Chinh phục biển xa

08:36 | 23/10/2013

721 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Vóc dáng khá chỉn chu nhưng cung cách trò chuyện dứt khoát, quyết đoán, đúng với tính cách của một trong những thuyền trưởng lâu năm, dày dạn kinh nghiệm nhất hiện còn làm việc tại Công ty Tàu Dịch vụ Dầu khí (PTSC Marine). Đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về thuyền trưởng Đinh Văn Minh, Trưởng phòng Quản lý hoạt động tàu, PTSC Marine. Là thuyền trưởng người Việt đầu tiên thay thế các thuyền trưởng người nước ngoài trên tàu dịch vụ dầu khí đa năng AHTS (Anchor Handling Tug and Supply vessel) và tàu Gas (LPG).

Cơ duyên với nghề

Cái duyên đưa thuyền trưởng Đinh Văn Minh đến với nghề tàu biển bắt đầu từ ước mơ rất hồn nhiên thuở còn đi học phổ thông. Hồi đó khoảng năm 1970, cậu học trò Đinh Văn Minh, quê ở Diễn Châu, Nghệ An theo chân bố công tác tại tỉnh Sơn La về học Trường phổ thông cấp 3 Tô Hiệu, thị xã Sơn La. Thông thường, học sinh tốt nghiệp cấp III ở đây sẽ thi tiếp lên Đại học Cơ điện Bắc Thái hay Đại học Y khoa Việt Bắc.

Đường Quốc lộ số 6 từ Hà Nội lên Sơn La rất xấu, khó đi, có một lần về thăm quê gặp mùa mưa lụt, cả nửa quả núi sạt lở trôi xuống suối Rút chặn đường đi, cậu học trò Đinh Văn Minh bỗng nảy sinh trí tò mò, đường bộ đã khó đi như vậy, không hiểu trên biển, không có đường xá thì tàu bè đi lại bằng cách nào. Từ tò mò đến ước mơ làm chủ những con tàu vượt đại dương. Cuối năm 1973, cậu học trò chăm chỉ quyết tâm thi đậu Đại học Hàng hải tại Hải Phòng, vào Khoa Điều khiển tàu biển.

Thuyền trưởng Đinh Văn Minh

Ra trường cuối năm 1979, anh được phân công về công tác tại Đoàn Địa vật lý 36F thuộc Liên đoàn Địa chất 36, tiền thân của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) ngày nay. Từ cán bộ quản lý đội tàu thăm dò địa chấn biển nông Cửa Ba Lạt (đóng ở huyện Xuân Thủy, tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), sau một năm học tiếng Anh tại Hà Nội, anh đã xin xuống làm việc trên tàu Bình Minh - tàu lớn nhất của công ty hồi đó và được bổ nhiệm làm thuyền phó. Với hơn 8 năm làm việc trên tàu Bình Minh tại Hải Phòng, anh đã học để lấy các bằng Thuyền trưởng loại 4B sau đó là 4A, tham gia khóa đào tạo của UNDP tại Bombay (Ấn Độ).

Khoảng năm 1990, khi công ty đầu tư mua tàu Dầu khí 101 (tàu lớn nhất tại thời điểm đó) thì anh được điều làm thuyền trưởng và sau đó tiếp tục làm thuyền trưởng các tàu Dầu khí 104, Dầu khí 105, Dầu khí 106. Để chuẩn bị cho phát triển đội tàu, anh còn được cử xuống tàu PAN SUN của Công ty Oil Osa với chức danh Đại phó để học hỏi kinh nghiệm khai thác tàu dịch vụ đa năng AHTS, phục vụ cho việc vận hành các tàu AHTS của công ty sẽ đầu tư sau này. Trong thời gian đó anh còn học thi lấy bằng Thuyền trưởng Hạng nhất của Việt Nam và được cử sang Ba Lan để thi lấy bằng Thuyền trưởng tàu Ngoại hạng.

Khi giai đoạn thăm dò địa chấn biển sâu vịnh Bắc Bộ kết thúc (khoảng năm 1988), rất nhiều nhà đầu tư như Shell, ONGC, Enterprise Oil… chuyển sang giai đoạn khoan thăm dò. Đây là lúc thị trường cần rất nhiều các loại tàu đa năng AHTS phục vụ cho các nhà thầu Dầu khí trong và ngoài nước làm việc tại Việt Nam, rất nhiều con tàu hiện đại đã được Công ty PTSC Marine (được thành lập trên cơ sở sát nhập GPTS và PSC khi đó) mua như Mimosa, Sa Pa, Thanh Long, Hoa Mai 93, An Bang, An Phong, Phong Lan. Mặc dù có nhiều thuyền trưởng người Việt làm việc trên các tàu của công ty nhưng với các tàu đa năng AHTS hiện đại, quy trình công nghệ mới, làm việc dài ngày trên biển, PTSC khi đó vẫn phải thuê hoàn toàn thuyền trưởng, máy trưởng người nước ngoài với chi phí rất cao.

Bản lĩnh thuyền trưởng người Việt

Năm 1994, thuyền trưởng người nước ngoài trên tàu Hoa Mai 93 hết hợp đồng. Không thể tìm ngay một người nước ngoài thay thế, cần phải chọn gấp một thuyền trưởng người Việt. Với kinh nghiệm làm thuyền trưởng các tàu dịch vụ của công ty, đội phó trên tàu AHTS của nước ngoài và có vốn ngoại ngữ tốt, anh Đinh Văn Minh được lựa chọn là người phù hợp nhất. Lần đầu tiên bước lên tàu lớn ở vị trí thuyền trưởng, anh đã suy nghĩ ngay về sự thay đổi về tư duy, quản lý trong việc chỉ huy một con tàu. Bởi các thiết bị, máy móc hiện đại, cách bố trí, sắp xếp trên tàu khác hoàn toàn với các tàu bảo vệ, thăm dò địa chấn trước đó anh đã từng làm, rất nhiều thiết bị được tự động hóa v.v... Nhưng phút bỡ ngỡ ban đầu qua nhanh, bằng bản lĩnh của người thuyền trưởng, bản tính ham học hỏi, anh nhanh chóng làm chủ được con tàu ở vị trí chỉ huy cao nhất.

Có một điều đặc biệt khá thú vị, từ sau lần đầu tiên thay thế thuyền trưởng người nước ngoài đó, duyên nợ trong công việc khiến anh Minh nhiều lần trở thành người Việt đầu tiên thay thế các thuyền trưởng người nước ngoài khác. Đó là thay thế Thuyền trưởng tàu AHTS Mimosa - con tàu hiện đại và lớn nhất của công ty thời kỳ đó, sau đó là các tàu AHTS Thanh Long, Sa Pa. Anh cũng là người đầu tiên làm thuyền trưởng tàu PTSC ra nước ngoài phục vụ cho khách hàng Unocal - Thái Lan (nay là Công ty Chevrol).

Không chỉ là thuyền trưởng người Việt đầu tiên trên tàu dịch vụ đa năng AHTS, khi PTSC Marine đầu tư và đi vào vận hành, khai thác tàu LPG vận chuyển các sản phẩm dầu khí, năm 1999, anh Đinh Văn Minh - lúc đó đang công tác tại Phòng Điều độ sản xuất, tiếp tục là người Việt đầu tiên được điều xuống làm thuyền trưởng tàu Hồng Hà Gas - thuộc thế hệ tàu hiện đại chuyên chở khí hóa lỏng LPG đầu tiên của Việt Nam mới được đưa vào hoạt động. Làm thuyền trưởng tàu LPG được khoảng gần nửa năm, anh lại quay trở lại văn phòng công ty, với tinh thần học để làm chủ được công việc, anh đã tốt nghiệp văn bằng II kỹ sư quản trị doanh nghiệp do Đại học Bách khoa Hà Nội mở tại Vũng Tàu. Sau đó trở thành Trưởng phòng Điều độ sản xuất, nay là Phòng Quản lý hoạt động tàu tại PTSC Marine cho tới nay.

Qua quá trình bôn ba làm việc trên nhiều loại tàu biển, anh Đinh Văn Minh chia sẻ, các thuyền trưởng, máy trưởng người Việt không hề thua kém bất cứ điều gì, cả về thể lực, kiến thức và bản lĩnh so với người nước ngoài. Kể từ thế hệ thuyền trưởng đầu tiên của ngành Dầu khí và thế hệ của anh Đinh Văn Minh, đến nay, đội tàu của PTSC Marine với rất nhiều tàu mới hiện đại, đa năng gần như 100% do các thuyền trưởng, máy trưởng người Việt điều khiển. Chỉ có một vài thuyền trưởng người nước ngoài còn tiếp tục làm việc do sự gắn bó, kinh nghiệm lâu năm với công ty.

Thực tế đã chứng minh các thuyền trưởng, máy trưởng trẻ tuổi người Việt của PTSC Marine hoàn toàn đủ tự tin để hòa nhập với môi trường làm việc quốc tế và yêu cầu chất lượng dịch vụ ngày càng cao của các đối tác trong nghành Dầu khí. Trong cương vị là một thuyền trưởng, Đinh Văn Minh tự hào vì đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng của PTSC Marine Công ty đã trưởng thành vượt bật về chuyên môn, ngoại ngữ tốt hơn hẳn các lớp đàn anh đi trước và họ có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Giấc mơ chinh phục biển xa trên các con tàu dịch vụ dầu khí của Đinh Văn Minh đang được tiếp sức!

Thanh Loan

DMCA.com Protection Status