65 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện mong ước của Bác Hồ (23/7/1959 - 23/7/2024)

Trên con đường Người đã khai mở

06:00 | 23/07/2024

721 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Con đường đi tìm dầu làm giàu cho đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại khai mở. Tròn 65 năm, ngành Dầu khí đã thực hiện được mong ước của Người - xây dựng một ngành công nghiệp dầu khí mạnh. Với những thành tựu đạt được và quyết tâm phát triển xanh của đất nước và của ngành, chúng ta có quyền tin tưởng rằng trên con đường Người đã khai mở, ngành Dầu khí sẽ tiếp tục vững bước, chinh phục những nguồn năng lượng mới, xanh và bền vững.
Giàn PQP-HT thuộc dự án Biển Đông 01 kỳ tích của ngànhi Dầu khí

Giàn PQP-HT thuộc dự án Biển Đông 01

Ngày 23-7-1959, trong chuyến thăm Khu công nghiệp dầu lửa Bacu - Azerbaijan - nơi đầu tiên ở Liên Xô khai thác dầu khí trên biển Caspian, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu”.

Nhìn lại suốt chặng đường 65 năm, sự hình thành và phát triển ngành Dầu khí thực sự là một tấm bản đồ vĩ đại được khắc nên từ tầng tầng lớp lớp các dấu mốc sự kiện.

Từ niềm mong ước của Bác khi đến thăm trung tâm dầu mỏ của Liên bang Xô viết đến những quyết định khẩn trương, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về việc tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí. Từ sự hỗ trợ và hợp tác của những người bạn lớn đến sự nỗ lực của lớp lớp các thế hệ người dầu khí. Từ những ngày đầu thăm dò, phát hiện khí ở Tiền Hải (Thái Bình), đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác - chính thức định danh Việt Nam trên bản đồ dầu khí thế giới ở thời khắc lịch sử khi tấn dầu dầu tiên được khai thác từ mỏ dầu khí Bạch Hổ (ngày 21-6-1986).

Nối tiếp sau đó, những tháng năm nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức, từ những bước chân không ngừng nghỉ của Liên đoàn Địa chất 36 trên Đồng bằng sông Hồng đến Đồng bằng sông Cửu Long, trên khắp các vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam, từ những công trình đầu tiên ở Thái Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Dung Quất (Quảng Ngãi); người dầu khí có mặt ở cả những vùng đất xa xôi, từ Malaysia, Nga, Peru đến Algeria…, ngành Dầu khí đã không ngừng phát triển, xây dựng nên một hệ thống công nghiệp đồng bộ với 5 lĩnh vực: Thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp chế biến dầu khí; công nghiệp điện; và dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

Đến ngày hôm nay, ngành Dầu khí đã triển khai hoạt động khai thác tại 36 mỏ trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam; đã xác định được trữ lượng dầu khí của đất nước vào khoảng 1,5-2,0 tỉ m3 quy dầu.

Trên toàn đất nước Việt Nam, khoảng 510 triệu tấn dầu đã được đưa lên khỏi lòng đất, cùng 230 tỉ m3 khí, cùng với nguồn nhiên liệu nhập về, được vận chuyển qua các hệ thống đường ống dẫn dầu khí đến các kho chứa, cơ sở chế biến, các nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Cà Mau; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, các nhà máy điện… để cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng và tạo thành các sản phẩm thiết yếu cho các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trên khắp mọi miền đất nước.

Trong đó, ngành cung cấp trên 13,5 triệu tấn xăng dầu các loại đáp ứng khoảng 70% nhu cầu; 1,8 triệu sản phẩm hóa dầu, và cung cấp 1,6-1,7 triệu tấn phân đạm, đáp ứng 70-80% nhu cầu…

Đồng thời, ngành Dầu khí đã xây dựng và phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí chất lượng cao đồng bộ ở tất cả các khâu, đạt trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế. Các dịch vụ kỹ thuật dầu khí mang tính trực tiếp, nằm trong chuỗi hoạt động sản xuất dầu khí có tính chuyên nghiệp, kỹ thuật cao, gắn liền hoạt động dây chuyền trong 5 lĩnh vực, tạo nên chuỗi giá trị liên kết của ngành.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất công trình kỳ vĩ của ngành Dâu khí

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Những thành tựu này cho thấy, ngành Dầu khí Việt Nam đã thực hiện xuất sắc mong ước của Bác về xây dựng một ngành công nghiệp dầu khí mạnh, hoàn chỉnh, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội của đất nước và góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển.

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng, phát triển xanh đang diễn ra trên toàn cầu, để cùng đất nước có thể “đi sau về trước” trong công cuộc chuyển dịch năng lượng, xây dựng nền kinh tế xanh, ngành Dầu khí cần tăng cường sức mạnh nội tại và kịp thời có được những điều kiện tốt về chính sách, cũng như sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành.

Trí tuệ và bản lĩnh người dầu khí

Trong tầm nhìn chiến lược phát triển ngành Dầu khí của Bác Hồ, phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa quyết định và là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, dầu khí là một ngành kỹ thuật, công nghệ, có hàm lượng chất xám cao, nhiều thách thức về kỹ thuật, đòi hỏi nhân lực phải có trình độ cao, nên ngay sau đề nghị của Bác và Chính phủ, được sự ủng hộ từ các nước bạn, Đảng và Nhà nước ta đã cử những người con ưu tú Việt Nam sang các nước để đào tạo và trở thành lực lượng nòng cốt cho ngành Dầu khí non trẻ của Việt Nam.

Năm 1966, thế hệ lưu học sinh đầu tiên gồm 8 người đã đến học tại Trường Đại học Dầu - Hóa Azerbaijan mang tên Azizbekov, Cộng hòa XHCN Azerbaijan - thành viên của Liên bang Xô viết để theo học ngành địa vật lý thăm dò. Những năm tiếp theo, số sinh viên không ngừng tăng lên, phạm vi chuyên môn không ngừng mở rộng để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của ngành công nghiệp thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí. Ở trong nước, năm 1975, Trường Công nhân kỹ thuật Dầu khí và nay là Trường Cao đẳng nghề Dầu khí được thành lập. Năm 1977, Khoa Dầu khí của Trường Đại học Mỏ Địa chất cũng chính thức được thành lập.

Được đào tạo bài bản, thấm nhuần mong ước của Bác Hồ, cùng lòng say mê nghề nghiệp, trên các địa bàn hoạt động, những giàn khoan, những công trình, những dự án, người dầu khí tiếp tục được tôi luyện vượt mọi khó khăn, thách thức, làm chủ công nghệ dầu khí và tạo nên một nét văn hóa đặc thù. Nhờ đó, lớp lớp các thế hệ người dầu khí trí tuệ, bản lĩnh và tràn đầy tâm huyết đã xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và đưa ngành Dầu khí đi từ “không” đến “có” và trở thành bệ đỡ của nền kinh tế.

Hội Dầu khí Việt Nam góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí

Hội Dầu khí Việt Nam góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí

Ghi nhận những thành tựu vẻ vang của ngành Dầu khí mang lại cho đất nước, chúng ta không quên biết bao mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu người dầu khí đã nhỏ xuống trên khắp các công trình và dự án dầu khí, để xây dựng nên những khu công nghiệp dầu khí liên hoàn, những công trình vĩ đại trên đất liền và đặc biệt là những giàn khai thác dầu khí vừa là ngọn hải đăng, vừa là cột mốc trấn giữ giữa biển khơi mênh mông sóng cả.

Không chỉ tạo dựng nên “cơ ngơi” công nghiệp dầu khí trong nước, ngành Dầu khí còn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế, thực hiện các dự án tìm kiếm, thăm dò khai thác ở nước ngoài để mang về ngoại tệ cho Tổ quốc. Có thể nói, ngành Dầu khí Việt Nam đã không ngừng sáng tạo và nỗ lực, cùng với làm giàu cho đất nước còn khẳng định được trí tuệ, bản lĩnh con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Chặng đường mới của ngành Dầu khí

Tại Hội nghị Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết và hành động vì mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Liên tiếp tại COP27, COP28, Việt Nam đã nhắc lại cam kết này - một cam kết mạnh mẽ và cũng đầy thách thức.

Với định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển xanh, bền vững, trong bối cảnh nền kinh tế xanh của Việt Nam còn đang trong thời kỳ sơ khai, ngành Dầu khí - cánh chim đầu đàn về công nghiệp năng lượng của đất nước, một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ. Một là, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, để có thể tận thu mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Hai là, phải tiên phong chuyển đổi năng lượng, chung tay góp phần giảm phát thải và xây dựng nền kinh tế xanh.

Bồn chứa khí LPG tại kho cảng Thị Vải của ngành Dầu khí

Bồn chứa khí LPG tại kho cảng Thị Vải

Để thực hiện song song trọng trách này, ngành Dầu khí vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc thăm dò khai thác dầu khí một cách thông minh và hiệu quả nhất để tận dụng nguồn tài nguyên dầu và khí mà thiên nhiên ban tặng còn nằm dưới lòng biển sâu, đồng thời tận dụng mọi cơ sở hạ tầng, hiểu biết, kinh nghiệm của các chuyên gia và mọi nguồn lực trong, ngoài để tiếp tục khai mở những tiềm năng năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo ngoài khơi…

Lĩnh sứ mệnh là một ngành tiên phong, dẫn dắt, ngành Dầu khí sẽ tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo theo hướng tập trung những dự án lớn, chiến lược, tác động lan tỏa, hiệu quả cao. Giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện khảo sát địa chất, thủy văn, khai mở các nguồn năng lượng mới tại các khu vực tiềm năng gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh.

Nhà máy Điện Cà Mau trong Khí-Điện-Đạm Cà Mau thành tích của ngành Dầu khí

Nhà máy Điện Cà Mau

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng, phát triển xanh đang diễn ra trên toàn cầu, để cùng đất nước có thể “đi sau về trước” trong công cuộc chuyển dịch năng lượng, xây dựng nền kinh tế xanh, ngành Dầu khí cần tăng cường sức mạnh nội tại và kịp thời có được những điều kiện tốt về chính sách, cũng như sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành.

Với vai trò là hội khoa học kỹ thuật dầu khí, Hội Dầu khí Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đặc biệt, cùng ngành Dầu khí kiến nghị, đề xuất các vấn đề cần được quan tâm hơn nữa trong hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan để tạo tiền đề, đòn bẩy cho ngành hiện thực hóa các mục tiêu và định hướng của Đảng và Nhà nước, đó là thực hiện thành công chiến lược phát triển và phát triển mở rộng trong chặng đường tiếp theo.

Với định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với năng lực và quyết tâm cao của ngành Dầu khí, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành, chúng ta có quyền tin tưởng những con người mang ngọn lửa dầu khí trong tim và những khối óc không ngừng đổi mới sẽ có bước chuyển mình vĩ đại, để đưa ngành Dầu khí chuyển mình thành ngành công nghiệp năng lượng, góp phần mang lại sự giàu mạnh, phồn vinh cho đất nước, trên con đường Người đã khai mở!

TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Người lao động Dầu khí không ngừng nỗ lực để xứng đáng với mong ước của Chủ tịch Hồ Chí MinhNgười lao động Dầu khí không ngừng nỗ lực để xứng đáng với mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh
"Thành công của Vietsovpetro là minh chứng cho tầm nhìn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh"
Quyết tâm tìm dầu làm giàu cho Tổ quốcQuyết tâm tìm dầu làm giàu cho Tổ quốc

DMCA.com Protection Status