Kỹ sư Bỳ Văn Tứ: Niềm đam mê trọn vẹn

07:00 | 27/05/2013

1,952 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Kỹ sư Bỳ Văn Tứ nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ và từng là Phó trưởng ban Quản lý Dự án công trình LPG Thị Vải. Ông tuy họ Bỳ nhưng gốc họ Trịnh, sinh năm 1946, quê tại huyện Phù Cừ, Hưng Yên, tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Chế biến Dầu khí tại Rumani, liên tục công tác trong ngành Dầu khí cho đến khi nghỉ hưu. Duyên nghiệp đã đưa ông gắn bó suốt đời với ngành Dầu khí, với tình yêu nghề và niềm đam mê trọn vẹn. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện cùng ông.

PV: Là người đã nhiều năm gắn bó với ngành Dầu khí Việt Nam từ những ngày đầu tiên, có lẽ chuyện dầu khí đã gần như ngấm vào trong máu, trong nhịp thở của mình. Vậy xin hỏi duyên cớ nào đã gắn chặt cuộc đời của ông với ngành Dầu khí, thưa ông?

Kỹ sư Bỳ Văn Tứ: Năm 1965, sau khi tốt nghiệp cấp 3, vốn có niềm đam mê văn chương là là học sinh giỏi Văn nên nguyện vọng của tôi lúc đó là được vào học Khoa Văn của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Thế rồi, như có một ngã rẽ khi tôi được cử đi Rumani và học dự bị đại học tại Trường Bách khoa Bucarest rồi lại được phân công học Khoa Công nghệ Chế biến Dầu khí tại Học viện Dầu - Khí - Địa chất.

Năm 1971, khi tốt nghiệp về nước, tôi cùng một số anh em được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phân công về nhận công tác tại Tổng cục Hóa chất. Ông Nguyễn Đông Hải lúc đó cũng được Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cử sang Tổng cục Hóa chất nhận nhiệm vụ giúp Lãnh đạo Tổng cục Hóa chất thành lập Ban Dầu mỏ - Khí đốt trực thuộc Tổng cục Hóa chất. Tháng 9-1975, Chính phủ thành lập Tổng cục Dầu khí trên cơ sở Ban Dầu khí của Tổng cục Hóa chất, Liên đoàn Địa chất Dầu khí 36 của Tổng cục Địa chất và tổ chức Dầu khí ở Miền Nam, thì tôi lại vinh dự đứng trong hàng ngũ những người đầu tiên xây dựng Tổng cục Dầu khí. Vì vậy tôi cũng không hiểu ngành Dầu khí có phải là duyên nghiệp tiền định của mình không. Nhưng đúng là tôi đã gắn bó suốt đời với ngành Dầu khí, với tình yêu nghề và niềm đam mê trọn vẹn.

Kỹ sư Bỳ Văn Tứ - nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ

PV: Đâu là những kỷ niệm, những đóng góp mà theo ông là đáng nhớ nhất trong suốt quá trình nhiều năm công tác trong ngành Dầu khí?

Kỹ sư Bỳ Văn Tứ: Nói về những kỷ niệm với ngành thì rất nhiều nhưng tôi vẫn còn nhớ về những ngày tháng sơ tán và ở lại Hà Nội trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, thời điểm ấy mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng tôi đã tham gia cùng nhóm soạn thảo các phương án xây dựng Liên hợp Lọc hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam để báo cáo Tổng cục Hóa chất. Sau đó là chuyến công tác cùng đoàn đàm phán về nhà máy lọc hóa dầu 1,5 triệu tấn vào cuối năm 1973 - đầu năm 1974 do ông Nguyễn Văn Biên làm trưởng đoàn đã tìm ra được phương án tháo gỡ bế tắc. Và niềm vinh dự khi tôi được tham gia báo cáo trước Bộ Chính trị tại Đồ Sơn vào năm 1974 về quy hoạch phát triển hai khu liên hợp lọc hóa dầu ở Việt Nam.

Đó còn là quá trình mà tôi tham gia vào ý tưởng thiết kế công nghệ và tự lực xây dựng trạm xử lý khí Tiền Hải (Thái Bình) được chấp nhận và do Công ty Dầu khí 1, Công ty Thiết kế của Tổng cục Dầu khí hoàn thành trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của năm 1980-1981, đã khai thác và sử dụng khí thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam, công trình vẫn chạy cho đến ngày nay.

Và đó là được vận dụng những cơ chế đổi mới trong việc thực hiện các công tác chuẩn bị xây dựng Khu Liên hợp Lọc Hóa Dầu 6 triệu tấn/năm tại Thành Tuy Hạ dưới sự chỉ đạo của Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa năm 1987-1990, như đấu thầu thi công đường 25B trong vòng một ngày là chọn được đơn vị thắng thầu, chuyển lán trại tạm thành các công trình kiên cố… vẫn phát huy hiệu quả đến tận bây giờ.

Ngoài ra, tôi còn có những kỷ niệm đáng nhớ khi cùng tổ chức thực hiện dự án đường ống Dẫn khí Bạch Hổ và kho, cảng LPG Thị Vải giai đoạn 1996-2000 theo phương thức giao thầu EPC đầu tiên ở nước ta mà tôi tham gia với tư cách là Phó trưởng Ban Quản lý dự án công trình LPG Thị Vải. Nhìn lại thành quả của dự án này có thể thấy là rất lớn: Đưa khí đồng hành từ biển vào bờ sử dụng không phải đốt bỏ, mở đường cho việc sử dụng khí phát điện quy mô lớn mà ngày nay sản lượng điện từ khí chiếm trên 40% tổng sản lượng điện quốc gia. Cũng nhờ dự án này mà lần đầu tiên sản xuất LPG trong nước thay thế nhập khẩu. Đây cũng là dự án đi đầu làm quen để làm chủ được phương thức quản lý và tổ chức thực hiện dự án lớn theo phương thức Tổng thầu EPC tại Việt Nam. Công trình kho cảng LPG Thị Vải đã vận hành liên tục, an toàn hơn chục năm nay, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, đã thu hồi hết vốn đầu tư, nộp ngân sách hàng trăm tỉ đồng, lãi 300-400 tỉ đồng mỗi năm.

Và niềm vinh dự khi được tham gia tổ chức thực hiện xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng tốt, giá trị quyết toán tiết kiệm 65 triệu USD so với tổng dự toán được duyệt, thấp hơn hạn mức đầu tư tới 106 triệu USD. Đây cũng là dự án mà tôi tâm đắc nhất và trọn vẹn nhất trong cuộc đời làm ở ngành Dầu khí của mình. Nhà máy Đạm Phú Mỹ hoạt động liên tục từ năm 2004 đến nay, mang lại lợi nhuận 2.000-3.000 tỉ đồng mỗi năm. Đáng nhớ nhất là những đồng nghiệp đã cùng tôi đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi để thực hiện nhiệm vụ và sau bao nhiêu năm mỗi người một nơi vẫn tìm đến nhau gặp mặt hàng năm trong tình cảm thân thiết. Trong số đó có những người đã khuất, những người mang trong mình bệnh tật hiểm nghèo, nhưng những kỷ niệm đẹp thì còn mãi…

PV: Vậy có điều gì làm cho ông và các bạn bè đồng niên trong ngành Dầu khí Việt Nam nay đã về hưu vẫn còn trăn trở, băn khoăn để cho nguồn năng lượng dầu khí của nước ta được phát triển bền vững, thưa ông?

Kỹ sư Bỳ Văn Tứ: Ngành Dầu khí trên thế giới đang thay đổi. Dầu thô ngày một cạn, khí thiên nhiên cùng với các nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ. Khí thiên nhiên, CNG, LNG, LPG đang được dùng nhiều trong công nghiệp, gia dụng, dịch vụ, vận tải thay thế một phần xăng dầu. Tỷ lệ sử dụng khí thiên nhiên làm nguyên liệu sản xuất hóa dầu, hóa chất ngày một tăng.

Những xu thế đó đòi hỏi chúng ta phải có cơ cấu sử dụng khí thiên nhiên hợp lý hơn, ưu tiên làm nguyên liệu hóa dầu, hóa chất và nhiên liệu động cơ, giảm tỷ lệ khí dùng phát điện  quá lớn hiện nay (trên 80%).

Tôi nghĩ rằng, việc đầu tư nhiều nhà máy lọc dầu với công suất lớn cũng cần xem xét kỹ càng hơn để tránh dẫm phải lối mòn mà người ta đang từ bỏ dần. Nhìn về tương lai, việc tăng sức cạnh tranh của ngành Dầu khí nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ là yêu cầu sống còn trong một thế giới đang hội nhập sâu rộng. Yếu tố con người và hệ thống chính sách minh bạch hướng tới phát triển dài hạn phải là cốt lõi của một chiến lược xây dựng đất nước phồn vinh. 

PV: Được biết vào năm 2001, ông được điều về làm Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ - một công trình trọng điểm quốc gia, “đứa con đầu lòng” của ngành hóa dầu Việt Nam. Công việc điều hành dự án vào thời điểm ấy đã đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn như thế nào, thưa ông?

Kỹ sư Bỳ Văn Tứ: Có người nói Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ thành công là gặp may. Nhưng để gặp được may cũng không đơn giản.

Đầu tiên phải thấy rằng, quyết sách của Chính phủ xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một quyết định dũng cảm! Năm 1999-2000, giá phân urê có lúc xuống dưới 100USD/tấn và có ý kiến cho rằng, Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ sẽ không có hiệu quả kinh tế. Các nhà đầu tư nước ngoài bỏ cuộc. Không ít người phản đối và có người cản trở. Sự quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ và của lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tự đầu tư Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã tạo cho chúng tôi niềm tin trong quá trình triển khai dự án.

Trải qua hơn 9 năm Nhà máy Đạm Phú Mỹ luôn hoạt động an toàn, ổn định, đạt và vượt công suất thiết kế, là hình mẫu của một dự án thành công về mọi mặt

Chúng tôi phải thuyết phục mọi người tin và ủng hộ việc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam có thể thực hiện dự án thành công. Niềm tin chỉ được củng cố qua hành động thực tiễn. Rồi thuyết phục các ngân hàng Việt Nam cho vay vốn thay vì vay ngân hàng nước ngoài. Chủ đầu tư cam kết giải ngân đúng tiến độ và trả cả lãi và gốc đúng hạn. Các cam kết đã được thực hiện nghiêm túc.

Dự án có chỗ dựa vững chắc là sản xuất phân đạm phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Nhưng nó chỉ thực sự thành công khi đạt hiệu quả cao.

Chọn được công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, tổng thầu uy tín, tư vấn giỏi, quản lý tốt, tiến độ nhanh, chất lượng công trình cao, tiết kiệm chi phí, phối hợp tốt với các cơ quan quản lý Nhà nước và địa phương, và có đội ngũ nhân lực đảm đương được công việc từ khi đàm phán hợp đồng, xúc tiến công việc xây lắp, chạy thử tới lúc nghiệm thu đưa vào sản xuất là những mục tiêu cụ thể trong kế hoạch hành động của chúng tôi vào thời điểm ấy. Rất may là tất cả những mục tiêu này đều được hoàn thành một cách nhịp nhàng.

Cũng phải nói thật, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nhiều lúc, vừa phải tập trung nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công trình, vừa phải chống đỡ, đối phó với những tác động xấu đến ngành Dầu khí giai đoạn năm 2002-2004. Tôi luôn tâm niệm, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ phải thành công. Đây là lời hứa danh dự của tôi với Thủ tướng, với lãnh đạo ngành Dầu khí khi nhận nhiệm vụ.

Vượt qua tất cả, công trình đã hoàn thành mỹ mãn. Đó là công sức của rất nhiều người, mà chúng tôi đã tổng kết, đúc rút kinh nghiệm cách đây mấy năm.

PV: Kinh nghiệm lãnh đạo công tác kỹ thuật ở Công ty Chế biến Kinh doanh Sản phẩm khí và thâm niên công tác trong ngành Dầu khí đã giúp gì cho ông trong thời điểm quản lý điều hành Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ?

Kỹ sư Bỳ Văn Tứ: Những người làm công tác quản lý dự án đều biết: Mỗi dự án là một sản phẩm đơn chiếc. Vì vậy, kinh nghiệm thường chỉ giúp người ta tránh lặp lại sai sót của quá khứ. Muốn thành công thì phải luôn luôn sáng tạo. Tất nhiên, những kỹ năng quản lý dự án được tích lũy qua thực tiễn.

Khi nhận nhiệm vụ điều hành Dự án Đạm Phú Mỹ, tôi đã có thâm niên hơn 30 năm làm việc trong ngành Dầu khí, được đào tạo cơ bản về kỹ thuật và kỹ năng quản lý và trải nghiệm nhiều về quản lý dự án từ khâu lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư tới chuẩn bị sản xuất. Vì vậy các khâu công việc được dự tính và tổ chức thực hiện một cách bài bản.

PV: Và phương châm nào để ông cùng các cộng sự vượt qua những trở ngại đó để Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ sớm được hoàn thành và là một trong những dự án khâu sau thành công nhất của ngành Dầu khí?

Kỹ sư Bỳ Văn Tứ: Đó là phương châm mà Bác Hồ đã dạy: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái bất biến ở đây là dự án thành công. Mọi người, mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh phải xử lý công việc để đạt được mục tiêu bất biến này. Chi bộ Đảng, bộ máy Ban Quản lý, Công đoàn, Đoàn Thanh niên đều có chương trình hành động và thực tế đã hoạt động theo phương châm đó.

PV: Điều gì làm cho ông và các cộng sự tâm đắc nhất qua Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ?

Kỹ sư Bỳ Văn Tứ: Tôi không rõ các cộng sự của tôi tâm đắc điều gì nhất. Riêng tôi, điều tâm đắc nhất là đã được đóng góp phần mình vào một công trình thành công cho ngành Dầu khí, cho đất nước. Nó là một kỷ niệm đẹp để lại cho đời trước khi nghỉ hưu. Qua dự án, các cộng sự của tôi đều trưởng thành về nghề nghiệp, đều tiến bộ về nhiều mặt. Và mỗi lần gặp lại nhau, đều thấy tự hào về Nhà máy Đạm Phú mỹ, tự hào về Ban Quản lý dự án - PMFP.

PV: Được biết sau khi về nghỉ hưu thì ông vẫn giữ mối quan hệ tốt với các bạn bè đồng nghiệp trong ngành Dầu khí, ông lại vừa là Ủy viên Thường vụ Hội Dầu khí Việt Nam và cũng là Ủy viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani. Ông có thể chia sẻ về vai trò, đóng góp của mình đối với hoạt động của hai hội này?

Kỹ sư Bỳ Văn Tứ: Khi nghỉ hưu, mình được thư thái hơn, không còn bị sức ép của công việc, được làm những việc mình thích.

Tôi thích tham gia Hội Dầu khí bởi vì đó là nơi mình có thể đóng góp những kinh nghiệm nghề nghiệp của mình cho ngành Dầu khí Việt Nam phát triển hơn nữa. Những lần họp Thường Vụ, Ban Chấp hành Hội, tham gia hội nghị, hội thảo còn là dịp được tiếp cận thông tin sống động, được gặp gỡ các đồng nghiệp trên mọi miền của đất nước. Hội Dầu khí Việt Nam đang có kế hoạch phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức trong quý III năm nay, Hội thảo chuyên đề “Phát triển bền vững khâu Chế biến Dầu khí ở Việt Nam”.

Tôi may mắn được đào tạo thành kỹ sư ở Rumani, một đất nước có trên 150 năm kinh nghiệm phát triển ngành Dầu khí, và nhân dân Rumani giàu tình hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Những kiến thức nghề nghiệp học được từ các giáo sư và bè bạn Rumani là cơ sở ban đầu để tôi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của ngành Dầu khí nước nhà. Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani là cầu nối phát huy sự hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân hai nước, vốn đã có quan hệ ngoại giao hơn 60 năm qua. Ngành Dầu khí Việt Nam và Rumani đã có những dự án hợp tác trong thăm dò dầu khí, lọc dầu từ thập niên 70 của thế kỷ trước.

Mấy năm qua hai bên cũng có những hợp đồng đào tạo nhân lực, cung cấp chuyên gia vận hành cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ… Nhân dịp kỷ niệm 150 năm Ngày thành lập Bộ Ngoại giao Rumani (1862-2012), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rumani đã tặng tôi Bằng khen “Phát huy giá trị Rumani và giá trị phổ quát trong quan hệ quốc tế”. Hằng năm, Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani đều tổ chức các đoàn sang thăm đất nước Rumani xinh đẹp, giao lưu và tìm các cơ hội hợp tác.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!

Đầu năm 2001, khi nhậm chức Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ, ông nhận nhiệm vụ cùng với lời hứa sẽ bảo đảm công trình chất lượng, đúng tiến độ, nhưng chỉ một yêu cầu nhẹ nhàng mà “cứng” với cấp trên: Trên dưới phải tin cậy lẫn nhau, bất cứ việc gì ông trình lên thì phải duyệt tức thời, dù “gật” hay “lắc”. Và thế là lao vào khối lượng công việc đồ sộ của dự án sản xuất phân đạm từ khí đầu tiên với công suất thiết kế 740.000 tấn urê/năm được triển khai tại Việt Nam. Lời hứa ngày nào của ông đã thành hiện thực: Chất lượng công trình thật sự đảm bảo, trải qua hơn 9 năm nhà máy luôn hoạt động an toàn, ổn định, đạt và vượt công suất thiết kế và được Bộ Xây dựng trao tặng Cúp Vàng chất lượng công trình xây dựng tiêu biểu của Việt Nam, trở thành hình mẫu của một dự án thành công về mọi mặt.


Thế Vinh (thực hiện)

DMCA.com Protection Status