Học Bác Hồ là học cách yêu công việc, yêu cuộc sống

06:36 | 08/10/2019

2,806 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Kỹ sư DCS/ESD Nguyễn Hữu Tùng (Xưởng Đo lường - Tự động hóa, Nhà máy Đạm Phú Mỹ) quan niệm rằng, học và làm theo Bác Hồ không phải là hô hào những điều to tát mà là học cách Người yêu công việc, yêu cuộc sống.    

Từ nhỏ, kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng (sinh năm 1979) đã đọc rất nhiều câu chuyện về Bác Hồ, khiến anh kính ngưỡng Bác, xem Bác như một tấm gương lớn để noi theo. Sau này lớn lên, có dịp đến những địa danh mà Bác đã từng đặt chân đến, nơi Bác từng sống và làm việc, anh càng có những hình dung cụ thể và rõ nét hơn về Bác.

hoc bac ho la hoc cach yeu cong viec yeu cuoc song
Kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018

Cách đây 3 năm, từ khi Đảng ủy Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Đảng ủy Nhà máy Đạm Phú Mỹ triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng không những có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về Bác mà còn thật sự học và làm theo Bác ở những việc rất cụ thể.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng kể, ngày trước, anh ít khi đặt ra mục tiêu, kế hoạch cụ thể cho công việc của mình, nhất là những việc nhỏ, ngắn hạn. Nhưng suốt 3 năm qua, anh đã thay đổi hoàn toàn điều đó. Tất cả công việc lớn, nhỏ đều được anh đưa vào kế hoạch với các mức độ ưu tiên phù hợp để luôn bảo đảm hoàn thành công việc đúng tiến độ và chất lượng.

Kế đến, từ việc học theo phong cách, tư duy của Bác cộng với bản tính tò mò của mình, kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng liên tục đặt ra câu hỏi và tìm cách trả lời để đưa ra bản chất, tính logic của sự vật, hiện tượng. Nhờ đó, anh luôn là người chủ động giải quyết vấn đề để tối ưu hóa hiện trạng thiết bị thay vì đợi đến khi có hỏng hóc, sự cố mới tiến hành sửa chữa. Đối với những công việc mang tính lặp lại như làm báo cáo, anh cũng tìm ra và áp dụng các kỹ thuật, xây dựng công cụ để tự động hóa các công việc nhằm giảm thiểu sai sót và lãng phí thời gian...

Trong công tác đào tạo nội bộ cũng vậy, từ khi học và làm theo Bác, kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng đã có những thay đổi rõ rệt. Trước đây, anh thực hành theo mô hình đào tạo theo kiểu hướng dẫn viên truyền đạt kiến thức qua các slide trình chiếu, còn học viên ghi chép rồi sau đó thực hành những gì đã học. Phương pháp này vừa có lý thuyết vừa thực hành nên mọi người tiếp thu và làm được. Nhưng chỉ khoảng nửa năm sau, mọi người bắt đầu quên dần, lý do là vì cách học của họ bị động.

Sau đó, anh Tùng đã nghiên cứu chuyển sang mô hình đào tạo chủ động: Hướng dẫn viên giao chuyên đề để học viên tự tìm hiểu, nghiên cứu, tổng hợp, sau đó trình bày và đưa ra giải pháp. Như vậy, học viên sẽ phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo, trách nhiệm, hợp tác và tự tăng cường các kỹ năng mềm hỗ trợ. Chính vì mọi thứ do tự thân vận động, chủ động tìm hiểu, làm ra nên mọi người nhớ rất lâu.

Về khía cạnh cuộc sống, kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng quan niệm rằng, học và làm theo Bác không có nghĩa là hô khẩu hiệu với những điều to tát mà học Bác là học thái độ sống rất cụ thể. Đó là lối sống lành mạnh, cân bằng, có nhiều niềm vui giản dị trong cuộc sống để luôn có thể nhìn thấy những khía cạnh nên thơ của cuộc đời; là học cách Người yêu thương ngọn núi, dòng sông, yêu cành cây, ngọn cỏ để dung dưỡng cho vẻ đẹp tâm hồn... Đó là những bài học mang đến cho mỗi con người tình yêu với cuộc sống.

Như bản thân anh Tùng ngày trước rất ngại đọc sách, thích lướt web và xem phim để giải trí. Nhưng thói quen ấy đã thay đổi, giờ đây, anh dành thời gian rảnh cho việc đọc và nghiên cứu. Nhà máy cũng đã thành lập thư viện sách với đa dạng chủ đề từ kỹ thuật đến xã hội, tạo điều kiện tốt hơn cho anh cũng như các CBNV trau dồi kiến thức chuyên môn và xã hội.

“Đối với thói quen thể dục thể thao cũng vậy, lúc trước tôi chơi tennis nhưng cũng chỉ chơi khi có bạn rủ hay dịp nào đó. Gần đây, khi Tổng công ty phát động phong trào chạy bộ, tôi đã tham gia nhiệt tình và đặt ra mục tiêu số kilômét chạy hằng tuần. Nếu có thời gian thì tôi đạp xe, bơi lội. Tuy không quá chú trọng về thành tích nhưng bây giờ tôi đều có kế hoạch thể thao hằng tuần. Không những vậy, tôi còn vận động gia đình, vợ con tham gia”, Nguyễn Hữu Tùng chia sẻ.

Không gian sống ở nhà anh bây giờ cũng nên thơ hơn với những mảng xanh của hoa cỏ. Anh kể, thay vì cuối tuần nào cũng tụ tập bạn bè trong nhà máy uống cà phê, tán gẫu, bây giờ anh dành nhiều thời gian để trồng, chăm sóc hoa, hay tự mình pha ly cà phê, ngồi bên khu vườn nhỏ và đọc những quyển sách yêu thích.

Đặc biệt, anh Tùng đang học và thực hành theo lối sống giản dị của Bác, cũng như phong cách sống tối giản trong một quyển sách của Nhật mà anh đang đọc. Trước đây, anh có thói quen mua đồ dùng theo sở thích nhưng có nhiều món đồ mua về không dùng hoặc dùng một lần rồi thôi. Đó là sự lãng phí và vô tình biến nhà mình thành một cái kho. Bây giờ, anh đang tập cách suy nghĩ và thực hành “cái gì là quan trọng nhất” và “cách buông bỏ” những thứ không cần thiết. Hai điều này không chỉ giúp anh tiết kiệm mà còn giúp ngôi nhà trở nên gọn gàng, đơn giản và sạch sẽ, tinh tế hơn.

Sự giản dị còn được anh Tùng áp dụng trong cả cách chơi hoa. Thường thì người ta hay chọn chơi những cây đắt tiền, có tiếng, nhưng anh thì quan niệm trồng cây là để cuộc sống mình hòa với thiên nhiên, để nuôi dưỡng tâm hồn chứ không phải là nơi để trưng trổ, khoe khoang. Vì thế, anh chọn chơi những cây hoa thuộc dạng phổ biến, dễ chăm sóc và nhanh lớn. Chỉ cần thế là đã mang lại cho anh cảm giác thú vị rồi.

Không những thế, bài học về sự giản dị cũng đã thấm nhuần trong cách anh ăn mặc, trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Điều khiến anh cảm thấy mình thành công nhất chính là truyền được cảm hứng về sự giản dị đó đến các con, từ chuyện mua điện thoại, đôi giày sao cho phù hợp nhất với lứa tuổi, với nhu cầu. Rất vui là các con anh đã hưởng ứng nhiệt tình.

Nói về kết quả sau 3 năm học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng “khoe” rằng, mặc dù rất khó để thực hiện và hoàn thành hết các mục tiêu đề ra nhưng bản thân anh đã có nhiều thay đổi tích cực. Anh thấy tự tin, yêu công việc hơn, thực hiện được nhiều kế hoạch hơn, cuộc sống tinh thần tốt hơn, yêu đời hơn và trưởng thành hơn.

Cũng xin kể thêm rằng, trong năm 2018, khi sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05, kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng đã được Đảng ủy Nhà máy Đạm Phú Mỹ biểu dương và đây cũng là năm anh vinh dự nhận được Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Đó là sự trùng hợp nhưng không hề ngẫu nhiên bởi đó chính là “quả ngọt” từ những nỗ lực học tập và làm việc theo Bác một cách khoa học, nghiêm túc.

L.Trúc

DMCA.com Protection Status