Hợp đồng Dầu khí

16:19 | 03/12/2014

12,623 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong sản xuất kinh doanh, bất kể doanh nghiệp nào cũng phải ký các hợp đồng với nhiều đối tác để thực hiện việc: mua bán lắp đặt máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm v.v...

Trong một chuỗi dài của ngành công nghiệp dầu khí từ việc Tìm kiếm thăm dò (TKTD) khai thác dầu khí, rồi chưng cất dầu thô để được các sản phẩm nhiên liệu, nguyên liệu cho công nghệ hóa dầu, đến việc vận chuyển, tàng trữ và phân phối sản phẩm… phải kể đến hàng nghìn dạng hợp đồng khác nhau. Mặc dù hình thức hợp đồng phong phú như vậy, công nghiệp dầu khí thế giới dựa vào bản chất nội dung, đã chia ra làm 2 nhóm hợp đồng:

  1. Hợp đồng dầu khí (Petroleum Contract) liên quan đến hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, hay còn gọi là hợp đồng khâu thượng nguồn (upstream);
  2. Hợp đồng liên quan đến các hoạt động chế biến, hóa dầu, vận chuyển, tàng trữ phân phối sản phẩm thuộc khâu hạ nguồn (downstream) và khâu trung nguồn (midstream).

Hợp đồng nhóm (a) nằm trong phạm trù hợp đồng có “rủi ro cao” khó kiểm soát được. Trong các tính toán quyết định người ta phải dùng đến lý thuyết sác suất. Hợp đồng nhóm (b) nằm trong phạm trù hợp đồng chắc chắn. Cấu trúc nội dung tương tự như các hợp đồng của các ngành công nghiệp khác dầu khí. Vì vậy, từ đây về sau, khi nói đến “hợp đồng dầu khí” (HĐDK - Petroleum Contract) tức là đề cập đến hợp đồng đặc thù liên quan tới hoạt động khâu thượng nguồn. Dưới đây ta đi sâu tìm hiểu kỹ về bản chất của HĐDK.

Bất kỳ một quốc gia nào có tài nguyên dầu khí hoặc hy vọng có tài nguyên dầu khí, nhưng không có vốn, công nghệ và con người để tự thực hiện hoạt động TKTD rồi tiến tới khai thác, thì họ phải kêu gọi các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư. Quốc gia chủ tài nguyên ủy quyền cho một tổ chức, thường là công ty dầu khí quốc gia, ký HĐDK với một công ty hoặc tổ hợp nhiều công ty dầu khí nước ngoài gọi chung là “nhà thầu” (Contractor). Nhà thầu sau khi ký hợp đồng, được độc quyền tiến hành các hoạt động dầu khí trong một diện tích xác định được thỏa thuận. Nước chủ nhà cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài và có hỗ trợ cần thiết để nhà thầu thực hiện tốt, có hiệu quả hoạt động TKTD.

hop dong dau khi

Nhà thầu cam kết nghĩa vụ cung cấp đủ vốn, kỹ thuật công nghệ và chuyên gia để tiến hành hoạt động TKTD, khai thác. Nếu phát hiện trữ lượng dầu khí có giá trị thương mại thì nhà thầu tiến hành đầu tư tiếp theo để khai thác trữ lượng dầu khí đó. Nhà thầu được quyền thu hồi, từ phần dầu khí khai thác được, các chi phí/vốn đã bỏ ra và được nước chủ nhà trả công xứng đáng cho việc ứng vốn, cung cấp công nghệ, chuyên gia, kỹ thuật viên và đào tạo nhân lực địa phương. Ngược lại, nếu trong thời gian thỏa thuận theo HĐDK, hoạt động TKTD không phát hiện trữ lượng dầu khí có giá trị thương mại thì nhà thầu tự chịu rủi ro, tức là bị mất toàn bộ số vốn đã bỏ ra cho hoạt động TKTD mà không được thu hồi.

Nội dung nêu trên đây thể hiện đặc thù cơ bản của HĐDK mang tính rủi ro cao cho người đầu tư/nhà thầu là các công ty dầu khí.

1. CÁC HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG DẦU KHÍ CHÍNH TRÊN THẾ GIỚI

  1. Hợp đồng Đặc nhượng (Concession Contract)

Lần đầu tiên dầu thô được đại tá Edwin Drake phát hiện năm 1859 tại giếng khoan sâu 21m tại Oil Creek, Titusville-Pensylvania (Mỹ), mở đầu cho sự ra đời của nền công nghiệp dầu khí hiện đại. Tuy nhiên, thế kỷ XIX là thế kỷ của máy hơi nước, chưa phát hiện ra động cơ đốt trong, do vậy việc sử dụng dầu khí chưa được nhiều. Năm 1905, Michelin lần đầu tiên đưa công nghệ săm lốp dùng hơi, cho bánh xe ô-tô và cùng với sự phát triển mạnh mẽ của động cơ đốt trong, đặc biệt là sau thế chiến thứ nhất 1914-1918, nhu cầu xăng, diesel, dầu mỡ tăng nhanh. Người ta ngày một chú trọng đến việc khai thác dầu khí làm nhiên liệu. Đến giữa thế kỷ XX, việc sử dụng sản phẩm chế biến dầu khí đã chiếm một tỷ lệ lớn trong cán cân năng lượng, khẳng định nhân loại bước vào thời đại dầu khí.

Tuy nhiên, cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, trên thế giới còn đầy rẫy quan hệ thực dân-thuộc địa, do vậy các nước thuộc địa có tài nguyên dầu khí bị thực dân khai thác bóc lột mà không hề được đấu tranh đòi quyền lợi. Sau thế chiến thứ hai nhiều nước giành được độc lập, quan hệ giữa chủ tài nguyên dầu khí và công ty đi TKTD, khai thác có thay đổi. Hình thức HĐDK đầu tiên thể hiện dưới dạng “Hợp đồng Đặc nhượng” (Concession) hoặc còn gọi là “Hợp đồng Tô nhượng”.

Nội dung cơ bản của hợp đồng dưới hình thức này là: Nước chủ nhà hầu như không can thiệp vào các quyết định của nhà thầu. Gần như chủ nhà “khoán trắng” phó mặc cho nhà thầu hoạt động trên diện tích hợp đồng đã thỏa thuận cho “tô nhượng”. Nhà thầu được quyền tự do đưa ra các quyết định về kinh tế, kĩ thuật-công nghệ liên quan đến hoạt động dầu khí trong diện tích “đặc nhượng”. Nhà thầu báo cáo cho nước chủ nhà/chủ tài nguyên thông qua hệ thống kế toán toàn bộ các khoản thu chi và lợi nhuận. Điểm giao nhận quyền lợi của các bên trong hợp đồng là miệng giếng khai thác dầu, hoặc là điểm xuất dầu từ tổng kho tàng trữ. Thu nhập của nước chủ tài nguyên gồm 2 khoản chính là: (1) thuế tài nguyên (royalty) hay còn gọi là thuế “khoáng nghiệp nhượng tô”, bằng 12,5% tổng sản lượng dầu khai thác được; (2) thuế lợi tức (income tax) bằng 45% lợi nhuận (tổng thu nhập trừ đi thuế tài nguyên và tổng các chi phí). Toàn bộ phần còn lại thuộc về nhà thầu.

  1. Hợp đồng chia sản phẩm (Production Sharing Contract-PSC)

Ngày 17/8/1945, Indonesia giành được độc lập từ đế quốc Hà Lan. Năm 1957 thành lập công ty dầu khí quốc gia PERTAMINA. Đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, trên thế giới, nhiều công ty dầu khí hoạt động trên cơ sở hợp đồng đặc nhượng bị nước chủ nhà quốc hữu hóa. Tuy nhiên, Indonesia cho rằng họ vẫn cần công ty nước ngoài đầu tư vốn, chất xám và kỹ thuật công nghệ, nếu quốc hữu hóa thì chưa đủ khả năng làm chủ. Vì vậy năm 1967, PERTAMINA đã sáng kiến đưa ra hình thức Hợp đồng chia sản phẩm (PSC). Hợp đồng dạng này, khắc phục được khiếm khuyết của hợp đồng đặc nhượng, đảm bảo chủ quyền quốc gia là kiểm soát hoạt động của các công ty dầu khí. Vì thế, ngay sau khi xuất hiện, nhiều nước trên thế giới đã đón nhận áp dụng hình thức PSC này. Nội dung cơ bản của PSC Indonesia như sau:

  • Hợp đồng dầu khí được kiý bởi một bên là PERTAMINA, công ty dầu khí quốc gia của Indonesia- nước chủ tài nguyên, được chính phủ ủy quyền và một bên khác là nhà thầu. Hợp đồng sau khi ký được Chính phủ phê chuẩn.
  • Nhà thầu có thể là một công ty hoặc nhiều công ty dầu khí thành lập một tổ hợp nhà thầu. Tổ hợp tiến cử một công ty (gọi là người điều hành-Operator), thay mặt và chịu trách nhiệm cho tổ hợp đối với nước chủ nhà, điều hành hoạt động dầu khí theo hợp đồng. Nhà thầu đơn phương chịu rủi ro trong hoạt động TKTD, có nghĩa là nhà thầu chỉ được thu hồi các chi phí đã bỏ ra và được trả/thưởng công nếu phát hiện dầu khí có giá trị thương mại trong hợp đồng.
  • Nhà thầu cam kết cung cấp tài chính, kỹ thuật - công nghệ, chuyên gia và chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác điều hành các hoạt động dầu khí.
  • Khi có sản xuất, hàng năm nhà thầu được trích một phần (khỏang 40%) sản lượng dầu khai thác được, dùng để thu hồi dần dần cho đến khi thu hồi hết toàn bộ các khoản chi phí liên quan đến hoạt động TKTD, khai thác dầu khí tại lô/hợp đồng.
  • Phần dầu còn lại gọi là dầu lãi được chia cho nước chủ nhà và nhà thầu theo tỉ lệ thỏa thuận, thường là từ 60/40 đến 75/25 theo các mức thang sản lượng tăng dần.
  • Nước chủ nhà thông qua Công ty dầu khí quốc gia, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, chính sách đối với người đầu tư nước ngoài và có hỗ trợ cần thiết để Nhà thầu thực hiện tốt, có hiệu quả, hoạt động TKTD.
  • Để điều phối và để thực hiện quyền giám sát hoạt động dầu khí của nước chủ nhà đối với nhà thầu, hai bên ký hợp đồng cử số đại diện ngang nhau tham gia trong Ban quản lý Hợp đồng.

  1. Hợp đồng Liên doanh (Joint Venture Contract)

Khi nước chủ tài nguyên có vốn và có một số lực lượng cán bộ kỹ thuật, quản lý, thì họ có thể áp dụng HĐDK dưới hình thức liên doanh. Nội dung cơ bản của hợp đồng dưới hình thức này là:

  • HĐDK được ký bởi một bên là Công ty Dầu khí Quốc gia nước chủ tài nguyên, được Chính phủ ủy quyền và một bên kia là nhà thầu. Hợp đồng sau khi ký, được Chính phủ phê chuẩn
  • Nhà thầu chính là “Công ty Liên doanh”, được thành lập bởi công ty dầu khí của nước chủ nhà và một hoặc nhiều công ty dầu khí nước ngoài, theo tỉ lệ vốn góp thỏa thuận. Công ty Liên doanh có tư cách pháp nhân đăng ký tại nước chủ nhà.
  • Công ty Liên doanh tiến hành hoạt động TKTD, khai thác theo HĐDK ký với chủ tài nguyên, có thể là dưới dạng hợp đồng đặc nhượng hoặc hợp đồng chia sản phẩm. Các bên nhà thầu (các bên của công ty liên doanh) được thu hồi toàn bộ chi phí đã bỏ ra; được chia lợi nhuận theo tỉ lệ góp vốn, sau khi thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với nước chủ nhà.
  1. Hợp đồng dịch vụ (Service Contract)

Sau cuộc khủng hoảng năng lượng dầu khí lần đầu tiên trên thế giới năm 1972-1974, giá dầu thô tăng gấp 5 lần, từ hơn 2 USD/thùng lên hơn 10 USD/thùng (“barrel” ~159 lít). Các nước chủ tài nguyên trở thành có vị thế hơn các nước tiêu thụ dầu khí và các công ty hoạt động khai thác dầu khí.

Trước tình thế mới, nhiều nước chủ tài nguyên yêu cầu sửa điều kiện kinh tế trong HĐDK đã ký theo hướng có lợi cho mình. Iraq là quốc gia khai thác dầu với sản lượng lớn cung cấp cho thế giới, đã ban hành “Luật dầu khí của Iraq” (Petroleum Acts of Iraq). Thực ra, đó là tập hợp một số hợp đồng điển hình mà Iraq ký dưới dạng hợp đồng dịch vụ (Service Contract), nhằm giảm thiểu lợi nhuận của công ty dầu quốc tế.

Theo ý tưởng này, Iraq không ký hợp đồng đặc nhượng hoặc hợp đồng chia sản phẩm như trước nữa. Nhà thầu ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho TKTD, khai thác dầu khí. Nội dung chính của hợp đồng dịch vụ như sau:

  • Nhà thầu vẫn tự chịu rủi ro cho tìm kiếm thăm dò.
  • Nhà thầu điều hành toàn bộ hoạt động dầu khí dưới sự giám sát của nước chủ nhà thông qua công ty dầu khí quốc gia của Iraq (INOC-Iraq National Oil Company)
  • Nhà thầu cam kết cung cấp đủ tài chính, kỹ thuật công nghệ và nhân lực cho việc thực hiện hợp đồng.
  • Nhà thầu vì gánh chịu rủi ro nên được thu hồi 300% vốn (chi phí) tìm kiếm thăm dò, được thu hồi vốn (chi phí) phát triển và khai thác mỏ ngang với lãi suất ngân hàng và được “thưởng công” cho việc cung cấp dịch vụ, bằng quyền ưu tiên được mua tới 50% sản lượng dầu khai thác với giá chiết khấu 5% - 10% so với giá thị trường.

Dạng hợp đồng này có cơ chế khống chế lợi nhuận của nhà thầu, kiểu như “lãi định mức”, vì vậy không hấp dẫn đối với công ty hoạt động dầu khí khâu thượng nguồn. Thông thường, công ty dầu muốn cơ chế “chịu rủi ro lớn, thì được hưởng lợi nhuận lớn” theo đúng bản chất rủi ro của hoạt động khâu thượng nguồn. Mấy năm sau đó, tình hình phát triển kinh tế thế giới dần dần đi vào ổn định nên các hợp đồng dịch vụ kiểu Iraq không được tiếp tục thực hiện.

2. HỢP ĐỒNG DẦU KHÍ VIỆT NAM

  1. Trước giải phóng Miền Nam 1975

Bước đi của ngành dầu khí Việt Nam mang nặng dấu ấn lịch sử. Giai đoạn 1961-1975 ta tự đầu tư bằng ngân sách nhà nước cho công tác TKTD dầu khí, thông qua một tổ chức đơn vị chuyên ngành thuộc Tổng cục Địa chất, với sự trợ giúp của chuyên gia Liên-xô (cũ). Hoạt động dầu khí mang nặng tính chất “điều tra cơ bản” trong nền kinh tế khép kín “tự cung tự cấp” nên chưa có quan hệ của một hợp đồng dầu khí. Hoạt động TKTD chủ yếu trên vùng đông nam châu thổ Sông Hồng với một số giếng khoan có chiều sâu khiêm tốn vài trăm mét tới 1200m. Có một giếng khoan thông số duy nhất, mang tên GK-100 đạt chiều sâu 3303m thi công từ 23/9/1970 đến 05/12/1971 tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Trước năm 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã ký các hợp đồng “đặc nhượng”(concession), thông qua 2 đợt gọi thầu. Đợt 1 với 4 công ty là: Esso, Mobil Oil, Pecten, Sunningdale. Đợt 2 ký 9 lô với 4 tổ hợp là: Pecten-Broken Hill (Úc), Mobil-Kaiyo Oil (Nhật), Marathon-Sun-Amerada Hess, Canadian Oil& Gas-Conzinc Rio Tinto (Úc).

Nội dung chủ yếu của hợp đồng là: Thời gian TKTD 5 năm và có thể gia hạn 5 năm. Trong vòng 2 năm đầu phải bắt đầu khoan giếng TKTD. Nếu có dầu, thời hạn khai thác là 30 năm và được gia hạn 10 năm. Nhà thầu cam kết giành một khoản tiền cho đào tạo để khi khai thác thì sử dụng lao động Việt Nam gồm 90% công nhân và 60% nhân viên điều hành. Khi ký hợp đồng nhà thầu phải nộp một khoản tiền vài triệu USD “hoa hồng chữ ký” cho nước chủ nhà. Nhà thầu nộp 2 loại thuế: Thuế nhượng tô (Royalty) 12,5% và thuế lợi tức 45%-55%.

Dựa vào kết quả tổng hợp khảo sát địa vật lý khu vực và chi tiết, cuối năm 1974 đến 30/4/1975 công ty Pecten đã khoan 4 giếng (Hồng-1X, Dừa-1X, Dừa-2X, Mía-1X) và công ty Mobil khoan 2 giếng (Bạch Hổ-1X và Đại Hùng-1X). Kết quả thử vỉa đã có lưu lượng dầu khí ở giếng Dừa-1X, có lưu lượng giá trị thương mại ở giếng Bạch Hổ-1X. Các giếng khác có gặp dấu vết dầu khí hoặc dừng khoan sớm do giải phóng Miền Nam 30/4/1975. Tuy nhiên, kết quả của 6 giếng khoan đã khẳng định sự tồn tại dầu khí của các bể trầm tích khu vực thềm lục địa phía Nam.

  1. Giai đoạn 1975 - 1980

Ngay sau khi mới giải phóng, ngày 20/7/1975, Bộ chính trị họp lần thứ nhất tại Sài Gòn đã xác định đường lối phát triển ngành Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, trong đó vạch ra chính sách hợp tác với nước ngoài (quy định những nguyên tắc cơ bản về lựa chọn đối tượng, hình thức hợp tác và địa bàn hợp tác). Nội dung hội nghị này được tổng kết thành Nghị quyết số 244-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 9/8/1975. Đây là văn bản đầu tiên về triển khai hoạt động dầu khí trên cả nước gồm đất liền, thềm lục địa, đã cho phương hướng hợp tác đa phương với nước ngoài (công ty tư bản), trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam lúc đó nặng bao cấp và tự cung tự cấp.

Ngày 3/9/1975 Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (TCDK), một tổ chức nhà nước đầu tiên quản lý thống nhất trong cả nước một ngành kinh tế kỹ thuật, được thành lập. Để tránh việc một cơ quan quản lý nhà nước ký hợp đồng với các công ty nước ngoài, ngày 9/9/1977, chính phủ đã quyết định thành lập Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (Petrovietnam), một công ty dầu khí quốc gia, trực thuộc TCDK.

Thực hiện Nghị quyết 244-NQ/TW về hợp tác dầu khí với phương Tây, trong năm 1976, TCDK đã tiếp xúc vòng đầu với 17 công ty dầu khí nhà nước: Pháp, Anh, Úc, Canada, Mehico, Italia, Nauy, Nhật bản…để chọn đối tác. Do cấm vận nên các công ty Mỹ chưa vào tiếp xúc. Chọn đối tác đã phức tạp thì việc chọn hình thức hợp đồng lúc đó cũng là một vấn đề rất nan giải. Rất ít người hiểu hệ thống quản trị và cách thức đánh giá các tiêu chí kinh tế của tư bản. Nghị quyết 244 đã loại bỏ áp dụng hình thức hợp đồng “đặc nhượng”, như vậy ta còn 2 hình thức hợp đồng: “dịch vụ” và “chia sản phẩm” để lựa chọn.

Sau cuộc khủng hoảng dầu khí thế giới 1972-1974, các nước chủ tài nguyên ở thế thượng phong, do vậy chuyên gia Iraq khuyên ta áp dụng hình thức “hợp đồng dịch vụ” để có cơ chế giảm thiểu lợi nhuận của công ty dầu khí. Trong khi chuyên gia TCDK cho rằng tiềm năng của ta chưa rõ, chưa có khai thác dầu, cơ sở vật chất nghèo nàn. Hệ thống luật pháp còn đơn giản, chưa đồng bộ. Nhìn chung môi trường đầu tư của ta kém hấp dẫn hơn các nước. Ở Trung đông, đã có truyền thống sản xuất dầu khí, rủi ro ít, hạ tầng cơ sở hoàn thiện… Do vậy, ta chọn áp dụng hình thức hợp đồng “Chia sản phẩm” là phù hợp.

Cuối cùng chính phủ quyết định giải pháp trung gian, dung hòa là chọn áp dụng hình thức hợp đồng hỗn hợp giữa “Chia Sản phẩm” và “Dịch vụ”. Ngày 4/4/1978; ngày 18/4/1978; ngày 2/9/1978 lần lượt 3 hợp đồng dầu khí đã được Petrovietnam ký với công ty Deminex (CHLB Đức), Agip (Italia) và Bow Valley (Canada). Ba nhà thầu này đã hoàn thành cam kết tối thiểu theo hợp đồng cho 3 năm hợp đồng đầu tiên. Năm 1981, thế lực thù địch quốc tế bao vây kinh tế, cô lập ta nhiều hơn (sau vụ ta giải phóng Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng). Với áp lực như vậy, mặc dù kết quả tìm kiếm thăm dò cho thấy triển vọng dầu khí rất khả quan nhưng cả 3 nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng.

Nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí Việt Nam như sau:

  • Nhà thầu tự chịu rủi ro cho tìm kiếm thăm dò.
  • Nhà thầu điều hành toàn bộ hoạt động dầu khí dưới sự giám sát của nước chủ nhà, ủy quyền cho công ty dầu khí quốc gia là Petrovietnam.
  • Nhà thầu cam kết cung cấp đủ tài chính, kỹ thuật công nghệ và nhân lực cho việc thực hiện hợp đồng.
  • Nhà thầu được quyền thu hồi vốn (chi phí) tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác ngang với lãi suất Libor + X% và được “thưởng công” bằng quyền được mua tới 50% sản lượng dầu khai thác với giá chiết khấu 5%-10% so với giá thị trường.

Riêng hợp đồng với công ty Bow Valley thì nhà thầu được chia một tỷ lệ % sản lượng dầu sau khi trừ đi phần dầu thu hồi chi phí.

  1. Giai đoạn 1981-1988

Khi các công ty phương Tây chuẩn bị rút khỏi Việt Nam, Chính phủ ta và Liên xô (cũ) thảo luận, ký Hiệp định Liên chính phủ về thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro) vể TKTD khai thác tại 2 lô thềm lục địa phía Nam. Nội dung cơ bản của Hiệp định thành lập xí nghiệp liên doanh như sau:

  • Vietsovpetro (VSP) được thành lập ngày 19/6/1981 là công ty liên doanh, có tư cách pháp nhân. Hai bên góp vốn ngang nhau 50/50.
  • VSP chịu trách nhiệm điều hành hoạt động dầu khí tại vùng diện tích được chỉ định, rủi ro do hai bên cùng gánh chịu
  • VSP nộp thuế tài nguyên bằng 18% sản lượng dầu khai thác cho Vietnam.
  • Hàng năm, VSP nộp thuế lợi tức bằng 40% phần dầu lãi có được, sau khi trừ phần nộp thuế tài nguyên và phần dầu được thỏa thuận giữ lại để chi phí sản xuất và đầu tư TKTD bổ sung.
  • Dầu lãi thực còn lại được chia 50/50 cho 2 Phía tham gia VSP.
  • Việt Nam được quyền thu hồi toàn bộ lượng khí đồng hành khai thác cùng với dầu mà không phải trả tiền cho VSP.

Với thời gian, nhiều nước dần dần cải thiện quan hệ với Việt Nam. Từ năm 1985, ta bắt đầu đàm phán Hợp đồng chia sản phẩm về TKTD khai thác với tổ hợp công ty Shell-Petrofina (Hà Lan-Bỉ) và Công ty Dầu khí Quốc gia của Ấn Độ (ONGC).

  1. Giai đoạn từ 1988 đến nay

Hưởng ứng Luật đầu tư nước ngoài đã được ban hành tháng 12/1987, tháng 4 và tháng 5 năm 1988 Petrovietnam kí 2 hợp đồng dầu khí, hình thức PSC với tổ hợp Shell-Petrofina và ONGC. Sau đó Petrovietnam tiếp tục đàm phán và kí nhiều PSC với các công ty dầu khí thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Nội dung của PSC về cơ bản, giống như nguyên thủy mẫu của Indonesia đã trình bày trên đây. Tuy nhiên, những điều khoản quy định về phần kinh tế của hợp đồng cần lưu ý là:

  • Nhà thầu nước ngoài hoàn toàn chịu rủi ro cho TKTD. Khi phát hiện thương mại, Petrovietnam có quyền lựa chọn tham gia 10% - 20% hợp đồng.
  • Nhà thầu được thu hồi dần dần toàn bộ các chi phí đã bỏ ra (không tính lãi) cho TKTD, phát triển mỏ và khai thác, trích từ 35% - 40% sản lượng khai thác hàng năm.
  • Phần dầu còn lại, sau khi trừ đi phần dầu để thu hồi chi phí gọi là “dầu lãi”, được chia cho Petrovietnam và Nhà thầu theo tỷ lệ từ 65/35 đến 80/20 tùy theo mức sản lượng khai thác tăng dần. Phần dầu chia cho Petrovietnam đã bao gồm thuế tài nguyên và các khoản thuế khác mà nhà thầu phải nộp theo luật của Việt Nam. Vì vậy, hàng năm phía Việt nam phải cấp cho Nhà thầu giấy xác nhận họ đã hoàn tất nghĩa vụ “tài chính” đối với nước chủ nhà. Khái quát mô hình chia quyền lợi PSC như sau:

PVN

NT

THU HỒI CHI PHÍ

Năm 1993 luật Dầu khí và sau đó là các luật thuế khác được ban hành, vì vậy hợp đồng PSC của ta cũng được điều chỉnh để phù hợp với quy định của các luật đó. Nội dung điều khoản hợp đồng quy định về quyền lợi kinh tế của các bên được sửa đổi như sau:

  • Nhà thầu nộp thuế tài nguyên cho Chính phủ Việt Nam bằng 6%-29% sản lượng dầu khai thác hàng năm.
  • Nhà thầu được trích tới 50% sản lượng dầu khai thác hàng năm để thu hồi dần dần cho đến hết toàn bộ các chi phí đã bỏ ra (không tính lãi) cho TKTD, phát triển mỏ và khai thác, bao gồm cả quỹ dự phòng cho dọn dẹp mỏ khi kết thúc khai thác.
  • Phần dầu lãi được chia cho Petrovietnam và Nhà thầu theo tỷ lệ từ 40/60 đến 20/80 tùy theo mức sản lượng khai thác tăng dần.
  • Nhà thầu nộp thuế “thu nhập doanh nghiệp” cho Chính phủ Việt Nam bằng 40% từ phần dầu lãi được chia.

Khái quát mô hình chia quyền lợi PSC Việt Nam sửa đổi như sau:

PVN

LÃI NHÀ THẦU

THUẾ TN DOANH NGHIỆP

THU HỒI CHI PHÍ

THUẾ TÀI NGUYÊN

Từ năm 1998 Petrovietnam áp dụng Hợp đồng dầu khí dưới hình thức “Công ty Liên doanh Điều hành chung” (Joint Operating Company -JOC). Theo đó Nhà thầu gồm Công ty Thăm dò Khai thác (PVEP) - chi nhánh của Petrovietnam và một hay nhiều Công ty Dầu khí nước ngoài cùng ký HĐDK với Petrovietnam dưới dạng PSC. Nhà thầu không thành lập công ty Liên doanh, cũng không thành lập tổ hợp (consortium) mà nhà thầu thành lập “Công ty Liên doanh Điều hành chung”.

  • JOC có tư cách pháp nhân Việt Nam, hoạt động không có lợi nhuận, chỉ điều hành và tiến hành các hoạt động dầu khí cho các bên nhà thầu, theo HĐDK đã ký.
  • PVEP tham gia hợp đồng ngay từ đầu, thường là 50% nhưng bên nước ngoài trong Nhà thầu vẫn chịu toàn bộ rủi ro.
  • JOC thực hiện chương trình công tác và ngân sách hàng năm do Ủy ban Quản lý (gồm số thành viên ngang nhau của Nhà thầu và Petrovietnam) thống nhất thông qua.
  • JOC phân bổ chỉ tiêu các chức danh mà các bên tham gia hợp đồng cần tiến cử vào làm việc trong JOC.

KẾT LUẬN

Theo Luật Đầu tư nước ngoài, nay là Luật Đầu tư, thì công ty, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhiều hình thức đầu tư vào Việt Nam dưới dạng: liên doanh, liên danh, hợp tác kinh doanh, BOT, BT… Tuy nhiên, Petrovietnam chỉ áp dụng hình thức đầu tư “hợp tác kinh doanh” thể hiện trong các HĐDK, dưới dạng hợp đồng PSC, JOC (biến tướng của PSC). Tuy nhiên, JOC chỉ được nhà đầu tư chấp nhận ở các lô có tiềm năng hấp dẫn. Hoạt động dầu khí rủi ro cao, đòi hỏi sự ra quyết định nhanh, linh hoạt. Với cơ chế luật pháp hiện hành thì không thể áp dụng hình thức hợp tác thành lập công ty “liên doanh” được, trừ trường hợp Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro) bây giờ là Việt - Nga được điều tiết bởi “Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam và Liên xô (cũ), bây giờ là Việt Nam – Liên bang Nga

Việc áp dụng hình thức hợp đồng dầu khí trên thế giới với nội dung có chọn lọc và sửa đổi cho phù hợp với luật pháp Việt nam và đảm bảo được tính cạnh tranh, thu hút công ty dầu khí nước ngoài đầu tư là một quá trình lao động vất vả, sáng tạo, chịu khó học hỏi của cán bộ ngành dầu khí Việt Nam.

Ths kinh tế dầu khí, Ks: Đỗ Văn Hà

DMCA.com Protection Status