Công đoàn Dầu khí Việt Nam

Cập nhật kiến thức pháp luật cho cán bộ công đoàn

07:00 | 25/05/2016

1,086 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhằm nâng cao vai trò tổ chức công đoàn, trình độ của đội ngũ cán bộ công đoàn trước bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) tổ chức tập huấn về chính sách pháp luật cho cán bộ công đoàn các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khu vực miền Bắc.

Tự tin bước vào TPP

Năm 2016, Việt Nam đang tích cực triển khai tiến trình gia nhập TPP. Trong đó, một số thay đổi lớn trong Luật Lao động, Công đoàn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tranh chấp lao động. Chính vì vậy, CĐ DKVN tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở nhanh chóng cập nhật thông tin, chia sẻ các kinh nghiệm thực tế để hỗ trợ tư vấn, truyền thông về pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các công đoàn viên.

cap nhat kien thuc phap luat cho can bo cong doan

Toàn cảnh tập huấn CSPL 2016

Phát biểu khai mạc đợt tập huấn, Phó chủ tịch CĐ DKVN Nguyễn Mạnh Kha khẳng định: Công tác tổ chức cán bộ, tập huấn về chính sách pháp luật công đoàn là rất cần thiết và luôn được CĐ DKVN quan tâm, thực hiện một cách bài bản, bổ ích và thiết thực. Đơn cử như từ năm 2013, CĐ DKVN tổ chức hơn 10 đợt tập huấn trên cả nước về Luật Lao động, trong đó có nhiều lớp chuyên sâu như đào tạo chuyên sâu cho các chủ tịch công đoàn cơ sở, xử lý tranh chấp trong doanh nghiệp…

Cán bộ công đoàn các đơn vị trong ngành Dầu khí được chuyên gia của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội giới thiệu những vấn đề mới nhất về chế độ chính sách tiền lương, đặc biệt là việc làm thế nào để công đoàn tham gia xây dựng thang lương, bảng lương tại doanh nghiệp được hiệu quả, chính xác và khoa học. Mặt khác, đồng chí Lê Xuân Thành cũng giới thiệu về việc thực hiện các quy định mới của Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Y tế và chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Trong bối cảnh gia nhập TPP tới đây sẽ có sự cạnh tranh trong công tác công đoàn. Bởi vậy, vai trò của công đoàn cần phải tiếp tục được khẳng định, đáp ứng nhu cầu của công đoàn viên, giữ vững hoạt động của tổ chức. Nếu chúng ta không có một đội ngũ cán bộ tốt, tầm nhìn rộng sẽ là khó khăn lớn cho tổ chức công đoàn. Đối với cán bộ công đoàn, ngoài công tác phong trào góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công đoàn viên thì tư vấn pháp luật lại là nền tảng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Mà pháp luật Việt Nam chúng ta luôn có sự chuyển động, thường xuyên được hoàn thiện mà điều này có nhiều nội dung lớn liên quan đến người lao động như Luật Lao động 2012, Luật Bảo hiểm Y tế…

Một vấn đề quan trọng nữa là việc tranh chấp lao động mà ngay cả trong Tập đoàn chúng ta cũng bắt đầu xảy ra tại một số đơn vị. CĐ DKVN đã bắt đầu nhận được một số kiến nghị của người lao động mà chúng tôi cũng đã phải vào cuộc tham gia giải quyết cùng công đoàn cơ sở. Nổi lên một vấn đề là cán bộ công đoàn cơ sở chưa phát huy được vai trò tư vấn pháp luật của mình nên mới để xảy ra khiếu nại vượt cấp. Bởi vậy để giải quyết tận gốc điều này, đáp ứng nhu cầu của công đoàn viên, chúng ta, những cán bộ công đoàn phải thường xuyên trau dồi, cập nhật thông tin về pháp luật lao động, sẵn sàng tư vấn, phổ biến cho người lao động tại đơn vị.

Giải quyết tranh chấp lao động

Trong doanh nghiệp mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động thường được ví như “một sự thống nhất của hai mặt đối lập”. Hai mặt này luôn có sự xung đột về lợi ích nhưng lại luôn cần phải có nhau mới có thể tồn tại. Chính vì vậy, mâu thuẫn của mối quan hệ này sẽ lên đến đỉnh điểm và cần phải có tổ chức công đoàn vào cuộc khi mối quan hệ chấm dứt có nghĩa là khi kết thúc hợp đồng lao động, điển hình như bị đuổi việc, nghỉ hưu, gia hạn hợp đồng…  

Trong đợt tập huấn chính sách pháp luật vừa qua, để giải quyết các tranh chấp lao động và những quy định mới về tranh chấp lao động được Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội giới thiệu những điểm quan trọng cần thiết cho cán bộ công đoàn ghi nhớ để có thể tìm ra phương hướng giải quyết các tranh chấp về lao động. 

Để chấm dứt một hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và cán bộ phụ trách tổ chức cần lưu ý phải thực hiện đúng trình tự chấm dứt hợp đồng lao động. Đây là việc làm chứng tỏ sự tôn trọng luật pháp một cách tối thiểu của doanh nghiệp. Đầu tiên phải căn cứ vào 10 trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trong điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2012. Tiếp theo phải xác định căn cứ sa thải lao động có đúng hay không, tiếp theo phải họp hội đồng kỷ luật, tiền lương của đơn vị, triệu tập đương sự 3 lần để làm việc. Trong buổi làm việc có mặt đương sự phải có đầy đủ đại diện công đoàn cơ sở, đưa ra kết luật sa thải nhân sự đúng luật. Khi đó người sử dụng lao động mới được phép sa thải người lao động. Đáng lưu ý các trường hợp người lao động là bố, mẹ, cha mẹ nuôi có con nhỏ (dưới 12 tháng tuổi) thì người sử dụng lao động không được phép kỷ luật dưới mọi hình thức (kể cả khiển trách), đặc biệt là không được phép sa thải người lao động trong khoảng thời gian nuôi con nhỏ.

Một khái niệm khá mới trong quan hệ lao động là việc cấm “cưỡng bức” lao động. Trong đó có người lao động đang độ tuổi đi làm và cả người lao động có đủ 1 trong 2 điều kiện nghỉ hưu là độ tuổi và số năm đóng bảo hiểm xã hội. Đây là điểm mới trong luật lao động bởi nó thể hiện rõ nét quyền con người, đảm bảo phẩm giá, tự do và tự nguyện về mặt ý chí của người lao động trong mối quan hệ lao động trong xã hội. Điều này khá lạ tại Việt Nam bởi hiện nay nhiều người lao động tại nước ta chủ yếu là mong muốn được làm việc tiếp tục mặc dù đã đủ tuổi nghỉ hưu. Hoặc nhiều người đủ năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55 tuổi) thì mặc nhiên vẫn tiếp tục làm việc mà không hề có một thỏa thuận hay đàm phán hợp đồng lao động mới.   

Ngoài việc cập nhật thông tin, các cán bộ công đoàn có thể chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau đưa ra các giải pháp hay để giải quyết các tình huống thực tế. Các thủ lĩnh công đoàn của PVEP, PV Gas, BSR, PVC… đã tham gia đưa các tình huống, cùng giảng viên và các thủ lĩnh công đoàn các đơn vị bạn thảo luận sôi nổi. Một số tình huống đáng chú ý và rất thực tế như việc người lao động là quân nhân, công an chuyển ngành thì tính bảo hiểm xã hội từ thời điểm nào và đến thời điểm nào thì nghỉ hưu, tính thang bảo lương như thế nào là đúng luật…

Nhiều thủ lĩnh công đoàn cơ sở nhận xét, việc tập huấn công tác chính sách pháp luật của CĐ DKVN đang ngày một thiết thực, học viên là những cán bộ công đoàn không chuyên nhưng ngày càng thấy hứng thú học tập từ các giảng viên có trình độ cao, kiến thức uyên bác. Mỗi đợt tập huấn không chỉ nâng cao, cập nhật kiến thức pháp luật cho cán bộ công đoàn mà còn khẳng định uy tín, trách nhiệm của những thủ lĩnh của người lao động tại các cơ sở, đơn vị của ngành dầu khí Việt Nam.

Bùi Công

Năng lượng Mới 525

DMCA.com Protection Status