Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5):

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Khoa học công nghệ có vai trò mở đường, tạo đột phá

07:05 | 15/05/2025

224 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong hành trình 50 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ, người lao động Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) không ngừng tìm tòi, sáng tạo và khẳng định vai trò của khoa học - công nghệ như một trụ cột chiến lược phát triển bền vững.

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam) cho biết, ngay từ những ngày đầu, tư duy “khoa học vì sản xuất” đã được đặt ra như một định hướng cốt lõi trong Petrovietnam. Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) - đơn vị nghiên cứu đầu ngành - được thành lập trước cả Petrovietnam. Từ năm 1992, khi đảm nhiệm vai trò người đứng đầu của Petrovietnam, ông Hồ Sĩ Thoảng đã có những biện pháp thúc đẩy việc giao nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể từ các đơn vị sản xuất cho VPI. “Nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ yêu cầu của sản xuất, bởi đây là khoa học của doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Khoa học công nghệ có vai trò mở đường, tạo đột phá
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng cho biết, Petrovietnam cần tiếp tục đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học, không chỉ dưới góc độ kỹ thuật mà cả về tổ chức, cơ chế và con người.

Với tư duy làm nghiên cứu này, Petrovietnam đã tạo điều kiện thuận lợi để VPI gắn kết hơn với các đơn vị sản xuất kinh doanh mà trước hết là Liên doanh Vietsovpetro trong đề xuất, chọn lọc và thực hiện các đề tài nghiên cứu phục vụ cho hoạt động thực tiễn, giải quyết những bài toán thiết thực như tối ưu vận hành, tăng năng suất, đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí. Từ khi mới thành lập, Vietsovpetro đã có Viện nghiên cứu riêng phục vụ hoạt động của mình. Tuy vậy, việc liên kết giữa Vietsovpetro và VPI đã nâng tầm vóc, hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ của Liên doanh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn vị khác cũng đã tổ chức công tác nghiên cứu bằng nhiều phương thức và mức độ khác nhau. Điển hình như Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) là đơn vị đã tổ chức công tác nghiên cứu khoa học rất kịp thời để đáp ứng nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. PVCFC đã sớm thành lập trung tâm nghiên cứu khoa học, gắn chặt nghiên cứu với sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới và nhiều sáng kiến giá trị cao, trở thành một mô hình hiệu quả điển hình trong Tập đoàn.

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Khoa học công nghệ có vai trò mở đường, tạo đột phá
Những thành tựu khoa học công nghệ của Petrovietnam và Vietsovpetro đã làm nên công trình có ý nghĩa lịch sử là tìm kiếm, khai thác thành công dầu từ tầng đá móng mỏ Bạch Hổ.

Hay tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, lực lượng khoa học công nghệ tại các xưởng sản xuất đã chủ động nghiên cứu giải quyết những vấn đề xuất hiện trong vận hành và bảo dưỡng để tối ưu hóa các quá trình công nghệ, nâng cao hiệu quả chung của Nhà máy, đem lại lợi ích to lớn. Cùng với sự hỗ trợ thêm bởi lực lượng nghiên cứu chuyên sâu, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ còn cao hơn nữa trong thời gian tới.

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng đánh giá, Petrovietnam đã xác lập được định hướng nghiên cứu khoa học đúng đắn, tức là xuất phát từ nhu cầu nội tại của doanh nghiệp. Sự gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa khối sản xuất và nghiên cứu đã giúp dần hình thành nên một mô hình khoa học đặc thù - vừa có tính ứng dụng, vừa nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp. Tuy vậy, tốc độ triển khai cần phải được đẩy mạnh và đồng bộ trong toàn hệ thống. Một số đơn vị đã chủ động xây dựng trung tâm nghiên cứu riêng, nhưng chưa hình thành được hệ sinh thái khoa học - đổi mới sáng tạo có tính liên kết mạnh mẽ trong toàn Tập đoàn. Hiện vẫn còn vướng một số quy định trong các cơ chế của Nhà nước cản trở việc xúc tiến hoạt động khoa học công nghệ trong xí nghiệp nhà nước.

Bước vào giai đoạn chuyển dịch năng lượng, thách thức lớn nhất của thế kỷ 21 đối với ngành công nghiệp - năng lượng, vai trò của khoa học công nghệ đã trở nên thực sự then chốt. Petrovietnam đã sớm quan tâm tới các lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi, hydrogen, nhiên liệu sinh học, điện hạt nhân... Trong đó, điện gió ngoài khơi được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng, do Tập đoàn có thế mạnh về hạ tầng và kinh nghiệm triển khai các công trình biển. Tuy nhiên, GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng cũng lưu ý rằng không nên quá vội vàng, bởi các công nghệ mới luôn tiềm ẩn nhiều mặt trái. “Không nên mạo hiểm mà phải thận trọng từng bước”, ông chia sẻ.

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Khoa học công nghệ có vai trò mở đường, tạo đột phá
PTSC xuất khẩu chân đế điện gió ngoài khơi cho khách hàng.

50 năm qua, Petrovietnam đã chuyển mình từ một đơn vị tìm dầu sơ khai thành một Tập đoàn có mặt trên toàn bộ chuỗi giá trị từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến chế biến, phân phối và dịch vụ kỹ thuật cao. Trong suốt quá trình ấy, khoa học công nghệ - dù có lúc âm thầm nhưng chưa bao giờ mất đi vai trò nền tảng.

Theo GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, để phát triển bền vững trong giai đoạn tới, Petrovietnam cần tiếp tục đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học, không chỉ dưới góc độ kỹ thuật mà cả về tổ chức, cơ chế và con người. Muốn trở thành một tập đoàn công nghiệp - năng lượng đẳng cấp quốc tế, thì nghiên cứu khoa học phải giữ vai trò dẫn dắt, mở đường, tạo đột phá. Tư duy này phải được quán triệt từ cấp lãnh đạo cho đến đội ngũ kỹ thuật trực tiếp - nơi mỗi người lao động không chỉ là người vận hành, mà còn là người cải tiến, người sáng tạo.

Lê Trúc

DMCA.com Protection Status