“Cảnh sát trưởng” của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

00:00 | 28/06/2011

430 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Gần 10 năm có mặt tại Dung Quất là gần 10 năm anh "nếm mật nằm gai" với công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho Dự án Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thậm chí ngay cả khi đối diện với hiểm nguy, anh vẫn luôn thể hiện tinh thần "thép" quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm an ninh, an toàn cho NMLD Dung Quất - công trình trọng điểm có tính chất chiến lược của Quốc gia.
“Cảnh sát trưởng” của  Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
“Cảnh sát trưởng” của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Anh là Khương Lê Thành, Trưởng phòng An toàn - Sức khỏe - Môi trường và PCCC, người vẫn được biết đến như là “Cảnh sát trưởng” của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất năm 1999 và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm 2001, đến năm 2002, sau khi hoàn thành khóa học tại Trường Đào tạo cán bộ nhân lực ngành Dầu khí, anh được phân công về làm tại bộ phận giám sát của Ban Quản lý NMLD Dung Quất. Năm 2008, anh được bổ nhiệm làm Phó phòng Phụ trách công tác an toàn - môi trường và đến đầu năm 2009 thì được bổ nhiệm làm Trưởng phòng An toàn - Sức khỏe - Môi trường và PCCC của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Xứng danh "người anh cả"

Có lẽ vì gặp anh vào đúng thời điểm NMLD Dung Quất đang bước vào cao điểm của công tác chuẩn bị tạm ngừng sản xuất để tổng bảo dưỡng lần đầu tiên nên dù đã có lịch hẹn với anh vào lúc 13 giờ 30 phút nhưng phải đến hơn 14giờ, “Cảnh sát trưởng” Khương Lê Thành mới được ngơi tay một chút để trò chuyện với chúng tôi.

Trái với những mường tượng ban đầu của nhiều người, “Cảnh sát trưởng” của NMLD Dung Quất có vẻ bề ngoài khá khiêm tốn, giọng nói nhẹ, ánh mắt sáng và nụ cười rất tươi. Cái vẻ bề ngoài này khiến không chỉ tôi mà nhiều người khác lần đầu gặp anh khá bất ngờ.

Nhớ lại những ngày đầu có mặt tại Dung Quất, anh cho biết: Ngày đó, Dung Quất tuy được biết đến là nơi đặt “đại bản doanh” của công trình nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam nhưng cũng chỉ toàn ao tù, nước đọng, dân cư nghèo nàn, thưa thớt, đất và người đều rất hoang sơ. Những chiều ngắm ánh hoàng hôn trên mênh mông đồi cát, phóng tầm mắt về phía chân trời vô tận, trong cái khoảng lặng bao la tưởng như vô tận đó, nỗi buồn, nỗi cô đơn vốn đã chực chờ trong lòng anh càng nhân lên gấp bội. Khi đó, không ít lần ý nghĩ từ bỏ mảnh đất này, rời bỏ công việc này đã xuất hiện trong đầu anh. Đặc biệt trong giai đoạn việc có hay không tiếp tục triển khai Dự án NMLD Dung Quất vẫn là câu hỏi ngỏ, tâm lý của nhiều anh em lao động rất hoang mang, lo lắng. Thậm chí, lãnh đạo của Ban Quản lý NMLD Dung Quất đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp về vấn đề nhân sự khi đồng loạt có trên 30 lao động xin nghỉ việc.

Chính trong hoàn cảnh đó, người cán bộ trẻ Khương Lê Thành đã nổi lên như là một người chỉ huy tinh thần của anh em lao động trên đại công trường NMLD Dung Quất. Bằng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần trách nhiệm, anh đã vượt qua được tất cả những khó khăn, thử thách, bám trụ với mảnh đất này và là tấm gương sáng cho cán bộ, công nhân viên NMLD Dung Quất đến ngày hôm nay.

Với nhiều cán bộ, công nhân viên từng gắn bó với NMLD Dung Quất, anh không chỉ là lãnh đạo mà còn là người bạn, là người từng cùng “vào sinh ra tử”. Đến tận bây giờ, chuyện anh Khương Lê Thành đội bão cứu người trong trận bão Ketsana lịch sử năm 2009 vẫn được mọi người nhắc đến như là một câu chuyện cổ tích trên đại công trường NMLD Dung Quất.

Nhớ lại thời điểm đó, anh Nguyễn Văn Sỹ - Phó chánh Văn phòng Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết: Trước khi bão đổ bộ lên đất liền, mà trung tâm của bão là tỉnh Quảng Ngãi, trên các bản tin thời tiết đều phát đi thông tin tối ngày 28-9-2009, cơn bão số 9 có tên là Ketsana sẽ đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một người đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Quảng Ngãi, lại là Phó ban thường trực Ban Phòng chống lụt bão của NMLD Dung Quất, anh Thành đã đưa ra nhận định khá bất ngờ: Bão sẽ đổ bộ vào đất liền sớm hơn dự kiến.

Rất nhanh chóng, một kế hoạch chống bão được anh Thành xây dựng và phổ biến đến đông đảo đội ngũ cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác an ninh, an toàn của nhà máy. Từng ngõ ngách, từng thiết bị đã và đang lắp đặt đều được anh chỉ đạo kiểm tra kỹ lưỡng và tỉ mỉ.

Đúng như dự đoán của anh Thành, đến khoảng 11giờ ngày 28-9-2009, cơn bão Ketsana đã đổ bộ vào đất liền. Sức tàn phá của cơn bão vô cùng khủng khiếp, cuốn phăng mọi chướng ngại vật mà nó đi qua. Toàn bộ nhà dân xung quanh bị thổi bay, ngoài trời mù mịt cát bụi và những tấm tôn, những tấm brô-xi măng, gạch đá… bị cuốn trong bão bay đen kịt bầu trời.

Đến đầu giờ chiều cùng ngày, Ban Phòng chống lụt bão của nhà máy nhận được thông tin vẫn còn có 3 công nhân đang mắc kẹt ngoài cảng và nếu không được giải cứu kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi mọi người đang ngồi tính toán phương án đón 3 công nhân trên vào nơi trú ẩn của nhà máy thì Khương Lê Thành đã mạnh dạn đề xuất phương án dùng xe đặc dụng vượt bão cứu người.

“Cảnh sát trưởng” của  Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Nhớ lại lúc đó, anh Sỹ cho biết: Quả thật đây là phương án rất mạo hiểm vì để đến được vị trí của 3 công nhân trên sẽ phải vượt qua một địa điểm được ví như là nút thắt cổ chai đón gió từ biển vào. Chính vì vậy, phương án của anh Thành đã không nhận được sự tán thành của đông đảo anh em công nhân lao động có mặt tại đó. Thậm chí có nhiều người còn bảo như thế thì khác gì đi vào chỗ chết. Nhà còn bị thổi bay nữa là người. Tuy nhiên, vào thời khắc đó, ý thức được trách nhiệm của mình, anh Thành vẫn kiên quyết ngược bão cứu người.

Nói là làm, anh cùng một cán bộ tình nguyện trong đội lái xe đã dùng chiếc xe bán tải chuyên dụng của nhà máy lên đường. Một bầu không khí căng thẳng, lo lắng tưởng chừng như nghẹt thở đã bao trùm toàn bộ cán bộ, công nhân viên của nhà máy. Mặc cho mọi người can ngăn, khuyên giải, trước đông đảo cán bộ, công nhân viên của NMLD Dung Quất, anh Thành cam kết sẽ đưa người trở về an toàn.

Quãng đường từ nơi tránh bão của nhà máy đến vị trí của 3 công nhân trên tuy không xa nhưng kỳ thực đó là một thử thách vô cùng to lớn. Những cơn gió mạnh khủng khiếp, gầm gào trong mênh mông cát bụi, có lúc tưởng chừng như muốn cuốn phăng, nuốt chửng chiếc xe. Nhưng với quyết tâm cao độ, sau gần 2 giờ đồng hồ mò mẫm trong bão, cuộc giải cứu lịch sử của anh đã thành công tốt đẹp.

Cười hóm hỉnh khi nghe đồng nghiệp kể lại chiến tích năm xưa của mình, anh Thành tâm sự: Giờ nghĩ lại mới thấy mình liều thật!

Và cũng từ đó, Khương Lê Thành được anh em trong phòng gọi bằng cái tên trìu mến “anh cả”.

Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực và đóng góp của anh trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn của NMLD Dung Quất, sáng ngày 22-6-2011, thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Hoàng Xuân Hùng - Phó chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho những thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn ở NMLD Dung Quất năm 2010 của anh Khương Lê Thành.

Hy sinh thầm lặng!

NMLD Dung Quất là một trong những công trình trọng điểm được Đảng và Chính phủ giao có nhiệm vụ chiến lược trong định hướng phát triển ngành công nghiệp Dầu khí của Việt Nam. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu được thành lập, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho nhà máy luôn được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tuy không trực tiếp tham gia vào quá trình vận hành, sản xuất nhưng nó lại đóng vai trò then chốt đến sự vận hành ổn định của nhà máy. Từ việc nhỏ đến việc to, từ việc vận hành sản xuất đến việc kiểm tra bảo hành bảo dưỡng thiết bị, chăm lo sức khỏe, an toàn lao động, gìn giữ tài sản Quốc gia đều là trách nhiệm của người cán bộ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn của nhà máy.

Anh tâm sự: Do đặc thù công việc như vậy nên những người làm công tác an ninh, an toàn phải là người có tinh thần thép, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách, phải biết chấp nhận hy sinh những lợi ích cá nhân của bản thân và thậm chí là đối diện với hiểm nguy. Đặc biệt với một nhà máy sản xuất xăng dầu như NMLD thì tuyệt đối không thể để xảy ra bất kỳ sự cố hay sai sót nào.

Ý thức được vai trò, cũng như trách nhiệm của bản thân, bộ phận bảo đảm an ninh, an toàn cho nhà máy không quản ngày, đêm luôn luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Chính vì vậy mà quãng thời gian giành cho gia đình của các anh cũng gần như không có. Thứ Bảy, Chủ nhật với các anh là một khái niệm rất xa vời. Mọi công việc trong nhà đều do vợ anh cáng đáng.

Anh Thành bảo: Có một kỷ niệm mà có lẽ cả cuộc đời tôi sẽ chẳng thể nào quên, đó là lần vợ tôi sinh đứa con đầu lòng vào tháng 6-2010, thời điểm mà NMLD Dung Quất đang trong quá trình chạy thử và chuẩn bị bàn giao cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn quản lý. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn khi đó căng như dây đàn. Mặc dù đã xác định được thời điểm vợ sinh con, nhưng do công việc quá bận rộn nên vào thời khắc đó, anh đã không có mặt.

Anh kể: “Ngày đó, sau khi vợ đi khám định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, được bác sĩ chẩn đoán là thai ngược, phải tiến hành mổ gấp. Tôi hiểu trong khoảnh khắc đó, vợ tôi cần tôi bên cạnh hơn bao giờ hết. Vì như tôi biết, những sản phụ mang thai ngược khi tiến hành mổ có thể nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ con. Mặc dù đã sớm ý thức được điều đo,ù nhưng vì trong nhà máy có tình huống khẩn cấp và nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Với vai trò là người phụ trách công tác an ninh, an toàn cho nhà máy, tôi buộc phải triệu tập cuộc họp nhanh với các nhà thầu và các bộ phận trong nhà máy. Tôi chỉ kịp gọi điện thông báo cho mẹ vợ và nhờ bà vào viện cùng vợ tôi.

Cuộc họp kết thúc lúc 17 giờ 30 phút cùng ngày. Đúng lúc đó, tôi được báo tin vợ tôi đã sinh cháu, mẹ tròn con vuông”.

Anh Thành kể chuyện mình, giọng đều đều, thỉnh thoảng mặt lại ửng đỏ lên vì ngại. Ngoài kia, từng tốp công nhân đang khẩn trương chuẩn bị cho kế hoạch tạm ngừng hoạt động để tiến hành tổng bảo dưỡng NMLD Dung Quất lần thứ nhất. Dưới cái nắng gay gắt như thiêu như đốt của mảnh đất Quảng Ngãi, tôi chợt hiểu rằng, để nhà máy được xây dựng và vận hành ổn định như ngày hôm nay, những con người như anh Thành phải biết chấp nhận hy sinh rất nhiều. Đó là biểu tượng cho tinh thần Việt Nam.

Thanh Ngọc

(Năng lượng Mới số 31, ra ngày 27-6-2011)

DMCA.com Protection Status