BSR: Vinh danh những đóng góp lặng thầm

16:31 | 15/05/2018

828 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong mỗi thành công của một doanh nghiệp đều có vai trò rất lớn của người lao động. Năm 2017 là một năm quan trọng trong hành trình phát triển của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) khi thực hiện hàng loạt những nhiệm vụ quan trọng. Đó là: Bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất lần thứ 3, thực hiện cổ phần hóa công ty và nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất. Tất cả các nhiệm vụ đó đều được tiến hành thành công với những đóng góp lặng thầm của cán bộ, đảng viên, người lao động BSR.

Người lao động BSR tạo nên một năm 2017 thành công

Năm 2017 tiếp tục là một năm thành công của BSR, và người lao động là hạt nhân chính để tạo nên thành công đó. Năm 2017, BSR đã hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đề ra các chỉ tiêu về sản lượng và các chỉ tiêu tài chính. Sản lượng sản xuất 6,1 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ gần 6,1 triệu tấn. Doanh thu ước đạt 80.517 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 10.392 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 8.035 tỷ đồng. Kế hoạch 2018, BSR đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu 78.392 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 8.326 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.473 tỷ đồng. Với đà tăng trưởng và sự ổn định trong vận hành của NMLD Dung Quất, chắc chắn BSR sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu tài chính 2018.

Năm 2017, NMLD Dung Quất vận hành liên tục, ổn định ở công suất trung bình 105% công suất thiết kế. Công tác bảo dưỡng tổng thể lần 3 vượt tiến độ hơn 1 ngày so với kế hoạch đề ra (tương đương kế hoạch chế biến dầu thô thêm 10 ngày).

Trong năm 2017, Xưởng Cơ khí đã được Tổ chức ASME và NB của Mỹ đánh giá thành công và nhận được bộ chứng chỉ U, S và R, xác nhận chính thức năng lực của xưởng trong việc chế tạo và sửa chữa thiết bị áp lực theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Xưởng Bảo dưỡng cũng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận trở thành Trung tâm hiệu chuẩn theo tiêu chuẩn ISO-17025.

bsr vinh danh nhung dong gop lang tham
Thực hiện công tác bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất lần thứ 3.

Năm 2017, BSR cũng đã lên kế hoạch thực hiện 19 giải pháp tối ưu hóa năng lượng. Tính đến nay, việc triển khai thành công 9/20 giải pháp, trong đó có 6 giải pháp đã được ước tính hiệu quả kinh tế tiết giảm cho Công ty khoảng 1,45 triệu USD/năm và một số lợi ích vô hình khác không tính được bằng tiền và 3 giải pháp đang trong giai đoạn thu thập số liệu và báo cáo hiệu quả kinh tế... Ngoài ra, BSR tiết kiệm chi phí trong năm 2017 so với kế hoạch ước đạt giá trị 932,82 tỷ đồng (vượt kế hoạch tiết kiệm cả năm là 97,2%). Đặc biệt, tính đến nay, BSR đạt được 16 triệu giờ công an toàn không có tai nạn lao động mất ngày công.

Khi nhận xét về một năm 2017 nhiều thành công của BSR, Chủ tịch Công đoàn BSR Khuất Thị Lê nói rằng: “Thành công ấy mang đậm dấu ấn của cán bộ, đảng viên, người lao động BSR qua thực tiễn được tôi luyện, qua những thử thách, chinh phục bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người lao động BSR nói riêng và ngành Dầu khí Việt Nam nói chung, đó là bản lĩnh, trí tuệ, đam mê”.

Những đóng góp lặng thầm

Ngày 16/5, Công đoàn BSR tổ chức tôn vinh 21 người lao động BSR tiêu biểu năm 2018 để ghi nhận, động viên, khích lệ tinh thần người lao động khi tất cả đã trải qua một năm 2017 với nhiều nhiệm vụ lớn lao.

21 người lao động tiêu biểu 2018 của BSR đến từ nhiều bộ phận trong công ty, từ phòng thí nghiệm, công trường đến những con người làm việc dưới biển. Điều đó chứng tỏ, ở bất kỳ đâu, bất kỳ bộ phận nào, BSR đều có những con người lao động hăng say, hết mình với công việc và có những đóng góp quan trọng cho thành công chung.

Chị Nguyễn Thị Thu Phượng là kỹ sư giám sát thiết bị của Ban Quản lý chất lượng. Trong năm 2017, chị Phượng đã quản lý công tác vận hành, kiểm tra, hiệu chuẩn, bảo dưỡng toàn bộ thiết bị của nhóm dầu thô và sản phẩm với hơn 100 thiết bị đa dạng về cơ sở lý thuyết cũng như nguyên lý vận hành; quản lý gần 90% dụng cụ hiệu chuẩn của phòng thí nghiệm.

bsr vinh danh nhung dong gop lang tham
Chị Nguyễn Thị Thu Phượng làm việc tại phòng thí nghiệm.

Chị Phượng và các đồng nghiệp một tháng nhận 3.974 mẫu sản phẩm dầu mỏ phòng thí nghiệm nhận từ bộ phận vận hành trung bình, trong đó có khoảng 254 mẫu phân tích FIA, 305 mẫu phân tích RON, 1.152 mẫu phân tích tỷ trọng, 124 mẫu phân tích benzen, 291 mẫu phân tích điểm chớp cháy, 298 mẫu phân tích áp suất hơi, 420 mẫu chưng cất… Vì vậy, bài toán tối ưu việc sử dụng hóa chất, thời gian phân tích, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thiết bị phân tích thí nghiệm, nhân lực… luôn được đặt ra. Với lý do này, chị Phương đã nghiên cứu ứng dụng thiết bị Quang phổ cận hồng ngoại (NIR) trong việc phân tích các sản phẩm dầu mỏ ở phòng thí nghiệm.

Chị Phượng giải thích, NIR là kỹ thuật phân tích dựa trên chương trình nhận dạng mẫu bằng phương pháp hình học to-pô. Đây là phương pháp xác định vị trí mẫu trong một không gian vectơ. So với các phương pháp phân tích ASTM thông thường cũng như các phương pháp phân tích trực tuyến, thời gian phân tích NIR rất ngắn, khoảng 1 phút/mẫu và đo được nhiều thành phần với nhiều đặc tính khác nhau. Một hệ thống NIR có thể phân tích 5-7 nhóm mẫu và xác định được 5-10 đặc tính trên một mẫu. Vì vậy, việc ứng dụng kỹ thuật phân tích NIR trong phòng thí nghiệm không những giảm thiểu thời gian phân tích mẫu (RON, chưng cất, FIA…), chi phí bảo trì, bảo dưỡng thiết bị và nâng cao tuổi thọ của thiết bị mà còn giảm thiểu hóa chất tiêu hao.

Năm 2017, chị Nguyễn Thị Thu Phượng cũng đã đề xuất và thực hiện thành công ý tưởng sử dụng kính hiển vi có gắn camera kỹ thuật số kết nối với máy tính của thiết bị đo dầu nhờn.

Khác với chị Nguyễn Thị Thu Phượng có những sáng kiến, cải tiến trong môi trường phòng thí nghiệm, anh Phạm Văn Đương ở Ban Quản lý Cảng biển lại đóng góp cho BSR từ những giờ phút trực tiếp bảo dưỡng thiết bị trong lòng biển. Anh Đương là người trực tiếp tham gia các công tác lặn bảo dưỡng, xử lý sự cố, các hạng mục dưới nước phao SPM; công tác lặn, khảo sát hút cát; lặn khảo sát vệ sinh cọc, họng hút nước biển; bảo dưỡng các thiết bị, dụng cụ của trạm lặn; tham gia công tác nhập dầu thô tại phao SPM.

bsr vinh danh nhung dong gop lang tham
Anh Phạm Văn Đương kiểm tra thiết bị lặn trước khi làm việc.

Trong suốt khoảng thời gian 4 năm công tác tại BSR, anh Đương luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao, không để xảy ra sự cố nào. Riêng trong đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3, anh Đương đã tham gia công tác giám sát nhà thầu thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, hỗ trợ nhà thầu thi công thay thế các hạng mục quan trọng dưới nước như: lắp đặt thay thế ống mềm chìm; khảo sát đường ống nước biển; vệ sinh thay thế đường ống... Những việc này đã góp phần đảm bảo công tác bảo dưỡng an toàn, hiệu quả và vượt tiến độ.

Anh Phạm Văn Đương cũng có những giải pháp mang lại hiệu quả trong sản xuất, đó là giải pháp Chế tạo băng khí di động lắp đặt trên cano phục vụ khảo sát đường ống dầu thô và ống nước biển tại vùng nước gần bờ. Hiệu quả của giải pháp này rất rõ rệt, anh Đương sử dụng những vật tư sẵn có trong kho nhà máy để thi công băng khí di động. Việc này đã góp phần tăng năng suất lao động, tăng tính an toàn cho tàu, thiết bị và con người khi tiến hành công việc.

Thật khó để kể hết được thành tích, sự sáng tạo của những người lao động BSR tiêu biểu năm 2018 cũng như suốt quá trình hình thành và phát triển. Chúng tôi chỉ xin đưa ra một vài số liệu để bạn đọc hình dung sự sáng tạo của những người lao động BSR. Trong năm 2017, BSR đã thực hiện thành công 11 giải pháp tối ưu hóa năng lượng. Việc thực hiện thành công các giải pháp này, ngoài việc làm lợi hàng triệu USD, còn đem lại nhiều lợi ích khác. Chỉ tính riêng trong đợt bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất lần thứ 3, những người lao động trực tiếp trên công trường đã có tới trên 200 sáng kiến, ước tính làm lợi gần 400 tỉ đồng.

Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status