Điều hành chính sách tiền tệ “hóa giải” thành công nhiều thách thức

21:00 | 24/09/2022

10,097 lượt xem
|
(PetroTimes) - Từ đầu năm đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng (áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng; đồng USD quốc tế tăng giá mạnh; Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn; xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới; căng thẳng Nga – Ukraine,…). Trong nước, kinh tế phục hồi tích cực, GDP 6 tháng đạt 6,42%; lạm phát bình quân 8 tháng 2,58%. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cũng là một trong những nước thấp nhất thế giới. Dự báo năm 2022, GDP tăng 6,7-8,5%; lạm phát dưới 4%. Đây là những con số ấn tượng trong bối cảnh hiện nay, và đóng góp vào thành công đó có vai trò quan trọng của điều hành chính sách tiền tệ.
Điều hành chính sách tiền tệ “hóa giải” thành công nhiều thách thức
Phó Thống đốc thường trực NHNN chủ trì Họp báo

Ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022. Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Họp báo. Tham dự Họp báo có đại diện lãnh đạo các Vụ thuộc NHNN như Truyền thông, Chính sách tiền tệ, Tín dụng các ngành kinh tế, Thanh toán, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Văn phòng NHNN…

Phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, giảm thiểu tác động từ những “cú sốc” từ thị trường thế giới

Về tình hình kinh tế vĩ mô, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, trong 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng đã gặp không ít khó khăn. Nền kinh tế nước ta với độ mở lớn nên những tác động từ tình hình kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ của các nước lớn là không tránh khỏi. Trong khi đó, đất nước ta còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, bên cạnh đó, cũng có những thuận lợi nhất định. Đặc biệt là sự điều hành nhanh nhạy, kịp thời của các cấp lãnh đao từ trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ ngành. Nền kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh hơn dự báo, lạm phát được kiểm soát.

Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao điều hành của Chính phủ, NHNN. Theo đó, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ đúng, trúng; phản ứng chính sách linh hoạt, thận trọng, kịp thời, có tính dự báo cao và chủ động, hấp thu tốt trước các biến động của tình hình thế giới, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức khi nển kinh tế vừa hồi phục sau đại dịch Covid-19. Từ đó tạo được niềm tin, sự đồng thuận, đồng hành của người dân, doanh nghiệp đối với điều hành của Chính phủ, NHNN cũng như gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu tại họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông chia sẻ: NHNN luôn cầu thị, lắng nghe các ý kiến của người dân, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, chuyên gia kinh tế, tôn trọng các thông tin đa chiều trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi chính sách. Thời gian vừa qua, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng được dư luận đánh giá cao, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh trong bối cảnh có nhiều biến động, thách thức từ tình hình thế giới. Để có được thành công đó, các phóng viên, nhà báo đã đăng tải thông tin một cách trách nhiệm, tích cực, kịp thời, chính xác về điều hành tỷ giá, tín dụng, lãi suất…, tránh được hiệu ứng tâm lý kỳ vọng đối với lạm phát, tỷ giá nhất là biện pháp điều hành tín dụng, tạo được niềm tin công chúng từ đó tạo thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Thời gian tới, NHNN mong tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng hành, chia sẻ, thấu hiểu,của các cơ quan báo chí để tạo niềm tin công chúng đối với điều hành chính sách tiền tệ nói riêng cũng như các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến tài chính, ngân hàng trong bối cảnh nhiều sức ép từ sự biến động khó lường của tình hình quốc tế.

Điều hành chính sách tiền tệ “hóa giải” thành công nhiều thách thức

Bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông tại Họp báo

Trong thời gian qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay và là một trong những ngân hàng trung ương có mức giảm lãi suất điều hành nhiều nhất trong khu vực, đồng thời ngân hàng cũng thực hiện các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ và các chính sách an sinh xã hội khác.

Bước sang năm 2022, những tháng đầu năm, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong điều kiện lãi suất thế giới tăng, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng (TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trước những tác động của tình hình thế giới và các chính sách tài chính tiền tệ của các nước đến nền kinh tế nước ta và tình hình nội tại của nền kinh tế trong nước, để thực hiện các mục tiêu đặt ra của chính sách tiền tệ, NHNN đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 23 tháng 9 năm 2022. Trong đó, NHNN đã tăng 1% các mức lãi suất điều hành và nâng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD (áp dụng với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng).

Trong điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong bối cảnh hiện nay việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phẩn kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Theo bà Hà Thu Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tín dụng được điều hành nhằm tích cực hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; NHNN đã chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng thông tin thêm: Đối với chính sách miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ, đến cuối tháng 6/2022 (thời điểm kết thúc chính sách), lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 722.334 tỷ đồng với hơn 1 triệu khách hàng, dư nợ cuối tháng 7/2022 còn 157.746 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ được miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ là 92.425 tỷ đồng với gần 562 nghìn khách hàng, dư nợ cuối tháng 7/2022 còn 16.465 tỷ đồng; Về chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 10.700 tỷ đối với gần hơn 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 9.820 tỷ đồng.

Điều hành chính sách tiền tệ “hóa giải” thành công nhiều thách thức
Bà Hà Thu Giang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế

Trong hoạt động thanh toán, khuôn khổ pháp lý và chính sách hoạt động thanh toán tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). NHNN chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng tích cực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử đối với dịch vụ công. Các chỉ số TTKDTM trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng gần 13,63% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 95,62% về số lượng và 112,15% về giá trị. Giao dịch TTKDTM tăng 78,0% về số lượng và 29,3% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 68,5% và 31,6%; qua điện thoại di động tăng 97,8% và 84,2%; qua QR code tăng 100,9% và 142,5%; giao dịch qua POS tăng 36,56% và 38,69%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 3,83% và tăng 6,61%, cho thấy việc rút tiền mặt qua ATM giảm dần, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, TTKDTM.

Hoạt động chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Theo báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc TW của Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN được xếp vị trí thứ 1 về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ 2 về chỉ số thể chế số và xếp thứ 4 về chỉ số hoạt động chuyển đổi số.

Tiếp tục ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế

Thời gian tới, bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và những thách thức khiến điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế. Do vậy, NHNN tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Về định hướng nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Một là, tập trung vào nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Phó Thống đốc nhấn mạnh đây là mục tiêu quan trọng, cần ưu tiên. Hai là, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và thực hiện các mục tiêu khôi phục nền kinh tế sau dịch Covid-19, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đặt ra. Ba là, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, đảm bảo thanh khoản của các TCTD đối với nền kinh tế. Bốn là đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Năm là, tiếp tục phối hợp các Bộ ngành liên quan triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia, tín dụng chính sách, thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trìnhcủa Chính phủ.

Về giải pháp cụ thể, Phó Thống đốc cho biết:

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục thận trọng, linh hoạt, đồng bộ, sử dụng các công cụ trong chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác đảm bảo các mục tiêu cân đối lớn của nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác.

Về lãi suất, điều hành lãi suất đảm bảo theo hướng phù hợp diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước, tiếp tục chỉ đạo TCTD giảm chi phi hoạt động để có thể giảm lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đao của Chính phủ. “Vấn đề là điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát hiện nay. Về lãi suất cho vay trên tinh thần kêu gọi các NHTM đổi mới, ứng dụng công nghệ tiện ích, hiện đại, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người vay vốn. Việc này đã thực hiện rất tốt, hiệu quả trong 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua” – Phó Thống đốc cho biết.

Điều hành tỷ giá tiếp tục linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, đảm bảo cung ứng đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.

Thứ hai, trong điều hành tín dụng: Đối với hạn mức tín dụng, NHNN đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022 có xem xét điều chỉnh khi cần thiết. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, mục tiêu kiểm soát lạm phát là yêu cầu cao nhất. NHNN đang theo dõi giám sát, đánh giá kịp thời tình hình tăng trưởng tín dụng của các NHTM, không chỉ cho năm 2022 mà còn tạo tiền đề kiểm soát tín dụng một cách hợp lý, phù hợp, hiệu quả cho năm 2023 – được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn.

Tín dụng thời gian tới tiếp tục tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, duy trì mức lãi suất cho vay theo quy định hiện hành đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Nghị định 31). Cũng theo Phó Thống đốc, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, tuy nhiên cũng có những lý do khách quan, chủ quan, việc triển khai Nghị định 31 cần được tiếp tục nghiên cứu, quan tâm và có những điều chỉnh cần thiết; Tiếp tục kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực rủi ro (bất động sản, chứng khoán...); Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, mua bán trái phiếu của các TCTD theo quy định đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD; Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng chính sách xã hội...

Thứ ba, về lĩnh vực thanh toán, công nghệ, NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán, chuyển đổi số, tăng cường an ninh, an toàn hoạt động thanh toán; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Thứ tư, về hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng: Tiếp tục các chương trình, kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt vê việc sửa đổi các Luật trong năm nay và các năm tới: Luật Phòng, Chổng rửa tiền, Luật TCTD, Luật NHNN, Luật Bảo hiểm tiền gửi…; các vấn đề liên quan như tạo điều kiện cho tín dụng tiêu dùng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, tiếp tuc xây dựng cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho tín dụng vi mô, tài chính toàn diện…

Thứ năm, tiếp tục tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025;

Thứ sáu. tập trung các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong quan hệ vay vốn, trong tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành Ngân hàng.

Điều hành chính sách tiền tệ “hóa giải” thành công nhiều thách thức
Ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ tại Họp báo

Tại họp báo, trả lời báo chí về điều hành lãi suất trước các tác động từ tình hình thế giới và trong nước, ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, bối cảnh lạm phát diễn ra trên quy mô toàn cầu, áp lực lạm phát với Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Kinh tế Việt Nam với độ mở cao, vẫn chủ yếu là nhập siêu, kéo theo nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, để cho đồng tiền Việt Nam mất giá lớn sẽ tác động rất lớn đến nhập khẩu. Do đó, thời gian qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát. “Về nguyên lý, không thể cùng lúc đồng thời ổn định cả lãi suất và tỷ giá. Đây là nhiệm vụ bất khả thi” – ông nói. Hơn nữa, trong bối cảnh FED tăng lãi suất USD với mức độ nhanh và mạnh, tốc độ tăng cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, dẫn đến mặt bằng tỷ giá trên phạm vi toàn cầu biến động lớn, các ngân hàng trung ương cũng phải nâng lãi suất để đảm bảo cho đồng tiền của mình không bị tác động hay biến động quá lớn, hạn chế nguy cơ lạm phát nhập khẩu.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam). Đến sáng ngày 20/9/2022, so với cuối năm 2021, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD: TWD (-13,5 %); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%). Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới ( khoảng gần 4%).

Cũng theo ông Phạm Chí Quang, đối với vấn đề lãi suất, “giữ ổn định không có nghĩa là cố định”, khi thời điểm ban hành Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11, điều kiện kinh tế trong nước và thế giới khác biệt rất nhiều so với thời điểm hiện nay. Mặt bằng lạm phát trên toàn cầu thay đổi, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước thay đổi, không những thế, chiến tranh giữa Nga-Ukraine tiếp tục leo thang, dẫn đến giá dầu trên thế giới tăng, kéo theo lạm phát trên quy mô toàn cầu. “Điều kiện kinh tế đã thay đổi, nếu chúng ta giữ ổn định mặt bằng lãi suất khá lâu sẽ tác động đến đến tỷ giá, và có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Điều hành chính sách lãi suất làm sao một mặt hóa giải cú sốc của thị trường thế giới, cũng như neo giữ tâm lý kỳ vọng lạm phát của người dân, đồng thời, kiên định mục tiêu lạm phát của Chính phủ, góp phần ổn định tâm lý thị trường, ổn định thị trường và vĩ mô” – Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.

Phương Linh

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh một số mức lãi suấtNgân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh một số mức lãi suất
Tiền né cổ phiếu ngân hàng, tìm chỗ trú ẩn ở nhóm midcap và bảo hiểmTiền né cổ phiếu ngân hàng, tìm chỗ trú ẩn ở nhóm midcap và bảo hiểm
Lãi suất điều hành tăng, nhà đầu tư đua lệnh chiều nay lại lo mất ngủLãi suất điều hành tăng, nhà đầu tư đua lệnh chiều nay lại lo mất ngủ
Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàngNgân hàng Nhà nước chuẩn bị giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng
Đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42Đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

DMCA.com Protection Status