Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5):

“Chìa khóa” để Petrovietnam phát triển bứt phá

07:00 | 18/05/2025

1,182 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong xu hướng chuyển dịch năng lượng, kinh tế carbon thấp, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo đang diễn ra mạnh mẽ, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), TS. Nguyễn Văn Tư, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), đơn vị nghiên cứu khoa học chủ lực của Petrovietnam, đã trao đổi với Petrotimes về định hướng và bước đi cụ thể để phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược.

PV: Chính sách phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang được triển khai rất khẩn trương nhằm tháo gỡ các rào cản, thách thức cho các đơn vị nghiên cứu và nhà khoa học. Là đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ chủ lực của Petrovietnam, ông đánh giá như thế nào về tác động của các chính sách này đối với hoạt động của VPI?

“Chìa khóa” để Petrovietnam phát triển bứt phá
TS. Nguyễn Văn Tư - Phó Viện trưởng VPI phát biểu tại Hội thảo Chiến lược phát triển các lĩnh vực của Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

TS. Nguyễn Văn Tư: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57) xác định thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những trụ cột cốt lõi, trong đó thể chế phải đi trước một bước để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản đối với hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng khoa học công nghệ.

Nghị quyết số 57 đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đột phá, trong đó chú trọng vấn đề đột phá về đổi mới tư duy; hoàn thiện thể chế (tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học…); đầu tư, hoàn thiện hạ tầng (công nghệ chiến lược, xây dựng trung tâm dữ liệu, nền tảng số...); phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài; đẩy mạnh chuyển đổi số (nền tảng số quốc gia, văn hóa số, an ninh an an toàn, công nghệ số trong quốc phòng); đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp (chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp; ưu đãi đất đai, tín dụng, thuế…); đẩy mạnh hợp tác quốc tế…

Trên cơ sở Nghị quyết số 57, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 (Nghị quyết số 193) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như cơ chế: chấp nhận rủi ro, cấp kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo cơ chế quỹ và khoán chi; cơ chế về thương mại hóa kết quả nghiên cứu và các ưu đãi về thuế... Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 951-NQ/ĐU ngày 3/1/2025 (Nghị quyết số 951) về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để Tập đoàn bứt phá, tăng trưởng với tốc độ 2 con số; ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 951; xây dựng Chiến lược khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050; chỉ đạo rà soát hoàn thiện Quy chế quản lý khoa học công nghệ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên tinh thần của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 193 của Quốc hội.

Như vậy, các định hướng cơ chế chính sách mới về khoa học công nghệ có tác động rất tích cực, ảnh hưởng rất lớn, tạo niềm tin, khát vọng mới cho VPI trong tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học. VPI xác định đây là thời điểm bản lề, đòi hỏi tư duy đột phá và hành động quyết liệt để nghiên cứu phát triển các công nghệ chiến lược, ứng dụng các công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa/dịch vụ chủ lực của Petrovietnam.

Các tổ chức nghiên cứu khoa học, trong đó có VPI rất mong chờ và kỳ vọng việc thể chế hóa kịp thời, đồng bộ và đầy đủ các cơ chế chính sách nêu tại Nghị quyết số 57 và Nghị quyết số 193 thông qua việc ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và các văn bản hướng dẫn luật, cũng như việc chỉnh sửa đồng bộ các văn bản pháp luật liên quan (về đấu thầu, tài chính, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thuế…) và đặc biệt cần có quy định rõ hơn, nâng cao tính tự chủ về hoạt động nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp và là đối tượng được hưởng đầy đủ các cơ chế, chính sách mới tương tự như hoạt động nghiên cứu khoa học từ ngân sách nhà nước.

Việc thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về khoa học công nghệ, trong đó có đối tượng doanh nghiệp sẽ là động lực, căn cứ hết sức quan trọng để hoạt động nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp nói chung và VPI nói riêng có nguồn lực để mở rông quy mô nghiên cứu, làm chủ được các công nghệ lõi, công nghệ chiến lược và đẩy nhanh việc ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, VPI rất kỳ vọng vào các chính sách đặc thù về nguồn nhân lực, cơ chế giao đề tài/nhiệm vụ, cơ chế đầu tư phát triển hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược, bởi đây là các yếu tố nền tảng để xây dựng được hạ tầng cho nghiên cứu; thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, khơi dậy sức sáng tạo của các nhà khoa học và tổ chức quản lý nghiên cứu hiệu quả.

PV: Để thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là khi Petrovietnam chuyển đổi sang Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, VPI đã và đang triển khai các chương trình nghiên cứu như thế nào, thưa ông?

VPI -  Khoa học công nghệ Petrovietnam
Viện trưởng VPI Phan Anh Minh giới thiệu với Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chế phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI, sản phẩm này giúp gia tăng sản lượng khai thác cho khu vực nghiên cứu mỏ Bạch Hổ.

TS. Nguyễn Văn Tư: Trong định hướng chiến lược phát triển, Petrovietnam xác định, tập trung phát triển trên 3 trụ cột chiến lược: Năng lượng - Công nghiệp - Dịch vụ, trong đó Năng lượng là trụ cột cốt lõi và giữ mối quan hệ tương hỗ giữa 3 trụ cột. Sự chuyển đổi này giúp Petrovietnam chủ động hơn trong đáp ứng yêu cầu về chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững, cũng như việc tham gia các liên minh, tổ chức quốc tế về năng lượng xanh; mở rộng hợp tác với các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới không chỉ trong lĩnh vực dầu khí mà có cả năng lượng mới, năng lượng tái tạo (hydrogen xanh, NH3 xanh, nhiên liệu hàng không bền vững - SAF; năng lượng điện gió, điện mặt trời, lưu trữ năng lượng); các loại phân bón, hóa chất, vật liệu mới bền vững, thân thiện với môi trường; đồng thời có thể tham gia chuỗi dịch vụ cung ứng toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực thiết bị năng lượng, dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, xuất khẩu công nghệ…

Để thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng và trên cơ sở chiến lược, định hướng của Tập đoàn, VPI đang chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất kinh doanh tập trung vào 3 định hướng chính: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ để gia tăng sản lượng sản xuất và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng dầu khí (gia tăng trữ lượng và sản lượng dầu khí, nâng cao hệ số thu hồi dầu; tích hợp, tối ưu hóa sản xuất kinh doanh và năng lượng, chế tạo thiết bị khảo sát tài nguyên…); Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ sản xuất các loại năng lượng mới, năng lượng bền vững; các loại hóa chất, vật liệu mới thân thiện với môi trường và có giá trị cao như: SAF, hydrogen xanh, ammonia xanh, vật liệu carbon cấu trúc nano có nguồn gốc từ sinh khối, sản xuất nhiên liệu từ nhựa thải; các nghiên cứu, điều tra về tiềm năng, mô hình, công nghệ phát triển điện gió ngoài khơi; công nghệ chế tạo, sản xuất các loại pin lưu trữ năng lượng và pin hydrogen; thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS)…; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số, dữ liệu lớn (AI, Big Data) vào công tác quản trị điều hành doanh nghiệp và các quá trình sản xuất kinh doanh của các dự án, nhà máy nhằm tối ưu hóa nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian qua, VPI đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước để tối ưu nguồn lực, thời gian nghiên cứu. Trong đó, có hợp tác với GICON (Đức) về đánh giá khả năng phát triển điện gió ngoài khơi tại khu vực cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh nhằm thay thế nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại giàn khai thác và sản xuất hydrogen xanh, vận chuyển vào bờ thông qua hệ thống đường ống khí hiện hữu để cung cấp nhiên/nguyên liệu cho các đơn vị sử dụng điện và đạm; Hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) phát triển công nghệ mới chuyển hóa hiệu quả các nguồn khí giàu CO2 thành các sản phẩm nhiên liệu và hóa chất sạch trên cơ sở phát triển loại xúc tác mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường, công nghệ và cơ sở hạ tầng về tiềm năng phát triển các trung tâm thu hồi, lưu giữ CO2 (CCS); nghiên cứu hợp tác với Topsoe (Đan Mạch) về sản xuất SAF; hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội trong triển khai nghiên cứu về hóa chất, vật liệu mới và sản xuất, chế tạo robot đáy biển…

PV: Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để nâng cao năng lực quản trị, ra quyết định nhanh và thích ứng linh hoạt với thị trường. Ông có thể cho biết VPI đã triển khai nhóm giải pháp này như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Tư: VPI xác định chuyển đổi số là quá trình không thể trì hoãn, tập trung phát triển 5 loại sản phẩm số là dữ liệu số, báo cáo số, phân tích số, mảnh ghép số và ứng dụng số, trọng tâm là xây dựng cấu trúc và tối ưu hóa cơ sở dữ liệu. VPI đã xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ của các lĩnh vực: tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp khí và lọc hóa dầu (800 công nghệ), hydrogen (100 công nghệ), CCUS (100 công nghệ), cũng như các cải tiến, giải pháp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng…

Đặc biệt, VPI xây dựng phần mềm tính toán tự động về tổng mức đầu tư, tiêu hao, hiệu quả kinh tế (IRR, NPV, LCOH, LCOE,...); xây dựng dữ liệu về các trung tâm năng lượng quốc gia ở các khu vực; cơ sở dữ liệu về thị trường (cung, cầu, giá...) của các sản phẩm khí và lọc hóa dầu, đặc biệt chú trọng vào xác định các sản phẩm mới, bền vững để đánh giá khả năng áp dụng cho Petrovietnam. Ứng dụng AI và Machine Learning để dự báo xu hướng sản phẩm và nhu cầu thị trường, phục vụ cho việc hoạch định các sản phẩm mới và dự án mới. Việc tối ưu cấu trúc cơ sở dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu và tự động hóa báo cáo bằng AI giúp nâng cao hiệu quả quản trị, tiết kiệm thời gian, chi phí và thích ứng nhanh với sự biến động của thị trường.

Trong thời gian gần đây, VPI đã ứng dụng AI/Machine Learning để xây dựng mô hình dự báo đá móng nứt nẻ; quản lý, vận hành và tối ưu sản lượng khai thác dầu khí (EOR, IOR); công cụ thiết kế thí nghiệm iLab giúp tối ưu hóa quy trình thí nghiệm; mô hình dự báo giá dầu thô và sản phẩm xăng dầu... Mới đây, VPI đã phát triển phương pháp địa chấn - thạch học với sự hỗ trợ của công nghệ AI/machine learning, giúp tính toán nghịch đảo địa chấn trong thời gian ngắn, giảm sự phụ thuộc vào mô hình tần thấp, ngay cả khi có ít hoặc không có thông tin giếng khoan và giải pháp này đã được áp dụng để tính toán nghịch đảo địa chấn tại bể Cửu Long.

VPI đang rất mong muốn có thể nghiên cứu chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về năng lượng, dầu khí cho toàn ngành dầu khí, kết nối được với các đơn vị trong ngành nhằm chia sẻ thông tin và tận dung, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dữ liệu của Tập đoàn.

VPI -  Khoa học công nghệ Petrovietnam
VPI tập trung nghiên cứu phát triển các loại nhiên liệu và hóa chất sạch từ khí thiên nhiên có hàm lượng CO2 cao, cũng như chuỗi giá trị các sản phẩm tiên tiến trên cơ sở vật liệu nanocarbon.

PV: Petrovietnam định hướng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở liên kết chặt chẽ với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của quốc gia và thế giới. Với mô hình hoạt động và nguồn lực hiện tại, ông đánh giá VPI sẽ tham gia vào quá trình này như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Tư: Trong giai đoạn phát triển mới, Petrovietnam định hướng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở liên kết chặt chẽ với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của quốc gia và thế giới; sắp xếp lại hệ thống khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi các hoạt động đổi mới sáng tạo từ nghiên cứu phát triển - ứng dụng - thương mại hóa, đẩy mạnh mô hình hợp tác mẫu giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Hiện nay, Tập đoàn đang chỉ đạo tái cấu trúc các đơn vị nghiên cứu khoa học và đào tạo, định hướng xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo theo hướng tinh gọn - hiệu quả, tập trung phát triển lĩnh vực “lõi”, triển khai các nghiên cứu, ứng dụng cụ thể và có giá trị lớn, mang tính đột phá, phù hợp với chiến lược phát triển của Petrovietnam.

Theo định hướng này, VPI sẽ tăng cường liên kết chuỗi hoạt động đổi mới sáng tạo từ nghiên cứu phát triển đến ứng dụng và thương mại hóa, gắn với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và nhu cầu thị trường, đồng thời thực hiện tốt chủ trương tăng cường liên kết 3 nhà (Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp).

Thực tế, VPI đang hợp tác với Vietsovpetro triển khai dự án nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR); hợp tác với Vietsovpetro và Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất nghiên cứu thiết kế chế tạo robot thông minh (mini ROV) khảo sát, lắp đặt các công trình ngầm dưới biển; hợp tác với PVOIL trong nghiên cứu, sản xuất hệ phụ gia CNT/graphene chuyên dụng giúp tăng hiệu năng, giảm tiêu hao cho dầu nhờn và sơn; hợp tác với các PV Power/Chi nhánh Phát điện Dầu khí trong nghiên cứu, ứng dụng AI trong tối ưu hóa vận hành, bảo dưỡng các nhà máy điện… Ngoài ra, VPI cũng đang mở rộng hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế, triển khai các chương trình nghiên cứu chung, chia sẻ dữ liệu và phát triển công nghệ.

Tôi tin tưởng rằng, trên cơ sở các cơ chế chính sách đột phá về khoa học công nghệ theo Nghị quyết 57 sẽ được thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ trong pháp luật của nhà nước và quy chế nội bộ của doanh nghiệp; với sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ tối đa của Tập đoàn trong hoàn thiện mô hình tổ chức và bổ sung các nguồn lực, cơ chế mới cho phát triển khoa học công nghệ thì VPI sẽ có cơ hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ chiến lược được Tập đoàn giao, bứt phá phát triển về khoa học công nghệ với các sản phẩm có ứng dụng thực tế, đóng góp cụ thể, hiệu quả vào sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bùi Công

DMCA.com Protection Status