Hành trình chinh phục cột mốc 250 triệu tấn dầu

19:24 | 20/05/2024

11,477 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Vào lúc 18 giờ 18 phút ngày 15/5/2024, Liên doanh Vietsovpetro đón mừng một sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của mình: khai thác thành công tấn dầu thứ 250 triệu. Đây là thành quả to lớn, công lao đóng góp của nhiều thế hệ người lao động Vietsovpetro trong suốt gần 43 năm qua; và cũng là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua, điểm lại những cột mốc đáng tự hào cũng như định hướng cho một hành trình tương lai đang đến.

Từ mong ước của lãnh tụ đến khát vọng của ngành Dầu khí

Vào ngày 23/7/1959, trong chuyến thăm khu công nghiệp dầu khí tại Bacu, thủ đô dầu mỏ của Liên Xô lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “…Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu…". Câu nói mộc mạc, chân thành nhưng thể hiện mong ước cháy bỏng của Người về tương lai nền công nghiệp dầu khí Việt Nam. Mong ước ấy đã trở thành khát vọng của nhiều thế hệ những người làm công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên mọi miền đất nước…

Hành trình chinh phục cột mốc 250 triệu tấn dầu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu công nghiệp dầu khí tại Bacu

Ngày 27/11/1961, Đoàn thăm dò dầu lửa 36 trực thuộc Tổng cục Địa chất được thành lập. Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở miền Bắc được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ mặc dù điều kiện còn hết sức khó khăn và thiếu thốn khi đất nước đang trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Công tác khoan sâu tìm kiếm thăm dò dầu khí bắt đầu từ năm 1970 với giếng khoan thông số 100 tại Tiên Hưng (Thái Bình) đạt độ sâu kỷ lục lúc bấy giờ là 3.303m. Tháng 3/1975, giếng khoan 61 ở cấu tạo Tiền Hải C đã lần đầu tiên phát hiện dòng khí lẫn condensate công nghiệp từ cát kết thuộc hệ tầng Tiên Hưng.

Sau khi đất nước thống nhất, ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập. Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí trên cả nước bắt đầu được đẩy mạnh: Ở miền Bắc, công tác thăm dò và thẩm lượng các cấu tạo tiềm năng trên Bồn trũng Sông Hồng vẫn tiếp tuc. Ở miền Nam, sau ngày thống nhất đất nước, các cán bộ kỹ thuật đã nhanh chóng tiếp cận, nghiên cứu tài liệu địa chất, kết quả các giếng thăm dò đã thực hiện trước 1975 với những lưu ý đặc biệt về phát hiện ở cấu tạo Dừa ở Bồn trũng Nam Côn Sơn và cấu tạo Bạch Hổ ở Bồn trũng Cửu Long.

Giai đoạn 1978-1980, Petrovietnam đã ký hợp đồng chia sản phẩm với các công ty Bow Valley (Canada), Deminex (Cộng hòa Liên bang Đức) và AGIP (Italy). Đã tiến hành khoan 12 giếng tìm kiếm thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Nam Việt Nam - Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã được triển khai tích cực và rộng khắp trên cả nước. Đến cuối năm 1980, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả 3 công ty nói trên đều rút khỏi Việt Nam.

Như vậy, sau hơn 20 năm thực hiện mong ước của Người, đất nước phải vượt qua muôn vàn khó khăn, chắt chiu từng đồng để làm dầu khí, kết quả cũng chỉ mới dừng lại ở những phát hiện dầu khí nhỏ. Mong ước của Bác và cũng là khát vọng của ngành Dầu khí vẫn còn dang dở,...

Khai thác tấn dầu đầu tiên nhưng bao nỗi lo và trăn trở vẫn còn

Trong bối cảnh ngành công nghiệp Dầu khí vẫn chưa có bước phát triển đột phá, Đảng và Nhà nước đã quyết định hợp tác toàn diện với Liên Xô. Theo đó, vào tháng 7 năm 1980, hai Nhà nước đã ký kết Hiệp định hợp tác Việt-Xô về thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam.

Tiếp theo, vào ngày 19/06/1981, Hiệp định Liên Chính phủ giữa Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được ký kết, đánh dấu sự ra đời của Vietsovpetro - Người điều hành công tác tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí lớn nhất trên lãnh thổ Việt Nam cho đến hiện nay.

Triển khai Hiệp định, hai Phía đã khẩn trương tiến hành các công tác chuẩn bị để ngày 19/11/1981 Vietsovpetro chính thức đi vào hoạt động, bắt đầu nghiên cứu tài liệu địa chất, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Nam Việt Nam. Cuối năm 1983, giếng thăm dò đầu tiên, giếng BH-5 được bắt đầu khoan và giữa năm 1984 đã phát hiện dòng dầu công nghiệp từ Miocen dưới mỏ Bạch Hổ.

Hành trình chinh phục cột mốc 250 triệu tấn dầu
Ngày 24/5/1984, Tàu Mikhain Mirchin phát hiện dòng dầu công nghiệp tại giếng BH-5, mỏ Bạch Hổ

Song song với công tác thăm dò, Vietsovpetro đã xây dựng các công trình công nghệ phục vụ khai thác, thu gom, vận chuyển và xử lý sản phẩm dầu khí để 2 năm sau đó, ngày 26/6/1986 dòng dầu đầu tiên từ thềm lục địa Việt Nam được khai thác, chính thức mở ra ngành công nghiệp mới của đất nước - công nghiệp khai thác dầu khí.

Để có được tấn dầu đầu tiên, tập thể Lao động Quốc tế Vietsovpetro đã thực hiện thành công hàng loạt các công việc "đầu tiên": Lần đầu tiên, xây dựng thành công một tổ hợp công nghệ, một giàn khoan - khai thác cố định trên Biển Đông (MSP-1), lần đầu tiên khoan, hoàn thiện thành công giếng khai thác dầu khí từ giàn cố định và lần đầu tiên đã tổ chức khai thác, thu gom, xử lý và vận chuyển thành công dầu thô tại thềm lục địa Việt Nam.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 5 năm, những người làm công tác dầu khí ở Vietsovpetro đã biến những tấn dầu trong "sách vở", trong tư duy tưởng tượng của các nhà địa chất thành những tấn dầu hiện thực, từ trong lòng đất, đưa lên hệ thống công nghệ để thu gom, vận chuyển, xử lý thành những tấn dầu thương phẩm, xuất bán và mang về những đồng ngoại tệ quý giá cho đất nước.

Niềm vui vỡ òa, lan tỏa từ Vũng Tàu ra khắp cả nước. Trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, quyết định tập trung nguồn lực để đầu tư cho ngành Dầu khí đã gặt hái được quả ngọt đầu tiên.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang", sau khi đưa vào khai thác, lưu lượng các giếng suy giảm rất nhanh, sản lượng toàn mỏ sụt giảm mạnh trong khoảng thời gian ngắn trong khi chúng ta đã đầu tư tài chính khá lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống công trình biển… Không khí buồn bã, thất vọng xen lẫn hoài nghi bao trùm từ Vũng Tàu đến Hà Nội và sang tận Moskva. Tương lai của Vietsovpetro đang đặt trước một dấu hỏi lớn.

Bao nhiêu nỗi lo, trăn trở vẫn còn đó.

Dầu chúng ta khai thác lúc bấy giờ là từ tầng sản phẩm 23-2, thuộc phức hệ Miocen dưới, là thân dầu được đánh giá tốt nhất lúc đó. Nhưng với lưu lượng như vậy thì đến bao giờ mới có được triệu tấn dầu đầu tiên ?! Chẳng lẽ tài nguyên chúng ta chỉ có vậy?! Vietsovpetro sẽ đi về đâu?!

Bao câu hỏi được đặt ra…

Và khó khăn, thử thách lại đặt trên vai những người địa chất thăm dò dầu khí của Vietsovpetro trong việc tìm thêm những thân dầu mới…

Phát hiện dầu từ đá Móng – Điều kỳ diệu đã đến và đường lớn đã mở

Bắt đầu từ việc cương quyết bảo vệ luận điểm khoan giếng BH-4 ở phía bắc mỏ Bạch Hổ, với chiều sâu thiết kế đến 3.500 mét, qua bề mặt “móng âm học" đến 400 mét (được dự báo ở chiều sâu 3.100 m). Kết quả đã mở ra 9 tập vỉa cát kết chứa dầu thuộc Oligocen với tổng lưu lượng dầu khi thử vỉa đạt trên 900 m3/ngày.

Từ kết quả tốt ở giếng khoan BH-4, để tiếp tục thăm dò các vỉa chứa dầu bên dưới tập sét D, ở khối Trung tâm mỏ Bạch Hổ đã khoan đồng thời 2 giếng khoan BH-3 và BH-1 với độ sâu thiết kế được hiệu chỉnh gia tăng theo kết quả giếng khoan BH-4, qua bề mặt “móng âm học" từ 100 đến 300 mét. Trên thực tế, sau khi khoan qua bề mặt “móng âm học" và tập sét D, các giếng này không mở ra các tập cát chứa dầu ở Oligocen mà lại bắt gặp đá móng với các biểu hiện chứa dầu khí. Trong đó giếng BH-1 có biểu hiện rất rõ ràng (mất dung dịch, trong mẫu đá có nứt nẻ, phát quang,…), nhưng thử vỉa lại không thành công.

Không bỏ cuộc, vào đầu năm 1987 đã tiến hành khoan giếng BH-6 tại khu vực Yên ngựa, giữa 2 khối nâng phía bắc và trung tâm (khu vực MSP-9 hiện nay). Khi khoan qua mặt móng, giếng khoan đã liên tục mất dung dịch và kết quả thử vỉa vào ngày 11 tháng 5 năm 1987 đã cho dòng dầu tự phun không lẫn nước với lưu lượng gần 500 m3/ngày.

Sau khi nhận được kết quả từ giếng BH-6, Vietsovpetro đã quyết định sửa giếng và gọi dòng lại tầng móng giếng BH-1. Thành công mỹ mãn đã đến vào sáng ngày 6/9/1988: trong quá trình rửa giếng ở đoạn cuối thì dòng dầu lên mạnh, áp suất đầu giếng khoảng 110 at., lưu lượng không đo được nhưng ước tính có thể lên đến 2.000 tấn/ ngày. Giếng khoan lập tức được đưa vào khai thác.

Như vậy, ngày 11/5/1987 là ngày phát hiện ra dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ và ngày 6/9/1988 là ngày tấn dầu đầu tiên được khai thác từ thân dầu này!

Hành trình chinh phục cột mốc 250 triệu tấn dầu
Người lao động Vietsovpetro

Ngày đó, những người lạc quan nhất cũng không ngờ rằng chúng ta đã phát hiện ra thân dầu lớn nhất Việt Nam, đặc biệt hiếm có trên thế giới với lượng dầu tại chỗ đạt trên 500 triệu tấn, với sản lượng cao nhất đạt tới 12 triệu tấn/năm.

Hàng loạt sự kiện xảy ra về sau đã khẳng định việc phát hiện và đưa vào khai thác thành công thân dầu trong đá móng nứt nẻ trước Đệ Tam ở mỏ Bạch Hổ đã làm thay đổi quan điểm truyền thống về đối tượng tìm kiếm, thăm dò dầu khí, mở ra hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí mới, vô cùng quan trọng ở bể Cửu Long nói riêng và ở thềm lục địa Việt Nam nói chung, đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí thế giới.

Sự kiện này cũng đã tạo bước ngoặt lịch sử cho ngành Dầu khí Việt Nam. Có thể nói, nếu không có (hoặc chúng ta chưa phát hiện) thân dầu này thì quy mô và tầm vóc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khó mà có được như ngày hôm nay.

Riêng đối với Vietsovpetro, thân dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ xuất hiện như điều kỳ diệu của thiên nhiên trao tặng, mở ra con đường lớn, giúp cho Vietsovpetro sống lại và vươn lên tầm cao mới, chinh phục hàng loạt các cột mốc sản lượng khai thác cộng dồn: 1 triệu tấn vào năm 1988, 10 triệu tấn vào năm 1992, 50 triệu tấn vào năm 1997, 100 triệu tấn vào năm 2001, 150 triệu tấn vào năm 2005 và đến năm 2012 đã đạt cột mốc 200 triệu tấn.

Tấn dầu thứ 250 triệu đến sớm – Định hướng phù hợp trong giai đoạn mới

Khi đạt được 200 triệu tấn dầu vào năm 2012 cũng là lúc các mỏ dầu ở lô 09-1 đi vào giai đoạn suy giảm mạnh. Do đó, một câu hỏi đặt ra là bao giờ Vietsovpetro sẽ khai thác được tấn dầu thứ 250 triệu!? Và chúng ta phải làm gì để sớm đạt được con số trên!?

Theo dự báo dài hạn từ các mô hình mô phỏng đã được phê duyệt trong Kế hoạch phát triển mỏ cập nhật, phải đến gần năm 2027 sản lượng cộng dồn tất cả các mỏ của Vietsovpetro mới đạt được con số 250 triệu tấn. Dự báo bằng phương pháp tương tự có lạc quan hơn: để đạt được 50 triệu tấn dầu tiếp theo, cần đến 14 năm. Nghĩa là đến khoảng 2026 chúng ta mới có tấn dầu thứ 250 triệu!

Hành trình chinh phục cột mốc 250 triệu tấn dầu
Khai thác dầu ở mở Bạch Hổ

Với nhận định các thân dầu đang khai thác đã đi vào giai đoạn suy kiệt, sản lượng suy giảm nhanh. Để duy trì sản lượng hướng tới cột mốc 250 triệu tấn, bên cạnh việc khai thác hiệu quả các vỉa dầu, thân dầu đã được xác minh bằng cách duy trì hoạt động ổn định hệ thống công nghệ và đẩy mạnh khoan đan dày, gia tăng quỹ giếng, một trong những giải pháp quan trọng đã được Vietsovpetro đẩy mạnh trong giai đoạn này là tăng cường công tác tận thăm dò, thăm dò mở rộng các khu vực tiềm năng thuộc lô 09-1 và các lô khác.

Số liệu thực tế cho thấy, ngoài việc duy trì khai thác ổn định quỹ giếng cũ, trong giai đoạn từ 2012 đến hết năm 2023, Vietsovpetro đã tiến hành khoan 93 giếng khoan đan dày, khoan cắt thân 78 giếng vào các đối tượng cũ. Vietsovpetro cũng đã tiến hành thu nổ mới trên 4.000 km2 tài liệu địa chấn 3D, đặc biệt trong đó có gần 900 km2 địa chấn 3D4C ở lô 09-1; đã tiến hành khoan 86 giếng thăm dò – thẩm lượng, một con số kỷ lục nếu so sánh với tổng số giếng khoan thăm dò của Vietsovpetro trong 42 năm là 135 giếng.

Với kết quả tận thăm dò và thăm dò mở rộng kể trên đã tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động 18 giàn đầu giếng, khoan trên 130 giếng khai thác từ các khu vực mới với kết quả sản lượng bổ sung lên đến 500 ngàn tấn mỗi năm.

Sản lượng bổ sung hàng năm kể trên đã góp phần đáng kể duy trì ổn định khai thác, giúp tấn dầu thứ 250 triệu đã về đích sớm gần 2 năm! - Kết quả từ định hướng đúng và nỗ lực vượt bậc của tập thể Vietsovpetro trong điều kiện mới, khi các mỏ dầu đã đi vào giai đoạn suy kiệt, sản lượng suy giảm nhanh.

Bao giờ sẽ có tấn dầu thứ 300 triệu?

Trong quá trình chinh phục cột mốc 250 triệu tấn dầu, Vietsovpetro đã xây dựng vững chắc bốn trụ cột của nền công nghiệp thăm dò và khai thác dầu khí. Đó là: nghiên cứu địa chất; xây dựng công trình; xây dựng giếng khoan và vận hành khai thác mỏ.

Nền tảng cho bốn trụ cột kể trên là hệ thống cơ sở vật chất trên bờ, hệ thống công nghệ và các công trình trên biển, là lực lượng đội ngũ lao động có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm và giàu nhiệt huyết, làm bệ phóng cho Vietsovpetro chinh phục những đỉnh cao mới trong tương lai.

Nhưng để có thể khai thác được tấn dầu thứ 300 triệu, vẫn còn đó những câu hỏi đang còn bỏ ngỏ.

Hành trình chinh phục cột mốc 250 triệu tấn dầu
Khai thác dầu ở mở Bạch Hổ.

Thứ nhất, theo dự báo, 8 mỏ dầu mà Vietsovpetro đang và sẽ khai thác gồm Bạch Hổ, Rồng, Nam Rồng – Đồi Mồi, Thỏ Trắng, Gấu Trắng, Cá Tầm, Kinh Ngư Trắng và Kình Ngư Trắng Nam, có trữ lượng thu hồi còn lại khoảng 40 đến 45 triệu tấn, không đủ cho cột mốc 300 triệu tấn!

Thứ hai, giả sử trữ lượng thu hồi còn lại của các mỏ là đủ 50 triệu tấn, với sản lượng hiện tại của Vietsovpetro xấp xỉ 3 triệu tấn/năm, hàng năm suy giảm từ 80 đến 100 ngàn tấn thì phải đến 30 năm nữa mới đến cột mốc 300 triệu! Để giảm xuống còn 20 năm, mức suy giảm sản lượng hàng năm phải đưa về con số trên dưới 50 ngàn tấn.

Như vậy để đạt được con số 300 triệu tấn với thời gian sớm nhất Vietsovpetro vừa phải duy trì tốt các mỏ đang khai thác vừa bắt buộc phải tìm thêm nguồn trữ lượng mới và nhanh chóng đưa chúng vào khai thác. Định hướng này đã được phân tích rất kỹ trong Hội nghị Chiến lược tại Đà Nẵng vào cuối năm 2022. Theo đó, trong thời gian sắp tới Vietsovpetro sẽ cần thực hiện tốt 05 nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, đảm bảo khai thác tối ưu, giảm nhịp độ suy giảm sản lượng các mỏ hiện có. Hai là, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp tăng cường khai thác. Ba là, thực hiện tốt công tác nghiên cứu, lựa chọn và ứng dụng các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu. Bốn là, tiếp tục công tác nghiên cứu, đánh giá tiềm năng còn lại làm cơ sở cho việc tiếp tục công tác tận thăm dò các lô hợp đồng hiện có. Năm là, tăng cường việc mở rộng vùng hoạt động ra các lô dầu khí tiềm năng khác.

Tất cả đều đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc - như một lẽ thường của cuộc sống, khi đứng trước cột mốc mới, thử thách mới.

Lịch sử hơn 40 năm xây dựng và phát triển của Vietsovpetro cũng như chặng đường khai thác 250 triệu tấn dầu vừa qua đã không ít hơn một lần chứng minh rằng, với những ai giữ vững nghị lực và niềm tin rồi có lúc cuộc đời sẽ đền đáp, lòng đất sẽ cho nhiều trái ngọt!

[VIDEO] Vietsovpetro đạt mốc khai thác 250 triệu tấn dầu[VIDEO] Vietsovpetro đạt mốc khai thác 250 triệu tấn dầu
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam gửi thư chúc mừng Vietsovpetro đạt mốc khai thác 250 triệu tấn dầuChủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam gửi thư chúc mừng Vietsovpetro đạt mốc khai thác 250 triệu tấn dầu
Trọn vẹn niềm tinTrọn vẹn niềm tin
Vietsovpetro phát huy hiệu quả nguồn nhân lực thích ứng xu hướng chuyển dịch năng lượngVietsovpetro phát huy hiệu quả nguồn nhân lực thích ứng xu hướng chuyển dịch năng lượng

Phạm Xuân Sơn - Đào Nguyên Hưng

DMCA.com Protection Status