Hoàn chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp cho hoạt động tận khai thác dầu khí

14:13 | 01/11/2021

3,006 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu khí đang dần suy giảm, một trong những nhiệm vụ đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là tăng cường các giải pháp nhằm tối đa tận thu tài nguyên tại các lô/mỏ.

Phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở nước ta đều được đưa vào khai thác trong giai đoạn từ 1986-2015. Nhiều mỏ đóng góp sản lượng lớn đều đã khai thác được 15 - 35 năm, đang ở giai đoạn cuối đời mỏ. Độ ngập nước trung bình của các mỏ này hiện đã ở mức 50 - 90% dẫn đến sản lượng suy giảm tự nhiên khoảng 15 - 25%/năm.

Trong khi đó, do hạn chế về cơ chế chính sách nên hoạt động tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng giảm nhiều so với trước. Nguồn bổ sung vào khai thác hằng năm cũng hạn chế, tất yếu dẫn đến đà suy giảm sản lượng. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, ký kết các hợp đồng dầu khí mới, Petrovietnam đã tập trung tăng cường các giải pháp nhằm tối đa việc tận khai thác dầu khí tại các lô/mỏ hiện hữu.

4327-02-hoat-dong-khai-thac-tren-mo-song-doc
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Sông Đốc

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tối đa tận thu tài nguyên, Petrovietnam đang gặp nhiều khó khăn về mặt cơ sở pháp lý. Luật Dầu khí hiện hành chưa có quy định phù hợp cho hoạt động tận khai thác dầu khí sau khi nhà thầu chuyển giao tài sản và hoạt động khai thác cho Việt Nam vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí hoặc chấm dứt sớm hợp đồng vì lý do kinh tế.

Hiện tại, một số lô/diện tích hết hạn hợp đồng hoặc chấm dứt sớm được giao cho Petrovietnam điều hành để tận thu tài nguyên như các Lô 01&02, Lô 01/97&02/97, mỏ Sông Đốc (Lô 46/13). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam đã tiếp quản và duy trì hoạt động khai thác tại các lô/diện tích này nhưng chưa có khung pháp lý phù hợp để đạt được mục tiêu tối đa tận thu tài nguyên.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, các mỏ tận thu chủ yếu vận hành theo cơ chế thực thanh, thực chi, toàn bộ phần thu được từ hoạt động khai thác sau khi trừ đi các chi phí vận hành, quản lý sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước. Do đó, cần có một cơ chế phù hợp được luật hóa để doanh nghiệp nhà nước tiếp nhận các dự án tận khai thác một cách nhanh chóng, tránh tình trạng phải chờ đợi khung pháp lý sau khi tiếp nhận như thời gian vừa qua.

Việc duy trì hoạt động dầu khí trong điều kiện thiếu khung pháp lý chính thức dẫn đến hoạt động khai thác luôn trong tình trạng thụ động, không tận dụng được những lợi thế của thị trường do không xác định được một cách cụ thể về khoảng thời gian duy trì hoạt động, không những ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động khai thác, còn tiềm ẩn phức tạp pháp lý phát sinh.

Ngoài ra, để tối đa việc thu lại nguồn tài nguyên dầu khí cho đất nước, cũng cần phải có điều kiện, cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư bổ sung nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR) hoặc hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ, cận biên.

Trong thực tế, tại một số lô/mỏ, Nhà thầu đã có các phát hiện dầu khí với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, để có thể phát triển, khai thác dầu khí tại các phát hiện này cần phải có các điều kiện ưu đãi hơn đã được quy định trong các hợp đồng dầu khí hiện hữu. Với các quy định hiện tại, Nhà thầu đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải đưa ra quyết định cho các trường hợp này. Như vậy, nếu không có các ưu đãi phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc duy trì hoạt động dầu khí.

Trong bản góp ý về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Petrovietnam đã kiến nghị bổ sung khung pháp lý cho việc tiếp nhận và quản lý tài sản từ các nhà thầu của Petrovietnam (không phải là tài sản của Tập đoàn, mà Tập đoàn quản lý tài sản thay cho Chính phủ). Theo đó, cần bổ sung các nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý (thực hiện theo hợp đồng dầu khí hay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách áp dụng, đặc biệt các điều kiện kinh tế - thương mại để có đủ điều kiện thực hiện hoạt động dầu khí, cơ chế quyết toán chi phí và thu hồi chi phí…). Đồng thời, đề nghị bổ sung một số cơ chế, ưu đãi hơn cho một số trường hợp mỏ nhỏ, cận biên để tận thu tài nguyên và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Trong những năm qua, ngành Dầu khí luôn có đóng góp quan trọng vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần giữ vững ổn định nền kinh tế đồng thời gắn liền với chiến lược phát triển đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn hồi phục sau đại dịch Covid-19, việc đảm bảo kết quả sản xuất kinh doanh của Petrovietnam là rất quan trọng. Việc hoàn thiện khung pháp lý sẽ tạo đột phá cho sự phát triển của ngành Dầu khí, để Petrovietnam tiếp tục đóng góp vào sự phát triển và ổn định nền kinh tế Việt Nam.

Thu dọn các mỏ đã ngừng hoạt động là vô cùng cấp thiết và tốn kém (Phần 2)Thu dọn các mỏ đã ngừng hoạt động là vô cùng cấp thiết và tốn kém (Phần 2)
Thu dọn các mỏ đã ngừng hoạt động là vô cùng cấp thiết và tốn kém (Phần 1)Thu dọn các mỏ đã ngừng hoạt động là vô cùng cấp thiết và tốn kém (Phần 1)
Tuổi trẻ PVEP đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)Tuổi trẻ PVEP đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Giải bài toán sản lượng khai thác Dầu khíGiải bài toán sản lượng khai thác Dầu khí
Petrovietnam tích cực đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)Petrovietnam tích cực đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

P.V

DMCA.com Protection Status