Đơn vị tiếp sức “những người đi tìm lửa” (Kỳ I)

07:00 | 22/09/2016

907 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Năm 1978, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam ra Quyết định số 1600/TC ngày 2-12-1978. Đây là đơn vị đầu tiên trong ngành Dầu khí nhưng không trực tiếp các hoạt động liên quan tới dầu khí mà chỉ chuyên lo về công tác phục vụ đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức và lao động Dầu khí. Trong bài viết này, tôi gọi Công ty là Đơn vị tiếp sức “những người đi tìm lửa”.

Hoàng Ngọc Trà

Nguyên Phó giám đốc Công ty Phục vụ Đời sống - Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam

Đã gần tuổi “xưa nay hiếm”, vào những ngày đầu Xuân Bính Thân, thời tiết ngoài trời quá lạnh, nhưng ngồi trong căn phòng điều hòa ấm áp, tôi vẫn thấy tâm hồn thật thoải mái, nhẹ nhàng. Lần giở từng trang, từng trang cuốn “Những người đi tìm lửa”, tôi như được gặp lại những người Bác, người Chú, người Anh, người Đồng chí… đã từng làm việc bên nhau trong cả thời gian chiến tranh chống Mỹ và cả trong những ngày đầu gian khổ, cùng chung tay xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam. Tôi cũng được gặp lại hình ảnh anh Đặng Quốc Tuyển (1918-1995), Đại tá, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Kinh tế, kiêm Tư lệnh Binh đoàn 14, Bộ Quốc Phòng; cố Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tôi kém anh Đặng Quốc Tuyển hơn 30 tuổi nhưng điều lệnh quân đội quy định không được xưng hô là bác, là chú cháu nên tôi vẫn thường gọi, hoặc là Thủ trưởng hoặc là anh nên mãi thành quen). Tôi như thấy hiện lên trước mắt mình hình ảnh của gần 50 năm trước được theo anh tham gia xây dựng Công ty Phục vụ Đời sống - một trong những đơn vị đầu tiên của ngành Dầu khí chuyên chăm lo phục vụ đời sống cho CBCNV chức và công nhân lao động Dầu khí.

don vi tiep suc nhung nguoi di tim lua ky i
Tác giả và ban lãnh đạo cơ sở Phương Ninh tại Đại hội Đảng bộ Công ty Phục vụ Đời sống năm 1984 (Từ phải sang là Hoàng Ngọc Trà, Nguyễn Văn Thoa, Lê Hồng Sơn và Lưu Thế Quyên)

Cơ duyên với ngành Dầu khí

Một chiều Chủ nhật mùa đông năm 1977, bác Đinh Đức Thiện (1913-1987), lúc đó là Bộ trưởng phụ trách ngành Dầu khí ghé chơi nhà riêng anh Đặng Quốc Tuyển, lúc đó đang là Đại tá, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Kinh tế, kiêm Tư lệnh Binh đoàn 14, Bộ Quốc phòng. Đây là cuộc gặp gỡ của những người anh em và cũng là những người bạn chiến đấu, những đồng chí thân thiết một thời đạn lửa nên tôi là thư ký riêng của anh Tuyển cũng không phải tham dự như thông lệ. Tối hôm đó, anh gọi tôi đến cùng ngồi uống nước và cho tôi biết về nội dung cuộc trao đổi hồi chiều giữa anh với bác Đinh Đức Thiện. Câu chuyện xoay quanh việc đời sống CBCNV, lao động ngành Dầu khí hiện đang gặp rất nhiều khó khăn và bác Thiện muốn mời anh, từng là cán bộ cấp dưới của bác đã nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực hậu cần quân đội, chuyển sang Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam công tác để giúp Bộ trưởng chăm lo đời sống cho toàn ngành. Anh bảo, thời gian tới anh sẽ chuyển sang công tác ở Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam và chúng tôi, nghĩa là gồm cả tôi là thư ký, lái xe và công vụ của anh, sẽ cùng chuyển ngành sang với anh. Tuy nhiên, anh còn có chút băn khoăn rằng, cả Anh và chúng tôi đều không hiểu biết nhiều về chuyên môn dầu khí nên sợ chúng tôi sẽ gặp khó khăn khi bố trí công tác nên anh bảo anh sẽ sang tìm hiểu trước rồi chọn chỗ phù hợp để chuyển chúng tôi sang sau.

Đầu năm 1978, khi tôi đang công tác ở Văn phòng Binh đoàn 14, đơn vị quân đội chuyên làm kinh tế tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, có trụ sở tại TP HCM thì được anh, khi đó đang là Tư lệnh Binh đoàn gọi đi theo đến mấy xã ven vùng cửa sông Trà Lý ở Tiền Hải, Thái Bình và vùng bãi sông Vọp ở Giao Thủy để khảo sát, tìm địa điểm sản xuất. Sau khi đi khảo sát về, anh thấy đất đai trồng được cây lúa ở những vùng này không có nhiều, quai đê lấn biển thì không những phải bỏ vốn lớn mà còn phải đợi thời gian “ngọt hóa” nên có ý định sẽ chuyển hướng vào miền Nam, nơi còn nhiều đất đai hoang hóa để có thể tổ chức các cơ sở sản xuất lớn hơn. Chẳng là vào mùa hè năm 1976, tôi cũng đã được theo Anh, khi đó đang là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Kinh tế, kiêm Cục trưởng Cục Nông - Lâm - Ngư, đi công tác hơn hai tháng tới các Quân khu 5, 7, 9 và đã cùng cán bộ Cục Kinh tế các Quân khu đến hầu khắp các tỉnh phía nam để xin phép địa phương cho các đơn vị quân đội triển khai làm kinh tế nên anh biết rất rõ khả năng đất đai của từng vùng.

Đến tháng 4-1978, từ Hà Nội, anh gọi điện vào bảo tôi mang theo toàn bộ quân, tư trang về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Được tin, tôi rất mừng. Mừng vì từ nay được làm việc tại Hà Nội, sẽ được gần vợ con hơn… và biết đâu lại được chuyển về làm việc ở Dự án Nhà máy Lọc dầu Tĩnh Gia thì lại được ở gần nơi vợ đang dạy học là trường phổ thông cấp III Tĩnh Gia I (ngày ấy chưa gọi là Trường Trung học phổ thông như bây giờ), ngay thị trấn Còng. Cũng phải nói thêm, ngày ấy đời sống CBCNV và người lao động phần lớn sống nhờ vào phần “bù giá vào lương” thông qua các loại tem phiếu nên được công tác gần gia đình, vợ con và được ăn chung bếp là điều mơ ước của nhiều người.

Đến Hà Nội, anh cho tôi về thăm gia đình mấy ngày và bảo Chị Nguyễn Thị Phan Ngọ, vợ anh, nay đã 85 tuổi và hiện đang sống cùng con cháu tại 211A, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Ba, thành phố Hồ Chí Minh, lấy trong thùng gạo của nhà mấy cân gạo cho tôi mang về quê. Tôi nghĩ, cuộc sống của gia đình quân nhân như gia đình anh cũng chủ yếu dựa vào chế độ tem phiếu nên tôi ngại ngùng từ chối, nhưng anh bảo cứ mang về để đề phòng khi vợ tôi chưa đong được gạo.

Ở thăm nhà được mấy hôm, tôi trở ra Hà Nội.

Cũng lại vào một buổi tối, sau khi ăn cơm xong, ngồi uống nước, anh Tuyển bảo tôi có thể ở lại làm việc tại Văn phòng Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam ở 80 Nguyễn Du, Hà Nội, đồng thời anh cũng lại ngỏ ý muốn tôi vào miền Nam giúp anh tổ chức mới cơ sở trồng lúa ở tận trong Cà Mau, thuộc tỉnh Minh Hải, là tỉnh mới được thành lập sau ngày thống nhất Tổ quốc, gồm hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau sáp nhập lại. Anh còn bảo tôi về hỏi lại ý kiến của vợ tôi xem có đồng ý cho tôi đi vào Cà Mau không. Tôi nói với anh: “Em có thể trả lời anh ngay rằng vợ em rất thích và hoàn toàn mong muốn em được công tác ở Hà Nội hơn là đi Cà Mau, nhưng nếu anh và tổ chức yêu cầu thì em sẵn sàng chấp hành, hỏi lại vợ chỉ thêm khó cho em!”.

Dường như có phần đột ngột trước câu trả lời quá nhanh của tôi, anh suy nghĩ một lát rồi nhỏ nhẹ động viên tôi cố gắng vào Cà Mau giúp anh tổ chức cơ sở trồng lúa.

Tôi vui vẻ nhận lời lên đường trở lại miền Nam như chấp hành quân lệnh vậy.

Từ ngày ấy cho đến khi về nghỉ hưu vào ngày 1-7-2008 là tròn 30 năm tôi đã gắn bó với những bước thăng trầm của ngành Dầu khí Việt Nam. Đến nay, dù đã nghỉ hưu được gần 10 năm rồi, nhưng mỗi khi sức khỏe tốt, tâm hồn thư thái, ngồi nghĩ lại quãng thời gian đã qua, tôi thấy mình với ngành Dầu khí dường như có mối lương duyên tiền định vậy!.

Thành lập Công ty Phục vụ Đời sống

Cuối năm 1978, sau thời gian ngắn hoạt động có kết quả ở cả hai miền Nam, Bắc, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã ra Quyết định số 1600/TC ngày 2-12-1978 về việc thành lập Công ty Phục vụ Đời sống với các nhiệm vụ:

Một là, chỉ đạo, quản lý các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá và các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm nhằm cải thiện đời sống CBCNV trong ngành;

Hai là, tạo nguồn hàng, xây dựng các cơ sở phục vụ như nhà ăn, giải khát, căng tin và phân phối cho CBCNV;

Ba là, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật và theo kế hoạch đảm bảo cây giống, phân hóa học, thuốc trừ sâu và các phương tiện sản xuất khác đối với các cơ sở tăng gia sản xuất của các công ty, cục, vụ trực thuộc Tổng cục;

Bốn là, có kế hoạch bảo quản, quản lý tất cả cơ sở vật chất và phân phối hợp lý các sản phẩm hàng hóa do công ty phụ trách, triệt để chống lãng phí tham ô, móc ngoặc, chống mất mát hư hỏng, thực hiện chính sách triệt để tiết kiệm;

Năm là, Quản lý toàn diện CBCNV và tài sản của công ty và sự phân cấp quản lý của Tổng cục Dầu khí theo chế độ chính sách chung của Nhà nước.

Tuy công ty thực sự là một đơn vị có nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh nhưng lại không thuộc hệ thống tổ chức biên chế của ngành Dầu khí đã được Nhà nước phê chuẩn nên tất cả các chỉ tiêu từ sản phẩm giao nộp đến các chỉ tiêu đảm bảo cho công ty hoạt động đều không có trong kế hoạch được Nhà nước giao. Thời bấy giờ, nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa nên mọi sản phẩm hàng hóa làm ra và các loại thiết bị, vật tư, nhiên liệu… đảm bảo đều được Nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Hằng năm, Vụ Kế hoạch của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt phải khó khăn lắm mới có thể cân đối, “bóc ngắn cắn dài” để điều tiết từ các đơn vị trong ngành cho công ty một ít nhiên liệu, còn các loại vật tư chuyên ngành nông nghiệp như máy móc nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thì ngành Dầu khí không có chỉ tiêu nên công ty phải tự lo liệu lấy.

Giám đốc đầu tiên (1979-1984) của Công ty Phục vụ Đời sống là Trung tá quân đội chuyển ngành Nguyễn Xuân Đại, hai Phó giám đốc (1983-1984) là Nguyễn Xuân Quang và Hoàng Ngọc Trà; Giám đốc tiêp theo (1984-1986) cũng là một Thiếu tá quân đội chuyển ngành Bùi Anh Tuấn, Phó giám đốc (1984-1986) là Hoàng Ngọc Trà.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mình, nhưng các thế hệ cán bộ lãnh đạo của Công ty Phục vụ Đời sống và các cơ sở trực thuộc đã kiên cường vượt lên, xây dựng đơn vị ngày càng phát triển, cung cấp ngày càng nhiều các sản phẩm phục vụ đời sống, tiếp sức cho CBCNV và lao động trong toàn ngành.

Đến tháng 9-1986, công ty sáp nhập với Xí nghiệp Dịch vụ Dầu khí thành Công ty Dịch vụ Dầu khí (PSC) do Anh Trương Minh Châu làm quyền Giám đốc (1986-1987), Quyền Giám đốc Nguyễn Ngọc Chính (1987-1988), giám đốc Phan Tiến (1988-1993) và các Phó Giám đốc là Hoàng Văn Hoan (1986-1987), Hoàng Ngọc Trà (1986-1989), Nguyễn Văn Thịnh (1988-1993).

Xây dựng các cơ sở trồng lúa ở Cà Mau (Minh Hải) và Phụng Hiệp (Hậu Giang)

Đường từ thành phố Hồ Chí Minh đến thị xã Cà Mau (hồi ấy Cà Mau còn là thị xã) chỉ 380 cây số nhưng đường xấu lắm, nhất là đoạn từ Bạc Liêu đi Cà Mau, nên chúng tôi đi từ 5 giờ sáng ở bến xe miền Tây, TP HCM về thị xã Bạc Liêu rồi chuyển xe đi tiếp đến Cà Mau là vừa đúng chập tối. Đêm ấy phải ngủ lại Cà Mau, sáng hôm sau đi tàu đò hơn 20 cây số tuyến Cà Mau - Đá Bạc, đến cách Đá Bạc (bờ biển phía tây Cà Mau) 7 cây số, thuộc địa phận xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời thì xuống và “lội bộ” (gọi là “lội” vì đường bị các lạch nước cắt ngang cho xuồng đi nên phải vừa đi, vừa lội) ngang về phía bên phải khoảng nửa cây số nữa thì đến Đội 4 của Nông trường Minh Hà, gần ngay cạnh với khu vực đất Nông trường Minh Hà cho Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam mượn.

Phải nói rằng từ bé đến giờ tôi mới được nhìn thấy cánh đồng “thẳng cánh cò bay” đúng nghĩa. Diện tích 500ha, tức là 5 cây số vuông, rộng lắm chứ ít đâu, nên cả buổi chiều, chúng tôi cũng chỉ vừa đi, vừa lội được khoảng hơn trăm héc ta là đã thấy hai chân mỏi nhừ.

don vi tiep suc nhung nguoi di tim lua ky i
Tác giả (ngoài cùng bên trái) và các bạn cùng trường là đồng đội ở C9, F 363 (tháng 1.1973)

Chúng tôi được dân địa phương cho biết, khu vực đất này vào giữa những năm 50 của thế kỷ trước, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đầu tư xây dựng để đưa dân di cư từ Bắc vào và dân từ các nơi khác đến định cư. Chúng đã cho đào kênh, cứ 500m một kênh rộng chừng 3-5m, dài khoảng 500m chạy thẳng từ phía kênh chính vào miệt rừng U Minh hạ để vừa dẫn nước, vừa làm đường cho xuồng đi lại. Ở khu vực gọi là Dinh Điền, chúng còn cho xây dựng cả nhà thờ Thiên Chúa giáo để phục vụ giáo dân. Do khu vực này chỉ cách rừng U Minh hạ chừng 5 cây số nên sau đó thường xuyên bị du kích quân Giải phóng tập kích khiến mọi mưu đồ dồn dân, lập ấp của anh em Diệm, Nhu đã sớm bị phá sản. Khi chúng tôi đến, cả khu vực này chỉ còn thấy mênh mông lau sậy và bạt ngàn rau muống mọc hoang. Trước không gian mênh mông, rộng lớn ấy, ba chúng tôi như thấy mình trở nên quá nhỏ bé.

Những ngày đầu, tranh thủ lúc trời còn chưa mưa, ba chúng tôi lội bộ, băng đồng đi khảo sát để chọn đất làm nhà, chọn đất vàn (đất cao không bị ngập nước) để gieo mạ. Biết khả năng không thể trồng cấy được cả 500ha nên chúng tôi phải chọn khu vực đất có điều kiện thuận lợi nhất để tập trung trồng cấy và chọn luôn nơi để cất nhà ở. Căn nhà lá 3 gian của chúng tôi được dựng ngay cạnh khu đất vừa chọn và nằm ngay trên bờ kênh chạy song song, cách

Năm đầu tiên, chúng tôi gieo cấy hoàn toàn theo phương thức thủ công truyền thống của dân địa phương. Nguồn lao động là những người dân, hoặc không có ruộng hoặc thiếu ruộng phải rời quê hương đến đây làm thuê, làm mướn kiếm sống. Trong số họ cũng có một số gia đình từng là ngụy quân, ngụy quyền của chế độ cũ. Còn dân sở tại thì chỉ khi nào chúng tôi cần sự giúp đỡ và có lời nhờ cậy đến họ thì họ mới cho con em đến giúp một vài ngày, không tính công.

Phải nói rằng nhân dân ở đây rất rộng lòng, thật thà và ngay thẳng. Có lẽ không gian và môi trường sống đã tạo cho họ một cuộc sống tự cấp, tự túc hết sức phóng khoáng. Mặc dù đời sống của người dân ở đây còn nghèo nhưng đối với chúng tôi, họ cho phép được tự kéo vó bắt cá, tự trèo hái dừa trong vườn không phải mua bán gì, thậm chí có gia đình quen, gặp ngày mưa to không đi làm được còn đem trọn cả ổ gà đang ấp trứng sắp nở, làm mồi, mời chúng tôi cùng nhậu! Hay có những đêm đã khuya, họ chèo xuồng qua nhà, mang theo khi thì rùa, khi thì rắn hoặc lươn, ếch… và dĩ nhiên là không quên được rượu, vào nhà đánh thức chúng tôi dậy làm thịt, hai chân đập vào nhau giống như nhân vật Vệ trong phim “Vĩ tuyến 17 - Ngày và đêm”, rồi lên giường ngồi nhậu rất tự nhiên. Cũng nhờ mối quan hệ cởi mở như thế nên họ đã chỉ bảo cho chúng tôi rất kỹ lưỡng cách trồng lúa kinh điển ở đây.

Nhìn chung, đời sống văn hóa tinh thần ở những vùng sâu, vùng xa như ở đây còn rất thấp kém, gần như cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài nên ngoài giờ làm lụng vất vả ra là họ lại tổ chức nhậu lai rai bằng các thứ mồi nhậu tự kiếm được. Ngay đến cả chúng tôi, thời gian đầu chưa có máy thu thanh, tối về cũng chỉ biết buông màn nằm trên giường chuyện trò với nhau rồi ngủ. Cuối năm 1979, khi tôi về Sài Gòn gặp Anh Tuyển báo cáo tình hình và khi ngồi nói chuyện, anh mới biết chúng tôi không hề biết tin Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã qua đời nên sau đó anh cho chúng tôi được mua một chiếc máy thu thanh cũ để nghe tin tức.

Dân ở đây làm ruộng trồng lúa cũng đơn giản như dân miền núi phát rừng làm rẫy vậy. Dân miền núi làm rẫy thì dùng rìu, dao, rựa phát cây, đợi khô thì đốt, rồi dọn sạch cây cỏ còn sót lại và sau cùng là chọc lỗ tra hạt. Còn ở đây, do ngập nước nên họ dùng đồng thời hai dụng cụ để vừa phát vừa vơ gọn cỏ cây vừa phát ra, được gọi là phảng và cù nèo.

Do ngập nước, cây mạ lớn nhanh nên khi nhổ mạ đem cấy thì thường đã cao đến gần cả mét. Rễ mạ nông, nhổ không khó nhưng khối lượng phải vận chuyển lớn, thường thì mỗi chiếc xuồng 3 lá chỉ chứa được khoảng 10-15 bó mạ, người không ngồi lên xuồng để chống mà phải lội bộ, dùng sức để đẩy. Khi cấy lúa thì bàn tay không thuận của người đi cấy cầm chiếc “nọc” để chọc lỗ, còn bàn tay thuận lấy những dẻ mạ cắm vào lỗ vừa chọc rồi miết đất để mạ khỏi nổi. “Nọc” là dụng cụ được làm bằng một đoạn gỗ tròn, dài khoảng 50 phân, một đầu vót nhọn, đầu kia được làm thành chiếc cán vuông góc để cầm tay.

Đất ở đây nhiều chất hữu cơ hoai mục, được người dân gọi là “đất dớn”, nên rất tốt, cây lúa phát triển nhanh, đẻ nhánh nhiều, do đó mật độ cấy lúa tương đối thưa, thường là 50x50 hoặc 60x60 phân.

Những vùng chưa thể chủ động tưới tiêu như vùng này thì người dân không thể gieo cấy bằng giống lúa mới thấp cây mà gần như bắt buộc phải dùng giống lúa bản địa, dài ngày như giống “trắng lùn” hoặc giống “một bụi” có thân cứng, phát triển chiều cao nhanh, không bị đổ.

Mặc dù chúng tôi đã cố gắng tìm thuê máy cày về làm đất nhưng mưa nhiều, nước ngập sâu, máy cày không thể hoạt động được nên chỉ còn cách duy nhất là dùng sức lao động thủ công để làm đất và chỉ kịp dọn được gần 500 công tầm nhỏ (khoảng 45ha) để trồng cấy.

Gần 40 năm nay tôi chưa trở lại U Minh nên không biết vùng này nay có còn nhiều chim, thú như trước đây nữa không. Ngày ấy, vùng này còn hoang sơ lắm, còn nhiều loại chim, thú hoang dã với số lượng lớn phá hoại lúa nên nông dân ở đây rất chú ý đến thời vụ gieo trồng. Thường thì sau tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch) là mọi nhà đều nhất loạt xuống giống để làm vụ mùa, vụ chính duy nhất trong năm. Suốt thời gian từ khi lúa ngậm hạt đến khi chín, cả cánh đồng dày đặc hình nộm người đứng dang tay, đội nón và rộn ràng tiếng phèng la, thậm chí còn dùng cả băng cat-sét để xua đuổi chim, nhất là loại được gọi là “chim lá rụng”. Nếu khu ruộng nào chậm lại chỉ năm mười ngày thôi thì chim, chuột phá sạch và sẽ chẳng còn gì nữa để thu hoạch.

(Xem tiếp kỳ sau)

Năng lượng Mới 559

DMCA.com Protection Status