Khát vọng U Minh

07:00 | 23/08/2011

75 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Với những thành tích trong quá trình công tác, Trần nhật Huy được tôn vinh là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt nam năm 2010 và được đề cử vào danh sách 50 gương mặt tiêu biểu của ngành Dầu khí Việt Nam. Và cho đến bây giờ, anh vẫn là Tổng giám đốc trẻ nhất cả nước. Câu chuyện cuộc đời anh là một bài học vô cùng quý giá cho thế hệ trẻ học tập, noi gương
Khát vọng U Minh
Khát vọng U Minh

Ấn tượng Trần Nhật Huy Giữa tiết trời oi bức của mùa Hè Đất Mũi tháng 6, chúng tôi đến Cụm Công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau để tìm gặp Trần Nhật Huy – Tổng giám đốc Công ty Khí Cà Mau, niềm tự hào của tuổi trẻ ngành Dầu khí nơi cuối trời Tổ quốc. Dưới cái nắng như thiêu như đốt, giữa những tiếng gầm rú của máy móc, chuyện về anh vẫn thường được cán bộ, công nhân viên (CBCNV) hiện đang làm việc ở đây luôn nhắc tới.

Và trong vô vàn những câu chuyện đó, chuyện anh “hóa phép” ra 3,2 triệu m3 khí để cung cấp cho Nhà máy Điện Cà Mau 1 chạy thử vẫn được xem là một “chiến tích” có một không hai ở mảnh đất này.

Chuyện kể rằng: Cuối năm 2007, đúng vào lúc Nhà máy Điện Cà Mau 1 đang cần 3,2 triệu m3 khí để chạy thử nghiệm trong 8 ngày thì giàn Talisman ở ngoài khơi lại bước vào giai đoạn cho tạm dừng việc cấp khí để bảo trì máy theo định kỳ. Theo cái lẽ thường thì khi giàn khoan dừng bơm khí, công ty khí có thể dừng việc cấp khí. Và nếu đúng như cái lẽ thường đó, nhà máy điện sẽ không đủ khí để vận hành thử. Trong khi đó, nhu cầu điện đang là vấn đề vô cùng cấp bách của cả nước. Điều này đã làm anh vô cùng trăn trở. Và rồi, vào một buổi chiều khi đang cùng anh em kỹ thuật trong công ty xuôi ngược theo các đường ống dẫn khí để kiểm tra, anh hét to: “Có đủ khí để chạy trong 8 ngày rồi”.

Câu nói của anh khiến tất cả những ai có mặt khi đó đều phải giật mình. 3,2 triệu m3 khí không phải là con số nhỏ. Tuy nhiên, trước những ánh mắt ngơ ngác của mọi người, anh đã khẳng định chắc như đinh đóng cột: Sẽ là 3,4 triệu m3 khí cung ứng cho nhà máy điện chứ không phải là 3,2 triệu m3 khí.

Lượng khí mà anh nghĩ tới lúc đó là lượng khí có thể tồn tại trong gần 400km đường ống và theo tính toán của anh thì nó lớn hơn rất nhiều so với các phép tính trước đó. Vì trong điều kiện áp suất cao, khí thực sẽ được co nén trong đường ống. Và khi tính đến hệ số nén thì sẽ cho ra khối lượng khí lý tưởng, nó còn cao hơn nhiều con số của khí thực. Và dòng khí ấy chỉ được cung cấp cho nhà máy điện khi đơn vị cung ứng đứng ra đảm bảo có đủ khí cho nhà máy điện chạy thử trong 8 ngày.

Đúng theo tính toán của anh, cách làm đó đã giúp Nhà máy Điện Cà Mau 1 chạy thử theo đúng lộ trình kỹ thuật đã được lập ra từ trước, góp phần không nhỏ đưa nhà máy vào hoạt động đúng tiến độ.

Khát vọng U Minh
Khu Khí - Điện - Đạm Cà Mau.Ảnh: Mạnh Thắng

Ấn tượng của chúng tôi về anh đã bắt đầu như thế. Nhưng cái cách mà anh nộp đơn tình nguyện xin về làm việc và gắn bó với Cụm Công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau từ năm 2007 đến nay mới thực sự gây ấn tượng mạnh trong lòng chúng tôi.

Khi được mọi người hỏi nguyên nhân nào đã đưa anh – một con người với hàng loạt sáng kiến lớn, nhỏ, mang lại lợi ích kinh tế hàng trăm tỉ đồng, với con đường quan lộ đang rộng mở lại xin về làm việc ở nơi cuối cùng của Tổ quốc, anh bảo: Quả thật bạn bè và gia đình tôi khi đó cũng khá bất ngờ với quyết định này. Người ủng hộ thì ít, người phản đối thì nhiều, vì ngày đó đường sá đi lại về Cà Mau vô cùng khó khăn, công trường thi công của cụm công nghiệp lại đặt trên một vùng sông nước, toàn là bùn lầy và kênh rạch chằng chịt nên ai nhìn cũng thấy ngán lắm. Người duy nhất ủng hộ anh khi đó là vợ anh.

Chị quê ở Phú Thọ và là bạn học với anh trong suốt 5 năm đại học. Sau khi cầm tấm bằng Kỹ sư Lọc hóa dầu, chị về làm giảng viên ở Trường cao đẳng Hóa chất Việt Trì và đến năm 2006, chị đã theo bước anh “Nam tiến” vào làm việc ở Khu Công nghiệp Bình Dương. Đến năm 2008, chuyện tình của anh chị đơm hoa kết trái – đó thật sự là một mối tình của hai con người giàu khát vọng. Và cho đến tận bây giờ, chị vẫn thường bảo anh rằng: Mình là dân kỹ thuật, lại còn trẻ, có sức khỏe thì phải đi, phải cống hiến chứ.

Anh vẫn thường hóm hỉnh bảo với mọi người: Thực sự vợ chồng mình cũng muốn được làm việc trong một môi trường mới, thử thách mới. Chúng mình là thế đấy. Khổ mãi rồi nên sướng không chịu được.

Đấy chính là gia đình của Trần Nhật Huy – gia đình của công việc và của những khát vọng trong mắt CBCNV Cụm Công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau.

Và ấn tượng đó của chúng tôi về Trần Nhật Huy càng thêm sâu đậm khi chúng tôi được gặp, được lắng nghe chuyện đời và chuyện nghiệp của anh. Ấn tượng về khát vọng được chinh phục khó khăn, thử thách và được cống hiến ẩn sâu bên trong cái vóc dáng hết sức bình dị của anh. Khát vọng đó được cấu thành từ cái chất máu lửa, cùng với tinh thần “tự giác nhập cuộc”, tự thách thức, dám nghĩ, dám làm... cộng với tinh thần ham học hỏi, tận tụy với công việc với phương châm: “Phải làm được việc chứ không phải làm để lấy danh” trong anh và để rồi thôi thúc anh nghiên cứu, học hỏi đưa ra hàng chục sáng kiến – những sáng kiến đã làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỉ đồng và làm nên “thương hiệu” của anh.

Quả thật, khi lắng nghe anh kể về quãng thời gian gần 10 năm công tác trong ngành Dầu khí của mình mới thấy hết niềm đam mê, tình yêu nghề vô hạn mà anh dành cho công việc. Điều đó khiến chúng tôi có cảm giác nguồn sống của anh chính là được chinh phục những thử thách, khó khăn.

Nhẹ nhàng và từ tốn, anh bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về thử thách đầu tiên của mình, đó là lần xử lý sự cố thiết bị trao đổi nhiệt của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố. Anh bảo: “Thông thường, với những sự cố như vậy thì nhà máy buộc phải dừng hoạt động để sửa chữa trong khoảng thời gian 1 tuần. Mà như vậy thì thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn (1 ngày sẽ thiệt hại khoảng 15 tỉ đồng). Ý thức được điều này, anh và đồng chí quản đốc khi đó đã đưa ra sáng kiến “gia nhiệt bên trong và sử dụng khí sale gas thổi sạch turbine truyền nhiệt của thiết bị trao đổi nhiệt”. Đây là một ý tưởng rất mới mà nhờ đó Nhà máy Dinh Cố tạm thời không phải dừng để sửa chữa”, anh Huy nhấn mạnh.Anh tâm sự: “Đưa ra được biện pháp giải quyết, khắc phục sự cố ấy đã khó nhưng để đưa ra sáng kiến đó và bảo vệ nó, thuyết phục người khác chấp nhận phương án của mình hoàn toàn không đơn giản vì nếu không thành công thì thiệt hại về mặt kinh tế sẽ vô cùng lớn”. Và cho đến tận bây giờ, việc áp dụng thành công sáng kiến trên với anh vẫn là kỷ niệm không thể quên. Nó không chỉ giúp anh khẳng định được năng lực của bản thân mà còn giúp anh rút ra được bài học: “Nếu mình có một ý tưởng tốt thì phải mạnh dạn đề xuất và dũng cảm bảo vệ nó đến cùng”.

Tiếp đó là sáng kiến phục hồi, cải tiến và tái sử dụng thiết bị gia nhiệt tạm của dự án 2-3 triệu m3 khí Bà Rịa - Phú Mỹ, đã giúp đẩy nhanh quá trình dẫn khí từ mỏ ở ngoài khơi xa về cấp cho Nhà máy Điện Cà Mau từ 1 tới 7 tháng, đem lại hiệu quả kinh tế xấp xỉ 1.000 tỉ đồng. Rồi đến sáng kiến xây dựng phần mềm tính hydrocarbon dewpoint và phương án giảm tối thiểu fuel gas giúp tiết kiệm 100.000-150.000USD mỗi năm; hay như phương pháp kiểm soát rò rỉ khí trên tuyến ống và kiểm soát chênh lệch sản phẩm giao nhận thông qua tính toán cân bằng vật chất làm lợi cho đơn vị 1,5 triệu USD...

Mặc dù dấu ấn của anh trên từng vị trí công tác là không thể bàn cãi nhưng chính bản thân Trần Nhật Huy vẫn thường nói: Thành công của anh có được là nhờ sự giúp sức không nhỏ của bạn bè, đồng nghiệp. Những người luôn biết lắng nghe, chịu tranh luận... cùng anh.

Anh chia sẻ: “Tranh luận không phải là để thể hiện mà là góp phần giúp tập thể đưa ra một quyết định tối ưu. Có thể qua tranh luận, mình thấy ý kiến của mình chưa đúng, nhưng sau đó là sự hiểu biết. Mỗi vị trí là một thử thách và thử thách nào cũng có tường cao, rào sâu, cần thật sự nỗ lực mới vượt qua được. Quyền lực hay tài chính chưa phải là thứ mà chúng ta cần phải đạt được bằng mọi cách”.

Xây khát vọng nơi cuối trời Tổ quốc

Bước sang tuổi 32, với những “chiến tích” đã lập được, lại đang nắm giữ cương vị cao nhưng không phải vì thế mà anh tỏ ra tự mãn. Bản thân anh luôn tâm niệm: “Mình làm việc đâu phải là để lấy danh. Trong từng vấn đề cụ thể, dù là nhiệm vụ gì thì mình phải nỗ lực hết sức để làm được một điều gì đó. Giống như tự ra cho mình một đề toán rồi phải giải nó. Khi đã đam mê thì sẽ không còn hai từ chịu khó”.

Anh thường tâm sự với anh em đồng nghiệp trong công ty rằng: “Mỗi người hãy tự xây dựng “thương hiệu” bản thân, đó chính là chân giá trị của mỗi người. Đặc biệt với tuổi trẻ thì việc được đối diện với khó khăn và thử thách chính là một cơ hội. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới sớm trưởng thành, nâng cao trình độ của bản thân và làm tốt công việc được giao. Đó là biểu hiện rất đơn giản và cụ thể của lòng yêu nước”

.Nói về những biến chuyển của Cà Mau trong những năm gần đây, anh Huy nhấn mạnh: “Chính sức trẻ, tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ Dầu khí đã góp phần không nhỏ biến vùng đất vốn chỉ toàn cỏ dại, bùn lầy thành công trình thanh niên làm giàu Tổ quốc”.

Và như thể muốn dẫn chứng cho điều mình vừa nói, anh đưa tay chỉ về phía dòng Cái Tàu thuộc xã Khánh An, huyện U Minh đang tấp nập, náo nhiệt những xuồng, ghe ngược xuôi, anh bảo: Mảnh đất Cà Mau bao đời nay là thế, vẫn chợt nắng, chợt mưa, vẫn là một vùng sông nước mênh mông, dọc ngang kênh rạch với bạt ngàn toàn một màu xanh, ngút tầm mắt. Nhưng giờ dòng Cái Tàu có thêm Cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau thay thế cái nền rừng tràm, rừng đước trùng trùng, lớp lớp nom thật bề thế. Bức tranh Cà Mau giờ có thêm những nhà máy, đường ống dẫn khí, nhà điều hành, khu phụ trợ cùng ống khói sừng sững, rồi thì những con đường nhựa, con đường bê tông trải dài vút tầm mắt, những ngôi nhà tranh lợp mái dừa cũng đang dần được thay thế bằng những ngôi nhà ngói đỏ chót, nhà bê tông kiên cố, trông thật sướng mắt, ấm lòng.

Anh Huy cho biết: Năm 2010, chỉ tính riêng Công ty Khí Cà Mau đã nộp ngân sách cho tỉnh 615 tỉ, trong khi toàn tỉnh Cà Mau thu được 2.460 tỉ. Ngoài ra, cũng chính từ doanh thu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Cụm Công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau nói riêng và của ngành Dầu khí nói chung đã đầu tư nhiều tỉ đồng xây dựng, mở mang trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa... góp phần thay đổi diện mạo từ đô thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau.

Quả thật, có tận mắt chứng kiến, tận mắt đi sâu tìm hiểu thì mới thấy việc Đảng và Nhà nước cũng như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chọn U Minh Hạ làm nơi đặt cụm công nghiệp đầu tiên của tỉnh cực Nam Tổ quốc mang ý nghĩa thật lớn lao. Nó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế và còn mang cả ý nghĩa nhân văn. Kể từ khi có Cụm Công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau đã có những chuyển biến vô cùng mạnh mẽ. Không chỉ trực tiếp đóng góp vào ngân sách của địa phương mà nó đã tạo ra sức hút và động lực cho các ngành dịch vụ khác phát triển như hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, giao thông, du lịch và các loại hình dịch vụ khác phát triển tương ứng, làm ấm lên toàn cảnh bức tranh kinh tế của vùng Đất Mũi.

Cuộc nói chuyện của anh với chúng tôi đã kết thúc bằng những hình ảnh như thế. Những hình ảnh gợi mở cho những ai lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này về một thành phố trẻ năng động, hiện đại và phát triển.

Chia tay anh, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình khám phá vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Và trong những ngày ngồi xuồng ghe xuôi ngược theo các con sông lớn, nhỏ đi về Ngọc Hiển, Năm Căn... rồi ra Đất Mũi, suốt dọc đường đi, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp diện mạo rất khang trang, đẹp đẽ của xóm, làng sông nước Cà Mau. Nào là hệ thống đường điện hạ thế, trường học mới dựng lên, những cây cầu bê tông, cốt thép kiên cố... Và có một điểm chung mà những người làm trong ngành Dầu khí cảm thấy rất tự hào là nhiều công trình trong số đó mang đậm dấu ấn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Dấu ấn đó đã được người dân nơi đây nhắc tới bằng lòng cảm mến vô hạn. Thậm chí, ngay cả trong câu vọng cổ mà cô hướng dẫn viên du lịch Đất Mũi cất lên khi chúng tôi đặt chân lên mảnh đất này cũng da diết, bổng trầm đến lạ thường:"Đón dòng khí từ ngoài khơi xa về vùng rừng U Minh Hạ Khí - Điện - Đạm Cà Mau nhân lên mãi niềm vui..."Lời ca vọng cổ đó chính là khẳng định đanh thép nhất cho những gì các anh đã và đang làm, những người đang ngày ngày xây khát vọng nơi cuối trời Tổ quốc.

Trần Nhật Huy

- Ngày sinh: 23-11-1979

- Quê quán: Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định

- Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Lọc hóa dầu

- Trình độ chính trị: Trung cấp Lý luận chính trị cao cấp

Từng tham gia chức vụ

- Trưởng ca vận hành Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố

- Phó, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Khí Cà Mau

- Phó giám đốc Công ty Khí Cà Mau

- Tổng giám đốc Công ty Khí Cà Mau

Khen thưởng

- Danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương

- Giải Nhất cuộc thi Phần mềm sáng tạo của Trung ương đoàn

- Nhiều bằng khen của Bộ Công Thương, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí

Minh, Đoàn khối doanh nghiệp TƯ, Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt

Nam, UBND tỉnh Cà Mau

- Là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2010

Thanh Ngọc

DMCA.com Protection Status