Chúng tôi chống cướp biển Somalia như thế nào?

09:21 | 01/12/2011

4,033 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Vượt qua nỗi lo sợ về cướp biển, các thành viên đội tàu PV TRANS đã tự rút ra những kinh nhiệm, học hỏi, trau dồi các kỹ năng và đưa ra sáng kiến chống hải tặc.

Cướp biển xưa nay vốn rất tàn bạo trong những tiểu thuyết, phim ảnh hành động, kinh dị và vẫn đang là cơn ác mộng có thật trên vùng biển vịnh Aden và Ấn Độ Dương. Ít người biết rằng, có một nhóm người Việt đang phải đối mặt trực tiếp với mối nguy hiểm của cướp biển Somalia. Dù ngày nào cũng xảy ra những vụ cướp trên vùng biển này, bất kể thời tiết yên bình hay giông bão, nhưng suốt nhiều năm qua, hàng ngàn chuyến tàu của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV TRANS) đã cập bến an toàn nhờ những thuyền trưởng, thuyền viên can đảm và tận tụy với công việc.

Đối mặt với cướp biển Somalia

Từng có thâm niên 24 năm ngược xuôi trên các tuyến vận tải đường biển quốc tế, anh Hồ Minh Chiến – một thuyền trưởng của PV TRANS – kể lại với chúng tôi, anh đã từng nghe thông tin hoặc chứng kiến nhiều điểm xảy ra cướp trên đường hải hành như vùng eo biển Malaca, eo Singapore, biển Santa, Lawi Lawi. Nhưng nhức nhối và nguy hiểm nhất hiện nay là cướp biển Somalia ở vùng vịnh Aden với phía bắc là biển Yemen, phía nam là Somalia và trải dài tới sát phía bờ tây Ấn Độ. Chúng được ví như những con hổ đói khát ngày đêm ẩn nấp rình mồi. Ngày nào trên vùng vịnh này cũng xảy ra những vụ cướp tàu để đòi tiền chuộc, tin tức về các vụ cướp biển được cập nhật hàng giờ phát đi cho các tàu.

Trong đó, ám ảnh nhất gần đây là vụ cướp tàu hóa chất của Hàn Quốc. Dù được Hải quân Mỹ và Hàn Quốc giải cứu từ xa, bọn cướp biển bị tiêu diệt, nhưng đã có 2 người bị giết chết và nhiều người khác bị thương. Vì thế, trước khi thực sự đối mặt với cướp biển, nỗi ám ảnh và lo sợ về hải tặc đã đeo nặng tâm lý các thủy thủ trước khi xuống tàu. Đặc biệt, theo lời anh Chiến, trên mỗi chuyến tàu chở hàng thường có nhiều thuyền viên thuộc các quốc tịch khác nhau. Trong đó, thuyền viên người Ấn Độ – nước giáp với vùng biển Aden về phía tây – đã từng chứng kiến nhiều vụ cướp biển, sự phản đối, sức ép từ phía gia đình, bạn bè… khi nhận việc trên tàu qua vùng biển này, làm họ dễ chán nản và lây lan tâm lý muốn bỏ cuộc sang người khác.

Anh Lê Công Trung, một kỹ sư trẻ làm việc trên tàu PVT Dragon (PV TRANS) kể lại: Có lần, Tổng Công ty đã rất nỗ lực ký được hợp đồng cho thuê tàu Hercules M 6 tháng, khai thác tại vùng biển vịnh Aden – Somalia, mang lại nhiều lợi nhuận, cơ hội việc làm… trong lúc ngành vận tải biển gặp rất nhiều khó khăn do kinh tế suy thoái. Thế nhưng, mới nghe tên vùng biển này, đồng loạt anh em thuyền viên người Việt và người nước ngoài đã phản đối và xin… nghỉ ca. Để động viên và thuyết phục được anh em nhận công việc khá nguy hiểm này, từ Tổng Công ty cho tới các thuyền trưởng, đảng viên trên tàu phải nắm bắt tư tưởng anh em, quan tâm tới chế độ lương thưởng, gương mẫu, lấy uy tín cá nhân để kêu gọi anh em thuyền viên chung sức chung lòng, chia sẻ thời điểm khó khăn với Tổng Công ty và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, điều cực kỳ quan trọng là phải huấn luyện cho các thuyền viên có phản xạ, kỹ năng chống lại cướp biển và trang bị thêm các thiết bị hỗ trợ chống cướp biển. Lần đó, hệ thống 3 lớp rào dây thép gai được lắp đặt bao quanh tàu Hercules M với tổng chiều dài lên tới 3.000m dây thép. Vòi rồng xịt nước cao áp cũng được chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn khi cướp biển tiếp cận thân tàu. Anh em còn có thêm sáng kiến làm giả hình nộm canh gác tàu 24/24 giờ…

Để tăng cường an toàn cho thuyền viên, con tàu và hàng hóa, các tàu của PV TRANS hoạt động tại các khu vực nguy hiểm luôn tuân thủ theo hướng dẫn về thực hành chống cướp biển (BPM4) và đăng ký với các tổ chức phòng chống cướp biển như MSCHOA (Maritime Security Center Horn Of America) hoặc UKMTO (UK Maritime Trade Operations). Thông thường, tùy theo yêu cầu của chủ hàng, công suất máy tàu hoạt động khoảng 82-85%, nhưng khi đi qua vùng có cướp biển, công suất phải tăng lên 98%, thậm chí là 100%. Đặc biệt, trái với hình dung của những người ngoại đạo, người ta không hề dùng những hồi còi inh ỏi để báo động toàn tàu khi có cướp biển. Điều này là hết sức nguy hiểm và tối kỵ. Cướp biển có thể tới bất thình lình trong khi anh em thuyền viên vẫn phải tiếp tục làm việc ở các vị trí khác nhau trên tàu. Vì thế khi có cướp, hiệu lệnh báo động có cướp được truyền đi một cách nhanh chóng, đầy đủ nhất nhưng đồng thời phải đảm bảo bí mật và không gây chú ý cho bọn cướp. Những mật lệnh này được mỗi tàu quy định một cách khác nhau tùy theo tình hình thực tế của từng tàu mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu.

Hình nộm, vòi rồng và rào thép gai được trang bị chống cướp biển trên tàu của PV TRANS

Điều quan trọng nhất để thoát khỏi cướp biển không phải là trang thiết bị hay đội ngũ cứu nạn mà chính là những con người trên tàu. Ngoài các khóa huấn luyện về an toàn vận tải biển, theo quy định của Hệ thống quản lý an toàn, định kỳ các thuyền viên bắt buộc phải trải qua các buổi huấn luyện, thực tập các kỹ năng chống cướp biển, vượt biên và khủng bố được cập nhật liên tục những thủ đoạn mới của hải tặc… Anh Hồ Minh Chiến từng giáp mặt với cướp biển khi tàu PVT Dolphin phải hải hành qua vịnh Aden 2 chuyến/tháng, mỗi chuyến 3 ngày. Cướp biển đi thành tốp 4-5 canô đuổi theo tàu, thuyền trưởng phải thông báo nhờ các tàu xung quanh trợ giúp, đồng thời tăng vận tốc, tập trung các thuyền viên lên buồng lái và cảnh giới hai bên mạn tàu. Sau hơn một giờ tăng tốc, điều động, tàu mới thoát khỏi tầm truy đuổi của bọn cướp.

Theo kinh nghiệm của thuyền trưởng Hồ Minh Chiến, những tàu có thể bị cướp thường có vận tốc chậm, mạn khô thấp do tàu bị chìm khi chở hàng nhiều… Khi có cướp biển, điều tối quan trọng với người chỉ huy tàu là phải hết sức bình tĩnh! Vì khi có cướp biển, cả một hệ thống máy móc và con người phải hoạt động nhuần nhuyễn, ứng phó liên tục, trong khi tàu tăng tốc hoặc điều động theo đường zic zac, tâm lý anh em trên tàu căng thẳng, lo sợ… Thuyền trưởng nhất thiết phải bình tĩnh để trấn an tinh thần anh em thuyền viên và điều động cả hệ thống một cách nhanh chóng, chính xác nhất. Trận chiến giữa các thuyền viên và cướp biển khiến câu chuyện của những người đi tàu mà chúng tôi được nghe đôi khi giống như của những trinh sát hay bộ đội đặc công. Có rất nhiều kỹ năng như báo mật lệnh, sử dụng vòi rồng, ống nhòm ban đêm, canh gác… mà lẽ ra họ không phải thực hiện trên các tuyến đường an toàn. Một ví dụ đơn giản, để lên được tàu, cướp biển luôn phải dùng dây ném. Vì thế, chỉ một thao tác tưởng như đơn giản là tháo hoặc cắt dây ném, nếu thuyền viên không biết làm đúng và di chuyển an toàn, rất có thể sẽ bị đe dọa tính mạng vì sự manh động của bọn cướp.

Chiến thắng nỗi sợ hãi

Thuyền trưởng Hồ Minh Chiến tầm soát cướp biển bằng ống nhòm trên tàu

Trên thực tế, các tổ chức vận tải hàng hải quốc tế, khu vực và các quốc gia, chủ tàu đã phối hợp để thực hiện rất nhiều biện pháp tổng thể, hiện đại và mạnh mẽ để kiểm soát, ngăn chặn nạn cướp biển. Tổ chức ICC tiến hành cập nhật hàng giờ thông tin về cướp biển để báo cho các tàu. Cứ 3 giờ một lần, các tàu di chuyển qua vùng có cướp biển lại tự động gửi thông báo vị trí về Trung tâm Hỗ trợ Hàng hải. Nếu không có thông báo này, trung tâm sẽ gửi yêu cầu báo tin. Nếu sau hai lần yêu cầu không thấy phản hồi, trung tâm sẽ lập tức liên lạc với các tàu lân cận để hỏi thông tin và có biện pháp hỗ trợ cần thiết. Mỗi tháng, thường có 4-5 chuyến tàu chiến hộ tống các tàu chở hàng đi qua khu vực này. Lịch hộ tống của tàu chiến được thông báo sớm để các chủ tàu biết và sắp xếp giờ chạy theo đoàn. Các quốc gia còn bố trí lực lượng quân đội, tàu chiến, trực thăng… để can thiệp và bảo vệ tàu của mình. Ngoài ra, mỗi tàu thường thuê lực lượng vũ trang ở luôn trên tàu khi đi qua khu vực này. Tuy nhiên, những biện pháp này hiện chưa thể giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tàu khỏi nạn cướp biển. Lý do khiến cho các cường quốc phải “chào thua” với nạn cướp bóc này chính là sự vô chính phủ, sự đói nghèo của Somalia. Với vị trí địa lý nằm trên tuyến đường ngắn nhất cho các chuyến vận tải biển từ Ấn Độ Dương qua Tây Âu và Biển Bắc, Somalia nảy sinh ra những tên cướp biển hoành hành bất chấp các điều luật, quy ước quốc tế và các biện pháp xử lý mạnh.

Theo kinh nghiệm của các thuyền trưởng PV TRANS, cướp biển Somalia chủ yếu xuất thân từ các ngư dân. Từ chỗ chỉ đi đánh cá, chúng nhận thấy việc cướp tàu và đòi tiền chuộc có lợi hơn nhiều và cứ thế liều lĩnh đi cướp, chứ không hẳn có các băng đảng “xã hội đen” hay tay giang hồ “máu mặt” nào đứng ra bảo kê. Khi đi cướp và bị tàu chiến kịp thời phát hiện, chúng tỏ ra “ngây thơ” ném vũ khí xuống biển và đóng vai những ngư dân hiền lành đi đánh cá. Do không có được tang vật, rất khó để bắt giữ hay kết tội chúng. Hoạt động của chúng ngày càng manh động và khó kiểm soát hơn. Thay vì chỉ có các canô, tàu nhỏ, cướp biển có thể chiếm luôn các tàu chở hàng rồi biến thành tàu “mẹ” để đánh lạc hướng và hỗ trợ các tàu “con”. Nếu như trước đây, chúng chỉ lộng hành xung quanh bờ biển Somalia thì nay cướp biển trải rộng ra tới sát bờ biển Tây Ấn Độ, cách bờ tới 1.800 hải lý. Vì thế, để tránh vùng cướp biển Somalia, hiện nay, đa số các tàu chở dầu đi đường vòng theo khuyến cáo của hãng Shell, với thời gian lâu gấp đôi, kéo theo chi phí tăng, nhưng con đường vòng này chưa chắc đảm bảo an toàn 100%. Ngay cả các tàu chiến hộ tống đôi khi cũng không bảo vệ được tàu chạy theo đoàn, vì tốc độ nhanh và khoảng cách quá xa giữa 20-30 con tàu trên biển, trong khi bọn cướp biển ẩn nấp rình mồi khắp nơi.

Khi các biện pháp vũ trang và các điều luật quốc tế không thể giúp chặn đứng nạn cướp biển ở một đất nước vô chính phủ, không còn cách nào khác là phải trông đợi vào con người! Vượt qua nỗi lo sợ về cướp biển, các thành viên đội tàu PV TRANS đã tự rút ra những kinh nhiệm, học hỏi, trau dồi các kỹ năng và đưa ra sáng kiến chống hải tặc. Theo như khuyến cáo của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), PV TRANS đang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép các tàu của PV TRANS khi hoạt động ở khu vực nguy hiểm được thuê lực lượng vũ trang để đảm bảo an toàn hơn cho con người và tài sản, cũng như đáp ứng các yêu cầu của chủ hàng, người thuê tàu… Hiện tại anh em thuyền viên công tác trên đội tàu của PV TRANS vẫn đang làm việc theo chế độ 5-8 tháng đi biển mới nghỉ ca 2-3 tháng. Dù không tránh khỏi những ngậm ngùi khi không được trực tiếp nuôi dạy con cái, phải vắng mặt trong những việc hiếu, hỉ của gia đình… nhưng anh em thuyền trưởng, thuyền viên vẫn luôn cố gắng hoàn thành công việc. Chính họ là sức mạnh đưa những chuyến tàu vượt qua sóng gió và hiểm nguy để cập bến an toàn!

Thanh Loan

DMCA.com Protection Status