Dấu ấn tình hữu nghị Việt Nam - Romania viết nên lịch sử ngành dầu khí

20:56 | 12/01/2024

35,416 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong số kỹ sư, tiến sĩ, thực tập sinh dầu khí được đào tạo ở Romania, có rất nhiều người đã phát huy được năng lực, trở thành chuyên gia hàng đầu và cán bộ quản lý nòng cốt, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.
Dấu ấn tình hữu nghị Việt Nam - Romania viết nên lịch sử ngành dầu khí- Ảnh 1.
Từ năm 2002, các chuyên gia Romania đã tham gia cùng đội ngũ nhân lực của Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã thực hiện công tác tiền chạy thử và chạy thử, đưa vào vận hành và tiếp nhận chuyển giao nhà máy, cũng như hỗ trợ vận hành thời gian đầu cho tới tháng 6/2005. Đến nay, Nhà máy Đạm Phú Mỹ hoạt động an toàn và liên tục 100% công suất thiết kế với chất lượng tốt, hiệu suất và hiệu quả cao.

Lịch sử phát triển ngành dầu khí Romania đã trải qua trên 160 năm. Ở thời vàng son vào những năm thập kỷ 1980, Romania có 7 liên hợp lọc hóa dầu, 8 liên hợp sản suất sợi tổng hợp, 7 liên hợp sản xuất phân bón hóa học, các tổ hợp sản xuất thiết bị khoan, khai thác dầu khí nổi tiếng thế giới, chế tạo các giàn khoan biển… Được tiếp cận từ rất sớm công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại từ Mỹ và Tây Âu, Romania có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, và là một trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cho ngành dầu khí. Đội ngũ chuyên gia dầu khí Việt Nam được đào tạo chủ yếu từ Liên Xô và Romania đã đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam.

Trước thềm chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Kỹ sư Bỳ Văn Tứ (sinh năm 1946), nguyên Trưởng ban QLDA Nhà máy Đạm Phú Mỹ và từng là Phó trưởng ban Quản lý Dự án công trình LPG Thị Vải đã có những trao đổi về dấu ấn tình hữu nghị Việt Nam - Romania trong lĩnh vực dầu khí. Ông Tứ tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Chế biến Dầu khí tại Rumani, thuộc hàng ngũ những người đầu tiên xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam và có những đóng góp xứng đáng mang lại vinh quang chung của ngành.

Dấu ấn tình hữu nghị Việt Nam - Romania viết nên lịch sử ngành dầu khí- Ảnh 2.
Kỹ sư Bỳ Văn Tứ (sinh năm 1946) nguyên Trưởng ban QLDA Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tình hữu nghị Việt Nam - Romania và những mốc lịch sử ngành dầu khí

- Được biết, khi vừa tốt nghiệp Học viện Dầu khí Romania về nước, ông đã làm việc tại Ban Dầu mỏ - Khí đốt (Ban Dầu khí) thuộc Tổng cục Hóa chất, tham gia nghiên cứu quy hoạch phát triển khâu hạ nguồn và soạn thảo các dự án lọc hóa dầu đầu tiên của đất nước. Xin hỏi, đối với một người đã gắn bó cả đời với ngành dầu khí, dấu ấn về tình hữu nghị Việt-Romania trong hoạt động dầu khí đối với ông như thế nào?

KS. Bỳ Văn Tứ: Năm 1965, sau khi tốt nghiệp cấp 3, vốn có niềm đam mê văn chương và là học sinh giỏi Văn nên nguyện vọng của tôi lúc đó là được vào học Khoa Văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thế rồi, như có một ngã rẽ khi tôi được cử đi Romania và học dự bị đại học tại Trường Bách khoa Bucarest rồi lại được phân công học Khoa Công nghệ chế biến dầu khí tại Học viện Dầu - Khí - Địa chất. Năm 1971, tốt nghiệp về nước, tôi cùng một số anh em được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phân công về nhận công tác tại Tổng cục Hóa chất.

Romania là một trong 6 nước đầu tiên trên thế giới công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 3/1950 và từ đó quan hệ ngoại giao giữa hai nước chính thức được thiết lập. Suốt trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng đất nước, Romania luôn sát cánh, đoàn kết giúp đỡ Việt Nam, tình hữu nghị giữa hai nước luôn gắn bó.

Có thể nói, ngành Dầu khí Romania trải qua hàng trăm năm phát triển, đã đạt được thành tựu được cả thế giới biết đến. Nền giáo dục chuyên ngành dầu khí của Romania đã đạt được trình độ tinh hoa của thế giới.

Giai đoạn từ 1955-1985 (30 năm), có khoảng 253 kỹ sư Việt Nam đã tốt nghiệp từ Học viện Dầu khí và Địa chất Bucarest (IPGG) và Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG), gồm 90 kỹ sư địa chất, 40 kỹ sư địa vật lý, 38 kỹ sư khoan và khai thác, 39 kỹ sư thiết bị và 45 kỹ sư công nghệ lọc hóa dầu.

Trong số kỹ sư, tiến sĩ, thực tập sinh dầu khí được đào tạo ở Romania, có rất nhiều người đã phát huy được năng lực, trở thành chuyên gia hàng đầu và cán bộ quản lý nòng cốt, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Về hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Romania, có 2 giai đoạn:

Trước năm 1975, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc do Tổng cục Địa chất đảm nhiệm; công tác chuẩn bị phát triển các dự án lọc hóa dầu do Tổng cục Hóa chất đảm nhiệm. Tổng cục Địa chất mua một số thiết bị khoan, thiết bị thăm dò địa vật lý của Romania và cử một số kỹ sư và công nhân sang Romania thực tập khoan dầu khí. Tổng cục Hóa chất cử 1 đoàn sang Romania thực tập tại nhà máy lọc dầu, 1 đoàn thực tập tại liên hợp hóa dầu và 1 đoàn công tác sang Romania cuối năm 1971 khảo sát các nhà máy lọc dầu, hóa dầu, phân đạm, xi măng để chuẩn bị các phương án hợp tác trong các những lĩnh vực đó.

Sau năm 1975, Tổng cục Dầu khí ra đời và đảm nhiệm việc xây dựng ngành Dầu khí toàn diện bao gồm từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến và dịch vụ dầu khí. Có một số sự kiên liên quan đến quan hệ hợp tác dầu khí thời kỳ này.

Tháng 11/1976, Chính phủ Việt Nam thành lập đoàn đàm phán hợp tác kinh tế Việt Nam - Rumani do Phó Thủ tướng Đỗ Mười làm trưởng đoàn. Hai bên đã trao đổi về phương án hợp tác thăm dò dầu khí tại Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng nhà máy sản xuất dầu nhờn 200.000 tấn/năm ở Việt Nam.

Tháng 12/1977, Nghị định thư Khóa họp lần thứ 5 của Ủy ban Hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Romania được ký kết tại Bucarest. Hai bên thống nhất tiến hành khoan 3 giếng thăm dò dầu khí tại Đồng bằng sông Cửu Long; còn nhà máy lọc dầu và dầu nhờn sẽ tiếp tục đàm phán về các điều kiện kinh tế, tài chính.

Sau đó, phương án hợp tác với Romania về nhà máy lọc dầu không tiến triển thêm vì Romania chỉ có thể tham gia một phần và hai bên không thống nhất được các điều kiện và giải pháp về tài chính.

Như vậy kết quả có ý nghĩa lớn nhất trong hợp tác dầu khí giữa Romania và Việt Nam là đào tạo được một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật và quản lý, góp phần phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Một trong những dấu ấn đáng nhớ của tình hữu nghị Việt-Ru đó là thời điểm những năm 1970-1975, Việt Nam nhập khẩu giàn khoan Romania loại T-50, 3DH-200, 4LD-150D và F-200 tham gia tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam đã ghi nhận giếng khoan sâu thông số tìm kiếm dầu khí đầu tiên ở miền Bắc là giếng khoan GK-100 trên cấu tạo Tiên Hưng, đặt tại làng Khuốc, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Việc thi công giếng khoan GK-100 thời điểm đó bằng máy khoan 4LD-150D do Romania sản xuất, công suất khoan được 3.200m. Thiết bị của bộ máy khoan nặng gần 1.000 tấn. Có những thiết bị nặng 18, 20, 25 tấn, tháp khoan phân thành 3 đoạn mỗi đoạn 18m, cần khoan, ống chống, choòng khoan và các loại vật tư tiêu hao khác có trọng lượng hơn 2.000 tấn.

Do máy bay Mỹ bắn phá cảng Hải Phòng, các thiết bị, vật tư được chở rải rác bằng nhiều tàu, nhiều chuyến khác nhau, nên hàng đưa lên cảng được đưa đi cất giấu ở dọc đường số 5... Tháng 6/1970, Liên Xô cử đội xây lắp sang, có kỹ sư và 15 công nhân cùng với cán bộ và công nhân của Đoàn 36S (Đoàn khoan sâu thuộc Liên đoàn 36) tiến hành xây lắp giàn khoan. Tháng 9/1970 việc xây lắp giàn khoan hoàn tất, tháp khoan cao 53 m, sức nâng 150 tấn.

Giếng khoan GK-100 khởi công ngày 23/9/1970, hoàn thành ngày 5/12/1971, đạt độ sâu 3.303m, đó là kỷ lục khoan sâu nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Theo thiết kế ban đầu, chiều sâu giếng khoan là 3.000 m, do yêu cầu địa chất đã khoan tới 3.303 m, vượt cả công suất máy.

Cuối năm 1974, Anh hùng Lao động Trần Văn Giao, nguyên là Trưởng đoàn Thực tập sinh khoan ở Romania giai đoạn 1970-1974 được điều động về Đoàn 36Y chuẩn bị cho giếng khoan GK-104 cùng với bộ máy khoan 3DH-250 do Romania chế tạo.

Giếng khoan thăm dò GK-104 đặt tại thôn Duy Linh (Phù Cừ, Hưng Yên) với bộ máy khoan 3DH-250 của Rumani sản xuất, công suất khoan sâu tới 5.000m. Đây là bộ máy khoan sâu hiện đại nhất Việt Nam lúc đó, tháp khoan hình chữ A cao 53 m, sức nâng là 250 tấn, trang bị 5 động cơ diesel công suất 820 mã lực dùng cho hệ thống tời và bơm dung dịch khoan.

Tháng 8-12/1976, đã có 5 chuyên gia Romania sang công trường hỗ trợ lắp dựng và đồng bộ hóa máy khoan. Giếng khoan GK-104 Phù Cừ hoàn thành vào tháng 2/1979, đạt độ sâu 4.114m.

Hợp tác dầu khí Việt - Romania nói chung mới ở mức độ khiêm tốn. Ngành Dầu khí Việt Nam đi sau ngành Dầu khí Romania trên 100 năm. Qua sự hợp tác đó, ngành Dầu khí Việt Nam đã tận dụng được những thế mạnh của ngành Dầu khí Romania là đào tạo được một đội ngũ chuyên gia lành nghề và cán bộ quản lý chuyên ngành và học hỏi được những kinh nghiệm chuyên môn thông qua đội ngũ chuyên gia Romania làm việc tại Việt Nam và các đoàn thực tập của Việt Nam tại Romania. Tôi cũng hy vọng trong tương lai, cơ hội và điều kiện hợp tác giữa hai bên sẽ phát triển tốt hơn.

Nguồn nhân lực chất lượng cao quý báu

- Hợp tác dầu khí Việt Nam-Romania đã và đang diễn ra đến bây giờ. Xin hỏi giai đoạn từ năm 2000 đến nay có những dấu mốc đáng nhớ nào?

KS. Bỳ Văn Tứ: Việc đào tạo kỹ sư dầu khí Việt Nam tại Romania được tiếp nối từ năm 2002 sau một thời gian dài gián đoạn. Tới năm 2015, đã có trên 70 kỹ sư dầu khí tốt nghiệp các khóa từ Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG), trên cơ sở hợp đồng đào tạo giữa Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG) cùng một số suất học bổng trao đổi giữa Bộ Giáo dục hai nước.

Một nét mới trong hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Romania đầu thế kỷ 21 là việc các chuyên gia lọc hóa dầu Romania được Công ty Petroconsult cử sang Việt Nam tham gia chạy thử và vận hành thời gian đầu và bảo dưỡng Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy sợi Polyester Đình Vũ. Tổng số chuyên gia Romania làm việc ở Việt Nam trong các hợp đồng của Petroconsult với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) từ năm 2002 tới năm 2014 là 150 người.

Cũng từ năm 2002, Tổng công ty Dầu khí quốc gia Việt Nam thuê các chuyên gia Romania sang hỗ trợ đào tạo lực lượng vận hành, cung cấp chuyên gia chạy thử, vận hành ban đầu và làm dịch vụ bảo dưỡng nhà máy. Tổng số chuyên gia Romania làm việc ở Việt Nam trong các hợp đồng của Petroconsult với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) từ năm 2002 tới năm 2014 là 150 người.

Tại dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Ban QLDA Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuê 2 chuyên gia Romania (Công ty Petroconsult) sang tư vấn đào tạo đội ngũ vận hành nhà máy vào năm 2002-2003. Những tư vấn này hỗ trợ Trung tâm Đào tạo nhân lực Dầu khí thực hiện tốt hợp đồng đào tạo với Ban Quản lý dự án. Năm 2004, Petroconsult là cử 1 chuyên gia điện tham gia cùng Tổng thầu Technip Italy chạy thử và đưa vào vận hành các thiết bị điện của nhà máy. Hợp đồng thứ 3 ký kết giữa Petroconsult và Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (đơn vị vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy Đạm Phú Mỹ) là phối hợp với công ty Quad Consulting Inc. (Hoa Kỳ) cử một đội chuyên gia Romania sang tham gia chạy thử và hỗ trợ vận hành nhà máy năm 2004-2005.

Các chuyên gia Romania cùng đội ngũ nhân lực của nhà máy tham gia công tác tiền chạy thử và chạy thử cùng với tổng thầu, đưa vào vận hành và tiếp nhận chuyển giao nhà máy, cũng như hỗ trợ vận hành thời gian đầu cho tới tháng 6/2005. Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã hoạt động an toàn và liên tục 100% công suất thiết kế với chất lượng tốt, hiệu suất và hiệu quả cao.

Tại dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Petroconsult đã có các hợp đồng đào tạo nhân lực vận hành, tham gia chạy thử và đưa vào hoạt động nhà máy, tham gia bảo dưỡng định kỳ từ tháng 10/2006 tới tháng 2/2009. Trong năm 2007 có 60 kỹ sư chức danh vận hành và bảo dưỡng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất được Petroconsult tổ chức đào tạo tiếp ở Rumani.

Từ tháng 11/2007 tới tháng 2/2009, Petroconsult trợ giúp Nhà máy lọc dầu Dung Quất quản lý và điều hành chương trình đào tạo nhân lực tại công trường cho 900 người thuộc bộ máy vận hành nhà máy. Đồng thời, các chuyên gia Rumani cũng trợ giúp kỹ thuật trong việc chạy thử và đưa vào hoạt động các thiết bị và xưởng sản xuất trong nhà máy.

Tại dự án Nhà máy sợi tổng hợp Polyester Đình Vũ, Petroconsult hợp tác cùng công ty bảo trì của Petrovietnam (PVMC) thành một Nhà thầu vận hành và bảo dưỡng (O&M) thực hiện hợp đồng trợ giúp kỹ thuật vận hành và bảo dưỡng nhà máy theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Dấu ấn tình hữu nghị Việt Nam - Romania viết nên lịch sử ngành dầu khí- Ảnh 6.
Ngày 14/6/2019, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) đón ông Emil Ghitulescu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Romania tại Việt Nam cùng phu nhân và ông Bỳ Văn Tứ, Hội hữu nghị Việt Nam-Romania đến thăm và làm việc với Nhà trường. Ảnh: PVU

Với sự kết nối của Hội Dầu khí Việt Nam, tháng 12/2015, trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) đã đón ông Valeriu Arteni, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Romania tại Việt Nam và ông Phó Hiệu trưởng trường Đại học Dầu khí Ploiesti Rumani (UPG), GS.TS. Paraschiv Nicolae.

Cuộc gặp gỡ này như một cơ duyên mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, là cột mốc quan trọng thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên, với sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác vào ngày quốc khánh Romania 1/12/2015. Từ năm 2017 hai bên đã xúc tiến các nội dung trong chương trình hợp tác liên quan đến giáo trình giảng dạy, trao đổi sinh viên, tổ chức thỉnh giảng, nghiên cứu chuyên đề, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ…

Có thể thấy, mặc dù hợp tác trong lĩnh vực dầu khí Việt Nam - Romania còn khiêm tốn, nhưng dù sao, trong lịch sử nửa cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 với các cuộc chiến tranh khốc liệt, tình hình quốc tế và trong nước đầy biến động đã đạt được những thành tựu lớn như vậy rất đáng tự hào. Dấu ấn của tình hữu nghị Việt Nam - Romania trong ngành dầu khí Việt Nam luôn sâu đậm với thời gian.

- Được biết sau khi về nghỉ hưu thì ông vẫn giữ mối quan hệ tốt với các bạn bè đồng nghiệp trong ngành Dầu khí, ông lại vừa là Ủy viên Hội Dầu khí Việt Nam và cũng là Ủy viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Romania. Ông có thể chia sẻ về vai trò, đóng góp của mình đối với hoạt động của hai hội này?

Kỹ sư Bỳ Văn Tứ: Khi nghỉ hưu, tôi được thư thái hơn, không còn bị sức ép của công việc, được làm những việc mình thích như tham gia Hội Dầu khí bởi vì đó là nơi có thể đóng góp những kinh nghiệm nghề nghiệp của mình cho ngành Dầu khí Việt Nam phát triển hơn nữa.

Tôi may mắn được đào tạo thành kỹ sư ở Romania, một đất nước có trên 150 năm kinh nghiệm phát triển ngành Dầu khí, và nhân dân Romania giàu tình hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Những kiến thức nghề nghiệp học được từ các giáo sư và bè bạn Romania là cơ sở ban đầu để tôi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của ngành Dầu khí nước nhà.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Romania là cầu nối phát huy sự hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân hai nước, vốn đã có quan hệ ngoại giao hơn 70 năm qua. Ngành Dầu khí Việt Nam và Romania đã có những dự án hợp tác trong thăm dò dầu khí, lọc dầu từ thập niên 70 của thế kỷ trước.

Mấy năm qua hai bên cũng có những hợp đồng đào tạo nhân lực, cung cấp chuyên gia vận hành cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ… Nhân dịp kỷ niệm 150 năm Ngày thành lập Bộ Ngoại giao Romania (1862-2012), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Romania đã tặng tôi Bằng khen "Phát huy giá trị Romania và giá trị phổ quát trong quan hệ quốc tế". Hằng năm, Hội Hữu nghị Việt Nam - Romania đều tổ chức các đoàn sang thăm đất nước Romania xinh đẹp, giao lưu và tìm các cơ hội hợp tác.

Kỳ vọng vào sự hợp tác Việt Nam-Romania bền chặt, bổ trợ cho nhau

- Là người gắn bó nhiều năm, dành nhiều tâm huyết với ngành dầu khí Việt Nam nói chung cũng như lĩnh vực hóa dầu nói riêng, ông có kỳ vọng gì về sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa Việt Nam-Romania sau chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần này?

Kỹ sư Bỳ Văn Tứ: Tôi cũng như các đồng nghiệp trong ngành dầu khí nước ta đều kỳ vọng vào việc Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo ngành dầu khí hai nước tạo ra được những động lực mới, vượt qua các thử thách hiện thời của cả hai bên như: các mỏ dầu khí đều đang cạn dần, khoảng cách địa lý không thuận lợi, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế chưa đủ mạnh… Phát huy tình hữu nghị truyền thống trong những năm qua, tôi mong rằng sau chuyến thăm lần này của Thủ tướng sẽ làm cho sự hợp tác giữa Việt Nam-Romania sâu sắc hơn trong lĩnh vực dầu khí.

Từ ngày 15 đến 23/01/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF tại Davos, Thụy Sĩ, thăm chính thức Hungary và Romania. Đây là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo cấp cao trong năm 2024 - năm có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tiếp nối các hoạt động ngoại giao sôi động, đạt nhiều thành tựu có tính lịch sử trong năm 2023.

Cụ thể, trong khâu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, có thể nâng tầm hợp tác hiện có giữa Trường đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) và trường đại học Dầu khí Romania (UPG) theo cả chiều rộng (đa dạng hóa phương thức đào tạo) và chiều sâu (đào tạo nâng cao, kết hợp nghiên cứu khoa học công nghệ …) với sự tham gia, hỗ trợ của Chính phủ hai nước và kết nối với hệ thống đào tạo của EU mà Romania là thành viên.

Với khâu thăm dò và khai thác dầu khí biển trên thềm lục địa, Việt Nam chúng ta đã rất thành công trên Biển Đông đạt trình độ quốc tế, Romania cũng đang thăm dò khai thác khí tại Biển Đen, hai bên có thể hợp tác trong lĩnh vực này.

Khâu dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam đã phát triển đạt trình độ cao, chúng ta hoàn toàn có thể hợp tác với Romania ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế của cả hai bên.

Khâu nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Việt Nam cũng có thể hợp tác với Romania để phát huy những nguồn lực của cả hai bên trong việc nâng cao hệ số thu hồi dầu khí ở những mỏ cũ, hoặc chuyển đổi năng lượng mới …

Tôi cho rằng, việc hợp tác trong bối cảnh hiện nay, ngành Dầu khí Việt Nam và ngành Dầu khí Romania hoàn toàn có thể bổ trợ cho nhau phát huy các thế mạnh đã đạt được mà không còn là sự hỗ trợ một chiều như thời điểm thập niên 1960 - 1970. Tôi cũng luôn mong rằng, sự hợp tác và tình hữu nghị Việt Nam-Romania hy vọng ngày càng bền chặt, hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

KS Bỳ Văn Tứ, tốt nghiệp Học viện Dầu khí và Địa chất Bucarest (IPGG) năm 1971. Ông nguyên là Trưởng ban Ban Quản lý công trình Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Thành Tuy Hạ trong giai đoạn 1982-1990 (hợp tác với Liên Xô) đã có những đổi mới trong quản lý dự án, một công trình trọng điểm quốc gia; giai đoạn 1996 – 2001 nguyên là Phó Giám đốc Công ty Khí đốt (VietGas), đã góp phần áp dụng mô hình quản lý và thực hiện dự án theo phương thức Tổng thầu Thiết kế - Mua sắm – Xây lắp (EPC) với công trình đường ống, kho cảng LPG lần đầu tiên ở Việt Nam.

Giai đoạn 2001-2004, ông Bỳ Văn Tứ nguyên là Trưởng ban Ban QLDA Nhà máy Đạm Phú Mỹ, dự án hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam đã vượt qua thử thách và thành công, đạt chất lượng, tiến độ và dự án có hiệu quả kinh tế cao. Ông Tứ cũng là chuyên gia lọc hóa dầu được mời tham gia và phản biện nhiều quy hoạch, dự án phát triển công nghiệp khí và khâu hạ nguồn của ngành Dầu khí Việt Nam.

Năm 2018 cuốn sách "Rumani – xứ sở vàng đen" do ông Tứ chủ biên viết về lịch sử phát triển ngành Dầu khí Romania và Hợp tác Dầu khí Việt - Ru được xuất bản ở Việt Nam. Cuốn sách cũng được dịch ra tiếng Romania và xuất bản tại Romania năm 2019.

Phan Trang (thực hiện)

[P-magazine] Những xu hướng định hình ngành dầu khí toàn cầu[P-magazine] Những xu hướng định hình ngành dầu khí toàn cầu
[PetroTimesTV] Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam[PetroTimesTV] Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Bộ Tài chính đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông tại DNNNBộ Tài chính đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông tại DNNN

DMCA.com Protection Status