Có một văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí tại Petrovietnam

07:17 | 01/11/2024

1,502 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Được thành lập ngay sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, mang trên mình sứ mệnh là một trụ cột kinh tế của quốc gia, gần 50 năm qua, người lao động Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) luôn tâm niệm phải chắt chiu từng đồng tiền để đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước vào ngày 9/8/1975, ngay sau đó chưa đầy một tháng là ban hành quyết định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tiền thân của Petrovietnam) vào ngày 3/9/1975. Đây là khoảng thời gian đất nước cực kỳ khó khăn khi vừa trải qua liên tục hai cuộc chiến tranh với hai siêu cường quốc để giải phóng đất nước, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng.

Có một văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí tại Petrovietnam
Người lao động Dầu khí luôn tự hào, biết ơn, nỗ lực sống và tận hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước

Là người có nhiều dịp được gặp mặt và tiếp chuyện với các lão thành trong ngành Dầu khí, khi nhắc lại giai đoạn này, các bác, các chú đều bồi hồi, bày tỏ lòng biết ơn vì ai cũng hiểu rằng, khi đất nước khó khăn như vậy mà Đảng, Nhà nước đều dành những điều kiện tốt nhất cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV) dầu khí để có thể thực hiện ý nguyện, dự cảm thiên tài của Bác Hồ rằng “Việt Nam chúng ta có biển thì ắt có dầu”.

Sau này, khi Petrovietnam tìm ra dầu, khai thác được tấn dầu đầu tiên, rồi chuyện đem dầu đi đổi lương thực, đổi trang thiết bị khoa học, đến xây dựng các bến cảng, nhà máy, xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí ngày càng hoàn chỉnh... cho đất nước thì người Dầu khí Việt Nam lại càng “tiết kiệm” hơn. Mới nghe thì có vẻ ngược ngạo nhưng sự thật đúng là vậy.

Còn nhớ trong những năm khủng hoảng giá dầu, từ lãnh đạo đến CBCNV Petrovietnam đã cùng đưa ra một quyết định chưa từng có trong lịch sử đó là “tự nguyện cắt giảm lương”, thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Cùng với đó là việc tăng cường tự học, tự nâng cao để có thể nắm bắt cơ hội, đầu tư cho tương lai và sự phát triển của ngành khi giai đoạn giá dầu thấp qua đi. Cho đến nay, nhiều người lao động trong Tập đoàn vẫn nhớ những câu nói mà lãnh đạo Tập đoàn nhắc đến nhiều nhất ở giai đoạn này là “trong nguy có cơ”, cần phải biết “Petrovietnam ở đâu so với các Tập đoàn trên thế giới” để mà phấn đấu vươn lên.

Và thực tế đã cho thấy, quan điểm, định hướng đó là hoàn toàn đúng đắn. Trong cuộc "khủng hoảng kép" do giá dầu xuống thấp và dịch Covid-19 bùng phát, khi nhiều tập đoàn/công ty dầu khí hàng đầu thế giới lâm vào cảnh thua lỗ, cắt giảm nhân sự, thậm chí phá sản, Petrovietnam và các đơn vị thành viên vẫn đứng vững, duy trì kết quả kinh doanh có lãi, qua đó tiếp tục có nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Nhiều lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí thậm chí còn có sự vươn lên, phát triển mạnh mẽ sau khi cuộc "khủng hoảng kép" qua đi và khẳng định được vị trí, thương hiệu trên trường quốc tế. Đó là việc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) hiện đang giữ vị thế là nhà cung cấp, là mắt xích trong chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo toàn cầu. Đó là đội tàu của Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) đang vươn mình, hoạt động trên khắp các vùng biển quốc tế. Hay đó là câu chuyện các giàn khoan của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) luôn hoạt động hết công suất phục vụ cho các chiến dịch khoan ở cả trong và ngoài nước.

Là một tập đoàn kinh tế lớn, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Petrovietnam luôn xây dựng chương trình hành động cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho từng năm với các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể. Nổi bật là việc tập trung xử lý dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả, thông qua việc thoái vốn và bảo đảm tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính; Ưu tiên xử lý dứt điểm những vấn đề còn tồn tại để hoàn thành bàn giao, đưa vào vận hành thương mại và có phương án triển khai khả thi đối với các dự án trọng điểm.

Các đơn vị trong Tập đoàn đã thường xuyên rà soát, phân tích, đánh giá và kịp thời bổ sung, sửa đổi các định mức kinh tế - kỹ thuật về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu. Đồng thời, định mức lao động, tiền lương, sử dụng máy móc, thiết bị làm cơ sở kiểm soát và đánh giá, xác định, định lượng các chỉ tiêu chống lãng phí phù hợp với yêu cầu thực tế. Phong trào phát huy sáng kiến và cải tiến, tối ưu hóa kỹ thuật trong đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh đã góp phần hạn chế tối đa sự lãng phí do mắc lỗi trong sản xuất.

petrovietnam tiết kiệm, chống lãng phí
Tháo gỡ khó khăn, đưa NMNĐ Thái Bình 2 không chỉ tạo ra nguồn điện quan trọng cho phát triển kinh tế vùng Đồng bằng Bắc Bộ mà còn giúp Nhà nước tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng (Ảnh minh họa)

Có một câu chuyện khá thú vị gần đây là việc quản lý hai nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) mới được đưa vào sử dụng của Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB). Đây là Chi nhánh mới được thành lập hơn một năm, chịu trách nhiệm quản lý sản xuất kinh doanh NMNĐ Sông Hậu 1 và NMNĐ Thái Bình 2. Thông thường, mỗi NMNĐ có công suất lớn, công nghệ tiên tiến thì giai đoạn mới đưa vào vận hành thương mại phải mất ít nhất từ 2-3 năm mới đạt độ ổn định, sản xuất có lãi. Nhưng đối với PVPGB, ngay từ những ngày đầu tiên tiếp nhận, lãnh đạo Chi nhánh đã yêu cầu cả hai nhà máy phải tập trung toàn lực vào công tác siết định mức kinh tế - kỹ thuật của Nhà máy, chống lãng phí nguyên, nhiên liệu, vật tư...

Ở đây, cần phải nói thêm là đối với nhà máy nhiệt điện than, nguyên liệu chiếm hơn 70% chi phí sản xuất. Trong khi đó, than đá dùng để đốt lò lại bị hao hụt tự nhiên (vận chuyển, bảo quản, vận hành, hiện tượng tự cháy...) từ 3-5%. Chính vì vậy, lãnh đạo hai Nhà máy lập tức triển khai các biện pháp giảm hao hụt, đảm bảo hiệu quả khi vận hành sản xuất tương ứng và thấp hơn định mức trong hợp đồng mua bán điện. Có thể khẳng định rằng, CBCNV tại hai Nhà máy này đã tính toán, kiểm tra, nỗ lực tiết kiệm từng gram than khi sản xuất.

Được biết, từ đầu năm 2024, Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 và được triển khai rộng khắp trong toàn Tập đoàn. Mới đây, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cũng đã ban hành Chỉ thị về việc triển khai phòng, chống lãng phí trong bối cảnh mới. Trong đó, nhấn mạnh đến việc nâng tầm tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trở thành một nét văn hóa của người Dầu khí và nêu bật vai trò nêu gương của người đứng đầu.

Trong quá trình hình thành và phát triển, vẫn còn hàng trăm câu chuyện thú vị về tiết kiệm, phòng, chống lãng phí tại Petrovietnam. Người viết bài cho rằng, người Dầu khí chân chính được sinh ra và lớn lên trong gian khó, hiểu rõ rằng nước ta, dân ta đang còn nghèo nên cái đức cần kiệm đã ngấm vào suy nghĩ của nhiều thế hệ. Đây chính là cơ sở vững chắc để tô đậm thêm một nét văn hóa đáng quý của Petrovietnam.

Trong 9 tháng đầu năm, Petrovietnam đã tiết kiệm, chống lãng phí được 2.117 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch tiết giảm năm 2024. Trong đó, tiết kiệm từ nguyên nhiên vật liệu, chi phí quản lý, bán hàng, tài chính... đạt 1.782 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch cả năm; tiết kiệm từ quản lý đầu tư, tối ưu vận hành khai thác, mua sắm trang thiết bị đạt 334,8 tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch năm.

Bùi Công

DMCA.com Protection Status