Doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò tiên phong phát triển kinh tế

11:49 | 12/10/2023

7,286 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Theo TS Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đóng vai trò quan trọng trong việc cùng Nhà nước thực hiện các chính sách vĩ mô, vi mô để phát triển kinh tế - xã hội. Trong những hoàn cảnh khó khăn, DNNN tiên phong, bảo đảm nhu cầu thiết yếu về hàng hóa, dịch vụ, an sinh xã hội, đóng góp về nguồn lực,...
Doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò tiên phong phát triển kinh tế
Toàn cảnh tọa đàm

Vừa qua, tại Tọa đàm: “Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng DNNN quản lý rủi ro, minh bạch tài chính” do Báo Kiểm toán tổ chức, TS Phan Đức Hiếu cho biết, vai trò của DNNN được thể hiện ở sự đóng góp vật chất trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra doanh thu, đóng góp vào thu ngân sách cũng như đóng góp về lao động, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, khoa học công nghệ… Trong một số trường hợp, DNNN còn đóng vai trò quan trọng trong việc cùng Nhà nước thực hiện các chính sách vĩ mô, vi mô để phát triển kinh tế - xã hội. Trong những hoàn cảnh khó khăn, DNNN đóng vai trò tiên phong bảo đảm nhu cầu thiết yếu về hàng hóa, dịch vụ, an sinh xã hội, đóng góp về nguồn lực,…

Đối với một số lĩnh vực đặc thù như dầu khí, DNNN ở khu vực biên giới còn đóng góp rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt, có những DNNN, tập đoàn đã trở thành những thương hiệu mạnh, có vị trí ở tầm khu vực và quốc tế; từ đó nâng cao hình ảnh cộng đồng DN Việt Nam và hình ảnh quốc gia, tạo ra những đóng góp nhất định trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế…

Doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò tiên phong phát triển kinh tế
TS Phan Đức Hiếu (ảnh: Mạnh Tưởng)

Cũng theo TS Phan Đức Hiếu, DNNN còn đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhìn vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của các DNNN cho thấy, tổng tài sản là hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021; vốn chủ sở hữu khoảng hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 3%; tổng doanh thu đạt mức hơn 2,6 triệu tỷ đồng và tăng 29% so với năm 2021. Lãi phát sinh trước thuế tăng 24%; tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân khoảng 13% (năm 2021 là 11%); số DNNN có lỗ phát sinh so với tổng lỗ phát sinh chiếm 9% DNNN; có 21% DNNN có tổng số lỗ lũy kế là 69 tỷ đồng; hệ số tổng số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,9 lần.

Những con số trên đã phản ánh chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công tác quản lý tài chính của DNNN. “Qua thực tế theo dõi, chúng tôi nhận thấy nhiều DNNN rất nỗ lực, chủ động trong việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi cách thức hạch toán, thiết lập hệ thống quản trị rủi ro, thu thập số liệu làm các báo cáo để bảo đảm nâng cao chất lượng, độ tin cậy… Những động thái tích cực đó, chính là vì lợi ích của chính bản thân doanh nghiệp”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò tiên phong phát triển kinh tế
Ông Trần Văn Hảo, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Trần Văn Hảo - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI cho rằng, DNNN chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế nên việc quản lý, bố trí nguồn lực tài chính của DNNN là hết sức quan trọng. Kết quả kiểm toán cho thấy, phần lớn các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã làm ăn có lãi và phát huy được vai trò dẫn dắt các DN trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, chuyển đổi số. Trong bố trí quản lý vốn, các DNNN cơ bản đã bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Đội ngũ quản lý của các DN được đào tạo bài bản và trình độ quản lý ngày càng tăng lên. Các DN đã phát huy được nguồn lực trong các giai đoạn khó khăn như dịch bệnh Covid hay trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, nhất là khi quy mô vốn của các DN nước ta còn khiêm tốn so với DN trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Hảo cũng cho biết thêm, bên cạnh các DNNN làm ăn có hiệu quả và quản lý, bố trí vốn tốt thì không ít các DN quản lý vốn còn lỏng lẻo; một số lĩnh vực còn “hổng”, việc thực hiện quy định pháp luật cũng chưa đầy đủ, từ đó dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí thua lỗ. Biểu hiện là một số dự án đầu tư có nguy cơ gây thất thoát hoặc một số khoản đầu tư ra bên ngoài ngành không hiệu quả, thậm chí có nguy cơ mất vốn, thua lỗ.

Doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò tiên phong phát triển kinh tế
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, DNNN đang được giao quá nhiều vai trò.

Theo phân tích của TS Nguyễn Đình Cung, điểm khác biệt của khu vực DNNN Việt Nam với các nước là số lượng DNNN ở các nước rất ít, không nhiều như ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang giao cho DNNN quá nhiều vai trò: là “quả đấm thép”; là lực lượng tiên phong, dẫn dắt; vai trò ổn định kinh tế vĩ mô… Việc giao quá nhiều vai trò đồng nghĩa với việc đặt ra cho DNNN quá nhiều mục tiêu.

TS Nguyễn Đình Cung cho biết, để DNNN tốt lên thì đầu tiên phải xác định được mục tiêu của họ. Mục tiêu của DNNN không phải là đóng góp cho ngân sách nhà nước, nếu chúng ta coi họ là lực lượng trụ cột, dẫn dắt, tiên phong trong nền kinh tế tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới thì mục tiêu của DNNN phải là tạo ra những công nghệ mới, phải nắm được công nghệ đó, từ đó phát triển ra một ngành công nghiệp, hoặc một ngành nào đó có năng lực cạnh tranh cao.

Tất nhiên, việc đạt được mục tiêu phải thể hiện bằng tính hiệu quả, chứ không phải đạt mục tiêu bằng cách “thua lỗ”, nhưng hiệu quả ở đây cần phải được nhìn nhận trong dài hạn, chứ không đánh giá hiệu quả theo vụ việc.

“Phải nhìn nhận như vậy thì chúng ta mới đánh giá được DN đó là tốt hay không tốt. Tốt là phải đạt được mục tiêu với hiệu quả cao nhất có thể đạt được. Còn nếu vẫn chưa thể rõ mục tiêu của DNNN, cứ giao cho họ rất nhiều vai trò nhưng không xác định được mục tiêu rõ ràng mà cứ đi nói DNNN “thua lỗ” thì theo tôi, điều đó chưa chắc đã đúng. Bởi nếu DN chỉ thua lỗ trong một vài năm nhưng tạo ra được một công nghệ mới, nắm bắt được công nghệ từ đó lan tỏa ra nền kinh tế thì đây là cái giá chúng ta nên chấp nhận trả để đạt được kết quả này”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (29/9/2018-29/9/2023): 5 năm kết nối - đồng hành - cùng phát triểnỦy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (29/9/2018-29/9/2023): 5 năm kết nối - đồng hành - cùng phát triển
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước phát triểnKịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước phát triển
Cơ cấu lại DNNN sát với tình hình thực tếCơ cấu lại DNNN sát với tình hình thực tế
Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp nhà nước quản lý rủi ro, minh bạch tài chínhKiểm toán nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp nhà nước quản lý rủi ro, minh bạch tài chính

Huy Tùng

DMCA.com Protection Status