máy và các Ban liên quan của PVCFC, cộng với sự chỉ đạo sát sao và điều hành quyết liệt của Ban lãnh đạo PVCFC, Ban Quản lý Bảo dưỡng, đợt BDTT Nhà máy Đạm Cà Mau lần này đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các tiến độ đã đề ra. Công tác bảo dưỡng được triển khai với nguyên tắc tuyệt đối đảm bảo an toàn, đồng thời bảo đảm về chất lượng, tiết kiệm chi phí. Quá trình bảo dưỡng Nhà máy được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, chính xác và an toàn, nhiều hạng mục phải thay phiên các ca kíp để thực hiện 24/24 với sự tham gia của toàn bộ cán bộ và kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật của PVCFC cùng các chuyên gia, nhân sự của các đơn vị trong ngành như PVFCCo, BSR, PV Tex, PVU... và các nhà thầu dịch vụ.
Giám đốc Văn Tiến Thanh chia sẻ: Tham gia đợt bảo dưỡng lần này Đạm Cà Mau đã phải huy động lực lượng khá lớn, trong đó lượng nhân lực thuê bổ sung thêm khoảng 400 công nhân kỹ thuật, đồng thời liên hệ thêm với các đơn vị bạn như Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất,... Trên tinh thần chung là phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa các đơn vị trong ngành từ xưa đến nay, các đơn vị sẽ thay phiên cắt cử nhân lực hỗ trợ lẫn nhau trong những đợt sửa chữa bảo dưỡng tổng thể hàng năm. Ngoài việc hỗ trợ nhau, đây còn là dịp để các đơn vị giao lưu học hỏi, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ chế biến hóa chất dầu khí.
Về công tác mua sắm vật tư phục vụ cho đợt BDTT lần này, PVCFC đã áp dụng hệ thống nhận diện các vật tư trùng, đánh giá các vật tư tồn kho, do vậy việc quản lý vật tư thiết bị hiện có đã nằm trong tầm kiểm soát, tránh việc mua bổ sung thêm các vật tư thiết bị đã có gây lãng phí. Tuy nhiên, cũng có những thiết bị máy móc đến khi được tháo ra mới có thể biết được cần sửa chữa, thay thế những gì. Vì vậy công tác tính toán đặt mua vật tư, phụ tùng thay thế cho các thiết bị này cũng chỉ mang tính ước lượng. Chính vì vậy, sau mỗi lần mua sắm cho các đợt bảo dưỡng, Nhà máy Đạm Cà Mau đều thực hiện thống kê so sánh giữa nhu cầu và lượng vật tư tồn kho để luôn đảm bảo chi phí hợp lý nhất.
Như các đợt BDTT hàng năm, năm nay, công tác an ninh an toàn tiếp tục được triển khai chặt chẽ. Nhà máy Đạm Cà Mau đã tổ chức phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị PVS, PA81 trong công tác kiểm soát các nhân sự thuê ngoài ra vào khu vực công nghệ, không có tình trạng mất mát vật tư, trang thiết bị. 100% lực lượng nhà thầu thuê ngoài được đào tạo an toàn, kiểm soát thông tin cá nhân, có giấy khám sức khỏe đầy đủ. Trong suốt quá trình bảo dưỡng không xảy ra bất kỳ tai nạn, sự cố nào. Toàn bộ các hạng mục thi công đều tuân thủ quy trình cấp phép của bộ phận công nghệ và an toàn. Phương án xả thải cô lập thiết bị và xử lý xúc tác thay thế được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy trình, từ khi bắt đầu bảo dưỡng đến nay không xảy ra bất kỳ sự cố nào ảnh hưởng đến môi trường.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng kiểm tra hiện trường bảo dưỡng |
Công tác BDTT Nhà máy Đạm Cà Mau cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ phía lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Cụ thể, Phó TGĐ Tập đoàn Lê Mạnh Hùng cùng đoàn công tác đã trực tiếp đến thăm Cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên Nhà máy nhằm động viên, đôn đốc, kiểm tra công tác BDTT. Trong chuyến công tác ngày 20/08 vừa qua, Phó TGĐ Tập đoàn Lê Mạnh Hùng đã đi kiểm tra hiện trường bảo dưỡng của từng phân xưởng Nhà máy, đến từng vị trí sản xuất, gặp gỡ cán bộ, kỹ sư và công nhân đang thực hiện công tác bảo dưỡng. Nội dung trong đợt bảo dưỡng lần này bao gồm xử lý các tồn đọng về máy móc, thiết bị trong quá trình vận hành; thực hiện các thay đổi, cải tiến về công nghệ, kỹ thuật; kiểm tra, kiểm định các thiết bị chịu áp, đường ống, van an toàn và bảo dưỡng cơ hội với các thiết bị chính chỉ có thể thực hiện khi dừng máy.
Sau khi nghe các báo cáo chi tiết từ khối Vận hành sản xuất, khối Bảo dưỡng sửa chữa, đồng chí Lê Mạnh Hùng đánh giá cao tinh thần năng động, tích cực và sáng tạo trong công tác lập kế hoạch và triển khai các hạng mục bảo dưỡng nhà máy Đạm Cà Mau. Việc lập kế hoạch chi tiết dẫn đến việc triển khai đảm bảo các hạng mục bảo dưỡng theo đúng tiến độ và lộ trình. Đồng thời nhắc nhở tập thể cán bộ, kỹ sư và công nhân làm công tác vận hành, bảo dưỡng cần thực hiện nghiêm các quy trình, quy phạm kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho vận hành sản xuất. Bên cạnh đó, đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng có những chỉ đạo cụ thể về công tác quản lý vật tư hàng tồn kho cũng như công tác phối hợp giữa các nhà máy sản xuất trong nước.
Bên cạnh những quyết tâm, nỗ lực từ Ban lãnh đạo PVCFC, Ban lãnh đạo Nhà máy cùng cán bộ, kỹ sư, công nhân viên PVCFC; thành công đạt được trong công tác bảo dưỡng, vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau từ khi đi vào hoạt động cho đến nay còn phải kể đến những đề tài, sáng kiến, cải tiến, hợp lý hoá sản xuất của anh em cán bộ, kỹ sư nhà máy. Nhà máy Đạm Cà Mau luôn được đánh giá là nơi có phong trào sáng kiến phát triển mạnh nhất, có tính ứng dụng cao của PVCFC.Ngoài những sáng kiến làm lợi nhiều tỷ đồng còn có những sáng kiến không tính được bằng tiền nhưng đã góp phần cải tiến môi trường làm việc, làm gia tăng tuổi thọ thiết bị, máy móc, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn.
Trong suốt quá trình vận hành, bảo dưỡng nhà máy, những cá nhân, tập thể có ý tưởng, có sáng kiến, có kết quả nghiên cứu dù nhỏ đều được ghi nhận, đánh giá và khen thưởng xứng đáng. Đây trở thành động lực mạnh mẽ giúp cho Cán bộ kỹ sư Nhà máy luôn không ngừng học tập, phát huy tính sáng tạo, đưa những nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn. Những sáng kiến đó cũng chính là những nỗ lực, tâm huyết, sự gắn bó của cán bộ, kỹ sư, công nhân viên đối với PVCFC nói riêng và ngành dầu khí nói chung trong suốt chặng đường dài phát triển. Từ đó tiến tới sẵn sàng trở thành những “cán bộ hạt nhân” trong việc tư vấn, hỗ trợ vận hành các nhà máy sản xuất có công nghệ phức tạp, tiên tiến khác trong nước và trên thế giới, mở lối tiên phong cho công cuộc “xuất khẩu chuyên gia” Việt Nam sang thị trường Quốc tế.
Nguyên Phương
Năng lượng Mới