Đơn vị tiếp sức “những người đi tìm lửa” (Kỳ II)

07:59 | 29/09/2016

786 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Cuối năm 1980, được sự giúp đỡ của Ban Đời sống, Đoàn Dầu khí Đồng Bằng sông Cửu Long, tôi và anh Lưu Thế Quyên (nay đang định cư tại khu vực Phương Ninh) được Công ty Phục vụ Đời sống điều từ Cơ sở trồng lúa Cà Mau đi khảo sát hơn 500ha đất mượn của Nông trường Phương Ninh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cách giếng khoan Hậu Giang 1 khoảng hơn 5 cây số.

Hoàng Ngọc Trà

Nguyên Phó giám đốc Công ty Phục vụ Đời sống - Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam

Đến ngày 1-6-1981, Cơ sở trồng lúa Phương Ninh được thành lập. 2 năm sau thì Nông trường này thay đổi nhiệm vụ từ trồng lúa chuyển thành lâm trường chuyên trồng tràm. Việc chuyển đổi này đã tạo ra không ít khó khăn cho công ty, nhất là mâu thuẫn trong việc trồng lúa với trồng tràm vì lâm trường luôn giữ nước để trồng và chống cháy cho tràm nên cơ sở trồng lúa của công ty gặp nhiều khó khăn trong việc điều tiết nước từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, vận chuyển và còn thêm cả nạn chim trời phá hoại lúa lấy rừng tràm làm nơi trú ngụ.

Đến giữa năm 1982, Công ty Phục vụ Đời sống tiếp nhận thêm 30ha đất từ cơ sở trồng lúa của một đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần tại xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cách cơ sở Phương Ninh khoảng 5 cây số.

don vi tiep suc nhung nguoi di tim lua tiep theo va het

Với các cơ sở trồng lúa này, sản lượng lúa thu được hằng năm của Công ty Phục vụ Đời sống đã tăng lên khoảng 400-450 tấn, cao nhất là 510 tấn vào năm 1984.

Đoạn trường hạt gạo từ Công ty Phục vụ Đời sống

Các cơ sở trồng lúa ở Cà Mau và Phụng Hiệp của Công ty Phục vụ Đời sống đều thuộc vùng đất đã từng ở trong vùng chiến sự nên dưới mặt đất rải rác còn sót lại các loại vũ khí của cả ta và địch như chông sắt, chông tre và cả bom, mìn. Ở cả Cà Mau và Phụng Hiệp, người lao động trồng lúa của chúng ta đã từng bị dính chông sắt, chông tre. Trường hợp ở Cà Mau một cô công nhân bị dính chông sắt nhưng may chỉ sượt qua nên chỉ bị thương nhẹ mấy hôm là khỏi; còn ở Phụng Hiệp thì bị dính chông tre nhưng đã mục nên phải mổ mới lấy hết ra được. Hồi đó thuốc men rất khan hiếm, bệnh viện thì ở xa nên anh em phải dùng dao lam để tự mổ giống như thời chiến tranh ở rừng Trường Sơn. Cơ sở trồng lúa Phương Ninh, thời trước giải phóng còn là khu vực trút bom thừa của máy bay Mỹ - ngụy và là vùng tranh chấp nên có cả mìn của đôi bên cài lại. Ở đây, người lao động đã phát hiện mìn nhưng may mắn là không nổ, còn trong dân đã có trường hợp trẻ em bị tai nạn vì mìn.

Hiện nay có hai cán bộ của Công ty Phục vụ Đời sống trước đây đang sinh sống tại các tỉnh phía Nam đã bị thương khi làm việc nhưng hồi đó thực hiện các chế độ bảo hiểm chưa được như ngày nay nên cả hai trường hợp này đều không được xác định thương tật. Một người nguyên là kỹ sư nông nghiệp tên Lưu Thế Quyên, quê Nam Trực, Nam Định, phụ trách cơ sở Hòa Mỹ bị lao động hợp đồng người địa phương muốn cướp tiền đã dùng thanh sắt dằng của máy cày đánh vào đầu khi đang ngủ. Được anh em kịp thời trấn áp, bắt kẻ tấn công và may mắn được chiếc màn cản lại nên anh Quyên chỉ bị thương, phải cắt bỏ một mảng xương trán, hiện để lại vết lõm chỉ còn toàn da không còn xương nên khi trái gió trở trời vẫn bị đau nhức. Cũng thật may mắn cho người công nhân tên Khải đã bắt được kẻ tấn công anh Quyên và thoát chết, bởi viên đạn AK của tên cướp đó không nổ. Tiếc rằng sau này Khải chuyển về làm việc tại Vietsovpetro và bị mất vì tai nạn giao thông tại Vũng Tàu. Một người khác tên là Nguyễn Xuân Thu, quê Thái Thụy, Thái Bình, khi khuân vác gạo đã bị ngã gãy xương vai, được Bệnh viện Quân y 175 mổ, đóng đinh cố định và hiện nay đinh vẫn còn trong bả vai.

Để làm ra được hạt lúa đã đầy khó khăn, gian khổ, kể cả đổ máu, nhưng để có được hạt gạo đến tận tay CBCNV-LĐ Dầu khí lại càng vất vả, khó khăn hơn nhiều lần.

Như lần trước tết Nguyên đán năm 1983, khi đang chờ đợi xin giấy phép vận chuyển của Bộ Lương thực - Thực phẩm, công ty đã dùng lệnh xuất kho của mình chuyển trước ra Bắc 5 tấn gạo bằng ôtô và bị Công an Đà Nẵng bắt giữ, đợi qua tết xin được giấy phép rồi mới vào xin nhận lại được.

Vụ mùa năm 1984, khi 200 tấn lúa được vận chuyển từ Phương Ninh ra đến cầu Phụng Hiệp thì bị dân quân địa phương giữ lại vì cho rằng số lượng lúa thực chở nhiều hơn số lượng lúa được cấp phép xuất ra khỏi tỉnh. Dù chúng tôi đã chứng minh trọng tải được thể hiện qua vạch ghi mớn nước đã được đăng kiểm nhưng vẫn không được chấp thuận. Cuối cùng, chúng tôi lại phải cùng địa phương tổ chức cân đong lại toàn bộ mới được phép vận chuyển và dĩ nhiên là công ty phải chịu mọi chi phí cân đong. Cũng năm đó, khi 50 tấn gạo về tới ga Giáp Bát thì bị Công an Kinh tế Hà Nội tịch thu vì cho rằng, Công ty Phục vụ Đời sống đã buôn bán gạo từ miền Nam ra và mặc dù đã xuất trình mọi loại giấy phép từ đóng thuế nông nghiệp cho tỉnh, giấy phép vận chuyển ra khỏi tỉnh, giấy phép vận chuyển của Bộ Lương thực - Thực phẩm cấp nhưng Công an Kinh tế Hà Nội vẫn không tin và vẫn quyết định tịch thu, chuyển về kho lương thực thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì. Sau đó, Công ty Phục vụ Đời sống phải tổ chức để hai cán bộ Công an Kinh tế thành phố Hà Nội vào Phương Ninh xác minh thì mới được Phòng Lương thực huyện Thanh Trì quy trở lại thành lúa để hoàn trả. Công ty lại phải chịu chi phí mọi khoản phát sinh từ bốc xếp đến xay xát.

Có trường hợp, tàu thủy vận chuyển gạo từ miền Nam ra cảng Hải Phòng, khi bốc xếp từ tàu biển lên ôtô, tôi vô cùng xót xa chứng kiến cảnh công nhân bốc xếp ngang nhiên rạch cho những bao tải gạo rách ra để sau khi xong việc thì xin được hót số gạo “rơi vãi”. Gạo “rơi vãi” thì ở tận đáy hầm tàu nên đành phải thương lượng để họ hót hết cho mình, đồng thời cho họ được hót gạo vào các thứ mang theo, kể cả cặp lồng rỗng sau khi đã ăn hết cơm trưa mang theo, miễn sao bảo đảm kín đáo để qua được mắt bảo vệ cảng. Ít ra, mỗi người cũng được ba, bốn ký gạo.

Những việc như thế tôi đều được trực tiếp chứng kiến vì tôi là Phó giám đốc phụ trách sản xuất, lại còn trẻ nên thường xuyên được giao nhiệm vụ tổ chức thu hoạch và vận chuyển.

Thật là “đoạn trường biết tỏ cùng ai”?

Những kỷ niệm sâu sắc trong công tác quản lý

Suốt thời gian công tác tại Công ty Phục vụ Đời sống, có những sự việc cụ thể, vui có, buồn có, đã xảy ra đối với tập thể và cá nhân mà tôi được tận mắt chứng kiến; được trực tiếp tham gia giải quyết trong những hoàn cảnh và thời gian khác nhau vẫn luôn mãi theo tôi đến tận bây giờ. Tôi xin viết ra đây để mọi người cùng suy ngẫm. Còn với tôi, tôi luôn coi đây là những kỷ niệm khó quên trong đời về khoảng góc khuất của nhân tình thế thái. Đây là những chuyện có thật mà ai đã từng làm việc tại Công ty Phục vụ Đời sống cũng đều biết rõ, còn tên người thì tôi xin mạn phép được viết tắt bằng phụ âm đầu.

Chuyện thứ nhất

Chiều mùa Thu năm 1981, một cán bộ tên T ở trong ban lãnh đạo cơ sở sản xuất Phương Ninh về Chi nhánh phía Nam của Công ty Phục vụ Đời sống tại 193/6A, đường Nam Kỳ Khởi nghĩa, phường 12, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh báo cáo việc chiếc xuồng chở cán bộ bị lật nên toàn bộ số tiền mặt khá lớn vừa nhận từ công ty về để trả lương cho CBCNV-LĐ cũng rơi theo xuống sông. Khi nghe xong, có ý kiến thông cảm với anh T nhưng cũng không ít ngưới cho rằng anh T đã cố ý dựng lên câu chuyện chìm xuồng nhằm biển thủ số tiền đó rồi báo cáo để hợp thức hóa vấn đề (!). Thời gian đó, tôi đang là Trưởng phòng Kế hoạch sản xuất kiêm Trưởng chi nhánh phía Nam của công ty.

Tôi và anh T biết nhau từ thời chúng tôi cùng công tác tại cơ quan Văn phòng Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bộ Quốc phòng. Tôi là thư ký của Phó tổng cục trưởng Đặng Quốc Tuyển, còn anh là quản lý nhà ăn tập thể của Văn phòng Tổng cục. Tôi tự hỏi mình rằng, một người từng có nhiều năm tham gia chiến đấu ở Đoàn 559, chết còn không sợ, lại từng nhiều năm làm quản lý nhà ăn tập thể gần ngàn người của cả cơ quan Tổng cục, không hề có điều tiếng gì… lại có thể làm cái điều vô cùng tệ hại đó được sao? Ý nghĩ đó cứ xoáy sâu vào lòng tôi. Sau đó, tôi mời anh T gặp tôi để hỏi cặn kẽ thêm về sự việc. Với tất cả lòng tin cậy nhau, anh T thề sống chết với tôi việc xuồng bị lật, tiền rơi xuống sông là sự thật chứ không như ai đó đã nghĩ không tốt về anh. Anh còn cho tôi biết cụ thể nơi xuồng của anh bị lật ở khá sâu trong đoạn kênh dẫn ken dày lục bình (bèo tây), cách khúc cua từ sông cái vào khoảng 100m, ngay sát UBND xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. Nghe xong, tôi cùng anh T phân tích và đưa ra nhận định rằng, với khu vực bị lục bình ken dày như vậy, tốc độ dòng chảy sẽ bị hạn chế, tiền lại vừa lĩnh từ ngân hàng về, vẫn đang được giữ nguyên đai, nguyên kiện nên sẽ chìm ngay khi rơi xuống nước và khó có thể dễ dàng trôi ra sông cái ngay được. Tôi nói với anh T rằng, bằng giá nào, anh cũng phải tìm cách lấy lại được số tiền đó để vừa minh chứng cho sự trung thực của anh, vừa củng cố niềm tin của mọi người đối với anh. Nên ngay hôm nay, anh hãy nhanh chóng trở về Phương Ninh, tìm thuê dân đánh cá dùng lưới quét để rà suốt đoạn kênh mà xuồng của anh đã bị lật.

Chiều tối ngày hôm sau, anh T vui mừng điện thoại về cơ quan chi nhánh công ty báo tin anh cùng với một số CBCNV cơ sở sản xuất Phương Ninh đã dùng lưới quét tìm lại được toàn bộ số tiền bị rơi. Tôi nghe mà nhẹ cả lòng. Còn những người nghi ngờ về anh T thì… cho mãi về sau này cũng chẳng ai nhắc đến.

Chuyện thứ hai

Anh thợ cơ khí bậc cao 7/7 tên K vừa được chuyển từ Đoàn Dầu khí Đồng bằng sông Cửu Long về Công ty Phục vụ Đời sống đang được cử ở lại bảo vệ khu vực kho tại cảng Bình Thủy, thị xã Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang.

Sau khi về Chi nhánh lĩnh lương tháng xong, anh chưa quay về Cần Thơ ngay mà xin phép đi Vũng Tàu thăm người bạn tên C từng cùng công tác ở Công ty Dầu khí I chuyển vào làm ở Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Chiều tối hôm sau, anh từ Vũng Tàu trở về và ngủ lại 193/6A Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng ở bếp tập thể cơ quan xong, tầm khoảng gần 8 giờ sáng, anh em đang ngồi uống nước, nói chuyện phiếm với nhau thì thấy ôtô của Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu T.M.C cùng một vài người nữa, trong đó có chị H là vợ anh C, đến cơ quan Chi nhánh. Anh C gọi riêng tôi ra ngoài và cho biết, ngày hôm qua, anh K có đến thăm và ăn nghỉ tại nhà vợ chồng anh C ở khu tập thể cơ quan xí nghiệp. Buổi tối, sau khi anh K trở về Sài Gòn thì gia đình phát hiện bị mất 2 chỉ vàng, mà trong suốt thời gian đó chỉ có duy nhất anh K là người ngoài đến chơi và ăn nghỉ tại gia đình nên chị H nghi anh K đã lấy số vàng đó. Anh C và chị H nhờ tôi điều tra, làm rõ.

Qua tiếp xúc và bằng linh tính, tôi nghĩ rằng một người đã vì tình bạn mà không quản đường sá xa xôi để đến thăm nhau thì khó có thể biết ngay được nếp sinh hoạt, nơi cất dấu chìa khóa… của gia đình bạn, để… trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy có thể lấy cắp được vàng của bạn, rồi lại không về nhà ngay mà còn ngủ lại thêm một đêm ở cơ quan. Nghĩ vậy, tôi trao đổi với các cán bộ và nhân viên của chi nhánh về sự việc đã xảy ra với anh K ở Vũng Tàu và về cách chi nhánh sẽ tiến hành xác minh. Tôi cũng trao đổi trước với anh K về sự việc đã xảy ra và cách làm của cơ quan để nhằm làm sáng tỏ mọi việc. Anh K đồng ý. Tôi tổ chức nhanh công việc khám xét và lập biên bản chi tiết cuộc khám xét mọi thứ mang theo người và tư trang của anh K. Điều làm tôi và mọi người chứng kiến đều hết sức xúc động là trong chiếc cặp rỗng của anh K có duy nhất 3 thứ: một là bộ quần áo lót của anh; hai là một quyển sổ ghi chép các công việc liên quan đến sản xuất, chi tiêu của gia đình và ba là… một nắm cơm anh mang theo khi về cơ quan để lĩnh lương tháng từ cách đây 3 ngày. Còn trong người chỉ có tiền lương vừa lĩnh và tiền còn lại mang theo từ nhà để đi đường.

Tôi gọi điện thông báo lại với anh C mọi việc chúng tôi đã làm và thật bất ngờ khi tôi được anh thông báo đã tìm ra thủ phạm lấy cắp vàng của gia đình chị H chẳng phải ai khác mà chính là cậu con trai “quý tử” của anh C và chị H (!).

Điều mà tôi trân quý nhất ở tình bạn của hai anh K và C là sau này, khi anh K chuyển về Vũng Tàu công tác, tình bạn của họ vẫn mãi như chưa có chuyện gì xảy ra.

Chuyện thứ ba

Tôi mãi vẫn còn nhớ rất rõ chuyện xảy ra vào khoảng tháng 8-1984, khi tôi đã là Phó giám đốc công ty và đang ở Hà Nội chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch phân phối lúa gạo của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam cho các đơn vị trực thuộc tại phía Bắc.

don vi tiep suc nhung nguoi di tim lua tiep theo va het
Trực thăng bay dịch vụ cho các giàn khoan dầu khí

Anh tên là V, cán bộ của Ban Đời sống, Công ty Dầu khí I Thái Bình cùng hai nhân viên nữa đến nhận gần chục tấn lúa được Tổng cục phân phối tại kho của Công ty Phục vụ Đời sống ở Hà Nội. Chiều ngày nhận hàng xong, anh V có điện về Công ty Phục vụ Đời sống báo cáo việc nhập kho số lúa vừa nhận buổi sáng bị thiếu hụt đến gần 1 tấn và đề nghị giúp đỡ. Tôi cho kiểm tra lại thì được biết cả hai bên đã làm đầy đủ thủ tục giao nhận hàng, đã đối chiếu từng mã cân… thế mà lúa lại thiếu, nghe thật khó tin. Tôi nghĩ, với số lúa bị thiếu hụt này, ngoài việc phải bồi thường, anh V còn phải chịu kỷ luật, mà hồi ấy kỷ luật nghiêm lắm, có thể bị đuổi việc chứ chẳng chơi. Xem lại số lúa tồn kho theo sổ sách, tôi thấy cũng không còn nhiều lắm nên nghĩ cách duy nhất để giải quyết được vấn đề lúc này chỉ có thể là thành lập tổ kiểm kê cân đong lại số lúa tồn kho thì mới có thể giải quyết được, dù công ty có phải thêm chi phí cũng phải làm. Tôi đưa ý nghĩ này trao đổi với một số cán bộ có liên quan. Có người cho rằng hàng đã được đưa ra khỏi kho, công ty đã hết trách nhiệm. Sau đó, tôi thuyết phục mọi người cùng cố gắng kiểm tra lại để hai bên cùng thỏa mãn cho dù kết quả ra sao thì được đa số đồng tình. Sau khi cân đong lại, cả tổ kiểm kê đều hết sức vui mừng thấy số lúa tồn kho còn xấp xỉ số lúa anh V đã nhận thiếu. Tôi rất mừng báo lại với anh Cận, Trưởng Ban Đời sống Công ty Dầu khí I lên nhận tiếp số lúa còn thiếu. Được tin này, anh C và anh V vui sướng và cảm động lắm!

Chuyện thứ tư

Lại một lần khác, chúng tôi xuống cảng Chùa Vẽ nhận gạo từ tàu Đông Lạnh của Vietsovpetro. Sau khi chuyển gạo từ tàu lên ôtô xong thì trời đã khuya, anh em phát hiện thừa ra hai bao gai gạo loại hơn một tạ một bao và đề nghị tôi cho sử dụng để bồi dưỡng làm đêm. Tôi bảo với tất cả anh em trong đoàn rằng, khi vận chuyển gạo đi xa, bao giờ công ty cũng chọn những bao lành và vận đơn luôn ghi rõ số bao và trọng lượng toàn bộ. Do đó, việc nhận lúa hoặc gạo từ tàu thủy hoặc tàu hỏa thì số lượng bao lúa hoặc gạo phần lớn là thiếu so với vận đơn vì bao bì thường dễ bị rách trên đường vận chuyển. Lần này, rất may là không có bao gạo nào bị rách nên với việc thừa ra hai bao gạo thì chắc chắn thế nào cũng có chuyện liên quan đến quá trình giao nhận tại bến xếp hàng xuống tàu đây! Nghĩ vậy nên tôi quyết định vẫn bồi dưỡng làm đêm cho anh em nhưng không phải là tiền bán hai bao gạo.

Quả đúng như tôi đã dự đoán. Sáng hôm sau, tôi gọi điện vào Sài Gòn báo cáo kết quả nhận gạo từ tàu Đông Lạnh về kho Hà Nội đã thấy thừa ra 2 bao gạo so với vận đơn và được biết cụ thể việc công ty đã lập biên bản xử lý kỷ luật, buộc lái xe tải tên Đ phải bồi thường 2 bao gạo vì đã để “mất” trên đường vận chuyển từ kho xuống tàu Đông Lạnh.

Tuy lái xe Đ cũng đã được minh oan sau đó, nhưng với những gì biên bản kỷ luật để lại đã cho ta bài học sâu sắc trong cuộc đời. Đó là việc xử sự của một bộ phận lãnh đạo có trách nhiệm trong công ty lúc bấy giờ đã quá vội vàng quy chụp lỗi khi chưa có chứng cứ rõ ràng để chối bỏ tránh trách nhiệm của bộ phận mình nên đã dẫn đến việc đối xử thô bạo, thiếu tính nhân văn đối với một con người cụ thể. Những năm sau này, lái xe Đ được chuyển về Văn phòng Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam lái cho đồng chí Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, sau này là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, cho đến ngày về nghỉ hưu.

Gần đến kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961-27/11/2016) và 41 năm ngày thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (3/9/1975-03/9/2016); là một cán bộ có 30 năm công tác trong ngành Dầu khí đã về nghỉ hưu gần chục năm nay, tôi bồi hồi nhớ lại và tự hào về những đóng góp, tuy nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa của một đơn vị thuộc ngành Dầu khí nhưng nhiệm vụ chính lại chỉ chuyên lo về công tác phục vụ đời sống cho toàn thể CBCNV-LĐ trong thời kỳ khó khăn gian khổ đầu tiên để xây dựng nên ngành Dầu khí Việt Nam. Mấy năm nay, tuy đang gặp quá nhiều khó khăn khi giá dầu thô giảm sâu, nhưng với truyền thống đoàn kết để vượt lên trước mọi khó khăn gian khổ đã được thử thách qua mấy mươi năm nay và với bản sắc Văn hóa Dầu khí, tôi luôn tin tưởng vững chắc rằng, ngành Dầu khí Việt Nam sẽ luôn đứng vững và mãi xứng đáng là đơn vị đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Năng lượng Mới 56

DMCA.com Protection Status