Brazil thách thức Trung Quốc ở châu Phi

19:00 | 08/01/2013

1,672 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Người ta đã tốn nhiều giấy mực để viết về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi vì nguồn tài nguyên năng lượng và khoáng sản, song không hiểu sao các nhà bình luận lại ít viết về một quốc gia đang nổi lên như một đối thủ của Trung Quốc ở lục địa đen. Quốc gia đó là Brazil!

Cuộc tấn công của “người khổng lồ” Nam Mỹ

Brazil dưới thời cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva cũng như đương kim Tổng thống Dilma Rousseff đã thể hiện một chính sách hướng mạnh vào châu Phi, có thể mang lại cho họ những lợi ích to lớn trong tương lai, không chỉ bởi đây là một thị trường rộng lớn mà còn bởi những lợi thế về tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản mà lục địa này sở hữu. Sau những làn sóng ồ ạt mở rộng sứ mệnh ngoại giao ở châu Phi trong suốt một thập niên qua, Brazil hiện đã có 36 đại sứ quán trên khắp “lục địa đen”. Chuyến thăm gần đây của Tổng thống Dilma Rousseff tới Nam Phi, Mozambique và Angola đã tiếp tục củng cố mối quan hệ kinh tế vững chắc với châu lục này. Đồng thời, sự tập trung đầu tư vào châu Phi bằng những dự án viện trợ và cho vay cũng phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ ở Brazil, từ một nước từng phải tiếp nhận viện trợ nay đã trở thành một nhà cung cấp thực sự.

Các công ty Brazil hiện mới chỉ tập trung nhiều vào lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là than đá ở châu Phi

Năm 2001, số tiền mà các công ty Brazil đầu tư vào châu Phi mới chỉ đạt con số 69 tỉ USD nhưng tới năm 2009, con số này đã tăng hơn gấp 3 lần lên khoảng hơn 210 tỉ USD. Các công ty Brazil hiện mới chỉ tập trung nhiều vào lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là than đá. Ví dụ như vỉa than tại Mozambique được Tập đoàn Khai khoáng Vale đầu tư khai thác. Bên cạnh đó, Vale cũng đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá và cảng để vận chuyển hàng hóa phục vụ việc khai thác. Một doanh nghiệp khác của Brazil là Construtora cũng đang xúc tiến xây dựng một phần của cảng Nacala, Mozambique để phục vụ cùng mục đích như trên.

Đầu tiên các công ty Brazil mới chỉ tập trung vào những quốc gia như Angola hay Mozambique do sự tương đồng về ngôn ngữ nhưng giờ đây, hoạt động đã được mở rộng ra toàn châu Phi như Algeria, Congo và Guinea. Bên cạnh đó, đầu tư vào dầu khí ở lục địa đen cũng đang được quốc gia Nam Mỹ chú trọng. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil Petrobras hiện đã khuếch trương hoạt động của mình tại 28 nước châu Phi. Ở khu vực Tây Phi, mục tiêu chính của Petrobras là tìm kiếm nguồn dầu thô nhẹ, đồng thời tìm kiếm cơ hội khai thác ở vùng nước cực sâu mà họ rất có thế mạnh.

“Món nợ lịch sử”

Dù tấn công ồ ạt như vậy nhưng hiện nay Brazil vẫn còn xếp sau Trung Quốc về những dự án đầu tư tại “lục địa đen”. Đối thủ của đất nước Nam Mỹ không phải là “người mới đến” tại châu Phi. Trong thập niên 60-70 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã hỗ trợ nhiều phong trào giải phóng dân tộc, cung cấp vũ khí cho các chính phủ hậu độc lập và đầu tư nhiều vào các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Phi. Bắc Kinh coi sự hiện diện của họ tại châu Phi là sự tiếp nối di sản như một mục tiêu địa chính trị quan trọng trên con đường trở thành cường quốc lớn. Hơn nữa, trước việc những khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ đã bị Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Nga chiếm lĩnh từ lâu, châu Phi trở thành địa bàn trọng điểm để Trung Quốc bảo đảm nguồn cung năng lượng và nhiều nguồn nguyên liệu khác.

Khoảng 1/3 lượng dầu mỏ nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Trung Đông và 1/3 là từ các nước châu Phi như Angola, Congo, Guine và Sudan. Những quốc gia này xuất khẩu 85% sản lượng dầu khai thác được qua Trung Quốc. Mặc dù trữ lượng dầu mỏ của châu Phi tới nay được dự đoán chỉ chiếm 9% của thế giới, rất khiêm tốn so với con số 62% của Trung Đông nhưng tiềm năng vẫn còn chưa được định lượng hết và đó chính là hy vọng mà Trung Quốc đang muốn giành về phía mình.

Các doanh nghiệp tới từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có lợi thế hơn hẳn Brazil về tài chính và kỹ thuật. Tuy nhiên, cường quốc Nam Mỹ cũng có những ưu thế riêng của mình để có thể cân bằng với dòng vốn khổng lồ của Bắc Kinh.

Không giống như Trung Quốc đang phải đấu tranh để giành giật tài nguyên cho công cuộc phát triển, Brazil hiện là nước khá giàu tài nguyên và là một nước xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới.Brazil tìm đến châu Phi để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình trong các lĩnh vực như thực phẩm, giống cây trồng và nông cụ, đồng thời quốc tế hóa sản phẩm của các tập đoàn chủ chốt của mình, như Petrobras hay Vale.

Khi đầu tư vào châu Phi, Brazil nhấn mạnh cam kết đối với quyền lợi của người lao động, nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chính sách bền vững về xã hội và môi trường, vấn đề mà Trung Quốc luôn né tránh. Đơn cử như chuyện tỷ lệ người lao động bản xứ trong các công ty của Brazil cao hơn hẳn so với các công ty Trung Quốc cũng khiến đất nước Nam Mỹ ghi điểm. Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc thường mang người Hoa tới thì hai doanh nghiệp lớn nhất của Brazil hoạt động tại đây thuê tới hơn 85% lao động là người bản xứ. Bên cạnh đó là các chương trình an sinh xã hội, y tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, huấn luyện, đào tạo dành cho các quốc gia châu Phi. Chẳng hạn, đối với Mozambique, Brazil đã cung cấp dịch vụ chăm sóc và thuốc men giá rẻ để điều trị HIV/AIDS hay các bệnh nhiệt đới khác mà họ có thế mạnh, đồng thời cung cấp nhiều học bổng cho các sinh viên theo học tại các trường đại học ở nước này.

Thực tế, các nhà lãnh đạo Brazil nhận thức rõ sự cần thiết phải xây dựng quan hệ công chúng một cách khôn ngoan. Cựu Tổng thống Lula da Silva từng nói: “Châu Phi không thể bị nhìn nhận như trước đây, tức là chỉ như một nguồn cung cấp khoáng sản và khí đốt. Chúng tôi phải tìm các đối tác châu Phi. Chúng tôi không muốn bá quyền mà chỉ muốn có đồng minh chiến lược”.Trong khi đó, giới kinh doanh Brazil cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chính sách bền vững về xã hội và môi trường. Tổng giám đốc Tập đoàn Khai khoáng Vale phát biểu: “Chúng tôi cần tăng cường đối thoại với người địa phương, bởi chúng tôi không muốn bị coi là một thế lực đế quốc”.

Thêm vào đó, ảnh hưởng về mặt văn hóa của châu Phi đối với Brazil là rất lớn, bởi có tới gần 90% dân số Brazil có nguồn gốc Phi. Trong thời kỳ thực dân, nô lệ châu Phi từ Angola, Congo và Modambique bị đưa tới cảng Rio de Janeiro, họ đã mang đến miền đất mới cả tôn giáo, âm nhạc, các điệu múa và phong cách ẩm thực. Đều phải chịu thân phận nô lệ, đói nghèo và áp bức, Brazil và châu Phi luôn chia sẻ di sản lịch sử chung của họ. Cựu Tổng thống Lula da Silva từng phát biểu gây xúc động lớn: “Đã đến lúc Brazil phải trả món nợ khổng lồ cho châu Phi. Máu người Phi đã thấm đẫm các đồn điền Brazil...”.

Chưa biết Brazil sẽ trả “món nợ lịch sử” đó như thế nào nhưng những gì mà quốc gia Nam Mỹ mang tới châu Phi đã thể hiện thông điệp hợp tác thiện chí của mình. Tuy nhiên, Brazil cũng cần rút ra kinh nghiệm từ bài học Trung Quốc để tránh bị coi là thiếu trách nhiệm đối với sự phát triển dài hạn của châu lục này cũng như giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ việc tìm kiếm lợi ích về mặt kinh tế.

Lê Văn (tổng hợp)

DMCA.com Protection Status