Giá xăng dầu hôm nay 17/1: Mối lo Covid đè nặng, giá dầu giảm mạnh

07:41 | 17/01/2021

12,543 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang làm gia tăng lo ngại khả năng tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô, khiến giá xăng dầu hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh.
Giá vàng hôm nay 17/1: Mất lực đỡ, vàng mất giá mạnhGiá vàng hôm nay 17/1: Mất lực đỡ, vàng mất giá mạnh

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ 11 – 15/11 với trạng thái hưng phấn trước triển vọng phục hồi kinh tế và cam kết tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng của Saudi Arabia.

nhung-tac-dong-cua-khung-hoang-gia-dau-1
Ảnh minh hoạ

Việc các nước tiếp tục triển khai vắc-xin Covid-19 trên diện rộng và các kết quả tiêm vắc-xin đều cho kết quả tích cực đã làm tăng hy vọng thế giới sẽ sớm ngăn chặn và đẩy lùi được đại dịch Covid-19. Điều này cũng mở ra hy vọng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ thời gian tới, qua đó làm tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô, trên thị trường.

Giá dầu thế giới còn được hỗ trợ bởi kỳ vọng của giới đầu tư vào việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ sớm triển khai các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế với quy mô lên tới hàng ngàn tỷ USD.

Ông Brian Deese, người sẽ đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong chính phủ mới của ông Biden cho biết, Tổng thống đắc cử Biden sẽ đưa ra một kế hoạch kinh tế “song tuyến”. Đầu tiên sẽ là tuyến giải cứu, trong đó bao gồm nỗ lực đạt được khoản thanh toán 2.000 USD cho người dân nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn suy thoái vì dịch COVID-19. Bên cạnh đó là nỗ lực phục hồi dài hạn hơn nhằm thực hiện kế hoạch “Build Back Better” (Xây lại nước Mỹ tốt đẹp hơn) mà ông Biden đã đặt ra trong thời gian tiến hành chiến dịch tranh cử.

Giới đầu tư đặt kỳ vọng vào đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau khi FED phát đi báo cáo đánh giá nền kinh tế số 1 thế giới đang có những dấu hiệu phục hồi đầy hứa hẹn sau thiệt hại của dịch Covid-19. Hầu hết các khu vực của nước này đều ghi nhận hoạt động kinh tế mậu dịch, thị trường việc làm và đặc biệt là doanh số bán nhà, lĩnh vực sản xuất trên đà tăng trưởng.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 13/1, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2021 đứng ở mức 53,32 USD/thùng, tăng 0,08 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 12/1, giá dầu WTI giao tháng 3/2021 đã tăng tới 1,16 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 3/2021 đứng ở mức 56,65 USD/thùng, tăng 0,07 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 1,09 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 12/1.

Thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu thế giới tuần qua. Cụ thể, theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu mỏ của Mỹ trong tuần vừa qua giảm 5,8 triệu thùng, nhiều hơn so với mức dự báo giảm 2,3 triệu thùng được đưa ra trước đó, xuống còn khoảng 484,5 triệu thùng.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu cũng bị hạn chế đáng kể bởi những lo ngại xung quanh diễn biến của dịch Covid-19 khi nhiều quốc gia đang lên kế hoạch kéo dài thời gian phong toả, giãn cách xã hội, và đây là nguyên nhân chính khiến giá dầu hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh.

Cụ thể, chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2021 đứng ở mức 52,13 USD/thùng, giảm 1,49 USD/thùng trong phiên; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 3/2021 đứng ở mức 54,82 USD/thùng, giảm 1,6 USD/thùng trong phiên.

Tiếp theo một loạt các nền kinh tế lớn ở châu Âu như Anh, Đức, Pháp…., Nhật Bản ngày hôm qua đã quyết định mở rộng tình trạng khẩn cấp bằng việc cấm công dân 11 quốc gia, vốn vẫn được nhập cảnh vào nước này, không được nhập cảnh vào Nhật.

Cụ thể, Thủ tướng Yoshihide Suga ngày 13/1 đã thông báo áp đặt thêm tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh gồm Osaka, Kyoto, Hyogo, Fukuoka, Aichi, Gifu và Tochigi từ 14/1 đến 7/2.

Ở diễn biến khác, ngày 13/1, Trung Quốc cũng đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Hắc Long Giang trước diễn biến gia tăng của số ca mắc Covid-19 ở tỉnh này.

WHO ngày 13/1 công báo báo cáo hàng tuần cho biết 50 nước và vùng lãnh thổ đã ghi nhận chủng nCoV mới từ Anh, trong khi chủng từ Nam Phi xuất hiện ở 20 nước và vùng lãnh thổ.

Giá dầu còn chịu áp lực giảm giá bởi một loạt các dữ liệu vừa được công bố cho thấy “sức khoẻ” của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Anh… đều đang gặp vấn đề. Với Mỹ đó là câu chuyện lạm phát, về nguy cơ nợ gia tăng. Còn với Anh, đó là những ảnh hưởng tiêu cực của Brexit mà theo đánh giá của giới phân tích, phải còn rất lâu nữa, vấn đề thương mại giữa Anh và EU mới trở lại trạng thái bình thường.

Nhiều thành phố của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới, đã phải tái thiết lập các biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.

Theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers, tính đến đầu giờ sáng 16/1, giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 94.842.776 ca nhiễm và 2.028.481 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 628.166 và 12.920 ca so với 24 giờ trước. 67.673.578 người đã bình phục sau khi nhiễm virus.

Giá dầu hôm nay sụt giảm mạnh còn do lại ngại căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, qua đó tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu.

Theo một nghiên cứu của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung (USCCBC), thị trường việc làm Mỹ đã chịu tác động mạnh bởi xung đột Mỹ - Trung thời gian qua. Nghiên cứu cho rằng thương chiến đã làm mất đi 245 ngàn việc làm tại Mỹ.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, trong kịch bản căng thẳng còn kéo dài, GDP của Mỹ có thể giảm tới 1.600 tỷ USD trong 5 năm tới, đồng thời sẽ mất 732 ngàn việc làm vào năm 2022 và 320 ngàn việc làm vào năm 2025.

Trong diễn biến mới nhất, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong thông cáo phát đi ngày 14/1 cho biết: "Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc, trong đó có lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, quan chức chính phủ và quân đội Trung Quốc chịu trách nhiệm hoặc liên quan đến việc cải tạo quy mô lớn, xây dựng hoặc quân sự hóa ở Biển Đông".

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng đề cập đến quyết định của Bộ Thương mại Mỹ đưa Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen kinh tế vì liên quan đến "chiến dịch ức hiếp" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Diễn biến này đã làm gia tăng lo ngại “kịch bản căng thẳng” theo nghiên cứu của USCCBC sẽ xảy ra.

Với những nhân tố như trên, giá dầu thế giới tuần tới được dự báo là hết sức khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid-19 đang ngày càng gia tăng và phức tạp tại nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ…

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 15.948 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 16.930 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 12.647 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 11.558 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 12.272 đồng/kg.

Hà Lê

DMCA.com Protection Status