Nhớ về những ngày đầu tiên
Từ tầm nhìn của một vĩ nhân
Nhớ lại thời kỳ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, vai trò và ý nghĩa mang tính toàn cầu của nguồn nhiên liệu hydrocacbon ngày càng rõ rệt. Tại Việt Nam, việc xây dựng và phát triển ngành Dầu khí cũng trở thành một trong những mối quan tâm đặc biệt đối với Đảng và Nhà nước ta lúc bấy giờ. Với tầm nhìn chiến lược và dự đoán của một vị lãnh tụ thiên tài, ngay khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đặt mục tiêu phải xây dựng một ngành công nghiệp Dầu khí tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm Liên Xô năm 1959, khi đến tham quan khu công nghiệp dầu mỏ ở Bacu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ: “Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu ngày nay”.
Bác Hồ thăm khu công nghiệp Dầu khí Bacu (Liên Xô cũ) năm 1959. (Ảnh tư liệu) |
Những lời nói này của Người, cũng đã trở thành những dòng chữ vàng đầu tiên của lịch sử ngành Dầu khí nước nhà, trở thành niềm tin, là ước vọng của đất nước, là mục tiêu hành động, là “kim chỉ nam” trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).
Ngay sau chuyến thăm Bacu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt, mở đầu cho sự hình thành và phát triển nhanh chóng của ngành Dầu khí Việt Nam. Chỉ 3 tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Trên cơ sở đó, ngày 3/9/1975, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày nay): “một tổ chức thống nhất về dầu khí cho cả nước” với mục tiêu: “nhanh chóng tìm ra và khai thác nhiều dầu khí... nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành Dầu khí...”.
Nghị định số 170/CP của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 3/9/1975 nêu rõ: “Tổng cục Dầu khí Việt Nam là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về toàn bộ tài nguyên dầu mỏ và khí đốt trong cả nước, kể cả trong đất liền và ngoài biển; tổ chức việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu mỏ và khí đốt trong cả nước (trừ phần hóa dầu do Tổng cục Hóa chất phụ trách); thực hiện việc hợp tác về dầu, khí với nước ngoài theo đúng đường lối, nguyên tắc về quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước.” Cột mốc này mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển công nghiệp dầu khí ở Việt Nam. Ngày 3/9 sau này cũng đã chính thức được công nhận là Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Những bước đi đầu tiên
Để kiện toàn bộ máy điều hành, ngày 23/9/1975, Chính phủ đã ban hành Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Biên (lúc đó là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Hóa chất) giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Việt Nam; ông Lê Văn Cự, Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật Tổng cục Địa chất, giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Việt Nam. Để tăng cường chỉ đạo, năm 1976, Chính phủ đã bổ nhiệm Trung tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) làm Bộ trưởng phụ trách công tác dầu khí. Với tầm hiểu biết sâu rộng, có phần đi trước thời đại, các lãnh đạo thời kỳ đầu tiên đã sớm quan tâm và có chủ trương, biện pháp để ngành Dầu khí non trẻ Việt Nam tiếp cận với công nghiệp và công nghệ dầu khí phương Tây, lựa chọn phương thức hợp tác và hình thức hợp đồng dầu khí.
Năm 1976, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã căn bản chuẩn bị xong hợp đồng mẫu để làm cơ sở đàm phán, tiếp xúc vòng đầu với 17 công ty và Nhà nước Pháp, Ôxtrâylia, Canađa, Nauy, Italia, Nhật Bản, Mêhicô, Anh… Ông Ngô Thường San, lúc đó là Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty Dầu khí Nam Việt Nam, kể lại một kỷ niệm đáng nhớ:
“Mùa hè năm 1976, Chính phủ cử đoàn cán bộ của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam và Văn phòng Phủ Thủ tướng đi thăm Irắc và Côoét để tìm hiểu công nghiệp Dầu khí của họ và gặp Quốc vương tìm cách vay vốn đầu tư cho ngành Dầu khí của ta, trong đó có nhà máy lọc dầu. Đoàn do ông Nguyễn Xuân Trúc - chuyên viên cấp cao của Văn phòng Phủ Thủ tướng - dẫn đầu. Về phía Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam có ông Nguyễn Đông Hải, tôi và ông Vũ Trọng Đức làm phiên dịch. Đoàn mang theo 1.000 USD gồm hai loại tiền 2 và 5 USD bọc thành hai gói, tôi được giao giữ tiền, sợ mất nên lúc nào cũng kè kè cái cặp! Chúng tôi đến ở Khách sạn Sheraton, có lẽ là khách sạn sang nhất của Côoét, với công tác phí của ông Trúc là 50 cents/ngày, anh em chúng tôi được 45 cents/ngày, chắc chắn là không đủ ăn rồi! Tối hôm đó chúng tôi nhịn đói! Ăn nốt mấy miếng bánh lấy trên máy bay. Sáng hôm sau chúng tôi “thở phào” khi bạn thông báo mọi chi phí do bạn đài thọ!
Chúng tôi được một Hoàng thân của Côoét có chức vụ tương đương Phó Thủ tướng tiếp. Tôi trình bày tiềm năng dầu khí của Việt Nam với mỏ Bạch Hổ có trữ lượng lớn (sau đó mới biết rằng chẳng thấm vào đâu so với Côoét!). Bạn hứa cho vay 35 triệu USD từ quỹ Arab (Arab fund) để phát triển nông nghiệp với một số điều kiện. Ông Trúc báo cáo Chính phủ và cho biết Chính phủ không chấp nhận. Tôi còn nhớ, khi ông Trúc khen ngợi bạn về đất nước sang trọng, hàng hoá tràn ngập, bạn cho biết một phần tiền bán dầu được chuyển sang phúc lợi xã hội và người dân được hưởng, rồi chỉ vào sa mạc và nói, khi Côoét không còn dầu thì sẽ trở thành sa mạc!”.
Ông San kể tiếp: “Vào mùa thu năm 1976, cùng lúc đoàn Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đi Mêhicô do ông Lê Quốc Tuân - Chánh Văn phòng kiêm phụ trách Vụ Kinh tế - Kỹ thuật và Hợp tác quốc tế làm Trưởng đoàn, đoàn đi Pháp do ông Lê Văn Cự - Phó Tổng cục trưởng làm Trưởng đoàn và các ông Nguyễn Đông Hải, tôi và ông Vũ Trọng Đức. Đoàn làm việc với các Công ty CFP, ELF - Aquitaine; thăm IFP. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp tiếp chúng tôi ở điện Champ d’Elysée. Kết quả chuyến đi đặt cơ sở cho việc hợp tác và mua thiết bị thí nghiệm của IFP, và đàm phán hợp đồng với ELF - Aquitaine (mặc dù sau này không thành công)”.
Năm 1977, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã thực hiện nhiều chuyến thăm Tây Âu (Pháp, Đan Mạch, Nauy…), ký nhiều hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật. Thủ tướng cùng với Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đã đi thăm Viện Dầu khí Pháp (trong khoản tiền vay của Chính phủ Pháp, Chính phủ Việt Nam đã dành 22 triệu franc để mua 11 phòng thí nghiệm trang bị cho Viện Dầu khí Việt Nam); ký hiệp định với Nauy để hiện đại hoá kỹ thuật khai thác dầu mỏ ở thềm lục địa Việt Nam.
Theo lời ông Phan Minh Bích (nguyên vụ trưởng vụ Kỹ Thuật Tổng Cục Dầu Khí): “Ngay từ đầu Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã có định hướng khoan thăm dò dầu khí ở ngoài thềm lục địa. Năm 1976, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện và Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Cự đi thăm Nauy để bàn về hợp tác dầu khí. Đầu năm 1977, tôi và anh Mạnh cùng Phó Giám đốc và phiên dịch của Technoimport được cử đi Nauy, dự kiến ký 4 hợp đồng với Nauy. Kết quả cuối cùng ký được hợp đồng xây dựng Căn cứ dịch vụ dầu khí tại Vũng Tàu, kết hợp với công tác tự lực xây cầu cảng tại cơ sở này. Hợp đồng thứ hai về công tác địa chấn biển tại vùng cấu tạo Bạch Hổ. Hai hợp đồng này chuẩn bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho việc thúc đẩy công tác khoan sâu tìm kiếm ở thềm lục địa. Hợp đồng thứ ba là hỗ trợ xây dựng Trường công nhân kỹ thuật Bà Rịa, bao gồm cả thiết bị lặn sâu do Chính phủ Nauy tài trợ.
Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã sớm chuẩn bị đào tạo công nhân kỹ thuật, đặc biệt công nhân khoan sâu. Số công nhân này là lực lượng nòng cốt cho công tác khoan, cơ khí tại Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được thành lập về sau này, cũng như đi làm thuê tại các giàn khoan của các công ty hợp tác với ta. Rất tiếc là hợp đồng về khoan không ký kết được do không thoả thuận được về giá thuê …”.
Cũng trong năm 1977, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện còn dẫn đầu đoàn khảo sát công nghiệp dầu khí tại Trung Quốc (theo Hiệp định hợp tác khoa học và kỹ thuật giữa Trung Quốc và Việt Nam), rút ra một số nhận định đáng chú ý là: Trung Quốc lấy đường lối tự lực cánh sinh là chính, huy động mọi phương tiện, thiết bị trong nước để làm dầu khí. Ta có cách đi riêng, hợp tác với nước ngoài trên cơ sở bảo vệ chủ quyền và hai bên cùng có lợi, đồng thời thuê thêm dịch vụ để mình tự làm, dần dần tiến tới tự làm hoàn toàn.
Như vậy có thể thấy, ngay từ những ngày đầu sau giải phóng miền Nam, Đảng và Chính phủ không những đã thành lập các tổ chức chuyên sâu về dầu khí, mà còn vạch phương hướng và chỉ đạo từng bước đi rất cụ thể như là một “Tổng công trình sư” của một đề án mang tầm vóc quyết định sự hưng thịnh của một đất nước.
47 năm thăng trầm cùng lịch sử
Trong 15 năm từ tháng 9/1975 đến tháng 6/1990, Tổng cục Dầu khí đã tự tiến hành thăm dò dầu khí trên đất liền và hợp tác với một số công ty dầu khí phương Tây thăm dò một số lô ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Ngày 19/4/1981, mét khối khí đầu tiên từ mỏ Tiền Hải - Thái Bình bắt đầu được khai thác, được dẫn đến trạm tuốcbin khí phát điện. Ngày 26/6/1986, bước đột phá hợp tác toàn diện với Liên Xô về dầu khí đã cho kết quả mong đợi: tấn dầu thô đầu tiên được Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro khai thác từ mỏ Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam, ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới. Dầu khí Việt Nam bắt đầu góp phần quan trọng vào khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận. Nghị quyết số 15-NQ/TW (ngày 7/7/1988) của Bộ Chính trị đã thổi luồng gió đổi mới vào hoạt động dầu khí Việt Nam. Nhiều công ty dầu khí phương Tây bắt đầu trở lại Việt Nam. Đồng thời với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, những cơ sở dịch vụ dầu khí đầu tiên được xây dựng... Nền móng của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam được hình thành.
Tàu khoan Mikhail Mirchink nhận dòng dầu công nghiệp từ tầng trầm tích của mỏ Bạch Hổ. (Ảnh tư liệu) |
Khoảng thời gian 16 năm sau đó (1990-2006), ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục có những bứt phá về mô hình tổ chức và hoạt động, trở thành một tổ chức sản xuất kinh doanh - Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nhiều công ty dầu khí hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam, góp phần phá thế bao vây, cấm vận của Mỹ. Với nhiều mỏ mới được phát hiện, sản lượng dầu khí tăng nhanh, ngành công nghiệp khí Việt Nam phát triển mạnh với ba hệ thống đường ống dẫn khí ở các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malay - Thổ Chu, Nhà máy đạm Phú Mỹ ra đời, các công trình lọc hoá dầu được xúc tiến, các loại hình cũng như các cơ sở dịch vụ dầu khí, kể cả nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực được phát triển. Về căn bản, ngành Dầu khí Việt Nam đã khá hoàn chỉnh trong nhiều lĩnh vực và bắt đầu triển khai hoạt động dầu khí ra thế giới (Mông Cổ, Malaixia, Angiêri…). Dầu khí Việt Nam đã đóng góp từ một phần tư đến một phần ba nguồn thu ngân sách nhà nước hàng năm.
Một góc cảng Vietsovpetro ngày nay. |
Đến nay, Petrovietnam đã khai thác cả trong và ngoài nước được 441,5 triệu tấn dầu và 174,7 tỷ m3 khí, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu xăng dầu), đáp ứng 70% nhu cầu LPG, 90% condensate. Tỷ trọng đóng góp của dầu khí trong cơ cấu năng lượng Việt Nam chiếm bình quân 40% tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giai đoạn từ năm 2005 - nay.
Số liệu mới nhất tiếp tục cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng thì ngành dầu khí vẫn duy trì tăng trưởng: Khai thác dầu thô trong toàn Tập đoàn đạt 0,9 triệu tấn, vượt 19% kế hoạch (KH) tháng 7; tính chung 7 tháng đạt 6,38 triệu tấn, vượt 22% KH 7 tháng và bằng 73% KH năm 2022. Cùng với đó, sản xuất xăng dầu 7 tháng vượt 8% KH, sản xuất đạm vượt 9% KH. Sản xuất, cung ứng khí, điện, các sản phẩm năng lượng khác của Tập đoàn đều ở mức cao, đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Người lao động dầu khí làm việc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
Có thể khẳng định, trải qua chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, Petrovietnam cùng nhiều thế hệ người lao động dầu khí luôn vững vàng vượt qua thử thách, khó khăn để ngành dầu khí có được những bước phát triển mạnh mẽ. Sức mạnh đó có được là nhờ sự đúc kết truyền thống và văn hóa của những người đi tìm lửa, đồng thời không ngừng bồi đắp, gìn giữ giá trị cốt lõi “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”, giữ lửa nhiệt huyết trong tim, thực hiện quản trị hiệu quả, làm tròn trách nhiệm tìm dầu, phát triển chuỗi giá trị năng lượng cho sự phát triển vững mạnh, hùng cường của Tổ quốc./.
Trúc Lâm (trích lược từ Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam)