Cần hiểu rõ đặc thù của các nhà máy điện khí

10:24 | 07/06/2024

11,171 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có nguồn điện khá đa dạng. Trong đó, điện khí vừa có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp điện trong mọi điều kiện thời tiết và khí hậu bất thường, vừa giảm phát thải khí nhà kính so với điện than. Bởi vậy, thời điểm này, việc hiểu rõ những đặc thù để ưu tiên phát triển điện khí đến năm 2030 là cần thiết.
Cần hiểu rõ đặc thù của các nhà máy điện khí
Phối cảnh Nhà máy Điện LNG Bạc Liêu

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.524 MW. Để thực hiện các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII, việc bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai các dự án điện khí là rất cần thiết.

Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, tổng công suất nhà máy điện sử dụng khí trong nước là 7.900 MW (10 dự án) và tổng công suất nhà máy điện sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án). Đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất 1 nhà máy đã đưa vào vận hành là Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (660 MW). 2 dự án đang xây dựng là Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 (tổng công suất 1.624 MW).

Các dự án đang đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bao gồm: Nhơn Trạch 3 và 4, Ô Môn II… Theo báo cáo của các chủ đầu tư, các dự án này đều có các vướng mắc trong quá trình đàm phán và chưa thể ký được PPA làm cơ sở để các chủ đầu tư thu xếp vốn cho dự án.

Trước thực tế trên, để tháo gỡ các vướng mắc, giúp chủ đầu tư và EVN có thể ký kết PPA làm cơ sở thu xếp vốn, thực hiện các dự án điện khí tự nhiên và LNG, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đang chủ trì nghiên cứu, báo cáo Bộ Công Thương xem xét ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 45/2018/TT-BCT ban hành ngày 15-11-2028 (Thông tư sửa đổi), đồng thời Bộ Công Thương cũng đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí.

Việc ban hành kịp thời Thông tư sửa đổi là rất cần thiết. Cụ thể, bên cạnh việc cần làm rõ, bổ sung định nghĩa “bao tiêu”, cần quy định cụ thể hơn về đối tượng gián tiếp tham gia thị trường điện là “nhà máy điện được Bộ Công Thương/cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép gián tiếp tham gia thị trường điện” hoặc “nhà máy nhiệt điện có các ràng buộc phải sử dụng tối đa nguồn nhiên liệu khí để bảo đảm lợi ích quốc gia”. Từ đó, đơn vị vận hành hệ thống điện có đầy đủ cơ sở để lập lịch huy động, bảo đảm thực hiện cam kết của các nhà máy điện có ràng buộc bao tiêu được Bộ Công Thương, cấp có thẩm quyền cho phép chuyển từ hợp đồng mua bán khí sang PPA.

Ngoài ra, thông tư sửa đổi cần bổ sung quy định trường hợp EVN/đơn vị mua điện và chủ đầu tư nhà máy điện không thống nhất được tỷ lệ sản lượng điện năng thanh toán theo giá hợp đồng hoặc sản lượng hợp đồng năm thì hai bên áp dụng (chính thức) theo tỷ lệ do Cục Điều tiết điện lực công bố, thay vì tạm áp dụng như quy định hiện nay, hạn chế việc xử lý tranh chấp trong quá trình thanh quyết toán tiền điện sau này.

Đối với các dự án nhà máy điện sử dụng LNG, hiện nay chưa có quy định về việc xác định sản lượng bao tiêu. Việc không có cơ chế bao tiêu sản lượng điện dài hạn hoặc cam kết sản lượng điện phát hằng năm dài hạn khiến các dự án nhà máy điện sử dụng LNG khó có thể bảo đảm khả năng thu hồi vốn cũng như hiệu quả dự án. Do vậy, các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn để triển khai dự án.

Mặt khác, điều này cũng ảnh hưởng đến việc tìm kiếm, thu xếp và ký kết các hợp đồng mua LNG dài hạn với mức giá hợp lý, ảnh hưởng đến giá điện các dự án này. Đây cũng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc chậm triển khai của các dự án nhà máy điện sử dụng LNG.

Vì vậy, Bộ Công Thương cần xem xét, cho phép cơ chế bao tiêu sản lượng điện dài hạn đối với các nhà máy điện sử dụng LNG theo nguyên tắc chuyển ngang từ hợp đồng mua LNG với tỷ lệ bao tiêu hợp lý (mức 72-80%) sản lượng của nhà máy điện.

Có thể thấy rằng, để vận hành thị trường điện một cách rõ ràng minh bạch, cần Bộ Công Thương xây dựng các thông tư hướng dẫn càng cụ thể càng tốt cho từng loại hình nguồn điện. Trong đó, cũng cần xem xét cả việc tách riêng, phân biệt giữa nhà máy điện sử dụng khí khai thác trong nước và nhà máy điện sử dụng LNG nhập khẩu để ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp bởi thực tế hai loại này có quy mô đầu tư, thời gian hoàn thành, chi phí vận hành… đặc thù khác nhau. Từ đó mới có thể huy động tốt nhất các nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tránh lãng phí nguồn lực nhà nước cũng như của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cần xem xét, cho phép cơ chế bao tiêu sản lượng điện dài hạn đối với các nhà máy điện sử dụng LNG theo nguyên tắc chuyển ngang từ hợp đồng mua LNG với tỷ lệ bao tiêu hợp lý (mức 72-80%) sản lượng của nhà máy điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ các dự án điện khíBộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ các dự án điện khí
Giá trần cho điện khí LNG gần 2.600 đồng/kWhGiá trần cho điện khí LNG gần 2.600 đồng/kWh
LNG khẳng định là nguồn nguyên liệu quan trọng trong sản xuất điệnLNG khẳng định là nguồn nguyên liệu quan trọng trong sản xuất điện

Thành Công - Minh Tâm

DMCA.com Protection Status