Chút “Năng lượng Mới” cho vùng cao Tây Bắc

08:00 | 27/01/2017

950 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Giáp tết Đinh Dậu, theo truyền thống từ nhiều năm nay, chúng tôi lại ngược lên Tây Bắc vào những ngày lạnh giá, nhưng trong lòng ai cũng cảm thấy ấm áp.

Đây là năm thứ 5, Báo Năng lượng Mới tổ chức hành trình về miền Tây Bắc để mang chút quà tết tặng cán bộ, chiến sĩ cùng bà con các dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa.

Năm nay, Báo Năng lượng Mới đã vận động được một lượng hàng và tiền trị giá 425 triệu đồng, trong đó có một số đơn vị của PVN như: Công ty Cổ phần Quản lý và khai thác tài sản Dầu khí (PSA); Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS); Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans); Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power); Đoàn Thanh niên PVN… Cùng những đơn vị ngoài Tập đoàn như: Tập đoàn VinGroup; Tập đoàn Empire; Công ty CP Kinh doanh và Phát triển nhà HDTC; Vietjetair. Đặc biệt trong năm, riêng PVI Holdings đã tài trợ xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an tỉnh Điện Biên với số tiền 500 triệu đồng. Còn Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng tài trợ 270 triệu đồng để xây dựng một phòng học cho Trường Tiểu học Nậm Pố, cùng 300 bao gạo và 300 lốc nước ngọt.

chut nang luong moi cho vung cao tay bac
Đại diện PVI trao nhà tình nghĩa cho cán bộ công an tỉnh Điện Biên

Đoàn xe của chúng tôi lăn bánh từ 5h30’ sáng ngày 7-1, vượt qua quãng đường 430km từ Hà Nội lên tới điểm dừng chân đầu tiên là thành phố Lai Châu cũng đã quá 12h00’. Mọi người ăn trưa vội vàng cùng CBCS Công an tỉnh Lai Châu, rồi lại lên đường tới xã Dào San, xã Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 50km. Tại đây, đoàn đã thay mặt những nhà tài trợ trao 100 suất quà cho những gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Được biết, nơi đây là địa bàn sinh sống những người Hà Nhì, người Mông và người Dao. Tung Qua Lìn là xã biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn. Xã có 4km đường biên, giáp huyện Kim Bình, Vân Nam, Trung Quốc. hiện có 409 hộ thì có đến 245 hộ nghèo (chiếm 63,8%). Quả thật, có những gia đình đúng là nghèo không thể nghèo hơn, vợ chồng họ mới chỉ khoảng 30 tuổi mà có tới 6 đứa con. Trong khi đó đất để làm nông nghiệp thì ít, cho nên cái ăn còn chẳng đủ chứ đừng nói là cho con đi học. Kể về khó khăn của sự học hành tại đây, cô giáo Lù Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường PTDT Tung Qua Lìn cho biết, hiện tại toàn trường có 127 học sinh (chủ yếu là người Mông và Hà Nhì), có tới 85 em ở lại trường. Có những em ngày nào cũng phải cuốc bộ 8km để tới trường. Hiện Nhà nước hỗ trợ các học sinh bán trú tại đây theo hai mức là 20.000 đồng/em đối với những em nội trú, 17.000 đồng/em đối với những em bán trú.

chut nang luong moi cho vung cao tay bac
Đại diện PV Trans trao quà cho học sinh nghèo Trường THPTDT nội trú Tủa Chùa, Điện Biên

Trên đường đi, chúng tôi được nghe kể về cuộc sống và những khó khăn, vất vả của CBCS cắm bản trên này. Đường lên Dào San là vậy đó, trời không mưa thì còn đi được, trời mà đổ mưa thì không tài nào “bò” lên được. Ở đây, những ngày nhiệt độ xuống thấp, sương mù nhiều, tầm nhìn rất hạn chế, chỉ những tay lái “cự phách” mới dám lên Dào San. Ở độ cao trên 1.600m so với mực nước biển nên Dào San bốn mùa quanh năm nhiệt độ mát mẻ, bởi vậy đặc sản của Dào San là mây gió và… sương mù, chính vì thế nơi đây còn được mệnh danh là “đỉnh gió mây”.

Rời Dào San, Tung Qua Lìn để lên đường về Mường Tè cũng đã 16h00. Mùa đông nên trời tối rất nhanh. Bởi vậy quãng đường 150km đường đèo trong đêm thật sự kinh khủng đối với những ai có sức khỏe không được tốt. Sau một hồi xuýt xoa trước cảnh đẹp bên đường thì triệu chứng “tê tê say say” cùng những khuôn mặt từ hồng hồng chuyển sang xam xám bắt đầu xuất hiện. Đường liên tục cua tay áo, bên núi cao, bên vực sâu, hết lên dốc lại xuống đèo, xóc tung người. Người bản địa có câu vè khi lên Mường Tè như sau: “Người nào không hiểu thì lên Tây Bắc/ Người nào thắc mắc thì lên Mường Tè/ Đi xuồng không được thì đi xe/ Đi xe không được lại đi xuồng...”. Khi tới trung tâm huyện Mường Tè, nhìn đồng hồ đã gần 21h00. Cả đoàn nhanh chóng ăn cơm rồi về nghỉ ngơi lấy sức cho cuộc hành trình lên Tà Tổng ngày hôm sau.

Ngày thứ hai của hành trình, đoàn xuất phát từ Mường Tè lúc 7h00’ để lên xã ở vùng cao Tà Tổng. Tại đây đoàn đã trao 100 phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Là một xã thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, được coi là điểm vùng sâu vùng xa của Tổ quốc nên con đường đến với nơi đây thật chẳng dễ dàng gì. Tuy nhiên, khi mặt trời nhô lên khỏi các ngọn núi, những tia nắng như chọc thủng các đám mây trắng như bông đã tạo lên một khung cảnh yên bình, thơ mộng ngay trước mắt.

Đẹp như vậy nhưng Tà Tổng còn nghèo lắm. Theo lời kể của ông Lý Chùy Hừ - Chủ tịch UBND xã Tà Tổng thì, cách đây khoảng 2 năm, Tà Tổng gần như là một ốc đảo bởi giao thông bị chia cắt, muốn vào đến trung tâm xã, phảiđi bộ 18km đường núi. Nay Tà Tổng đang cố vươn mình, nhưng cũng sẽ phải lâu lâu nữa mới mong cái nghèo, cái đói, cái lạc hậu bị xóa sổ ở nơi này. Nhiều công trình hạ tầng đã và đang được xây dựng khiến cả một vùng có sức sống hơn.

Rời Tà Tổng về đến xã Nậm Khao (huyện Mường Tè, Lai Châu), tại đây đoàn trao 100 phần quà cho hộ nghèo Chuy Đồng, 30 phần quà cho gia đình có thành tích trong công tác an ninh trật tự ở địa phương, 79 phần quà cho các cháu học sinh nghèo vượt khó.

Nậm Khao là xã có đông đồng bào dân tộc Cống cư trú bởi quá trình di dân công trình Thủy điện Lai Châu, các hộ dân tộc Cống về đây lập làng, lập bản. Cuộc di dân bắt đầu từ tháng 4-2006 đến nay, qua hơn 10 năm, cuộc sống đã trở về với nhịp bình thường. Đường quanh bản được đổ bê tông sạch đẹp, nước sinh hoạt được kéo về tận nhà. Con cái được đi học đầy đủ. Những hộ gia đình dân tộc Cống đã có con, em đi học đại học, cao đẳng về nông, lâm nghiệp.

Từ Nậm Khao, cả đoàn đi tiếp về huyện lỵ Mường Tè, tới trụ sở Công an huyện để trao quà cho 10 đồng chí công an huyện, cùng 5 đồng chí công an đã về hưu có hoàn cảnh khó khăn.

Sáng ngày thứ ba, cả đoàn xuất phát lúc 7h00 vượt 150km đường đèo dốc khó đi, từ huyện Mường Tè đoàn tới xã Chung Chải thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Chúng tôi tiếp tục gặp gỡ thăm hỏi và trao 100 phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp đó, đoàn về tới trung tâm huyện Mường Nhé dự lễ trao nhà tình nghĩa và trao quà cho anh Hờ A Tỉnh - cán bộ công an có hoàn cảnh khó khăn. Căn nhà tình nghĩa của anh Tỉnh được sự giúp đỡ của Công ty Cổ phần PVI.

chut nang luong moi cho vung cao tay bac
Đại diện PSA và PV Trans trao quà cho bà con nghèo xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu

Trung tá Pờ Pờ Sơn - Phó trưởng Công an huyện Mường nhé cho hay: “Huyện Mường Nhé luôn thuộc nhóm những địa phương nghèo nhất cả nước. Đời sống của CBCS còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, chúng tôi vô cùng cám ơn tình cảm và tấm lòng hào hiệp của Báo Năng lượng Mới dành cho Điện Biện nói chung và huyện Mường Nhé nói riêng. Hy vọng rằng nghĩa cử cao đẹp của Công ty PVI dành cho Trung tá Hờ A Tỉnh sẽ tiếp tục được phát huy trong những năm tới”.

Ngày thứ 4, đoàn chúng tôi dự lễ bàn giao gắn biển phòng học cho Trường Tiểu học Nậm Pố. Trước đó, Báo Năng lượng Mới và Tập đoàn Tân Hiệp Phát phối hợp với Công an tỉnh Điện Biên tổ chức khởi công xây dựng một phòng học rộng 64m2 trị giá 270 triệu đồng tại điểm Trường Tiểu học Nậm Pố, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé. Trường Tiểu học Nậm Pố là một trong 2 trường tiểu học của xã Mường Nhé. Năm học 2016-2017, trường có 580 học sinh theo học, hiện tại cơ sở vật chất của nhà trường có 25 phòng học đã được đưa vào sử dụng khá lâu.

Tại xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, đoàn đã trao những phần quà có giá trị 15 triệu đồng cho 50 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại đây. 15h00 cùng ngày, chúng tôi có mặt tại TP Điện Biên để cùng các CBCS Công an tỉnh Điện Biên và lãnh đạo PVI gắn biển nhà tình nghĩa cho một đồng chí công an thuộc Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh.

Ông Tôn Thiện Việt - Phó chủ tịch HĐQT PVI chia sẻ: “Đây là món quà nhỏ nhoi của người Dầu khí bày tỏ lòng tri ân đối với những chiến sĩ đã xả thân hết mình trong cuộc chiến chống lại ma túy nơi biên ải’.

Cuối cuộc hành trình, chúng tôi đi từ TP Điện Biên vượt 140km toàn đường đèo khó đi lên huyện Tủa Chùa, tới xã Tủa Thàng thăm hỏi và trao 80 suất quà cho bà con nơi đây. Xã Tủa Thàng hiện có 921 hộ, 4921 khẩu, trong đó hộ nghèo là 669 hộ (chiếm 72,96%). Sau đó quay về thị trấn Tủa Chùa, trao 40 phần quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Tới trường PTTH Dân tộc nội trú huyện Tủa Chùa để giao lưu và trao 50 phần quà cho các học sinh nghèo vượt khó.

Cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Tủa Chùa cho hay: “Người dưới xuôi mới sợ ăn mỡ, chứ còn ở trên này có mỡ lợn mà ăn đã là may mắn lắm rồi. Mà cũng làm gì có mỡ. Vài ngày may ra các em mới được miếng thịt. Các anh chị ở dưới đó nếu xin được cho các cháu cái gì, chúng tôi nhận hết. Từ sách vở, giấy bút, giày dép, quần áo cũ; thực phẩm, mỡ lợn, dầu ăn, nước mắm, bột canh, mì chính… Cái gì đối với chúng tôi cũng quý, bởi các cháu quá thiếu”.

Kết thúc cuộc hành trình 6 ngày dài gần bằng từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh để mang chút “Năng lượng Mới” cho vùng cao Tây Bắc, điều chúng tôi thấy đáng trân trọng nhất chính là tấm lòng của những người dân nơi đây dành cho người Dầu khí. Đó là những cái bắt tay ấm nóng, thân tình; là sự chào đón nồng nhiệt, là niềm hạnh phúc khi nhận được quà là những gói bánh, gói kẹo ăn tết, bao gạo, cùng chút ít tiền mặt… Đối với những bà con sống nơi rẻo cao đây có lẽ là một sự động viên kịp thời trước cái tết Đinh Dậu 2017 đang tới gần.

Cẩm Tú

Năng lượng Mới 594+595

DMCA.com Protection Status