Đảm bảo tính nhất quán trong hoạt động đầu tư, quản lý và điều hành các dự án dầu khí

10:55 | 01/11/2024

1,363 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Để đảm bảo tính nhất quán trong việc thực hiện các hoạt động đầu tư, quản lý và điều hành các dự án dầu khí, Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) cần thiết phải bổ sung quy định đặc thù dành cho hoạt động dầu khí.

Với đặc điểm khác biệt so với các dự án đầu tư thông thường, các dự án dầu khí thường có quy mô đầu tư lớn, được xếp vào nhóm các dự án quan trọng quốc gia, công nghệ cao và đi kèm với các rủi ro không hề nhỏ trong triển khai, đặc biệt là các rủi ro về địa chất đối với các dự án thăm dò, khai thác dầu khí. Do đó, không chỉ chịu sự chi phối của luật pháp Việt Nam, việc triển khai đầu tư các dự án dầu khí còn phải tuân theo các thông lệ quốc tế.

Đến nay, các dự án ở lĩnh vực thượng nguồn, như thăm dò, khai thác dầu khí, vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Các khó khăn này càng lớn khi bản thân các dự án dầu khí đang bị điều chỉnh bởi rất nhiều Luật như Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản dưới luật khác... Chính sự chồng chéo, thiếu liên kết đã khiến cho việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ngày càng gặp khó hơn trong môi trường đầu tư có nhiều thay đổi, khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài “nản chí” khi có ý định đầu tư vào các dự án loại này, nhất là khi điều kiện khai thác hiện nay chủ yếu là mỏ nhỏ, ở vùng nước sâu, xa bờ đòi hỏi chi phí lớn.

Đảm bảo tính nhất quán trong hoạt động đầu tư, quản lý và điều hành các dự án dầu khí
Cụm giàn Sư Tử Trắng - Ảnh minh họa

Với đặc thù của hoạt động dầu khí là Nhà nước vừa quản lý đầu tư, vừa quản lý tài nguyên, Luật Dầu khí (2022) đã có những quy định rất chặt chẽ việc đầu tư và quản lý các dự án thăm dò, khai thác dầu khí. Tuy nhiên, song song đó, việc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đang được quy định cụ thể trong Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều 3 trong Dự thảo Luật (sửa đổi) nêu rõ: “Việc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó”. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định chung việc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì áp dụng Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, điều ước quốc tế, như vậy sẽ lại tiếp tục có sự chồng chéo với Luật Dầu khí hiện hành - văn bản pháp luật chi phối lớn nhất đối với các dự án dầu khí.

Như vậy, để có thể đảm bảo tính nhất quán trong việc thực hiện các hoạt động đầu tư, quản lý và điều hành các dự án dầu khí, Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) cần thiết phải bổ sung quy định đặc thù dành cho hoạt động dầu khí. Cụ thể, cần quy định rõ, hoạt động đầu tư dự án dầu khí, quản lý hoạt động dầu khí, xử lý chi phí đầu tư dự án dầu khí, quản lý, điều hành tài sản dầu khí phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về dầu khí. Mục tiêu của điều khoản bổ sung này nhằm tạo điều kiện để các hoạt động trong lĩnh vực dầu khí được thực hiện nhất quán với Luật Dầu khí hiện hành, đảm bảo các quy trình quản lý và đầu tư dự án được vận hành trơn tru và hiệu quả, phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động dầu khí.

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đảm bảo tính đặc thù trong quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp dầu khí. Cơ quan soạn thảo cần xem xét điều chỉnh Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng quy định rõ phải áp dụng pháp luật dầu khí để thực hiện hoạt động đầu tư, quản lý, xử lý chi phí đầu tư dự án dầu khí, để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các Luật, dẫn đến việc không áp dụng được trên thực tế triển khai các dự án dầu khí. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí - trụ cột của nền kinh tế, đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững, hưng thịnh của đất nước./.

Tr.L

DMCA.com Protection Status