Giá trị thương hiệu Petrovietnam phản ánh chính xác hiệu quả công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp
Từ năm 2020 trở lại đây có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngành Dầu khí khi thị trường năng lượng, dầu khí có nhiều biến động, chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh và mạnh mẽ, nền kinh tế thế giới và trong nước phải trải qua một tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều ngành, lĩnh vực gần như tê liệt, nhiều công ty dầu khí lớn trên thế giới phá sản… Nhưng trong bối cảnh đó, Petrovietnam với phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả" đã thành công đưa Tập đoàn vượt qua cơn bão “khủng hoảng kép” từ giá dầu suy giảm và dịch bệnh Covid-19, đạt được những kết quả tích cực trong SXKD, góp phần giúp ổn định nền kinh tế đất nước bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Giá trị thương hiệu của Petrovietnam không ngừng tăng lên qua từng năm. Kể từ khi đại dịch diễn ra, giá trị thương hiệu của Petrovietnam trong năm 2020 đã được định giá 945 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2019. Đến năm 2022, giá trị thương hiệu Petrovietnam đã tăng lên gần 1,3 tỷ USD, duy trì vị trí trong 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Chỉ số Sức mạnh Thương hiệu Petrovietnam đạt 70,8 và duy trì xếp hạng sức mạnh thương hiệu ở mức AA. Tính đến tháng 8 năm 2022, hoạt động SXKD của Petrovietnam tiếp tục được duy trì ổn định tại tất cả các lĩnh vực: Công tác quản trị sản lượng khai thác đã được áp dụng đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các giải pháp/biện pháp kỹ thuật gia tăng sản lượng, duy trì nhịp độ khai thác với hệ số thời gian cao, khai thác dầu thô vượt 23% kế hoạch 8 tháng và bằng 84% kế hoạch năm 2022, bằng mức thực hiện cùng kỳ.
Ông Lê Anh Chiến - Phó Trưởng Ban TT&VHDN đại diện Petrovietnam nhận vinh danh Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam |
Sản xuất cung ứng ra thị trường trong nước 1,22 triệu tấn đạm urê, vượt 10% kế hoạch 8 tháng và bằng 72% kế hoạch năm, tăng 9% so với cùng kỳ. Sản xuất 4,56 triệu tấn xăng dầu (không bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), vượt 8% kế hoạch 8 tháng và bằng 74% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ, đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Tổng nộp NSNN toàn Tập đoàn đạt 90,6 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022 và tăng 45% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch năm 2022 trước 6 tháng). Cùng với chỉ tiêu nộp NSNN, Petrovietnam cũng đã về đích các chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tập đoàn.
Văn hóa Petrovietnam: Nền tảng phục hồi, phát triển bền vững |
Khác với những thương hiệu hàng đầu Việt Nam khác trong Top 10 như Viettel, Vinhomes, Vinamilk hay những ngân hàng lớn như Vietcombank, Viettinbank, có thể thấy Petrovietnam là một doanh nghiệp “đặc biệt” khi hoạt động trong lĩnh vực đặc thù là dầu khí, không có bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào trực tiếp cung cấp, phục vụ đời sống của người dân như các doanh nghiệp kể trên nhưng lại là đầu vào cho nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế như phân bón, xăng dầu, điện… Tuy nhiên, giá trị thương hiệu của Petrovietnam vẫn gia tăng, kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng qua mỗi năm, đã tích cực đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Điều này có được một phần là do hiệu quả trong công tác quản trị, điều hành, kịp thời có thời có những giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn đã giúp Petrovietnam trở thành một trong những công ty dầu khí làm ăn có lãi trong bối cảnh khủng hoảng kép cũng là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm Covid-19 hoành hành.
Văn hóa doanh nghiệp đã giúp con tàu Petrovietnam vượt qua những cơn sóng dữ |
Một yếu tố đặc biệt quan trọng đã giúp Petrovietnam hoạt động ổn định, tăng trưởng trong những năm qua là việc triển khai rất hiệu quả công tác truyền thông, tái tạo văn hoá doanh nghiệp. Trong những giai đoạn khó khăn nhất, văn hóa Petrovietnam chưa bao giờ bị mai một mà càng được đề cao như một giải pháp quan trọng nhằm khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu với ngành, với nghề, để cho mỗi thành viên giữ vững niềm tin, cùng đoàn kết, hành động hiệu quả, thiết thực và trách nhiệm đưa Petrovietnam vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện thành công mục tiêu phát triển.
Đứng trước những khó khăn, thách thức từ nhiều yếu tố, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị quyết 281-NQ/ĐU (Nghị quyết 281) ngày 15/5/2019 của Đảng ủy Tập đoàn về công tác truyền thông và văn hoá doanh nghiệp. Đặc biệt, để đảm bảo tính đồng bộ và nghiêm túc trong thực hiện Nghị quyết, Đảng ủy Tập đoàn đã đưa nội dung, nội hàm của Nghị quyết vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, được thông qua tại Đại hội, tạo cơ sở và tiền đề để công tác TT&VHDN tiếp tục triển khai sâu rộng, đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án Tái tạo Văn hóa Petrovietnam và Nghị quyết 281, cả hệ thống chính trị Tập đoàn đều ý thức và thể hiện quyết tâm cao trong việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết. Công tác truyền thông có trọng tâm, trọng điểm, được triển khai đồng bộ, sâu rộng, xuyên suốt; các phương thức truyền thông rất phong phú, đa dạng. Công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp được triển khai sâu rộng trong toàn Tập đoàn. Tập đoàn được công nhận là một trong 10 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh theo bộ tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, lần đầu tiên xét công nhận tại Việt Nam (2021).
Petrovietnam tiếp tục duy trì vị trí trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp |
Các hoạt động truyền thông và tái tạo văn hóa Petrovietnam được lồng ghép thực hiện gắn với các mục tiêu kế hoạch SXKD và Chiến lược phát triển của Tập đoàn, thể hiện rõ tinh thần “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình” trong từng hoạt động. Việc triển khai thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả” tạo bước đột phá trong thực hiện Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam. Phương châm hành động trong Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam đã được cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, để từng bước thấm nhuần trong từng CBCNV, trở thành nếp nghĩ, thói quen trong công việc hàng ngày.
Người lao động PV Drilling trên giàn khoan |
Việc xây dựng lại hình ảnh người lao động Dầu khí - Ngành Dầu khí, triệt để xử lý khủng hoảng truyền thông, tận dụng cơ hội truyền thông tới các cấp, các ngành, từ trung ương tới địa phương; qua đó đã góp phần tạo nhận thức đúng đắn và tình cảm tốt đẹp của các thế hệ người lao động Dầu khí, sự đồng thuận của xã hội, sự ghi nhận, đánh giá cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của Tập đoàn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nhờ đó, thương hiệu, uy tín của Tập đoàn được nâng cao, hình ảnh Petrovietnam được cải thiện, tạo niềm tin, khí thế mới trong CBCNV, NLĐ Dầu khí. Từ đó, thúc đẩy cải cách thể chế đối với hoạt động dầu khí, tạo điều kiện để Tập đoàn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và là động lực để xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển bền vững Petrovietnam trong thời kỳ mới. Việc phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa chính là mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững của Petrovietnam. Các giá trị văn hóa cốt lõi được kiến tạo và bồi đắp xuyên suốt lịch sử phát triển của Petrovietnam là “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”, chính là liều vắc xin mạnh mẽ giúp Petrovietnam vượt qua khó khăn, thách thức trong thời gian qua và sẽ luôn là động lực, nguồn sức mạnh to lớn trong suốt quá trình phát triển của Tập đoàn.
Tại hội nghị công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp lần thứ II – 2022 vừa qua, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đã khẳng định công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp đã góp phần lấy lại niềm tin, hình ảnh, uy tín của Tập đoàn qua giai đoạn khó khăn, cổ vũ, động viên tinh thần người lao động góp công, góp sức đưa Tập đoàn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng cho rằng việc xây dựng văn hoá sẽ hướng đến mục tiêu chung là vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Điều này phải xuất phát từ thực chất, gắn với việc tạo điều kiện, môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, chất lượng cho cán bộ nhân viên.
Nhìn lại những sự công nhận về giá trị thương hiệu Petrovietnam do các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đánh giá trong thời gian gần đây đã phản ánh chính xác nhất hiệu quả của công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp. Nếu không kịp thời có những chiến lược truyền thông, tuyên truyền hiệu quả, xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thì Petrovietnam cũng như các doanh nghiệp khác trong Tập đoàn đã không thể có sức mạnh, ý chí và quyết tâm để vượt qua giai đoạn chông gai vừa qua.
Khánh An
-
[PetroTimesTV] Petrovietnam kiên định mục tiêu tăng trưởng để giữ ổn định và phát triển
-
5 doanh nghiệp Dầu khí được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tôn vinh Doanh nghiệp tiêu biểu năm 2024
-
Nghĩa tình người Dầu khí với ngư dân giữa muôn trùng khơi
-
[PetroTimesTV] Đảng ủy BSR tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận 76-KL/TW