Công tác đào tạo ngành Địa chất Dầu khí: Coi trọng khâu thực hành

11:01 | 27/06/2012

2,043 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xác định nguồn nhân lực, quản lý và khoa học công nghệ là ba giải pháp đột phá thúc đẩy phát triển của Tập đoàn. Hằng năm, ngành Dầu khí cần hàng nghìn kỹ sư, cán bộ quản lý giỏi. Bộ môn Địa chất Dầu khí thuộc Khoa Dầu khí, Trường đại học Mỏ Địa chất đã 35 năm nay cung cấp hàng trăm kỹ sư cho ngành Dầu khí.

Tại hội thảo “Công tác đào tạo ngành Địa chất Dầu khí” diễn ra ngày 22/6, các chuyên gia đã đưa ra những kiến giải, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh viên ngành Địa chất Dầu khí sau khi ra trường.

Một trung tâm đào tạo

Cách đây 35 năm, tại Phổ Yên, Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên), Hiệu trưởng Trường đại học Mỏ – Địa chất Trần Văn Huỳnh đã ký quyết định thành lập bộ môn Địa chất Dầu khí, do TS Nguyễn Quang Hinh làm chủ nhiệm. Đây là nền móng đầu tiên tạo cơ sở cho một nền học thuật về ngành Dầu khí. Các sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên như những cánh chim tiên phong tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc để tham gia vào công cuộc tìm kiếm, thăm dò và khai thác “vàng đen” cho đất nước.

Đội ngũ kỹ sư địa chất của PV Drilling Logging có trên 10 năm kinh nghiệm làm việc tại bể Cửu Long, Bạch Hổ và các vùng mỏ ở thềm lục địa Việt Nam

TS Lê Văn Bình – Trưởng bộ môn, nhớ lại: Vào năm 1983-1984, khi công tác tìm kiếm và thăm dò dầu khí của nước nhà chưa cho kết quả như mong muốn, ngành Dầu khí đứng trước những thách thức lớn. Công tác đào tạo và phát triển của bộ môn Địa chất Dầu khí cũng gặp muôn vàn khó khăn. Việc giải tán bộ môn đã được đưa ra bàn bạc nhưng cuối cùng Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết định giữ lại bộ môn và đào tạo trở lại với khóa sinh viên K33 vào năm 1988. Ngành Địa chất Dầu khí những năm 80 của thế kỷ trước thực sự rơi vào khủng hoảng cán bộ giảng dạy do nhiều người chuyển công tác. Năm học 1993-1994, bộ môn Địa chất Dầu khí còn lại 4 cán bộ giảng dạy, sống với đồng lương ít ỏi.

Trải qua 35 năm, đội ngũ cán bộ của bộ môn đã có nhiều đổi thay, một số thầy đã nghỉ hưu, nhiều cán bộ trẻ được bổ sung. Hiện nay, bộ môn có 10 cán bộ cơ hữu, trong đó có 4 tiến sĩ, 2 thạc sĩ và 4 kỹ sư. Ngoài ra còn có nhiều cộng tác viên là những nhà khoa học đã từng công tác ở bộ môn, các chuyên gia có trình độ cao, có uy tín về chuyên môn từ các viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tính đến tháng 6/2012, bộ môn Địa chất Dầu khí đã đào tạo được 400 kỹ sư và hầu hết đang làm việc tại các công ty trong ngành Dầu khí.

Với bước đi mang tính chiến lược và nhu cầu kỹ sư địa chất dầu khí ngày càng tăng, bộ môn đã đưa các môn học mới, chuyên đề mới như Địa chất tầng chứa dầu khí; Mô hình hóa tầng chứa; Quản lý và phát triển mỏ; Phân tích bể trầm tích; Tin học ứng dụng… vào chương trình giảng dạy. Năm 1981, bộ môn đã giúp Hội đồng trữ lượng khoáng sản thẩm định “Báo cáo Trữ lượng khí mỏ Tiền Hải C” với nhiều kết quả khả quan. Năm 1982, bộ môn được giao xét duyệt Đề cương nghiên cứu sinh ngành Địa chất Dầu khí được cử đi học tập nước ngoài.

Tháng 6/2012, cán bộ của bộ môn được mời tham gia thẩm định “Chương trình đào tạo tiến sĩ” của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI). Cán bộ của bộ môn tham gia nhiều khóa đào tạo, cập nhật và nâng cao kiến thức cho các cán bộ ngành Dầu khí như Xí nghiệp Liên doanh Việt -Nga (Vietsovpetro), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), VPI… Trong nhiều năm gần đây, bộ môn được cử cán bộ tham gia với tư cách thành viên Tổ tư vấn cho Hội đồng hoặc thành viên của Hội đồng xét duyệt trữ lượng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và của Bộ Công Thương.

Yêu cầu của ngành Dầu khí

Lịch sử hình thành của bộ môn Địa chất Dầu khí đồng thời với những giai đoạn tìm kiếm dầu mỏ của ngành Dầu khí nhưng hiện nay công tác đào tạo của bộ môn chưa theo kịp thị trường nhân lực dầu khí. Điểm đáng quan ngại là sinh viên của bộ môn vẫn chưa được thường xuyên thực tập ở các trung tâm nghiên cứu về Địa chất Dầu khí. Tình trạng này dẫn đến việc sau khi sinh viên ra trường, các doanh nghiệp phải mất một thời gian, chi phí đào tạo lại. Đây không chỉ là vấn đề nan giải của bộ môn, toàn ngành giáo dục cũng đang lao đao khắc phục thực trạng trên.

TS Nguyễn Quốc Thập – Phó tổng giám đốc PVN mong muốn bộ môn điều chỉnh sao cho chương trình đào tạo sát với thực tế. Tích cực hợp tác với các viện, trung tâm nghiên cứu dầu khí cả trong và ngoài nước để đào tạo cán bộ, gửi nghiên cứu sinh; soạn, chỉnh sửa giáo trình cập nhật nhất. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cam kết hỗ trợ tối đa cho sinh viên của bộ môn và Trường đại học Mỏ – Địa chất đến thực tập, nghiên cứu. Tập đoàn sẽ phối hợp với các trường đào tạo chuyên ngành Dầu khí hàng đầu thế giới cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc được tiếp tục nghiên cứu. Đồng thời, Tập đoàn sẽ hỗ trợ để bộ môn và khoa Dầu khí của trường có thêm cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.

PSG.TS Nguyễn Trọng Tín, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam khẳng định, Viện luôn rộng cánh cửa đón chào nghiên cứu sinh, sinh viên Địa chất Dầu khí về học tập. Viện sẽ là nơi để sinh viên được thực hành với cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ nhất. Viện cũng hỗ trợ Trường đại học Mỏ – Địa chất bổ sung, làm mới giáo trình giảng dạy.

Không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí, bộ môn Địa chất Dầu khí còn là nơi sản sinh ra những nhà quản lý. Ông Nguyễn Tiến Long – Phó tổng giám đốc PVEP, cựu sinh viên khóa 22 xúc động gặp lại những giảng viên cách đây gần 30 năm vẫn đứng trên bục giảng, hứa sẽ tiếp nhận nhiều sinh viên của nhà trường về thực tập ở trên các giàn khoan, tàu khoan thăm dò và tương lai sẽ đưa những sinh viên xuất sắc làm việc tại các dự án ở Algeria, Venezuela, Liên bang Nga…

Tuy quy mô và tầm vóc chưa lớn nhưng bộ môn Địa chất Dầu khí đã thực sự là nơi sản sinh ra những kỹ sư có tay nghề, những nhà quản lý có tầm chiến lược cho ngành Dầu khí Việt Nam. Ngành Dầu khí đang đi vào công nghệ cao, lấy khoa học làm nòng cốt thì vấn đề đáp ứng nguồn nhân lực là yếu tố cấp bách. Ngành Địa chất Dầu khí đào tạo ra nguồn nhân lực làm việc cho khâu đầu dầu khí (tìm kiếm, thăm dò). Vì vậy, hơn lúc nào hết, ngành này phải đi trước một bước, tạo nền tảng cho các khâu sau trong hoạt động dầu khí như khai thác, chế biến dầu khí…

Đức Chính

Năng lượng Mới số 132, rư thứ Ba ngày 26/6/2012

DMCA.com Protection Status