Giữ mãi lửa đam mê sáng tạo

15:01 | 31/07/2013

794 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chân thật, thẳng thắn, sâu sắc là điều tôi cảm nhận khi trò chuyện cùng anh Lê Hồng Dũng (Xưởng Đường ống ngầm thuộc Xí nghiệp Xây lắp) và anh Nguyễn Huy Sơn (công nhân bậc 6/6 - Xí nghiệp Quản lý và khai thác các công trình khí) thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, vừa nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần II. Họ là những con người có “đôi bàn tay vàng” và không ngừng sáng tạo trong lao động với nhiều sáng kiến có giá trị.

PV: Từ khi nào các anh có được niềm đam mê sáng kiến để trong bao năm qua luôn có những sáng kiến giá trị đem đến nhiều lợi ích cho đơn vị?

Anh Lê Hồng Dũng: Sáng kiến có được chủ yếu xuất phát từ thực tế sản xuất có nhiều cái bất hợp lý nên mình phải điều chỉnh cho nó hợp lý, hoàn thiện hơn, tốt hơn. Dù rằng tất cả các vấn đề liên quan đến sản xuất đã được phòng kỹ thuật, phòng thiết kế làm trước đó; tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tế vẫn có những cái cần điều chỉnh mà những người tham gia sản xuất trực tiếp sẽ đảm nhận phần việc đó. Thực ra mỗi khi làm, mình đâu nghĩ nó sẽ trở thành sáng kiến có giá trị để nhận giải thưởng mà đơn giản chỉ muốn làm sao cho công việc an toàn nhất, tiết kiệm sức lao động cho mình, cho đồng nghiệp và mang lại hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Huy Sơn: Trước đây tôi làm thợ tiện, công việc đơn giản hơn nên chưa có dịp phát huy hết tính sáng tạo. Từ khi về công tác tại Xí nghiệp Quản lý và khai thác các công trình khí thì tôi làm cả hai việc, tiện và nguội. Có thể nói, thợ nguội phải làm việc từ trên ngọn đuốc xuống mặt biển, được va chạm nhiều thiết bị máy móc cũng là dịp để chúng tôi phát huy tính tò mò, sáng tạo.

Anh Nguyễn Huy Sơn và anh Lê Hồng Dũng (bên phải)

PV: Những sáng kiến nào được các anh tâm đắc nhất trong thời gian gần đây?

Anh Lê Hồng Dũng: Làm sáng kiến phải tuân thủ đúng quy trình chuẩn ISO 2001 nên không phải sáng kiến nào cũng được chấp nhận và thông qua. Tôi nghĩ rằng, sáng kiến là kết quả của một tập thể chứ không chỉ riêng ai. Chúng tôi là người phát hiện, sáng tạo nhưng phải được sự ủng hộ, thông qua của các cấp lãnh đạo thì nó mới được công bố. Đối với tôi, sáng kiến nào cũng tâm đắc cả vì quan niệm rằng, miễn sao các sáng kiến giúp ích cho anh em đỡ vất vả, giảm tai nạn lao động, tiết kiệm thời gian và nhân lực cho công nhân để anh em có chút thời gian nghỉ ngơi là mừng rồi. Vì công việc của chúng tôi không những vất vả mà còn nguy hiểm.

Anh Nguyễn Huy Sơn: Như anh Dũng nói đấy, cái nào chúng tôi cũng tâm đắc vì chỉ cần sáng kiến giúp chúng tôi tiết kiệm được 1-2 ngày công và làm việc nhẹ nhàng hơn thì mừng rồi. Nhưng những sáng kiến của tôi thì không so với sáng kiến của anh Dũng được. Vì bên anh Dũng làm những công trình lớn còn tôi làm những chi tiết nhỏ. Ví như Xí nghiệp Xây lắp xây dựng lên căn nhà hoàn chỉnh, còn chúng tôi là những người thợ sửa chữa những khuyết điểm chưa hoàn hảo trong công trình đó.

Tôi có thể kể 1 trong 8 sáng kiến của mình là sáng kiến chế xe đẩy kéo mặt chặn. Từ khi có sáng kiến này đã tiết kiệm rất nhiều sức lao động cho anh em, giờ đây chỉ cần một người có thể di chuyển tấm sắt 87kg thay vì trước đây phải cần đến 3-4 người. Về kinh tế không làm lợi bao nhiêu nhưng nó đem lại sự an toàn, không gây chấn thương lưng, chân, tay và không làm dừng các tổ máy xung quanh khi đang hoạt động. Vì trong một ngày một đêm một tổ máy đẩy 1,5 triệu  m3 khí vào bờ chỉ dừng vài tiếng là đã có thiệt hại và phải giải trình với cấp trên. Từ sau sáng kiến này, nhiều anh em làm việc thoải mái, hưng phấn hơn.

PV: Sáng kiến nào của anh trong thời gian gần đây có giá trị được đồng nghiệp và đơn vị đánh giá cao?

Anh Lê Hồng Dũng: Khi tôi được phân công phụ trách tàu đặt ống ngầm Côn Sơn thì con tàu đã hơn 60 tuổi, cũ kỹ, thiếu thốn nhiều thiết bị nên làm việc rất vất vả. Vận chuyển dầu từ giàn khoan qua các tàu chứa dầu phải qua các ống đứng ngầm dưới biển. Nhưng quá trình đấu nối ống đứng bằng các mối hàn dưới biển trước đây gặp rất nhiều khó khăn vì chiều cao độ sâu của mực nước biển thường 50-60m. Viện NIPI thực hiện nhiệm vụ thiết kế để chúng tôi thi công, tuy nhiên quá trình thi công không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vì sóng biển có lúc 1m, lát sau lên 3m nên hai ống chênh nhau, lắc, quay vòng. Để khắc phục, chúng tôi chế tạo một định tâm ngoài tấm chắn để lắp mối hàn. Nhưng phải đắn đo nhiều lần, sau đó trình ban lãnh đạo duyệt thì anh em tập trung làm một đêm một ngày. Sau đó, quá trình đấu nối rút ngắn được 3 giờ đồng hồ/1 mối hàn. Một ống có 4 mối hàn. Tính ra rút ngắn được 12 giờ cho một ống đứng mà giá thuê tàu Côn Sơn rẻ nhất 40.000USD/ngày, còn tàu Hoàng Sa và Trường Sa 100.000USD/ngày. Tính ra tiết kiệm khá nhiều thời gian và chi phí cho đơn vị. Chưa kể phương pháp này giúp an toàn hơn cho người lao động trong quá trình hàn, đấu nối.

Người lao động Vietsovpetro trên giàn Thỏ Trắng (ảnh: Thiên Thanh)

PV: Dù là sáng kiến nhỏ hay sáng kiến lớn thì đều đem đến những giá trị lớn không thể chỉ quy ra bằng tiền, mà hơn thế nữa là tiết kiệm thời gian, công sức cho người lao động, đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc. Cả hai anh đều gắn bó với Vietsovpetro mấy chục năm, những ngày chập chững vào nghề của các anh diễn ra như thế nào?

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro: Trong các năm qua, phong trào sáng kiến - sáng chế của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro luôn đứng đầu ngành, có 85-100% sáng kiến đã được công nhận. Vừa rồi, theo tiêu chuẩn và quy định của giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh thì có anh Lê Hồng Dũng (Xí nghiệp Xây lắp) và anh Nguyễn Huy Sơn (Xí nghiệp Quản lý và khai thác các công trình khí) thuộc Liên doanh nhận giải thưởng.

Anh Nguyễn Huy Sơn là một trong những người có nhiều sáng kiến đem lại nhiều lợi ích cho người lao động đỡ vất vả, an toàn, hiệu quả. Nguyên là thợ tiện, giờ anh làm cả tiện và nguội, trong công tác vận hành, sửa chữa giàn, anh Sơn phát huy tính sáng tạo rất cao.

Còn anh Lê Hồng Dũng là người về Xí nghiệp Xây lắp từ những ngày đầu mới thành lập. Trong quá trình công tác anh Dũng có nhiều sáng kiến có giá trị kinh tế cao. Không những thế, anh là người thường xuyên cầm tay chỉ việc cho các cán bộ trẻ mới vào nghề rất hiệu quả. Trong các sáng kiến của anh có thể kể đến sáng kiến “Sử dụng định tâm ngoài trong quá trình đấu nối ống đứng bằng phương pháp hàn trên tàu Côn Sơn”, giúp rút ngắn thời gian thi công trên biển, tiết kiệm một lần thực hiện được 400.000USD.

Anh Lê Hồng Dũng: Năm 1984, sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân Kỹ thuật Bà Rịa chuyên ngành lắp ráp, tôi xin về công tác tại Vietsovpetro lúc ấy chỉ mới 18 tuổi. Gần 30 năm trong nghề, giờ đây tôi cũng như anh Sơn có thể tự hào về sự lựa chọn của mình. Sau này nhiều người nhắc về thời gian khổ đó nhưng tôi nghĩ lúc đó cả nước khổ chứ không chỉ riêng mình nên thấy cũng bình thường. Những ngày đó, ông cậu tôi có hai xe chạy tuyến Vũng Tàu - Sài Gòn, thu được mấy triệu một ngày. Cậu cứ bảo bỏ nghề chạy xe nhưng mình trót yêu nghề nên trụ lại, trong khi bạn bè tôi nhiều người bỏ nghề bởi không chịu nổi cực khổ. Có lẽ do sinh ra ở vùng đất khó khăn, khắc nghiệt nên tôi có sức chịu đựng từ nhỏ. Mỗi người phải tự tìm cách khắc phục khó khăn thì cái khổ sẽ qua thôi.

Anh Nguyễn Huy Sơn: Tôi công tác ở Vietsovpetro đã 23 năm rồi, thời gian ngắn hơn anh Dũng. Ngày xưa, tôi học sửa chữa máy lọc hóa dầu của một nhà máy lọc dầu ở Tiệp Khắc. Đáng lẽ về nước năm 1985 nhưng lúc đó kinh tế đang khó khăn nên anh em ở lại thực tập đến 1988 mới về, năm 1989 tôi về Vietsovpetro. Thật sự là năm 1989, lương còn thấp, mấy người bạn làm nghề tiện trên Sài Gòn lương khá hơn nên cứ bảo tôi về Sài Gòn làm. Nhưng khi làm việc ở Vietsovpetro thấy môi trường làm việc chuyên nghiệp, máy móc hiện đại và quan trọng hơn là đúng chuyên môn nên tôi quyết định gắn bó sự nghiệp với nơi này. Từ năm 1989 đến 2001 tôi làm ở Xí nghiệp Khoan. Sau năm 1994 tôi bắt đầu đi làm các công trình trên biển, đến 2001 thì chuyển sang Xí nghiệp Khí. Kể từ đây có nhiều sáng kiến ra đời. Tôi, anh Dũng cùng nhiều đồng nghiệp của tôi nghĩ đơn giản rằng, yêu nghề thì nghề chẳng phụ mình.

PV: Vietsovpetro là một trong những đơn vị có hoạt động sáng kiến - sáng chế mạnh nhất trong Tập đoàn, có lẽ nhờ thành tích nổi bật cùng sự hỗ trợ, động viên thường xuyên của các cấp lãnh đạo, tổ chức Công đoàn cũng là sự thúc đẩy lớn đối với các anh trong lao động, sáng tạo?

Anh Nguyễn Huy Sơn: Đúng là hoạt động sáng kiến - sáng chế của Vietsovpetro rất mạnh. Ở Xí nghiệp Khí, từ cấp lãnh đạo đến các phòng ban đều rất quan tâm đến hoạt động sáng kiến - sáng chế. Giám đốc Xí nghiệp khí Cao Tùng Sơn và ông Từ Thành Nghĩa (nay là Tổng giám đốc Vietsovpetro) rất ủng hộ. Khi nào cần số liệu thì có phòng kế hoạch, tài chính thì có phòng kế toán… Ngoài giàn cần việc gì mất nhiều thời gian thì các anh sẽ hỗ trợ. Có thể nói, ban lãnh đạo hỗ trợ tối đa về kiến thức vì chúng tôi không phải là kỹ sư, anh Dũng và tôi là những người làm việc rất cần cù, chăm chỉ, không kể ngày đêm. Nhiều khi chưa xong việc thì ăn không ngon, ngủ không yên. Do đó, nếu lãnh đạo không động viên, khuyến khích, hỗ trợ thì người công nhân dễ nản chí. Vì trong quá trình sản xuất vẫn có nhiều việc phát sinh hay trên công trình gặp khó khăn thì phải tìm tòi suy nghĩ để khắc phục, nếu không chúng tôi là những người vất vả đầu tiên.

PV: Vậy là niềm đam mê làm việc và sáng kiến của các anh vẫn tiếp tục nảy nở trong quá trình công tác?

Anh Nguyễn Huy Sơn: Trong quá trình làm việc có những cái anh em không làm được rồi tâm sự với mình, cùng nhau phân tích những phương án khả thi, rủi ro đầu giờ làm. Nghe anh em nói nhưng nếu chỉ nghe nói không thì không giải quyết được vấn đề gì? Phải lăn xả làm cùng anh em. Nghề chính của mình là tiện nhưng giờ không làm tiện nhiều mà chủ yếu là sửa chữa máy móc, từ máy bơm, đuốc, bơm dầu thải… trên nhiều hệ thống khác, tuy nhỏ thôi nhưng khi khắc phục được một khuyết điểm nào đó cũng tạo hưng phấn cho mình làm việc rất tốt. Đó là niềm hạnh phúc nhất của người công nhân.

PV: Các anh là tấm gương cho thế hệ trẻ học hỏi. Anh có thể nói về kinh nghiệm giữ lửa trong nghề để thế hệ kế tiếp có những sáng kiến có giá trị?

Anh Lê Hồng Dũng: Cái đó là vấn đề quan trọng. Nay chúng tôi sức khỏe bắt đầu xuống dốc nhưng so với tuổi trẻ thì mình có kinh nghiệm nhiều hơn. Chúng tôi phải làm thành thạo rồi sau này cầm tay chỉ việc cho thế hệ trẻ để các em có thể tự làm được nhiều việc. Nhiều em, kể cả kỹ sư mới ra trường nhưng thiếu kiến thức thực tiễn thì chúng tôi cũng phải hướng dẫn. Ngành Dầu khí hay ở chỗ là kỹ sư cũng phải trải qua những công việc như những người công nhân thực thụ. Sau này, nhiều anh lên những vị trí cao nhưng vẫn nhớ đến chúng tôi và thỉnh thoảng vẫn ghé thăm.

Nói thật, giờ đây các bạn còn có thuận lợi là làm việc với chuyên viên người Việt, còn ngày xưa chúng tôi chủ yếu làm việc với các chuyên gia người Nga mà không biết tiếng nên rất vất vả. Tôi vẫn luôn quan niệm rằng, phải giữ một nghề cho chín để kiếm sống. Tôi vẫn nhớ một chuyện vui là: Có chàng kỹ sư mới ra trường ra giàn khoan làm việc. Chúng tôi bảo, em vào lấy cho anh cái ma ní 5 tấn thì anh chàng hỏi ngược lại “cái ma ní 5 tấn thì làm sao em khiêng được”. Trong khi cái ma ní chỉ nặng 3kg dùng để nâng thiết bị nặng 5 tấn. Do các em chưa hiểu và chưa va chạm thực tế.

Anh Nguyễn Huy Sơn: Việc của tôi làm luôn luôn phải có hai người trở lên, đó là quy tắc an toàn. Có nhiều anh em dù là kỹ sư cũng chưa biết sử dụng dụng cụ đo vì nhiều bạn kỹ sư hay công nhân bậc cao nhưng ít sử dụng nên không biết. Trong khi ngày xưa chúng tôi được đào tạo bài bản và nhớ rất lâu. Sau tôi đề nghị anh em một năm bỏ ra một buổi ôn lại cách thức dùng đồng hồ đo trong, đo ngoài, đo chiều dài… Đôi lúc, trong công việc, chúng tôi phải dạy lại các bạn trẻ từ những việc cơ bản nhất như đứng cưa, đặt cái giũa lên, giũa phẳng, tay phải để sao… Sau một quá trình rèn luyện, kèm cặp thì giờ các em đều có thể tự làm được hết. Theo tôi, muốn giỏi thì phải lăn xả vào công việc.

PV: Được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần II, bên cạnh niềm vinh dự thì các anh có thấy đó là áp lực?

Anh Lê Hồng Dũng: Nhận được giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh vừa là vinh dự nhưng trách nhiệm của chúng tôi nặng nề hơn. Chúng tôi không thể ngủ quên trong giải thưởng mà phải tiếp tục làm việc, tìm tòi và sáng tạo hơn nữa. Phải nói rằng, thành quả hôm nay của chúng tôi bên cạnh niềm đam mê trong công việc thì cần sự hỗ trợ rất lớn của các cấp lãnh đạo và tổ chức công đoàn. Tất cả phải có sự đoàn kết, đồng lòng mới có hiệu quả nên tôi vẫn luôn nhấn mạnh sáng kiến không chỉ của riêng ai mà sáng kiến là của tập thể.

Anh Nguyễn Huy Sơn: Đi nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh vừa rồi, nhìn ông nào cũng khổ khổ như nhau, quê quê như nhau. Có nhiều anh nhìn da đen rám nắng, trông rất vất vả nhưng đấy là vàng. Toàn là những con người lao động thật sự nên chúng tôi rất tôn trọng.

PV: Cảm ơn hai anh, chúc hai anh tiếp tục có những sáng kiến có giá trị.

*Anh Lê Hồng Dũng (Tổ trưởng lắp ráp, thợ hàn bậc 6/6, Xưởng Đường ống ngầm thuộc Xí nghiệp Xây lắp) sinh năm 1962, sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân kỹ thuật Bà Rịa chuyên ngành lắp ráp thì về công tác tại Xí nghiệp Xây lắp thuộc Viesovpetro từ năm 1984. Từ năm 2008 đến nay, anh Dũng có 8 sáng kiến có giá trị, trong đó phải kể đến các sáng kiến: “Thay thế mupta bằng mặt bích cầu xoay đường ống dẫn khí MSP9-BK3” tiết kiệm được 19 ngày tàu cẩu Hoàng Sa, tổng chi phí tiết kiệm 400.000USD; “Cải tiến quy trình hàn cục anode vào đường ống ngầm, từ quy trình hàn đồng sang quy trình hàn điện”, giúp cho công việc không phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập, tận dụng nguyên liệu có sẵn, rút ngắn thời gian thi công, tổng chi phí tiết kiệm được 50.000USD…

*Anh Nguyễn Huy Sơn (Thợ tiện bậc 6/6 - Xí nghiệp Quản lý và khai thác các công trình khí, tốt nghiệp nghề sửa chữa lọc hóa dầu ở Tiệp Khắc năm 1985. Từ năm 1989 về công tác ở Vietsovpetro, từ năm 2002 đến nay có trên 10 sáng kiến được công nhận. “Trước đây cứ 3 đến 6 tháng thì hỏng một cái, kèm theo vô số phụ kiện cần thay, khoảng mười mấy ngàn đô một bộ, mỗi máy bơm có 3 cái như thế. Chúng tôi đưa ra phương án không vứt những cái piston bị hỏng mà chế máy mài lắp trên máy tiện, mài piston nhỏ hơn đường kính cũ là 0,15ml, hạ vòng đệm.... đồng đều với khe hở theo thiết kế. Sau khi sử dụng phương án này trong khoảng 3 năm chúng tôi không nhập thêm piston mới, tiết kiệm rất nhiều chi phí trong sản xuất”, anh Sơn cho biết thêm về một sáng kiến gần đây.


Thiên Thanh (thực hiện)

DMCA.com Protection Status