Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Ban Dầu mỏ - Khí đốt (3/3/1972- 3/3/2022):

Cố Bộ trưởng Nguyễn Chấn và dấu ấn khởi đầu ngành Dầu khí Việt Nam

08:50 | 25/02/2022

3,971 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Ban DK-TCHC ( 3/3/1972 - 3/3/2022) là dịp để chúng ta nhớ lại cố Bộ trưởng Nguyễn Chấn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất kiêm Trưởng ban Ban DK-TCHC giai đoạn 1969-1974 cùng những dấu ấn của ông đối với sự hình thành ngành Dầu khí Việt Nam.
Cố Bộ trưởng Nguyễn Chấn và dấu ấn khởi đầu ngành Dầu khí Việt Nam
Cố Bộ trưởng Nguyễn Chấn

Ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Nghị quyết số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất các tổ chức làm công tác dầu khí ở Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất và các tổ chức làm công tác này hiện có ở miền Nam Việt Nam, đánh dấu sự ra đời ngành Dầu khí - một ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.

Ban Dầu khí thuộc Tổng cục Hóa chất (Ban DK-TCHC) là một trong 3 đơn vị tiền thân của ngành Dầu khí Việt Nam lúc đó, được thành lập ngày 3/3/1972. Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Ban DK-TCHC ( 3/3/1972 - 3/3/2022) là dịp để chúng ta nhớ lại cố Bộ trưởng Nguyễn Chấn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất kiêm Trưởng ban Ban DK-TCHC giai đoạn 1969-1974 cùng những dấu ấn của ông đối với sự hình thành ngành Dầu khí Việt Nam.

Khởi đầu trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt

Ông Nguyễn Chấn là Tổng cục trưởng đầu tiên của Tổng cục Hóa chất được thành lập ngày 19/8/1969 . Đây là thời điểm miền Bắc Việt Nam vừa trải qua đợt chiến tranh phá hoại đầu tiên bằng không quân của đế quốc Mỹ từ năm 1964 đến năm 1968 . Tổng cục Hóa chất vừa phải khôi phục các cơ sở bị không quân Mỹ đánh phá như mỏ Apatit Lào Cai, Nhà máy super phosphate Lâm Thao, Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Khu hóa chất Việt Trì, Nhà máy xi măng Hải Phòng và các nhà máy khác, vừa phải tổ chức phát triển sản xuất ở những địa điểm sơ tán.

Năm 1972, đế quốc Mỹ lại tiến hành đánh phá hủy diệt miền Bắc Việt Nam bằng máy bay B52 và các loại vũ khí hiện đại. Hầu hết các nhà máy và cơ sở sản xuất của Tổng cục Hóa chất bị phá hủy. Có thể hình dung mức độ tàn khốc cùa chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ tiến hành ở miền Bắc qua số liệu lưu trữ tại Nhà máy phân đạm Hà Bắc: trên mặt bằng Xưởng điện rộng 4 ha, giai đoạn 1966-1968 bị đánh phá 21 lần với 1.962 quả bom phá và hàng tấn bom bi và rốc két; năm 1972 bị đánh phá 23 lần với hàng nghìn tấn bom đạn các loại.

Tổng cục trưởng Nguyễn Chấn đã chỉ đạo các đơn vị toàn ngành Hóa chất vừa tham gia chiến đấu, vừa sửa chữa, khôi phục các cơ sở bị bom đạn bắn phá, vừa đảm bảo sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp, vật liệu phục vụ xây dựng, các sản phẩm cao su, pin, ắc quy, hóa chất cơ bản và hóa chất tiêu dùng phục vụ đời sống sinh hoạt và phục vụ cho các chiến trường.

Trong hoàn cảnh ấy, ông đã chỉ đạo triển khai công việc chuẩn bị xây dựng ngành Dầu khí, một ngành công nghiệp mới mẻ có quan hệ mật thiết với ngành hóa chất. Ngành Dầu khí sẽ cung cấp cho các lĩnh vực hóa dầu và hóa hữu cơ nguồn nguyên liệu là dầu thô, khí thiên nhiên và các dẫn xuất sản phẩm trung gian để sản xuất ra phân bón, chất dẻo, sợi tổng hợp, sơn, chất tẩy rửa, cao su tổng hợp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc nổ… Đề xuất của Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất về việc xây dựng ngành Dầu khí đã được Chính phủ "bật đèn xanh".

Ban Dầu mỏ và Khí đốt với mục tiêu phát triển toàn diện ngành Dầu khí

Tổng cục Hóa chất giai đoạn 1969-1970 chưa có cơ sở kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực dầu khí, vì vậy cần có một tổ chức ban đầu để triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Hóa chất, ngày 28/12/1970, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 248/CP giao nhiệm vụ cho Tổng cục Hóa chất chuẩn bị cho công tác chế biến dầu khí và hóa dầu.

Ngày 27/9/1971, Tổng cục Hóa chất trình Chính phủ: “Nhiệm vụ xây dựng, phát triển ngành dầu mỏ và khí đốt", bao gồm một số nội dung cần nghiên cứu, đồng thời xin phép thành lập Ban Dầu mỏ và Khí đốt trực thuộc Tổng cục Hóa chất với biên chế ban đầu 50 người.

Các nội dung chính đề nghị nghiên cứu:

- Nghiên cứu quy hoạch, kế hoạch, phương hướng, biện pháp và chính sách để phát triển ngành dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu.

- Nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng các phương án kinh tế, kỹ thuật về các lĩnh vực khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu.

- Nghiên cứu tình hình phát triển khoa học - kỹ thuật của ngành dầu mỏ và khí đốt trên thế giới, nghiên cứu những vấn đề khoa học - kỹ thuật, khai thác, chế biến và hóa dầu cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nước ta.

- Nghiên cứu và đề ra chủ trương, biện pháp trình Nhà nước phê chuẩn, phối hợp với các ngành để thực hiện, hoặc tổ chức thực hiện, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất đào tạo cán bộ và công nhân cho các lĩnh vực dầu khí.

- Tổ chức nắm tình hình phát triển dầu mỏ và khí đốt của thế giới; theo dõi tình hình địa chất thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở miền Bắc nước ta, đồng thời theo dõi tình hình dầu mỏ và khí đốt ở miền Nam hiện nay và chuẩn bị cho sau này.

- Về quan hệ công tác giữa Tổng cục Hóa chất với các bộ, các tổng cục có liên quan.

Qua nội dung đề xuất trong Tờ trình Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất thể hiện chủ trương xây dựng ngành Dầu khí phát triển toàn diện từ khâu đầu là khai thác dầu khí, tới khâu cuối là chế biến dầu khí và hóa dầu. Ông còn khẳng định niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc với tầm nhìn phát triển công nghiệp Dầu khí cả ở miền Bắc và miền Nam, cũng như khả năng hội nhập với dầu khí thế giới.

Ngày 3/3/1972, Tổng cục Hóa chất ra quyết định thành lập Ban Dầu mỏ và Khí đốt (gọi tắt là Ban Dầu khí ) trực thuộc Tổng cục. Ban Dầu khí có 7 nhiệm vụ phù hợp với nội dung tờ trình đã được Chính phủ chấp thuận:

- Tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phương hướng, biện pháp và chính sách xây dựng, phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của đất nước.

- Nghiên cứu, xây dựng các phương án kinh tế kỹ thuật khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu trước mắt và lâu dài.

- Tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học kỹ thuật và thiết kế phục vụ yêu cầu xây dựng, phát triển và sản xuất của ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt trên các mặt khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng và hóa dầu .

- Tổ chức tốt việc tiếp nhận sự giúp đỡ của nước bạn về khoa hoc kỹ thuật, xây dựng các công trình công nghiệp dầu mỏ và khí đốt, chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo cán bộ, công nhân… cho công nghiệp dầu mỏ và khí đốt

- Quan hệ chặt chẽ với ngành địa chất, theo dõi nắm tình hình thăm dò về dầu mỏ và khí đốt để phục vụ cho công tác nghiên cứu và chuẩn bị tốt cho việc triển khai những công tác của Nhà nước và Tổng cục giao.

- Tổ chức nắm tình hình dầu mỏ và khí đốt của thế giới, đồng thời theo dõi nắm bắt tình hình dầu mỏ và khí đốt ở miền Nam để chuẩn bị cho sau này.

- Tổ chức công tác thông tin và phổ biến khoa học kỹ thuật công nghiệp dầu mỏ và khí đốt.

Điểm mới trong nhiệm vụ của Ban Dầu khí là "tổ chức công tác thông tin và phổ biến khoa học kỹ thuật”, xuất phát từ thực tế lĩnh vực dầu khí còn rất mới mẻ ở nước ta, ít người thông hiểu. Tổng cục trưởng kiêm Trưởng ban Dầu khí đặt sự tin cậy vào Tổ Thông tin - Quy hoạch với Tổ trưởng là tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng được đào tạo ở Liên Xô và Tổ phó là tiến sỹ Phạm Thị Ngọc Bích được đào tạo ở Rumani tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Từ cuối năm 1971, Ban Dầu khí đã phát hành Bản tin nhanh dầu khí mỗi tháng một số phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, và Nội san Dầu khí phát hành 3 tháng một kỳ từ năm 1973.

Cố Bộ trưởng Nguyễn Chấn và dấu ấn khởi đầu ngành Dầu khí Việt Nam
Tổng cục trưởng Nguyễn Chấn thăm Nhật Bản năm 1973

Lãnh đạo Ban Dầu khí bao gồm:

- Trưởng ban: Ông Nguyễn Chấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất

- Phó trưởng ban: Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất

- Phó trưởng ban: TS. Hoàng Hữu Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất

- Ủy viên Thường trực: TS. Nguyễn Đông Hải

- Ủy viên: Kỹ sư Trần Quang Vinh

Các tổ chuyên môn và nghiệp vụ bao gồm :

- Tổ Hành chính - Quản trị: Tổ trưởng Nguyễn Thị Cẩm Vân

- Tổ Lọc hóa dầu: Tổ trưởng Kỹ sư Trần Quang Vinh

- Tổ Khí: Tổ trưởng Kỹ sư Nguyễn Khải

- Tổ Cơ điện : Tổ trưởng TS. Châu Ngọc Thuận

- Tổ Phân tích - Thí nghiệm : Tổ trưởng Kỹ sư Nguyễn Văn Minh

- Tổ Thông tin - Quy hoach: Tổ trưởng TS. Nguyễn Mạnh Hùng.

Phần lớn nhân sự cùng với các nhiệm vụ đang triển khai của Ban DK-TCHC được điều chuyển sang Tổng cục Dầu khí được thành lập vào ngày 3/9/1975. Tổng cục phó kiêm Phó trưởng ban Nguyễn Văn Biên trở thành Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí, tiếp nối một giai đoạn mới phát triển toàn diện ngành Dầu khí Việt Nam.

Lạc quan và kiên định

Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của năm 1971, sự lạc quan và kiên định của Tổng cục trưởng Nguyễn Chấn đã truyền nhiệt huyết cho chúng tôi, những người vừa mới bước chân vào nghề, khắc phục được những thiếu thốn, trở ngại trong điều kiện chiến tranh để nghiên cứu, cụ thể hóa các quy hoạch, kế hoạch, phương án chế biến dầu khí và hóa dầu cho tương lai. Tài liệu được gom góp từ nhiều nguồn khác nhau: sách vở, tư liệu của các sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh, thư viện Khoa học kỹ thuật Trung ương, các tài liệu từ miền Nam gửi ra (tại cơ quan đại diện Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam - CP 72), các tài liệu từ Đại sứ quán Việt Nam ở các nước gửi về qua Vụ Kinh tế - Bộ Ngoại giao…Tính toán hoàn toàn làm bằng tay và rút thước logarit, vẽ thủ công trên giấy croky. Hàng chục phương án, bản thảo đã ra đời tại văn phòng tại số 1A Tràng Tiền, Hà Nội và sau này ở các nơi sơ tán tại Hà Tây và Bắc Ninh.

Ngày 5/12/1971, Việt Nam và Trung Quốc ký kết Nghị định thư về hợp tác kinh tế giữa hai nước, trong đó có đề cập việc Trung Quốc sẽ viện trợ cho Việt Nam xây dựng một nhà máy lọc dầu, một kho trung chuyển dầu thô, một đường ống dẫn dầu và một bến cảng phục vụ nhà máy lọc dầu. Ngày 29/12/1971, Phủ Thủ tướng chỉ thị cho Tổng cục Hóa chất nghiên cứu phương án xây dựng nhà máy lọc dầu do Trung Quốc viện trợ.

Suốt năm 1972, mặc dù máy bay Mỹ đánh phá ác liệt các tỉnh miền Bắc, kể cả khi máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và Hải Phòng, ông Nguyễn Chấn vẫn chỉ đạo Ban Dầu khí phối hợp với Ban Quy hoạch bao gồm đại diện Vụ Kế hoạch, Cục Xây dựng cơ bản, Viện Hóa công nghiệp và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tính toán, soạn thảo, hoàn thiện các phương án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu ở Việt Nam và báo cáo Lãnh đạo Tổng cục xem xét, góp ý trước khi trình Nhà nước.

Tháng 5/1973, Tổng cục Hóa chất trình Thủ tướng Chính phủ “Phương hướng xây dựng các nhà máy chế biến dầu mỏ và hóa dầu”. Trong đó dự báo nhu cầu dầu thô năm 1975 là 1,5 triệu tấn, năm 1985 là 7,5 triệu tấn; tới năm 1985 nên xây dựng 2 nhà máy lọc hóa dầu, một nhà máy hợp tác với Trung Quốc công suất 3 triệu tấn/năm, và một nhà máy hợp tác vơi Liên Xô và các nước khác có công suất 4,5 triệu tấn/năm; tổng đầu tư khoảng 790 triệu USD.

Trong giai đoạn 1972-1975, theo yêu cầu của Tổng cục Hóa chất, Ban Dầu khí biệt phái một số cán bộ kỹ thuật chuyên môn về máy, thiết bị, điện, điều khiển của Ban Dầu khí tham gia công việc khôi phục Nhà máy phân đạm Hà Bắc (Tiến sĩ Châu Ngọc Thuận, các kỹ sư Tạ Quốc Quang, Hoàng Ngạc, Ngô Thế Vĩnh, Nguyễn Tiến Hưng, Nguyễn Khăc Tráng…); tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thử một số sản phẩm dầu khí thay thế nhập khẩu và phục vụ nhu cầu nội địa: các kỹ sư công nghệ lọc hóa dầu (Trần Như Trí, Đinh Ngọc Tú, Nguyễn Văn Minh, Quản Mai Yên…) tiến hành việc sản xuất thử muội than từ nguồn khí thiên nhiên tầng nông ở Xuân Thủy cho sản xuất xăm lốp, mực in, sản xuất thử mỡ bôi trơn, tái sinh dầu nhờn… thay thế nguồn nhập khẩu trong hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn do bị phong tỏa đường biển; các kỹ sư công nghệ và thiết bị (Nguyễn Khải, Nguyễn Năm, Nguyễn Quốc Sử…) tiến hành nghiên cứu sử dụng khí thiên nhiên làm chất đốt cho trại chăn nuôi, lò gạch, lò vôi ở Xuân Thủy…

Tuy thời gian không dài và mới triển khai được một số công việc dự kiến, nhưng Ban DK-TCHC đã khai mở một số lĩnh vực căn bản về lọc hóa dầu, chế biến và sử dụng khí thiên nhiên… mà sau này Tổng cục Dầu khí tiếp tục triển khai ở vị thế mới, phát triển thành công một ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Cố Bộ trưởng Nguyễn Chấn và dấu ấn khởi đầu ngành Dầu khí Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Điện - Than Nguyễn Chấn phát biểu tại hội nghị năm 1979

Đào tạo nguồn nhân lực là mối quan tâm đặc biệt

Thực hiện chủ trương chung của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ cuối thập niên 1950, Bộ Đại học đã lựa chọn và cử nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh khoa học đi đào tạo ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Trong đó, chuyên ngành Dầu khí được đào tạo ở Liên Xô, Rumani và Đông Đức. Trong thập niên 1960, các Bộ ngành tiếp tục cử thêm các đoàn thực tập sinh đi thực tập tại các cơ sở sản xuất tương ứng ở các nước XHCN mà họ có thế mạnh đối với từng lĩnh vực. Tổng cục Hóa chất đã cử 2 đoàn thực tập sinh sang Rumani thực tập ở các nhà máy lọc dầu và liên hợp hóa dầu. Đoàn thực tập sinh lọc dầu gồm 5 kỹ sư và 10 kỹ thuật viên thực tập ở nhà máy lọc dầu Ploiesti và Teleajen chuyên sản xuất xăng dầu và dầu mỡ bôi trơn. Đoàn thực tập sinh hóa dầu gồm 5 kỹ sư và 10 kỹ thuật viên thực tập tại Liên hợp hóa dầu Brazil chuyên sản xuất các sản phẩm chất dẻo, xơ sợi tổng hợp và các nguyên liệu hóa dầu khác. Một số kỹ sư công nghệ và thiết bị dầu khí sau khi tốt nghiệp Học viện Dầu khí còn được cử đi thực tập nâng cao tay nghề giai đoạn 1972-1974 tại các cơ sở sản xuất ở Rumani (Nguyễn Xuân Nhậm, Bùi Đức Chiêm, Ngô Dương Hùng, Nguyễn Văn Vượng) và ở Algieria (Vũ Trọng Đức, Đỗ Văn Hà, Lê Quang Vinh, Lê Hữu Lạp, Cao Bá Chúc)…

Đội ngũ tiến sỹ, kỹ sư , thực tập sinh được đào tạo cả ở trong nước và nước ngoài là lực lượng nòng cốt của Ban DK-TCHC khi thành lập vào đầu năm 1972 và của Tổng cục Dầu khí khi được thành lập vào năm 1975.

Tổng cục trưởng Nguyễn Chấn thường yêu cầu các cán bộ phải tinh thông nghề nghiệp. Có lần, trong một cuộc họp của Tổng cục Hóa chất, ông tâm sự: thực tiễn cho thấy, những cán bộ chuyên môn và quản lý mà không hiểu biết tường tận công việc chẳng khác nào người “thoong manh”. Những người “thoong manh” hay bị vấp váp trên đường đi và còn làm khó cho người dắt mình. Tôi luôn coi lời khuyên nhủ của ông là bài học đường đời, làm việc gì cũng phải cố gắng hết sức, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng và thực hiện đến nơi đến chốn. Ông còn đặc biệt quan tâm việc vận dụng các kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ kỹ thuật được đào tạo từ nước ngoài áp dụng vào thực tiễn trong nước.

Đội ngũ kỹ thuật được đào tạo bài bản, chuẩn bị từ rất sớm đã có những đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng và phát triển ngành Dầu khí suốt 50 năm qua. Nhiều người trong số ấy đã trở thành Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Giám đốc các công ty thành viên và Trưởng, Phó ban của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam và chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực chuyên môn.

Người thầy đáng kính

Tôi có may mắn được làm việc tại Ban Dầu khí ngay từ khi mới nhen nhóm vào cuối năm 1971 cho tới khi chuyển sang Tổng cục Dầu khí năm 1975. Qua những lần tiếp xúc, báo cáo công việc và thực hiện nhiệm vụ của ông giao cho Ban Dầu khí, tôi luôn có ấn tượng tốt đẹp về vị thủ trưởng Tổng cục Hóa chất đã khai mở con đường nghề nghiệp của mình.

Ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương năm 1938, khi còn là học sinh, rồi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1941 (17 tuổi), được bổ sung vào Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh. Tháng 7/1944, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò, rồi đầu năm 1945 cùng anh em tù nhân vượt ngục, ra tham gia việc chuẩn bị khởi nghĩa và Cách mạng tháng 8/1945.

Ông đã đảm nhận các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Yên Bái, tỉnh Vĩnh Yên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trước khi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất.

Với nhãn quan của một nhà chính trị lão luyện, Tổng cục trưởng Nguyễn Chấn đã tập hợp được một êkíp lãnh đạo Ban Dầu khí có tầm nhìn xa trông rộng cho phát triển một ngành công nghiệp mới.

Năm 1971, ông đề nghị Thường trực Chính phủ điều động ông Nguyễn Văn Biên lúc đó đang là Ủy viên Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước sang Tổng cục Hóa chất làm Tổng cục phó phụ trách lĩnh vực mới là dầu khí. Ông Biên từng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Viện Hóa công nghiệp và là người nhạy bén, ham nghiên cứu các vấn đề chiến lược và học hỏi, bổ túc các kiến thức về ngành Dầu khí. Tổng cục trưởng - Trưởng ban Dầu khí ủy quyền cho ông Biên làm Phó Tổng cục trưởng kiêm Phó trưởng Ban chuyên trách chỉ đạo các công tác của Ban Dầu khí. Năm 1975, ông Nguyễn Văn Biên được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí, đã được lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam ghi nhận: “Ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí đầu tiên đã có công to lớn trong việc xây dựng nền móng của ngành Dầu khí Việt Nam”.

Cũng trong năm 1971, Tổng cục trưởng Nguyễn Chấn đã đề nghị Bộ trưởng Tạ Quang Bửu điều động TS. Nguyễn Đông Hải sang Tổng cục Hóa chất, giúp cho việc “chiêu binh” thành lập cơ quan mới là Ban Dầu khí. TS. Nguyễn Đông Hải tốt nghiệp ở Liên Xô với đề tài nghiên cứu về “Bến cảng nước sâu ngoài khơi không sử dụng đê chắn sóng, phục vụ khai thác tài nguyên ngoài biển”. Tổng cục trưởng Nguyễn Chấn phân công TS. Nguyễn Đông Hải làm Ủy viên thường trực, điều hành công việc hàng ngày của Ban Dầu khí. Với tinh thần hăng hái, đầy nhiệt huyết, trong một thời gian ngắn, ông Hải đã tập hợp được đội ngũ các tiến sỹ, kỹ sư, kỹ thuật viên, vừa hình thành tổ chức, vừa triển khai nhiệm vụ theo phong cách “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Khi sang Tổng cục Dầu khí, với cương vị ban đầu là Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế - Kỹ thuật và Hợp tác quốc tế, rồi Phó Giám đốc Công ty Dầu khí 2, ông Hải đã có những đóng góp rất đáng trân trọng cho ngành Dầu khí thời kỳ cuối thập niên 1970.

Tổng cục phó Tổng cục Hóa chất kiêm Phó Trưởng ban Ban Dầu khí - Tiến sỹ Hoàng Hữu Bình tốt nghiệp ở Đông Đức. Ông là tiến sỹ đầu tiên của ngành hóa chất Việt Nam được đào tạo ở các nước XHCN, đã có nhiều đóng góp cho định hướng phát triển hóa dầu của đất nước.

Ủy viên Ban DK-TCHC, Kỹ sư Trần Quang Vinh, khi thành lập Tổng cục Dầu khí được điều động vào miền Nam làm Hiệu trưởng Trường Công nhân kỹ thuật Bà Rịa cho tới lúc nghỉ hưu.

Các nhân sự được Tổng cục trưởng Nguyễn Chấn lựa chọn trong tập thể lãnh đạo Ban DK-TCHC đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Ông đã đặt niềm tin đúng chỗ vào nhân tố con người, trong giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý chúng tôi, tuy được đào tạo từ nhiều nước khác nhau, xuất thân từ nhiều vùng miền, ngôn ngữ chuyên môn chưa đồng nhất, cách suy nghĩ và làm việc mỗi người một khác, nhưng dưới sự chỉ đạo sắc sảo của Tổng cục trưởng và Ban lãnh đạo, các công tác luôn được tiến hành chủ động và hiệu quả trong mọi hoàn cảnh.

50 năm nhớ lại Ban Dầu mỏ - Khí đốt, các vị lãnh đạo của Ban đều đã về cõi vĩnh hằng. Nhưng dấu ấn khai mở ngành Dầu khí Việt Nam vẫn còn sống mãi.

Tôi viết những dòng này như thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và tri ân cố Bộ trưởng Nguyễn Chấn, cùng các vị lãnh đạo Ban Dầu khí, những người thầy đáng kính đã mở mang, dìu dắt tôi và các đồng nghiệp trên đoạn đường khởi đầu của sự nghiệp dầu khí đầy thử thách và đáng tự hào.

TP Hồ Chí Minh, tháng 2 năm 2022.

Tác giả cảm ơn chị Ngô Nguyệt Tuệ đã cung cấp một số ảnh và tư liệu cho bài viết.

Bạch Hổ - Câu chuyện định danh trên bản đồ dầu khí thế giớiBạch Hổ - Câu chuyện định danh trên bản đồ dầu khí thế giới
Ngày đầu đi tìm dầu khí - Những chuyện không bao giờ quên - (Tiếp theo và hết)Ngày đầu đi tìm dầu khí - Những chuyện không bao giờ quên - (Tiếp theo và hết)
Ngày đầu đi tìm dầu khí - Những chuyện không bao giờ quênNgày đầu đi tìm dầu khí - Những chuyện không bao giờ quên
Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ cuối)Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ cuối)
Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ 2)Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ 2)
Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ 1)Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ 1)

Bỳ Văn Tứ

DMCA.com Protection Status