Phao rót dầu không bến

10:42 | 15/09/2016

1,137 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sau khi Dự án Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất khởi động trở lại, tổ hợp nhà thầu TECHNIP (TPC) tiến hành công tác khoan khảo sát địa chất để tính toán thiết kế, trong đó gói thầu khoan khảo sát địa chất phao rót dầu thô không bến (SPM) là một gói thầu quan trọng nhằm tính toán thiết kế công suất đầu vào cho nhà máy.

Vượt qua các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước, cuối cùng Công ty TNHH MTV Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi (PTSC Quảng Ngãi) đơn vị thành viên của Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đã được nhà thầu TPC lựa chọn và trao gói thầu khoan khảo sát địa chất cho SPM tại Vịnh Việt Thanh - Khu kinh tế Dung Quất với giá trị dự án khoảng 3 triệu USD.

Quy mô Dự án SPM bao gồm phao rót dầu thô không bến, tuyến đường ống dầu thô, hệ thống lấy nước biển làm mát nhà máy và hệ thống xả nước giải nhiệt cho nhà máy. Dầu thô từ tàu vận chuyển được bơm vào SPM và kết nối với tuyến đường ống ngầm dưới đáy biển cách bờ khoảng 4km, bơm vào các bể chứa lớn trong nhà máy. Hệ thống đường ống nhận và xả nước làm mát cho nhà máy có chiều dài 500m mỗi tuyến.

Khối lượng công việc của Dự án SPM bao gồm việc khảo sát khoảng 10km2 mặt nước biển, hệ thống lưới tọa độ cho SPM, tuyến đường ống và hệ thống nhận, xả nước giải nhiệt cho nhà máy, khảo sát từ tính rà phá bom mìn còn sót lại trong thời kỳ chiến tranh, khảo sát đo sâu mực nước biển và thủy triều lên xuống bằng thiết bị định vị vệ tinh. Công việc khoan địa chất, khoan sâu vào lòng đất lấy mẫu để làm thí nghiệm có 16 mũi Drillhole sâu xuyên vào lòng đất 40m, 17 mũi khoan PCPTs sâu từ 10m đến 11m và 27 mũi Vibrocores sâu 5m tại SPM.

phao rot dau khong ben
Anh em Ban dự án SPM - PTSC Quảng Ngãi đang kéo dây neo xà lan khảo sát biển tại vịnh Việt Thanh - Khu kinh tế Dung Quất

Tại Phao rót dầu thô không bến, độ sâu của nước biển trung bình khoảng 40m nước nên đòi hỏi thiết bị tàu kéo sà lan phải đủ lớn.

Tháng 9-2005 bắt đầu công tác chuẩn bị triển khai thực hiện dự án. “Vạn sự khởi đầu nan” - vào thời điểm đó quy mô và tiềm lực của PTSC Quảng Ngãi còn rất nhỏ bé… Trụ sở văn phòng làm việc của công ty phải đi thuê của Công ty Hóa chất Quảng Ngãi tại số 307 Hùng Vương, thành phố Quảng Ngãi. Mùa hè miền Trung nắng như đổ lửa nhưng phòng làm việc không có điều hòa, lãnh đạo PTSC - ông Thái Quốc Hiệp - ra miền Trung công tác thấy điều kiện làm việc của PTSC Quảng Ngãi khó khăn như vậy đã đề nghị Công ty Tàu dịch vụ (PTSC Marine) hỗ trợ một số máy điều hòa cũ đang sử dụng ra cho PTSC Quảng Ngãi. Anh em Quảng Ngãi ai cũng phấn khởi bởi những giọt mồ hôi bớt lăn trên lưng, trên trán khi mùa nắng về, thật là “một miếng khi đói bằng cả một gói khi no”.

Đây là lần đầu tiên PTSC Quảng Ngãi thực hiện dự án khoan khảo sát làm việc trên biển, nhân lực máy móc thiết bị thi công hầu như không có đều phải đi thuê. Công việc diễn ra trong mùa mưa bão, gió mùa đông bắc thổi mạnh thường xuyên, thế nhưng nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo PTSC, cụ thể đã điều động biệt phái đồng chí Thân, cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực khoan khảo sát biển từ PTSC Marine ra hỗ trợ cho PTSC Quảng Ngãi. Giám đốc Phạm Đức Sơn và toàn thể cán bộ, công nhân viên PTSC Quảng Ngãi với tinh thần nỗ lực quyết tâm thực hiện thành công dự án để tạo ra uy tín và xây dựng lên một thương hiệu PTSC Quảng Ngãi tại miền Trung, có đủ năng lực thực hiện dự án cho nhà thầu nước ngoài TPC, tạo niềm tin cho Ban Quản lý NMLD Dung Quất và cho cả khách hàng trong khu vực miền Trung, Khu Kinh tế Dung Quất để chủ đầu tư và nhà thầu TPC tin tưởng giao thêm những phần việc khác cho PTSC Quảng Ngãi thực hiện.

Trước tình hình đó, đồng chí Giám đốc Công ty và Ban Dự án SPM đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán, đi thuê trang thiết bị thi công và nhà thầu phụ thực hiện dự án. Sau khi huy động nhân lực, thiết bị thi công đến Cảng Dung Quất, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Phạm Đức Sơn, chỉ huy thi công là đồng chí Ngô Tấn Quảng, anh em Ban Quản lý Dự án SPM thay ca làm việc 24/24 phối hợp chặt chẽ giữa Xưởng Sửa chữa Cơ khí Dung Quất và Bộ phận Dịch vụ Cảng Dung Quất làm việc cả ngày lẫn đêm tranh thủ những lúc thời tiết tốt tiến hành đưa các thiết bị khoan địa chất, thiết bị CPTs thiết bị Vibrocore, thiết bị định vị vệ tinh C-Nav, thiết bị Scan Sonar, ROV, hệ thống đo sâu nước biển và thủy triều, thiết bị đo địa chấn, thiết bị dò từ tính… xuống tàu và xà lan lắp đặt để tranh thủ đưa tàu thiết bị ra Vịnh Việt Thanh thực hiện công việc khảo sát.

Khoảng cách từ Cảng Dung Quất đến Vịnh Việt Thanh khoảng 10 hải lý, có hôm đưa thiết bị đến nơi định vị khoan và thả neo cố định xà lan cũng mất hơn một buổi mới thực hiện xong. Thời tiết xấu, sóng lừng nước biển dâng cao hơn 3m, dòng chảy xiết, công việc thả neo định vị rất khó khăn đòi hỏi người chỉ huy phải có kinh nghiệm nhìn hướng nước, hướng gió mà điều hành các tàu kéo thả neo. Có ngày thời tiết xấu đồng chí Phạm Đức Sơn chỉ huy trực tiếp định vị sà lan vào lỗ khoan mãi từ sáng đến 16 giờ, quên cả ăn cơm trưa. Anh em trong ban dự án ai nấy đều mệt lả phần thì do say sóng chưa quen với công việc làm trên biển và đói bụng nhưng mọi người thấy Giám đốc say mê làm việc nên cũng đành quên cơn đói đến khi công việc đã được định vị xong.

Thời gian thực hiện công việc khoan cho mỗi lỗ khoan sâu 40m phải hết ít nhất là 60 giờ khoan liên tục, có hôm đang tiến hành khoan sâu được hơn 30m vào lòng đất thì trời trở gió, cơn mưa dông ập đến sóng cao đập mạnh phủ qua sà lan làm gãy ống chống mũi khoan, thế là mọi việc đã làm trước đó xem như mất hết và phải làm lại từ đầu. Còn nhớ có hôm thời tiết xấu gió thổi mạnh, sóng biển dâng cao ập vào xà lan nước biển trắng xóa phủ qua cả container, nước vào làm ướt cả đồ đạc bên trong. Khi thời tiết càng trở nên xấu hơn, chuyến tàu lai dắt Bạch Hổ 02 được lệnh điều động từ Bến số 01 Cảng Dung Quất ra sà lan Vịnh Việt Thanh để trung chuyển đưa người từ xà lan vào bờ cho an toàn, nhưng thời tiết càng tồi tệ hơn khi tàu lai dắt Bạch Hổ 02 cập vào xà lan thì sóng biển đánh mạnh đưa cả mũi tàu Bạch Hổ 02 nằm trọn vẹn lên trên sà lan vậy là phải huy động tàu kéo Minh Hoàng 2000 CV ra kéo tàu Bạch Hổ 02 xuống.

Ngày 26-10-2005, chủ đầu tư Ban Quản lý NMLD Dung Quất và nhà thầu chính TPC cho phép PTSC Quảng Ngãi tạm dừng dự án đợi đến khi thời tiết tốt mới triển khai thực hiện nốt phần việc còn lại cho đến khi hoàn thành dự án.

Tính đến thời điểm này, công việc triển khai đã được 2 tháng, công việc cũng đã hoàn thành một số hạng mục như việc khảo sát địa vật lý, nhà thầu EGS đã hoàn thành; khoan địa chất đã hoàn thành 1 lỗ khoan 40m, 8 mũi khoan PCPTs, 13 mũi Vibrocors.

Sang tháng 3-2006 thời tiết đã thay đổi tốt hơn nhiều, công việc thực hiện dự án phần 2 được huy động trở lại với tinh thần làm việc nhiệt tình của tập thể cán bộ Ban Quản lý Dự án SPM làm việc ngày đêm 24/24, khối lượng công việc còn lại 9 mũi PCPTs và 14 mũi Vibrocors được thực hiện trong vòng 30 ngày. Ngày 12-4-2006 Dự án khảo sát biển SPM đã hoàn thành và bàn giao cho số liệu cho TPC và Ban Quản lý NMLD Dung Quất.

Dự án khảo sát biển SPM hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng và đảm bảo an toàn tuyệt đối đem lại doanh thu, lợi nhuận lớn cho PTSC Quảng Ngãi lúc bấy giờ, đồng thời tạo nền tảng tiền đề cho PTSC Quảng Ngãi phát triển đi lên, tạo dựng được niềm tin của khách hàng vào năng lực thực hiện dự án và cung cấp dịch vụ cho Ban Quản lý NMLD Dung Quất và nhà thầu Technip. Sau đó đã mở ra nhiều cơ hội cung cấp dịch vụ tiếp theo cho PTSC Quảng Ngãi trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí và cơ khí xây lắp các công trình công nghiệp. Cụ thể như Dự án ME8/B5 gia công lắp đặt đường ống công nghệ cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án Tank xây lắp 02 bồn chứa dầu thô, Dự án SPO thi công đê bảo vệ bờ biển và các cửa cống thoát nước của NMLD Dung Quất, dịch vụ tầu lai dắt tại cảng Jetty…

BanDự án khảo sát biển SPM thuộc PTSC Quảng Ngãi thành công đã đóng góp một phần nhỏ bé trong công trình xây dựng NMLD Dung Quất. Phạm Đức Sơn, Ngô Tấn Quảng, Nguyễn Thống Nhất, Lê Xuân Cường, Hồ Toàn, Nguyễn Quốc Bửu, Nguyễn Văn Hậu… đã trở thành những cái tên khó quên của những ngày đầu mở đường gian khó, thử thách trên con đường phát triển của PTSC Quảng Ngãi cũng như sự phát triển chung của ngành Dầu khí nước nhà.

Phạm Thắng Phi Đình

Hội viên CCB Tổng Công ty PTSC

Năng lượng Mới 557

DMCA.com Protection Status