Petrovietnam tích cực đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Kể từ khi ra đời năm 1993, Luật Dầu khí đã có sứ mệnh, vai trò rất quan trọng mang tính quyết định đến các hoạt động của Petrovietnam (trước đây là Tổng cục Dầu khí), đặc biệt trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí - lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn. Trong suốt những năm qua, Petrovietnam thực hiện vai trò là Công ty Dầu khí Quốc gia thay mặt Nhà nước Việt Nam ký kết hợp đồng và quản lý điều hành các hoạt động dầu khí trên biển. Thông qua đó, lớp lớp thế hệ những người lao động Dầu khí đã góp phần xây dựng và phát triển Petrovietnam có quy mô, bề dày, tiềm lực như ngày nay.
Trong quá trình phát triển, môi trường kinh doanh, pháp lý, đặc biệt môi trường tự nhiên để Petrovietnam hoạt động cũng như phát sinh các hoạt động khác cần điều chỉnh, trong đó Luật Dầu khí với rất nhiều thay đổi và cũng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2000 và 2008. Hiện nay, nhiều quy định trong pháp luật dầu khí không còn phù hợp, chồng chéo hoặc không rõ ràng, có những khoảng trống giữa các văn bản luật hoặc quy định của các văn bản luật chưa đủ để điều chỉnh các thực tế phát sinh… dẫn đến yêu cầu cấp thiết phải chuẩn hóa, sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí.
Hoạt động khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ |
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật dầu khí và đối tượng điều chỉnh/áp dụng của Luật này không chỉ riêng Petrovietnam mà bao gồm tất cả các cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư, nhà thầu tham gia hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam. Để cập nhật cũng như điều chỉnh cho những hoạt động trong lĩnh vực Dầu khí phù hợp với điều kiện kinh doanh, môi trường tự nhiên, môi trường pháp lý, môi trường đầu tư mới, Petrovietnam đã rất tích cực đề xuất, nghiên cứu đánh giá cùng với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ và trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa Luật trong nhiệm kỳ khóa XV.
Vừa qua, ngày 23/9/2021, Bộ Công Thương có Công văn số 5839/BCT-DKT gửi xin ý kiến các cơ quan, Bộ ngành, các đơn vị về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và Dự thảo Tờ trình Chính phủ. Thể hiện trách nhiệm, tình cảm, mong muốn, khát vọng của người lao động Dầu khí trong việc xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững, phát huy cao nhất tinh thần, trách nhiệm trong quá trình nghiên cứu, đánh giá và góp ý đối với Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Đến nay, Tập đoàn đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến đánh giá, đóng góp của các đơn vị thành viên, đối tác, nhà thầu dầu khí, cùng cá nhân, tổ chức trong Tập đoàn như: Hội Dầu khí Việt Nam, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam…
Lãnh đạo Petrovietnam chủ trì buổi tọa đàm trực tuyến đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các nhà thầu dầu khí |
Tại các hội thảo, cơ bản các nội dung trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến tập trung vào các nội dung, nhóm chính sách quan trọng trong Dự thảo như: Hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; Quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; Quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí; Quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; Quy định việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của Ngành Dầu khí... Các điểm mới sửa đổi, các điểm nổi bật trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện.
Các đại biểu tham gia các diễn đàn hội thảo với nhiều cá nhân là lãnh đạo Tập đoàn qua các thời kỳ, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia về các lĩnh vực về dầu khí cũng như các đoàn viên thanh niên dầu khí, những người lao động trực tiếp tại các dự án, công trình Dầu khí đã tích cực trao đổi, thảo luận, đưa ra các thắc mắc về các điểm trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), cũng như cho ý kiến đối với các nội dung chưa hợp lý, cần phải bổ sung để hoàn thiện, tạo cơ sở, hành lang pháp lý, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Các chuyên gia tại Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng cần phải làm rõ quá trình đầu tư dự án về dầu khí tại Việt Nam. Trong quá trình thực thi có sự xung đột với các luật khác, phải lấy Luật Dầu khí làm quy chuẩn thực hiện cũng như cần có chính sách khuyến khích tốt hơn nữa về thuế để tăng cường thăm dò khai thác dầu khí, có đủ trữ lượng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia...
PVEP phát động cuộc thi Tìm hiểu Luật Dầu khí và Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) |
Việc áp dụng Luật Dầu khí hiện nay đối với doanh nghiệp trong nước như PVEP và doanh nghiệp, nhà thầu nước ngoài đều có những khó khăn khác nhau, dẫn chứng như các thủ tục về đầu tư có rất nhiều vấn đề cần phải được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Khi lấy ý kiến đóng góp tại các đơn vị trực tiếp tham gia vào các hoạt động dầu khí đã phát sinh nhiều vấn đề mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật hoặc quy định chưa phù hợp cũng được trao đổi cho ý kiến. Tại diễn đàn “Tìm hiểu, lấy ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)” do Đoàn Thanh niên Tập đoàn tổ chức, nhiều ý kiến của các đoàn viên thanh niên cho rằng Luật Dầu khí hiện tại chỉ quy định giới hạn hoạt động dầu khí ở các khâu tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, đối với các hoạt động khác như vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu, hoặc liên quan đến công tác mua sắm vật tư thiết bị, thuê dịch vụ phục vụ các hoạt động trên… hầu như không được đề cập, hoặc quy định chưa rõ ràng. Cần có hướng dẫn chi tiết hơn đối với hoạt động dầu khí tại tất cả các khâu, hoạt động, nhằm tăng tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Tại PTSC, nhiều ý kiến cho rằng Luật Dầu khí hiện hành đang thiếu các quy định bảo hộ dịch vụ dầu khí trong nước, cần ưu tiên sử dụng dịch vụ trong nước đối với các dự án dầu khí.
Ngoài ra, một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác và một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các luật khác có liên quan cũng được các đại biểu trao đổi, thảo luận, gửi ý kiến để Tổ biên soạn của Bộ Công Thương xem xét tổng hợp ý kiến để đưa vào Dự thảo hoặc có kiến nghị sửa đổi.
Đến nay, khẳng định việc sửa đổi, hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) là căn cứ pháp lý rất quan trọng để triển khai và điều hành các hoạt động dầu khí, nhất là trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ngày một phù hợp với thực tiễn hơn. Nhấn mạnh Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp trong Tập đoàn, lãnh đạo Tập đoàn kêu gọi các tập thể, cá nhân, từng người lao động trong các đơn vị thành viên trong toàn Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua, từ đó tạo cơ sở, hành lang pháp lý thuận lợi, hiệu quả cho các hoạt động dầu khí.
Theo dự kiến, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và trình Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
H.A
-
ĐBQH Lê Mạnh Hùng tiếp công dân định kỳ quý IV năm 2024 tại tỉnh Cà Mau
-
Tổng Bí thư Đảng Phong trào Cánh tả Thống nhất Cộng hòa Dominica làm việc với Petrovietnam
-
Ban QLDA Chuyên ngành Điện Petrovietnam: Sứ mệnh tiên phong trong công nghiệp năng lượng
-
Phân bón Cà Mau: “Một đội ngũ - Một mục tiêu” kiến tạo nền tảng bền vững