Chuyển dự án điện than sang điện khí: Hợp lý

10:58 | 16/11/2020

1,181 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm hoan nghênh việc Hà Tĩnh xin chuyển đổi Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 từ sử dụng than sang sử dụng khí.

Tỉnh Hà Tĩnh vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đối với dự án Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 bao gồm Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3.1 và Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3.2 với tổng công suất 2.400MW từ nhiệt điện đốt than công nghệ truyền thống sang tổ hợp điện khí LNG.

Trước động thái của Hà Tĩnh, chuyên gia năng lượng - TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cho hay, phát triển nhiệt điện khí đang trở thành một xu hướng và đề xuất của Hà Tĩnh là hợp lý.

Trước Hà Tĩnh, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà đầu tư Thái Lan cũng đã có đề xuất chuyển nghiên cứu thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện tại huyện Phong Điền sang lĩnh vực điện khí.

Tháng 3 năm nay, Thường trực Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh các dự án nhà máy điện Long An I và II từ sử dụng nhiên liệu than chuyển sang nhiên liệu khí LNG với tổng công suất sau khi chuyển đổi khoảng 3.000MW, tăng 200MW so với kế hoạch ban đầu.

Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu, quy mô 3.200 MW, sử dụng khí LNG vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia 2011-2030.

Một trong những quan điểm chỉ đạo nổi bật tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch…; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện”.

Chuyen du an dien than sang dien khi: Hop ly
Tỉnh Hà Tĩnh đề xuất chuyển trung tâm điện lực Vũng Áng 3 từ than sang khí LNG. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Theo TS Ngô Đức Lâm, trước đây, Tổng sơ đồ VII cũng đã đề cập đến khí hóa lỏng nhưng mới chỉ có tính chất thí điểm. Nguyên nhân là vì, ở thời điểm đó, khí hóa lỏng rất đắt, gần gấp đôi so với các loại năng lượng khác do vận chuyển xa, khối lượng chưa nhiều.

Tuy nhiên, sau này, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nga phát triển khí hóa lỏng nhiều, vận chuyển dễ, khối lượng lớn nên giá thành giảm đi và có khả năng cạnh tranh tốt với than trong tương lai.

Khẳng định khí hóa lỏng có nhiều ưu điểm, vị chuyên gia năng lượng dẫn chứng: nhà máy điện khí rất gọn nhẹ, không cần bãi than khổng lồ, chỉ cần đường ống dẫn khí, môi trường xung quanh xanh, sạch đẹp. Vì sử dụng khí nên nhà máy không có chất thải rắn, không cần bộ khử bụi, ô nhiễm môi trường giảm đi rất nhiều, đặc biệt.

Một điểm khác, nhà máy điện khí có thể vận hành suốt năm. Nếu nhà máy nhiệt điện than vận hành chừng 5.000-6.000 giờ/năm, điện gió, điện mặt trời chỉ được chừng 2.000-2.500 giờ/năm thì nhà máy điện khí có khả năng vận hành trên 7.000 giờ/năm, giúp sản xuất được nhiều điện năng.

Ngoài ra, điều khiển công suất nhiệt điện khí rất dễ. Nếu nhà máy điện than từ bước đầu tiên đến khi phát điện cần rất nhiều thời gian để nâng dần công suất thì điện khí chỉ cần mười mấy phút là có khả năng phát được điện.

"Cho nên, trong hệ thống điều độ, điện khí làm cơ bản, điều hòa cao, thấp điểm rất thuận lợi, còn nhiệt điện than gọi là hệ thống dự phòng nóng, tức phải đốt than dù không ra điện cứ phải om ở đó, đến lúc cần thì 3-4 tiếng sau mới phát được", TS Ngô Đức Lâm cho biết.

Nhìn một cách tổng thể, khí hóa lỏng khi nhập về Việt Nam vẫn đắt hơn các năng lượng khác, nhưng vị chuyên gia cho rằng, nếu tính đúng, tính đủ các yếu tố, chẳng hạn như phí môi trường, chi phí vận chuyển... thì nhiệt điện than không hề rẻ như Tổng sơ đồ VII tính toán và nhiệt điện khí vẫn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng.

Cũng theo TS Ngô Đức Lâm, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, nhiệt điện than ở miền Nam ngày càng giảm, không xây dựng nhà máy mới, còn nhà máy cũ đã xây dựng thì phải chuyển sang loại có thông số cao hơn. Còn miền Trung, kể cả miền Bắc cũng sẽ có một số nhà máy khí.

Đáng lưu ý, tháng 7 năm nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) công bố phát hiện mỏ Kèn Bầu có trữ lượng khí ước tính lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Nơi PVN khoan thăm dò là Lô 114 - Kèn Bầu nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc Bể Sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km. Cho nên, nếu một số tỉnh miền Trung phát triển dự án nhiệt điện khí thì vô cùng thuận lợi. Nếu khai thác được mỏ khí Kèn Bầu thì mối lo về việc sẽ bị phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu cũng như vận chuyển khó khăn gần như được giải tỏa.

"Rõ ràng, Hà Tĩnh có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển hướng từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí. Và ngoài Hà Tĩnh, chắc chắn nhiều nơi khác cũng sẽ có sự chuyển hướng tích cực", ông Lâm nói, đồng thời cũng lưu ý, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, sau này sẽ có hệ thống chuyển điện ngược từ Nam ra Bắc, nhiều hơn là Bắc chuyển vào Nam. Do đó, nếu xây dựng hệ thống chuyển điện nêu trên, có Hà Tĩnh là trung gian thì rất tốt, đỡ tổn thất nhiều; bão lũ đỡ lo đổ cột điện, có hệ thống dự phòng, đỡ phải đi xa....

Theo Báo Đất Việt

Kinh tế đêm – mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh kinh tếKinh tế đêm – mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh kinh tế
Thủ tướng khởi động mạng lưới logistics thông minh Asean (ASLN) với dự án đầu tiên Thủ tướng khởi động mạng lưới logistics thông minh Asean (ASLN) với dự án đầu tiên "Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc" (SuperPort ™)
TP HCM quyết tâm thực hiện dự án buýt nhanh hơn 140 triệu USDTP HCM quyết tâm thực hiện dự án buýt nhanh hơn 140 triệu USD

DMCA.com Protection Status