PVN và VNH:

Dựa vào nhau để cùng... cất cánh (Kỳ 2)

09:58 | 06/04/2016

2,339 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Với anh em làm công tác thăm dò khai thác dầu khí ngoài biển, những phi công trực thăng của VHN không những là người bạn đồng hành thân thiết mà còn là “chiến hữu”, sẵn sàng giúp nhau vượt qua những lúc khó khăn nhất...
dua vao nhau de cung cat canh ky 2 Dựa vào nhau để cùng... cất cánh (Kỳ 1)

Phân tích kỹ các yếu tố, Ban Giám đốc nhận thấy công ty có nhiều lợi thế: trang thiết bị tương đối khá (trực thăng Puma mới được đại tu); về con người: ta có khả năng thực hiện công việc khi có được quy chuẩn theo thông lệ quốc tế; ta có căn cứ tại chỗ, lại có ưu thế của nhà thầu địa phương; cán bộ, công nhân của công ty có quyết tâm cao…

Nhận rõ những lợi thế này, công ty quyết tâm tự chào thầu về dịch vụ trực thăng cho Công ty dầu Enterprise Oil. Về phía Enterprise Oil, họ yêu cầu công ty phải hợp tác với một công ty trực thăng nước ngoài có kinh nghiệm bay dầu khí. Qua tính toán, cân nhắc mọi yếu tố, Ban Giám đốc quyết định chọn Heli Union để hợp tác. Heli Union sẽ cung cấp một lái chính, một thợ máy chính với tư cách là người giám sát, kiểm tra, tham gia huấn luyện với cán bộ của công ty chứ không làm việc trực tiếp như phương án của họ đề xuất.

Đúng hạn nộp thầu, đồng chí Nguyễn Xuân Trường trực tiếp trao hồ sơ dự thầu cho ông John Brown - Giám đốc thương mại Enterprise Oil tại Việt Nam để gửi về London xét thầu. Kết quả là Công ty Trực thăng Việt Nam thắng thầu, được cung cấp dịch vụ trực thăng cho Enterprise Oil. Tổng giám đốc Enterprise Oil - ông Tom Newman sau khi nghiên cứu hồ sơ dự thầu của công ty đã khen ngợi: “Bản chào thầu của các ông rất cẩn thận, nếu các ông cũng bay như thế này thì các ông sẽ là nhà thầu cung cấp dịch vụ trực thăng cho chúng tôi tại Việt Nam”.

dua vao nhau de cung cat canh ky 2
Bay huấn luyện trên giàn khoan dầu khí

Ngoài việc bay phục vụ cho PVN, VNH còn bay phục vụ công tác tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Việt Nam (chương trình MIA), phục vụ việc đưa đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, bay phục vụ du lịch và các dịch vụ bay khác phục vụ nền kinh tế của đất nước.

Với anh em làm công tác thăm dò khai thác dầu khí ngoài biển, những phi công trực thăng của VHN không những là người bạn đồng hành thân thiết mà còn là “chiến hữu”, sẵn sàng giúp nhau vượt qua những lúc khó khăn nhất, mà để vượt qua khó khăn đó, chỉ có ý chí của anh Bộ đội Cụ Hồ mới chiến thắng được.

Anh em của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) không thể nào quên được trận bão đổ vào Vịnh Bắc Bộ hồi cuối năm 2012.

Hôm đó là ngày 28-10-2012, cơn bão Sơn Tinh đổ về giữa lúc một giàn khoan Key Hawaii của PVEP đang di chuyển đến vị trí để khoan ở khu vực gần đảo Bạch Long Vĩ. Bão khá lớn, độ cao sóng tới 7m, giàn khoan  được di chuyển bằng 2 tàu kéo. Nhưng sóng gió quá lớn nên tàu kéo đã không giữ được giàn. Và thế là giàn trôi dạt về phía Thái Bình với tốc độ gần 7km/h. Trên giàn lúc này có 35 người, trong đó có 12 người nước ngoài.

Tình thế lúc này thật là “ngàn cân treo sợi tóc”.

Phó tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn trực tiếp chỉ đạo việc cứu hộ. Một bầu không khí căng thẳng đến tột độ bao trùm tất cả. Lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo PVEP gần như thức trắng đêm để bàn phương án cứu hộ, đồng thời giữ liên lạc với giàn, vừa theo dõi tình hình, vừa động viên anh em. Việc ưu tiên số một lúc này là phải đưa mọi người rời giàn sớm phút nào hay phút ấy. Mặc dù đây là giàn khoan tự nâng, được thiết kế chịu bão biển cấp 12, nhưng đó là khi đã thả chân đế. Còn lúc này, giàn đang di chuyển, nên cũng chỉ như một chiếc sà lan và có khả năng lật giàn. Thấy rõ là sóng to gió lớn, máy bay không thể ra được nên mọi người bàn dùng tàu cứu hộ, chuyển người từ giàn khoan sang. Nhưng sóng biển như những ngôi nhà hai tầng ầm ầm đổ vào thì không cách gì đưa người từ giàn sang được. Vì vậy chỉ còn mỗi cách là dùng trực thăng.

Nhận lệnh cấp cứu, một tổ bay đã ra sân bay Kiến An (Hải Phòng) chờ lệnh. Và anh em đã tính toán rất chính xác, chọn được một khoảng thời gian lặng gió, trước khi bão tăng tốc để đưa trực thăng ra. Khi gió bão vẫn đang ở cấp 7-8 và sóng biển nhồi giàn khoan với biên độ gần 2m, nhìn chiếc trực thăng chỉ còn như chiếc lá giữa trời mưa mù mịt, không ai tin rằng các phi công có thể cho máy bay hạ cánh được. Ấy vậy mà bằng tài nghệ điêu luyện, các phi công đã hạ cánh được trên giàn… như làm xiếc. Và sau hai chuyến bay, họ đã đưa được 35 người về bờ an toàn.

Khó có thể kể được những người phi công tài ba của VNH đã bao lần vượt qua những khó khăn về thời tiết để phục vụ kịp thời những công việc đột xuất ngoài giàn khoan.

dua vao nhau de cung cat canh ky 2

Vài năm trở lại đây, hoạt động của VNH ngày một khó khăn.

Ở Công ty bay Miền Bắc, hoạt động phục vụ cho chương trình MIA giảm dần, hoạt động thăm dò tìm kiếm dầu khí ở phía Bắc hầu như rất ít, kinh doanh phục vụ du lịch thì “tắc bụp”, chưa thể nào thành nguồn thu thường xuyên, mặc dù rất nhiều du khách mơ ước được bay ngắm cảnh Vịnh Hạ Long hay khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình)…

Còn ở phía Nam, từ giữa năm 2014, giá dầu thế giới giảm thê thảm, thì PVN cũng lâm vào tình trạng khó khăn chưa từng gặp. Nhiều dự án thăm dò khai thác phải ngừng hoặc giãn tiến độ; các đơn vị cắt giảm chi tiêu nên kéo dài thời gian làm việc của anh em ngoài giàn lên 7 ngày; số lần thay ca ra giàn giảm và dẫn đến sản lượng giờ bay, doanh thu của VNH sụt giảm nghiêm trọng, thu nhập của người lao động cũng vì thế mà giảm 40-60%.         

Năm 2016, giờ bay 2016 ước đạt 10.945 giờ, bằng 75,0% so với 2015 (giảm 25%). Vì thế doanh thu 2016 ước đạt chỉ bằng 67.77% so với 2015 (giảm 32%) và điều tất yếu phải xảy ra, đó là tiền lương cho cán bộ, nhân viên 2016 chỉ bằng 44% so với năm 2015.

Nhưng với lãnh đạo VNH, chuyện doanh thu sụt giảm chưa phải là nỗi lo lớn nhất, bởi “đói”, “khổ” thì “thắt lưng buộc bụng” vẫn qua được. Nguy cơ lớn nhất mà VNH phải đối mặt đó chính là đội ngũ phi công hơn trăm người không được bay thường xuyên. Mà nghề phi công là nghề đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe bậc nhất. Để có được một phi công giỏi, đáp ứng được tất cả những yêu cầu chuẩn mực quốc tế, thì ngoài việc học tập ra họ còn phải được bay thường xuyên. “Văn ôn, võ luyện”, chỉ có bay liên tục thì mới nâng cao được trình độ bản lĩnh, kinh nghiệm ứng phó cho phi công.

Để có chứng chỉ bay ra giàn khoan, người phi  công phải đạt ít nhất 500 giờ bay và phải được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép. Cho nên có được một phi công bay ra giàn khoan, công tác đào tạo, huấn luyện phải rất công phu, bài bản.

Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng đối với nghề bay là việc bảo dưỡng kỹ thuật cho máy bay phải được tiến hành một cách nghiêm ngặt theo đúng quy trình, quy định của nhà máy sản xuất máy bay và phải được Cục Hàng không phê chuẩn từ việc bảo dưỡng trước và sau khi bay cũng như các chương trình đại tu, sửa chữa lớn...

Đó là chưa kể VNH phải luôn luôn sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào khi có lệnh phục vụ cho các nhu cầu liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Đã có không ít ý kiến cho rằng, giá thuê trực thăng của VNH là cao so với nước ngoài, rồi nếu khó khăn thế này thì nên... thuê nước ngoài.

Một thực tế, nếu không phải là chuyên gia hiểu sâu về dịch vụ trực thăng là chi phí dịch vụ trực thăng của VNH tại thị trường Việt Nam là rất cạnh tranh so với khu vực và trên thế giới. Với đội máy bay đẳng cấp bay biển (trong khu vực chỉ có Malaysia là tương đương; trên thế giới có Biển Bắc; giá dịch vụ cùng loại máy bay của VNH thường thấp hơn 30% so với giá tại thị trường Malaysia và Thái Lan... Một dịch vụ chuyên nghiệp, an toàn với chi phí hợp lý luôn là định hướng của VNH ngay từ thành lập.

Tuy nhiên, cũng phải đánh giá khách quan rằng, việc cắt giảm này cũng chỉ đến một giới hạn nhất định, VNH vẫn phải duy trì các chi phí đảm bảo an toàn và đảm bảo được tiền lương tối thiểu cho đội ngũ phi công, kỹ thuật những người trực tiếp tham gia vào hoạt động bay; VNH cũng khó cho nghỉ việc các cán bộ của mình vì họ đang là quân nhân. Ngoài ra, từ nay đến năm 2020, VNH sẽ có hơn 40 phi công giàu kinh nghiệm đến tuổi phải nghỉ hưu, do vậy VNH đang phải đầu tư rất lớn vào việc đào tạo, huấn luyện các phi công trẻ kế cận, sẵn sàng thay thế đội ngũ phi công nghỉ hưu.

dua vao nhau de cung cat canh ky 2

Với nhiều ngành nghề khác, khi có khó khăn về tài chính, người ta sẵn sàng cho cán bộ, nhân viên nghỉ chờ việc và “ăn lương cơ bản”. Nhưng với phi công thì lại không thể cho nghỉ việc. Một người lái máy bay, nếu sau một khoảng thời gian nhất định nào đó không “lên giời”, khi bay lại phải đi học “bay phục hồi”; rồi lại kiểm tra, lại cấp phép… Thủ tục cho phi công bay lại là rất không đơn giản.

Một vấn đề nữa mà vượt qua chuyện “giá cả đắt rẻ”. Với phi công nước ngoài, an toàn và lợi nhuận họ đưa lên hàng đầu. Còn không có chuyện người nước ngoài dám chia sẻ những khó khăn cần phải xử lý cấp bách. Và một điều nữa, không thể không tính đến về góc độ an ninh, quốc phòng thì chẳng hay ho gì khi mà người nước ngoài lại bay suốt ngay trên vùng trời, vùng biển của ta...

Trong bối cảnh bộn bề khó khăn ấy VNH bắt buộc triển khai nhiều biện pháp cắt giảm chi phí và đã có các giải pháp chi tiết linh hoạt với từng khách hàng dầu khí để đáp ứng yêu cầu từng khách hàng trong tình hình khó khăn hiện nay, đặc biệt VNH đã đưa ra dịch vụ, chính sách giá hợp lý phù hợp với thực tế hoạt động của từng công ty mặc dầu chi phí đầu vào của VNH từ các nhà máy sản xuất máy bay và các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài vẫn tăng.

Có thể đơn cử  một vài  giải pháp của VNH với khách hàng dầu khí là như đối với Cửu Long JOC, VNH đã cung cấp dịch vụ thay thế đầu đuốc bằng trực thăng, nhờ dịch vụ này, khách hàng đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian và ngân sách so với việc sử dụng bằng các phương tiện khác (chi phí tiết kiệm ước khoảng 1 triệu USD).

Đối với khách hàng Vietsovpetro, trong tháng 12-2015, VNH đã cung cấp dịch vụ trực thăng để thu/thả người của Vietsovpetro ra giàn chân đế Thiên Ưng trong điều kiện thời tiết khó khăn. Phía khách hàng Vietsovpetro đã đánh giá rất cao dịch vụ của VNH vì đã đáp ứng kịp thời tiến độ của dự án, đồng thời tiết kiệm một khoản ngân sách không nhỏ cho Vietsovpetro so với việc sử dụng dịch vụ tàu theo kế hoạch ban đầu.

Ban lãnh đạo VNH xác định việc giá dầu thô giảm sâu và còn kéo dài, cho nên VNH trong kế hoạch SXKD của mình đã đưa ra các biện pháp, giải pháp để cùng với các khách hàng dầu khí đã cùng gắn bó với VNH trên 30 năm, vượt qua khó khăn để tồn tại. Một số giải pháp ưu tiên đó là:

- Luôn đặt vấn đề an toàn bay lên hàng đầu và là vấn đề sống còn của hoạt động hàng không;

- Tiếp tục tái cơ cấu và triển khai các biện pháp cắt giảm chi phí;

- Tiếp tục tìm kiếm các giải pháp phù hợp với từng khách hàng để đáp ứng yêu cầu vận chuyển sát thực tế hoạt động với chi phí thấp nhất để cùng tồn tại.

- Đa dạng hóa dịch vụ bay như triển khai các hoạt động bay du lịch và dịch vụ trên đất liền. Trong năm 2015 VNH đã triển khai dịch vụ bay tham quan tại Đà Nẵng bằng máy bay EC-130T2, 6 chỗ, của Cộng hòa Pháp sản xuất rất hiện đại chuyên về bay du lịch.

Và một chủ trương rất quan trọng của ban lãnh đạo của VNH là tăng cường tìm kiếm công ăn việc làm từ các thị trường nước ngoài để khắc phục công suất máy bay đang dư thừa hiện nay do nhu cầu tại Việt Nam xuống thấp. Nhiều dự án đang được VNH và các đơn vị thành viên “quyết liệt” triển khai như, cho thuê khô trực thăng sang thị trường Ấn Độ, cho thuê ướt trực thăng sang thị trường Indonesia và chuẩn bị cho thực hiện dự án bay phục vụ sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc…

Người ta thường nói “trong Nguy có… Cơ”?

Vậy đối với VNH, “cơ” ở đây là thế nào?

Thiếu tướng Dũng thẳng thắn: “Khó khăn này cũng là cơ hội để chúng tôi nhìn lại mình. Phải rà soát lại tất cả các khâu trong quản lý, điều hành, trong tổ chức kinh doanh, sản xuất… Có vậy mới tiết giảm được chi phí, nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý. Và đây cũng là dịp chúng tôi sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, nhân viên. Chỉ những ai có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất mới có chỗ đứng. Và một cơ hội quan trọng là chúng tôi phải vươn ra tầm quốc tế. Có như vậy VNH mới phát triển bền vững. Đáp ứng tốt hai nhiệm vụ, đó là sản xuất kinh doanh và an ninh quốc phòng”.

Còn đối với người anh em dầu khí, lãnh đạo VNH hiểu hơn ai hết những khó khăn mà Tập đoàn đang phải gánh chịu và sẵn sàng chia sẻ.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, Thiếu tướng Hà Tiến Dũng hay nhắc tới câu “Phải dựa vào nhau để tồn tại”. Câu nói này, chúng tôi cũng đã được nghe tại nhiều buổi họp ở Tập đoàn và của các đơn vị khi bàn về các giải pháp để ứng phó với giá dầu giảm.

Nghe đượm buồn nhưng đó đúng là sự thật và hơn lúc nào các đơn vị dầu khí cùng VNH phải “dựa vào nhau để cùng… tồn tại”.

Là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh trực thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) ra đời từ những đòi hỏi khách quan của nền kinh tế đất nước. Sau hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay VNH đã trở thành một trong những doanh nghiệp mạnh của quân đội chuyên cung cấp dịch vụ trực thăng có uy tín trong nước và khu vực trong lĩnh vực bay khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, bay tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh - MIA, phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

VNH, với các đơn vị thành viên: Công ty Trực thăng Miền Nam (VNH South), Công ty Trực thăng miền Bắc (VNH North), Công ty Trực thăng Miền Trung (VNH Central), Trung tâm Huấn luyện (VNH Training), Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật trực thăng (Helitechco) và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Hải Âu (Haiau TIC) với các căn cứ trực thăng trải dài dọc theo đất nước đang cung cấp các dịch vụ bay trực thăng; cho thuê máy bay, phi công, kỹ thuật viên hàng không; đào tạo phi công, kỹ thuật viên hàng không; dịch vụ khai thác máy bay cho các tổ chức và máy bay tư nhân; đại tu, sửa chữa máy bay trực thăng; đại tu, sửa chữa và cung cấp phụ tùng trực thăng; kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng và kinh doanh vận tải xăng dầu.

Nguyễn Như Phong

Năng lượng Mới 512

DMCA.com Protection Status