Chuyện đời "lính nhà giàn":

Kỳ 3: May mắn khi lựa chọn làm người dầu khí

08:00 | 07/10/2023

16,955 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đặc thù của ngành Dầu khí là ngành nghề tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Rủi ro từ việc đầu tư dự án, về quá trình tìm kiếm, thăm dò đến những rủi ro trong khi vận hành, khai thác đều rất lớn. Để khai thác an toàn, hiệu quả những “dòng vàng đen” quý giá, những người kỹ sư, công nhân trên các giàn khoan, dự án đều phải nỗ lực rất lớn nhưng cũng không thể thiếu đi sự may mắn.

Chia sẻ về chặng đường làm việc của mình, anh Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng nhóm Công nghệ của Dự án Bir Seba (Algeria) thuộc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cho biết đã hơn chục năm gắn bó với các công trình/dự án dầu khí.

Đầu những năm 2000, cùng với những bước phát triển của đất nước khi vừa mới mở cửa, ngành Dầu khí Việt Nam cũng tiên phong hội nhập với quốc tế, khu vực, triển khai nhiều dự án hợp tác về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Ngày đó, anh Nguyễn Hoàng Đức đã lựa chọn học chuyên ngành “Khoan - Khai thác” của Trường Đại học Mỏ - Địa chất. “Đây cũng là lựa chọn của riêng mình, dù trong nhà không có ai làm ngành Dầu khí” anh Đức chia sẻ.

May mắn khi lựa chọn làm người dầu khí
Anh Nguyễn Hoàng Đức "học việc" trên các giàn khoan

Sau khi ra trường, anh về làm việc tại Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling). Anh cho biết, thời điểm đó, PV Drilling mới thành lập, hầu hết các giàn khoan đều thuê của nước ngoài, do người nước ngoài vận hành, khai thác. Những kỹ sư người Việt Nam như anh chỉ là “học việc” trên những giàn khoan này. Tuy chỉ công tác trên giàn vài năm nhưng anh cho rằng đây là những trải nghiệm “may mắn” của mình khi được làm việc đúng với những gì mình được học trong trường, được những người đồng nghiệp đi trước hướng dẫn, chỉ bảo tận tình từ những việc làm nhỏ nhất trên giàn khoan như bắt từng cái vít, vệ sinh thiết bị, đến vận hành máy cẩu hay những thiết bị khác trên giàn. Anh cho biết hầu hết các công việc trên giàn anh em kỹ sư, công nhân đều có thể tham gia vận hành và xử lý một cách hiệu quả, an toàn để bảo cho giàn vận hành ổn định, hiệu quả, liên tục. Những công việc tưởng chừng nhỏ nhặt ở trên giàn đó đã cung cấp cho anh Đức những kỹ năng, hiểu biết cần thiết về khoan, về tìm kiếm, thăm dò để phục vụ những công việc sau này.

Sau một thời gian, anh Đức chuyển sang công tác nghiên cứu tại Viện Dầu khí Việt Nam, cũng làm về lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Sau đó anh chuyển về công tác tại Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và được phân công biệt phái tại Dự án Bir Seba. Nhắc về Dự án Bir Seba thì đây là dự án “đặc biệt” của PVEP. Đây là dự án thành công đầu tiên của PVEP cũng như của Petrovietnam tại nước ngoài từ khâu đầu tiên là tham gia đấu thầu quốc tế tới khâu thăm dò, phát triển và khai thác. Đặc biệt của ở dự án này là ở vị trí khi nằm giữa sa mạc Sahara đầy cát và gió. Anh Đức chia sẻ: “Là một dự án trên bờ nhưng công tác ở Bir Seba còn khó khăn, cô lập hơn khi ở trên giàn khoan biển”. Dự án nằm biệt lập ở một khu vực giữa sa mạc, muốn di chuyển đến thành phố gần kề phải đi máy bay riêng và phải có quân đội hộ tống. “Nhiều khi muốn bước ra ngoài công trình để kiểm tra phải xin qua nhiều cấp giấy phép”, anh Đức cho biết thêm. Dự án ở xa, điều kiện khó khăn nên đổi ca nhiều khi đã mất gần 1 tuần cho việc di chuyển. Tuy nhiên, đây là dự án quan trọng nên lãnh đạo PVEP, Công đoàn PVEP cũng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên tạo điều kiện cho anh em tại dự án.

Trong thời gian khó khăn tại dự án khi đại dịch Covid-19 diễn ra, anh Đức cho biết nhiều cán bộ PVEP cũng đã có những tâm lý lo lắng nhất định khi biết được sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như khả năng cách ly khiến cho việc trở về Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm mạnh mẽ, anh em vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ cùng với những phương tiện bảo hộ như khẩu trang, chuẩn bị sẵn dung dịch sát khuẩn, nhắc nhở nhau tự ý thức giữ khoảng cách với người khác nhằm hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh. Đến khi đổi ca, các anh em cũng phải “thấp thỏm” chờ đợi nhiều tuần trời ở tại Đại sứ quán Việt Nam ở Algeria để có các chuyến bay về đoàn tụ với gia đình. Nhớ về quãng thời gian đó, anh Đức cảm thấy may mắn hơn các anh phải ở lại dự án gần 1 năm trời không đổi ca, làm việc và sinh hoạt tại khu mỏ.

May mắn khi lựa chọn làm người dầu khí
Khó khăn như vậy nhưng những cán bộ, kỹ sư dầu khí như anh Đức vẫn cảm thấy vui khi lựa chọn công việc này

Đối với nhiều người, có thể thấy ngành Dầu khí là ngành có thu nhập cao, nhưng ít ai biết rằng những người kỹ sư, công nhân ngành Dầu khí làm việc tại các công trình, dự án phải đối mặt với những khó khăn thách thức nào, từ giàn khoan ngoài biển nơi phải đối đầu với những cơn bão lớn đến dự án giữa sa mạc Sahara nơi cũng có thời tiết khắc nghiệt, cùng với nhiều lý do tiềm ẩn khác về mặt an toàn. Khó khăn như vậy nhưng những cán bộ, kỹ sư dầu khí như anh Đức vẫn cảm thấy vui khi lựa chọn công việc này.

“Đã có lúc mình về văn phòng làm công tác nghiên cứu nhưng rồi cảm thấy phù hợp với công việc làm tại dự án hơn nên lại xin chuyển công tác. Dù có vất vả nhưng khi nhìn thấy ngọn lửa thử vỉa thành công từ các giếng khoan mà anh em ngày đêm nghiên cứu, đánh giá thì mình cảm thấy rất vui, may mắn khi đã lựa chọn công việc này”.

Hiện tại, anh Đức cùng các anh em cán bộ biệt phái tại dự án đang tích cực chuẩn bị cho việc triển khai giai đoạn 2 của Dự án Bir Seba cũng như triển khai công tác khoan thẩm lượng đối với một số giếng tại mỏ MOM. Kết quả bước đầu rất khả quan, anh vui mừng chia sẻ một số hình ảnh thử dòng dầu, khí thành công, cho lưu lượng tốt ở một số giếng. Đây là một bước tiến lớn cho dự án, cũng như tạo động lực lớn để PVEP tiếp tục triển khai các dự án tương tự trong thời gian tới, vì mục tiêu xây dựng và phát triển PVEP bền vững.

Và ở khắp các công trình trong và ngoài nước, “những người đi tìm lửa” vẫn đang miệt mài cống hiến, hy sinh những lợi ích của bản thân, vượt qua khó khăn, gian nan, khắc nghiệt của thời tiết để khai thác những giọt “vàng đen” làm giàu cho Tổ quốc.

Khánh An

Kỳ 1: Niềm hạnh phúc của “người lính giàn khoan”Kỳ 1: Niềm hạnh phúc của “người lính giàn khoan”
Kỳ 2: Nhớ những ngày tìm dầu trên sa mạcKỳ 2: Nhớ những ngày tìm dầu trên sa mạc

DMCA.com Protection Status