Chuyện cô gái “soi dầu” ở BSR

08:00 | 15/03/2015

732 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tôi gọi vậy cho ngắn gọn và dân dã, chứ theo văn bản hành chính phải là chuyên viên kiểm soát chất lượng dầu thô và sản phẩm. Chị là Phạm Thị Thêm, đang công tác tại Phòng Quản lý Chất lượng Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Chị được biết đến với tấm gương lao động hăng say, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật quá trình phân tích, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm dầu.

Năng lượng Mới số 404

1. Khu vực thí nghiệm của Phòng Quản lý Chất lượng (QLCL) nơi chị làm việc cách không xa cổng an ninh nhà máy. Nơi đây có một sự yên ắng đến lạ kỳ. Gần như mọi người rất chăm chú vào máy tính, ống nghiệm, dụng cụ khoa học. Chúng tôi gặp chị Thêm khi chị vẫn bối rối không biết trả lời ra sao. Thực tế, cuộc trò chuyện khá cởi mở và những câu hỏi rất đời thường đã khiến chị hăng say với những câu chuyện của mình. Chị bảo, công việc hằng ngày của chị là phân tích các mẫu dầu thô nguyên liệu, sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối.

Trong quá trình làm việc, chị đã có những sáng kiến tuy không là những đề tài khoa học có giá trị lớn nhưng những sáng kiến này đã góp phần vào công việc vận hành nhà máy an toàn, ổn định và cải thiện thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện công việc. Có lẽ, chị Thêm cũng không nhớ hết mình đã có bao nhiêu sáng kiến, bởi những sáng kiến xuất hiện ngày ngày, trong từng phần việc.

Chị Phạm Thị Thêm và đồng nghiệp đang kiểm tra thiết bị

Chị đã tiến hành pha thành công chất chuẩn AOT (tác nhân phân tán Aerosol OT) với nồng độ chất phân tán là 0.4mL/L để kiểm tra độ chính xác của thiết bị đo trị số tách nước nhằm kiểm soát chặt chẽ, chính xác kết quả phân tích sản phẩm xăng Jet A1. Mục đích nhằm hạn chế được các chất phân tán hấp thu qua thành bình, thu được kết quả phân tích chính xác hơn, đảm bảo thiết bị được kiểm tra ổn định trước khi thực hiện quá trình phân tích. Bên cạnh đó, chị nhận ra chỉ tiêu nhiệt trị theo ASTM D240 của mẫu dầu DO (DF21310) đã bị sai lệch so với giá trị đúng trong chương trình SSLP tháng 10/2013 của Hiệp hội ASTM (Mỹ). Sau 10 ngày điều tra đã xác định được nguyên nhân gây sai lệch kết quả là nhiệt độ nước để thực hiện phân tích quá cao, dẫn đến nhiệt trị thấp. Theo hướng dẫn phân tích chỉ quy định nước lấy ở nhiệt độ phòng nên trường hợp nhiệt độ phòng lên cao thì không kiểm soát được nhiệt độ của nước. Trong quá trình chị cùng đồng nghiệp điều tra đã thực hiện phân tích mẫu tại một dải nhiệt độ để tìm ra khoảng nhiệt độ an toàn mà đảm bảo phân tích kết quả là chính xác, đồng thời bổ sung vào quy trình để nhân viên phân tích áp dụng nhằm đảm bảo không để xảy ra kết quả phân tích bị sai lệch.

Chị tích cực tham gia nghiên cứu khảo sát hiện tượng đông đặc theo ASTM D97 và hiện tượng vẩn đục theo ASTM D2500 của mẫu ADO nhà máy tại bể TK5119B trên phụ gia Flow Improver (OFI). Kết quả thu được rất nhanh chóng, chính xác, báo cáo kịp thời cho yêu cầu công việc nghiên cứu cải thiện chất lượng dầu ADO.

Chị cũng tham gia triển khai cải tiến các quy trình hướng dẫn trong hệ thống quản lý chất lượng của Phòng QLCL theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, tránh sự chồng chéo trong hệ thống tài liệu nhằm phục vụ công việc một cách nhanh chóng kịp thời và hiệu quả, khắc phục các điểm không phù hợp. Ngay trong phòng thí nghiệm hiện đại này, chị cũng thường xuyên cùng đồng nghiệp kiểm tra và hiệu chuẩn dung tích các dụng cụ thủy tinh: buret, pipet, bình định mức... nhằm cắt giảm được số lượng dụng cụ gửi đi hiệu chuẩn bên ngoài. Những sáng kiến tuy nhỏ ấy cũng giúp cho công ty tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng/năm chi phí kiểm tra hiệu chuẩn.

Bên cạnh đó, chị luôn tích cực tham gia chương trình SAO của công ty, có nhiều SAO đạt chất lượng an toàn. Song song với việc hoàn thành xuất sắc công việc được giao, chị là một người cán bộ đoàn tiêu biểu, nhiệt tình, hăng say với các công tác đoàn thể, như tổ chức các chương trình “về nguồn”, “theo dòng lịch sử”, “tìm hiều về cuộc đời và sự nghiệp của Bác” nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác.

Ngoài ra, chị phối hợp thực hiện chương trình an sinh xã hội “Kết nối nhân ái, chia sẻ yêu thương”, đây là chương trình dài hạn được thực hiện hằng quý, đến nay tổng số tiền tặng cho các em nhỏ là hơn 30 triệu đồng và được Đoàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam công nhận là Chi đoàn tiêu biểu về “cuộc sống cộng đồng”, góp phần xây dựng Chi đoàn QLCL luôn “vững mạnh toàn diện”. Ngoài việc cùng với Ban Chấp hành đưa tập thể Chi đoàn QLCL hoạt động vững mạnh chị còn tham gia các phong trào đoàn thể do đoàn công ty hay công đoàn cơ sở phát động, ngày 8-3 năm ngoái chị đạt giải nhất của cuộc thi xe đạp chậm do công đoàn tổ chức.

Khi được hỏi về động lực nào khiến chị nhiệt huyết đến thế, chị lại cười và nói: “Mặc dù đây là hoạt động xã hội chỉ là phần phụ ngoài công việc chuyên môn, nhưng khi sắp xếp được thời gian thì tôi tham gia hết mình, không hiểu sao trong con người tôi luôn dâng trào một cảm xúc khi được hòa mình vào các hoạt động thiện nguyện ấy”.

2. Phòng QLCL có nhiệm vụ phân tích mẫu dầu thô nguyên liệu, sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối. Ngoài ra, Phòng QLCL còn lấy mẫu nguyên liệu hóa phẩm, xúc tác, bao bì. Những mẫu này bên cạnh việc phân tích, còn phục vụ thanh tra Nhà nước, đánh giá hợp quy, hợp chuẩn ISO, gửi phân tích bên ngoài và dịch vụ.

Phòng hiện có tới 37/72 nhân viên là nữ, chiếm tỷ lệ cao nhất công ty. Với số lượng nữ cao như vậy, chị em trong phòng luôn quan tâm, giúp đỡ nhau. Khi chúng tôi hỏi: “Ai là người có ảnh hưởng nhất với chị trong công việc?”. Chị Thêm không ngần ngại kể về chị Trương Thị Thu Hà, Trưởng bộ phận Kiểm soát chất lượng của Phòng QLCL. Chị Hà rất tích cực, chịu khó, hết lòng trong công việc; sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp khi họ gặp khó khăn và giải quyết các vấn đề một cách thấu đáo, nhẹ nhàng nhưng không kém phần kiên định. Chị Hà cũng là một “cây sáng kiến” của phòng, là một trong những cán bộ nữ của Phòng QLCL được nhận giải thưởng sáng kiến, sáng tạo năm 2013 do Hội đồng Khoa học kỹ thuật - Sáng kiến BSR bình chọn.

Chị Thêm đang say sưa kể về những chị em trong phòng, về công việc hằng ngày mà chị đảm nhận, về các hoạt động đoàn thể mà chị tổ chức và tham gia. Thế nhưng, khi được hỏi về gia đình thì tâm trạng của chị trở nên lắng lọng như bỗng sực nhớ ra một điều gì đó. Chị lặng thinh và chầm chậm kể về người cha của mình. Ông Phạm Đình Như sinh năm 1941, tham gia cách mạng năm 1964 và năm 1968 ông được kết nạp Đảng tại trận địa. Sau đó, ông được giao làm xã đội phó. Năm 1969, ông được phân làm xã đội trưởng lực lượng vũ trang và ông được tổ chức điều động làm công tác vũ trang tuyên tuyền huyện Bình Sơn. Trong thời gian tham gia kháng chiến, ông bị thương do quân Mỹ đánh chụp mũ. Mặc dù thế nhưng ông vẫn bảo vệ được đồng đội, diệt nhiều giặc Mỹ và thu được nhiều súng, quân dụng.

Tháng 10/1970, trong quá trình tham gia chiến đấu, ông bị Mỹ bắn thủng ruột và bắt bỏ tù Côn Đảo. Năm 1973, ông được trao trả tù binh và được đơn vị B13-C50 của Cục Hậu cần Quân khu 7 tiếp nhận và chuyển về an dưỡng, mọi chế độ được hưởng thụ như thượng sĩ lâu năm. Trong thời gian điều trị, ông được các bác sĩ Bệnh viện 175 Sài Gòn cắt 1 đoạn ruột do bị nhiễm trùng sâu. Đến năm 1982 có chính sách bảo lãnh thương binh về với gia đình thì ông xin về quê hương. Vết thương càng ngày nặng dần, ông phải cắt bỏ nhiều đoạn ruột nữa, đến năm 1992 ông ra đi và được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ.

Gia đình chị Thêm là gia đình có truyền thống cách mạng, có bố và một bác là liệt sĩ, một bác thương binh. Sống trong gia đình có truyền thống ấy, chị Thêm vô cùng tự hào về người bố, dù ông đã không còn nữa. Khi chị còn nhỏ, bố chị đã dạy cho chị bài hát đầu tiên là bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, không ngờ đó cũng là bài hát cuối cùng bố dạy cho chị. Cảm xúc ấy bây giờ kể lại vẫn còn in sâu trong tiềm thức của một người con như chị. Với những gì bố đã chiến đấu quên mình cho Tổ quốc thì bản thân chị càng phải cố gắng phấn đấu làm việc, học tập, rèn luyện bản thân nhiều hơn nữa để xứng đáng với gia đình, với xã hội.

Phương Trà

 

DMCA.com Protection Status