Chung sức một đời cho Dầu khí hôm nay

16:05 | 03/03/2012

1,444 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sáng 3/3, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã diễn ra cuộc gặp mặt thân mật của gần 50 thành viên Ban Dầu mỏ Khí đốt (Tổng cục Hóa chất).

Mặc dù trời mưa và lạnh, các cụ đã đến dự rất đầy đủ với niềm tự hào và niềm vui chung. “A! bác Vinh đây rồi. Con chào bác!” – đó là lời chào của chị Nguyễn Thị Nga – con gái của cố Phó trưởng Ban Nguyễn Văn Biên, sau này là Tổng Cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Văn Biên. Lấy khăn quệt khóe mắt hồi lâu, bác Vinh mới nhận ra người con gái của “tướng tổng” Nguyễn Văn Biên. 40 năm qua rồi, đến nay, hầu hết các thành viên của Ban Dầu mỏ – Khí đốt đã lên chức ông, chức bà, có người đã khuất núi. Nhưng hôm nay, tại phòng Truyền thống của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, gần 50 cựu thành viên Ban Dầu mỏ – Khí đốt như được sống lại những ngày tháng làm việc cùng nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng nghiền ngẫm những đề tài khoa học của ngành Dầu khí.

Ông Trần Quang Vinh - nguyên Ủy viên lãnh đạo Ban Dầu mỏ - Khí đốt (người đội mũ) gặp lại bạn xưa.

Chị Nguyễn Thị Nga (bên phải) gặp lại những nữ đồng nghiệp của bố.

Chị Nga, con gái cố Phó trưởng Ban Nguyễn Văn Biên xúc động: “Những cô, chú cùng làm với bố tôi là những tấm gương sáng để chúng tôi học tập. Nhiều hôm, bố tôi đi học thêm ngoại ngữ về khuya (thời kỳ đó Ban tổ chức lớp học ngoại ngữ vào buổi tối) nên tôi phải đợi cổng đón bố. Chính những việc làm đó đã giúp chúng tôi có thêm nghị lực để học tập và lao động”. Sau này, muốn tiếp bước người cha, chị Nguyễn Thị Nga học ngành Hóa dầu của Đại học Bách khoa.

Trong niềm xúc động ngày gặp lại, ông Nguyễn Đông Hải – nguyên Phó trưởng Ban Dầu mỏ – Khí đốt đã làm bài thơ “Cảm tác” để gửi tới những đồng nghiệp:

“Từ bốn phương về đây sum vầy
Như đàn chim không mỏi cánh bay
Ban ta đây, hào hùng một thuở
Chung sức một đời cho Dầu khí hôm nay
Ban ta đây như lớp trầm tích dưới sâu
Để mai sau có thêm những vỉa dầu
Phun trào hạnh phúc cho đời sau”.

Ban Dầu mỏ – Khí đốt được chính thức ra đời ngày 3/3/1972. Tuy nhiên, việc chuẩn bị thành lập Ban đã được Tổng cục Hóa chất xúc tiến một năm trước. Tháng 9/1971, Tổng cục Hóa chất quyết định tiếp nhận hơn 10 kỹ sư chuyên ngành Dầu khí, chủ yếu tốt nghiệp ở nước ngoài. Các kỹ sư này về làm việc tại văn phòng Tổng cục Hóa chất để giúp lãnh đạo Tổng cục chuẩn bị tiến tới thành lập Ban Dầu mỏ – Khí đốt.

Thời kỳ nhen nhóm ban đầu, khi chưa có tổ chức chính thức, thậm chí cũng chưa bố trí được cơ sở vật chất làm việc, số kỹ sư này phải tạm thời tá túc, vừa ở, vừa làm việc tại nhà chòi cơi nới thêm, trên sân thượng nhà tập thể hai tầng của Tổng cục Hóa chất tại số 3B Đặng Thái Thân. Thật lạc quan đến hồn nhiên vì đây lại là nơi góp phần thai nghén ra Ban Dầu mỏ – Khí đốt (Tổng cục Hóa chất).

Có gần 20 người đã khuất núi, còn những thành viên hiện tại cũng đã ngoài 70, có người ngoài 80 tuổi.

Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu, Phó chủ tịch HĐTV Hoàng Xuân Hùng và các Phó tổng giám đốc cùng các lãnh đạo cũ của Ban Dầu mỏ - Khí đốt dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các cố lãnh đạo và đồng nghiệp.

Trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, thiếu thốn mọi thứ, tai nạn khó lường… nhưng với tinh thần hăng say, mọi người làm việc quên mình, không nề hà gian khổ, hy sinh với ước vọng góp phần vào sự nghiệp Dầu khí của Tổ quốc ở giai đoạn sơ khai.

Ban Dầu khí có biên chế 60 người với 7 nhiệm vụ: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phương hướng, chính sách phát triển ngành Dầu khí; Xây dựng các phương án kinh tế – kỹ thuật của quy trình sản xuất từ khâu khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng dầu khí và hóa dầu; Tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học, kỹ thuật, các dự án nhằm phục vụ các lĩnh vực nói trên; Tổ chức tiếp nhận việc trợ giúp về kinh tế – kỹ thuật, xây dựng công trình, đào tạo nhân lực chuyên môn; Quan hệ chặt chẽ với ngành Địa chất, chuẩn bị cho việc phối hợp triển khai các công việc tiếp theo; Theo dõi, nghiên cứu kịp thời tình hình dầu khí thế giới và miền Nam Việt Nam chuẩn bị cho sau này; Thu thập thông tin và tổ chức phổ biến khoa học kỹ thuật ngành Dầu khí.

Ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu khí được thành lập trên cơ sở sáp nhập Liên đoàn Địa chất 36 của Tổng cục Địa chất và một phần của Tổng cục Hóa chất – đó là Ban Dầu mỏ – Khí đốt. Kể từ thời điểm đó, cán bộ của Ban Dầu mỏ – Khí đốt được điều động sang Tổng cục Dầu khí tiếp tục phục vụ hoạt động của ngành Dầu khí. Ông Nguyễn Văn Biên – nguyên Phó Ban Dầu khí trở thành Tổng Cục trưởng đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam.

Sau này, Tổng cục Dầu khí đổi thành Tổng công ty Dầu khí và nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Cũng cần phải nói đến một số cán bộ được giữ lại ở Tổng cục Hóa chất, họ tiếp tục xây dựng và phát triển ngành Hóa chất, sau này đổi thành Tổng công ty Hóa chất và nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Ông Nguyễn Đông Hải bày tỏ: "Thế hệ đi trước kỳ vọng những người làm Dầu khí hãy phát huy hơn nữa sự sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học".

Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu hết sức cảm động bởi những người gây dựng ngành Dầu khí đã truyền lại cho thế hệ hôm nay khí thế và nguồn cảm hứng mới.

Ông Nguyễn Đông Hải – nguyên Phó trưởng Ban Dầu mỏ – Khí đốt nhấn mạnh: “Chúng ta có thể từ hào mà nói rằng, đội ngũ cán bộ của Ban Dầu khí xưa kia đã có những đóng góp xứng đáng, để lại những dấu ấn sâu đậm vào sự phát triển đáng tự hào của ngành Dầu khí Việt Nam cũng như của Vinachem và các đơn vị khác mà họ công tác”.

Là thế hệ lãnh đạo hôm nay, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đỗ Văn Hậu bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới những người đã đặt nền móng cho sự ra đời của ngành Dầu khí. Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cho biết, việc thành lập Ban Dầu mỏ – Khí đốt chứng tỏ tầm nhận thức của các cấp lãnh đạo để thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sau này. Sau 40 năm phát triển, PVN đã trở thành đơn vị kinh tế hàng đầu đất nước. PVN đã xây dựng được ngành Dầu khí hoàn chỉnh như xây lắp, khai thác dầu khí ở ngoài khơi, vận hành các đường ống dẫn khí, xây dựng nhà máy lọc dầu, triển khai các nhà máy điện chạy khí. PVN sẽ phấn đấu đảm bảo 25% sản lượng điện cả nước.

Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cũng báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn năm 2011. Với tầm nhìn và chiến lược kinh doanh đúng đắn, năm qua, PVN đã khai thác được 25 triệu tấn qui dầu, 8,6 tỉ m3 khí, hơn 10 tỉ kWh điện, 800 nghìn tấn đạm và đạt doanh thu gần 32 tỉ USD.

Từ năm sau trở đi, Ban Dầu mỏ - Khí đốt sẽ gặp nhau thường xuyên vào dịp sinh nhật Ban.

“Trên cơ sở phát triển, PVN quyết tâm thực hiện mọi thắng lợi kế hoạch sản xuất kinh doanh 2012, xứng đáng là ngọn cờ đầu của kinh tế nước nhà” – Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu nhấn mạnh.

40 năm ngày gặp lại, có người đã mất, đã già yếu phải có người dìu nhưng các cựu thành viên Ban Dầu mỏ – Khí đốt vẫn khí thế như những tháng ngày xuân xanh cống hiến cho ngành Dầu khí. Thấy được thành quả của ngành Dầu khí hôm nay, ai ai cũng như trẻ đi vài tuổi, thấy vững tin và tiếp tục đặt kỳ vọng vào những người Dầu khí tiếp tục xây dựng cho đất nước một Tập đoàn hùng mạnh, hàng đầu khu vực.

Đức Chính – Lan Hương

DMCA.com Protection Status