Doanh nghiệp nhà nước

Hai vai hai trách nhiệm - khó thay!

07:00 | 30/05/2019

1,760 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Vừa phải ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải bảo đảm hiệu quả kinh doanh là điều rất khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay, bởi hai yếu tố đó khó có thể cùng song hành. Thông thường, khi thực hiện nhiệm vụ chính trị, DNNN phải hy sinh lợi nhuận, thậm chí chấp nhận thua lỗ...     

Có thể khẳng định, DNNN ở Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. DNNN bao gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, giữ những vị trí trọng yếu trong nền kinh tế như: ngân hàng, năng lượng, cơ khí, xây dựng, hóa chất…, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế cũng như trong đời sống, an sinh của nhân dân. DNNN đang có vai trò quan trọng, không thể chia sẻ, không thể thay thế trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị về quốc phòng, an ninh quốc gia.

hai vai hai trach nhiem kho thay
DNNN mong muốn được tháo gỡ những vướng mắc để tự chủ hơn trong kinh doanh

Với vai trò quan trọng, ở những vị trí trọng yếu, DNNN thường xuyên phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị, để bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường, giá cả, bảo đảm an sinh xã hội…

Một lãnh đạo DNNN chia sẻ, DNNN hiểu rất rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, với một DN kinh doanh trong cơ chế thị trường, thì việc phân định rõ ràng hai yếu tố nhiệm vụ chính trị và hoạt động kinh doanh là rất cần thiết. Cần phải xác định rõ: Bao nhiêu phần trăm do Nhà nước điều tiết để thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội, còn bao nhiêu phần trăm DN có quyền kinh doanh theo cơ chế thị trường, để DN có cơ sở thực hiện.

“Chúng tôi muốn có cơ chế, con đường, hành lang pháp lý để hoạt động. Cứ nhập nhằng giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và hoạt động kinh doanh, trong khi đó lại luôn cứ căn cứ vào hiệu quả kinh tế, lợi nhuận của DN để đánh giá thì rất khó cho DNNN”, lãnh đạo một DNNN chia sẻ.

Một DNNN trong lĩnh vực năng lượng cho hay, nếu đã coi DNNN là “thương nhân” thì cần rạch ròi giữa hoạt động kinh doanh và nhiệm vụ chính trị của DNNN. Còn hiện nay, trong khi DNNN phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ chính trị, nếu chỉ lấy lợi nhuận để soi xét hiệu quả hoạt động thì sự đánh giá đó không thật sự khách quan và công bằng. Bởi nhiều trường hợp, DNNN biết lỗ nhưng vẫn phải bán sản phẩm, dịch vụ, cung ứng đủ sản phẩm, dịch vụ cho thị trường theo sự chỉ đạo của các bộ, ngành nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị như bình ổn thị trường, bảo đảm an ninh năng lượng…

Ngoài ra, bảo toàn và phát triển vốn cũng là một vấn đề vô cùng khó khăn mà các DNNN đang phải tuân thủ. Lãnh đạo một DNNN bức xúc: “Pháp luật cho chúng tôi làm 10 công việc, nếu cuối năm DN có tổng lợi nhuận cao hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng tức là đã bảo toàn và phát triển vốn. Vì sao yêu cầu từng việc riêng đều phải có lãi? Kinh doanh theo cơ chế thị trường mà yêu cầu cái gì cũng phải có lãi là phi thực tế, điều đó đang “trói tay trói chân” các DNNN”. Đây cũng là điều các DNNN mong muốn được tháo gỡ để thật sự “dám nghĩ, dám làm”, tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Để tạo môi trường thuận lợi cho các DN phát triển, trong những năm qua, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo, thúc đẩy kiến tạo môi trường kinh doanh, đồng hành cùng DN, coi thành công của DN cũng là thành công của Chính phủ và đặt ra yêu cầu tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong cải cách hành chính, hỗ trợ tối đa cho DN. Nhiều bộ, ngành cũng đã vào cuộc quyết liệt, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn của DN. Nhờ đó, môi trường kinh doanh có chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều rào cản, vướng mắc trên con đường phát triển của DN cần được tiếp tục tháo gỡ.

Thủ tục hành chính còn nhiêu khê, trùng lắp, hệ thống pháp luật chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, là một rào cản rất lớn mà rất nhiều DN đang phải đối mặt, nhiều khi vượt qua vô cùng khó khăn.

Một DN trong lĩnh vực bất động sản cho biết, tình trạng sợ trách nhiệm, sợ sai, không rõ “vai” của cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến đùn đẩy, chuyển lòng vòng, không nêu rõ chính kiến… khá phổ biến trong thực thi nhiệm vụ của bộ máy công quyền. Nhiều việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng cản trở rất lớn hoạt động của DN, vì mỗi khâu, mỗi công đoạn đều phải chờ phê duyệt kéo dài, khiến DN mất thời cơ, thậm chí thua lỗ do chôn vốn, phát sinh chi phí.

Để DN nói chung, DNNN nói riêng phát triển, PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, cần xác định vị trí, vai trò của khu vực kinh tế nhà nước, DNNN trong mối quan hệ với khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, khu vực kinh tế nhà nước, bao gồm cả các DNNN, giữ vai trò nền tảng, là “bệ đỡ” để nền kinh tế phát triển bền vững; khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, có vai trò đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, khu vực kinh tế tư nhân luôn có ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh doanh và là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Đối với DNNN, chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa hiện nay là một động thái tích cực của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNN tự chủ hơn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, huy động mọi nguồn lực của xã hội để mở rộng quy mô cũng như tận dụng mọi thời cơ để vươn ra biển lớn. Đây cũng là giải pháp để khắc phục những yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN hiện nay.

“Tôi cho rằng, không nên sử dụng các DNNN như là một lực lượng để can thiệp vào nền kinh tế, can thiệp vào thị trường, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi vì, quy định nhiệm vụ này vi phạm tính bình đẳng, tạo điều kiện cho cạnh tranh thiếu lành mạnh trong nền kinh tế. Thực tế phát triển kinh tế của nhiều nước đi trước cho thấy, khu vực kinh tế nhà nước luôn có vai trò tiên phong, tạo dựng nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, các DNNN phải được duy trì ở một tỷ lệ nhất định, thật sự cần thiết và tuân theo “luật chơi” của thị trường” - PGS.TS Nguyễn Chí Hải nhận định.

Thực tế phát triển kinh tế của nhiều nước đi trước cho thấy, khu vực kinh tế nhà nước luôn có vai trò tiên phong, tạo dựng nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, các DNNN phải được duy trì ở một tỷ lệ nhất định, thật sự cần thiết và tuân theo “luật chơi” của thị trường.

Mai Phương

DMCA.com Protection Status