Giá xăng dầu hôm nay (9/4): Đầu tuần tăng vọt, cuối tuần vững giá

12:12 | 09/04/2023

8,809 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong tuần vừa qua (3/4 – 9/4), giá dầu ghi nhận đầu tuần tăng mạnh sau khi một loạt các quốc gia thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) tuyên bố tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu khí cho tới cuối năm 2023.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ghi nhận vào sáng ngày 9/4/2023, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2023 ở mức 80,11 USD/thùng, giảm 0,25 USD trong phiên.

Trong khi giá dầu Brent giao tháng 7/2023 đứng ở mức 84,35 USD/thùng, giảm 0,27 USD trong phiên.

Trong tuần vừa qua (3/4 – 9/4), giá dầu ghi nhận đầu tuần tăng mạnh sau khi một loạt các quốc gia thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) tuyên bố tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu khí cho tới cuối năm 2023. OPEC+ coi việc cắt giảm sản lượng dầu là biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ ổn định thị trường. Việc cắt giảm cũng sẽ trừng phạt những người bán khống dầu hoặc đặt cược vào việc giá dầu giảm.

Theo đó, dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,7 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 31/3. Tương tự, dự trữ xăng giảm 4,1 triệu thùng và sản phẩm chưng cất cũng giảm sâu hơn dự kiến với mức giảm 3,6 triệu thùng. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu về năng lượng đang gia tăng.

Thời điểm cuối tuần, giá dầu thô giảm nhẹ nhưng vẫn vững giá trên mức 80 USD/thùng.

Giá dầu giữa và cuối tuần trở nên ít biến động hơn sau dữ liệu kinh tế mới nhất từ Trung Quốc và Mỹ cho thấy tốc độ phục hồi sau đại dịch của hai nước đã hạ nhiệt. Bên cạnh đó, thị trường xuất hiện thêm những yếu tố mới hỗ trợ nguồn cung như Iraq vừa đạt thỏa thuận mở lại xuất khẩu dầu từ khu vực miền Bắc nước này.

Mỹ đang cố hạn chế đà tăng giá của vàng đen trong bối cảnh nguồn cung dầu eo hẹp và những lo ngại về suy thoái kinh tế tại các quốc gia lớn. OPEC+ đã chỉ trích Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong đó Mỹ là nhà tài trợ tài chính lớn nhất, vì đã giải phóng kho dự trữ dầu vào năm 2022, một động thái được cho là cần thiết để giảm giá trong bối cảnh lo ngại các lệnh trừng phạt sẽ làm gián đoạn nguồn cung của Nga.

Theo nhận định của các chuyên gia, lạm phát tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới do giá dầu tăng cao sẽ có thể thúc đẩy các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn từ các ngân hàng trung ương và dần dần đẩy các nền kinh tế đến gần suy thoái hơn. Nhu cầu di chuyển của người dân từ đó cũng bị ảnh hưởng bởi giá dầu leo thang. Tuy nhiên, trong dài hạn, nhu cầu năng lượng có thể sụt giảm nếu các nhà máy lọc dầu giảm hoạt động để đối phó với chi phí đầu vào tăng. Bên cạnh đó, với áp lực lạm phát từ giá dầu tăng lên, triển vọng lãi suất của Fed cũng tăng lên, đặt ra rủi ro suy thoái đối với kinh tế Mỹ. Một nền kinh tế suy thoái sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

OPEC+ đang muốn đặt giá sàn dưới mức 80 USD/thùng trong khi UBS và Rystad dự đoán mức tăng trở lại 100 USD/thùng. Các chuyên gia cho biết, đà tăng giá của thị trường dầu mỏ có thể đã tạm dừng, nhưng tiềm năng tăng giá vẫn còn trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.080 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 23.120 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.430 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 19.037 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.429 đồng/kg.

Minh Đức

DMCA.com Protection Status