Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 1) Giấc mơ làm nên kỳ tích

14:05 | 25/11/2022

4,956 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - “Ký ức không phai màu thời gian” của TS. Đặng Của là những tháng năm phụng sự tìm dầu cho Tổ quốc. Dù lắm thăng trầm, song, từ những ngày đầu làm việc tại Đoàn Thăm dò địa chất số 2 ở Tinh Túc - Cao Bằng, đến những năm tháng chiến tranh ác liệt, thực hiện giếng khoan sâu thông số số 1 mỏ khí Tiền Hải - Thái Bình, cả những ngày lênh đênh trên biển cả tìm dầu vùng Bạch Hổ… Tất cả vẫn luôn là những ký ức rực sáng trong tâm trí nhà khoa học địa chất kỳ cựu của ngành Dầu khí.

Khoa học đã chứng minh, càng thường xuyên hoạt động trí óc thì con người sẽ càng kéo dài sự minh mẫn khi về tuổi xế chiều. Nhìn dáng đi nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh và giọng nói hào sảng của TS. Đặng Của, thật khó để tin rằng năm nay ông đã ngoài 80. Có lẽ, thói quen của một nhà khoa học, một người lãnh đạo đã khiến ông không bao giờ ngơi nghỉ khỏi việc nghiên cứu và viết lách.

Tiến sĩ Đặng Của, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoan - Khai thác Dầu khí là một trong số những nhà địa chất hàng đầu của ngành Dầu khí Việt Nam. Ông là người trực tiếp phụ trách thi công giếng khoan sâu đầu tiên tại Việt Nam, và cũng là một trong những chứng nhân quan trọng cho hàng loạt những cột mốc lịch sử tiếp theo của ngành Dầu khí.

Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 1) Giấc mơ làm nên kỳ tích
Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 1) Giấc mơ làm nên kỳ tích

Về hưu đã hơn 20 năm, nhưng TS. Đặng Của chưa bao giờ thực sự “rời xa” ngành Dầu khí. Trong suốt nhiều năm kể từ sau 1999, ông vẫn tích cực hoạt động trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức khoa học như Hội Địa chất, Hội Cơ khí Việt Nam, Hội Địa lý - Địa chất TP Hồ Chí Minh, tham vấn, hướng dẫn cho nhiều thế hệ kỹ sư khoan dầu khí thực hiện các luận văn, đề tài khoa học… Đến nay, dù đã ngót nghét cửu tuần, nhưng việc hàng ngày của ông vẫn là tiếp tục cập nhật thông tin về ngành Dầu khí, về những tiến bộ khoa học công nghệ liên quan đến sự phát triển của ngành, viết các bài báo khoa học cho các tạp chí chuyên ngành liên quan.

Cầm trên tay quyển lưu bút “Ký ức không phai màu thời gian” dài 4 tập mà ông mới vừa tự tay biên soạn, tôi thầm thán phục trí nhớ phi thường, khả năng lưu trữ và sắp xếp dữ liệu rất “khoa học” của ông. Song, điều khiến chúng tôi cảm phục nhất, chính là sự tâm huyết, tình cảm gắn bó sâu đậm mà ông dành cho ngành Dầu khí trong suốt hơn 60 năm qua, cho đến nay vẫn chưa từng phai nhạt.

Tôi hỏi:

- Điều tâm huyết nhất trong nghề, trong cuộc đời của bác là gì?

Ông suy nghĩ một chút, rồi chậm rãi trả lời:

- Có lẽ, là việc học.

Câu trả lời của ông giản đơn, đến nỗi mới đầu tôi cũng chưa hình dung được nhiều ẩn ý sâu xa trong đó. Nhưng đến khi tìm hiểu hết những thăng trầm mà ông đã trải qua, gắn liền với hàng loạt những sự kiện mà lịch sử ngành Dầu khí sau này ghi lại, tôi mới “vỡ” ra nhiều điều.

Sáng kiến đầu tiên

Năm 1955, đang học dở dang tại trường cấp 3 Phù Cát, Bình Định, 18 tuổi, Đặng Của được đưa ra miền Bắc tập kết; cùng với hơn 100 người, trong đó có 70 người là thanh niên miền Nam có trình độ được động viên đi tìm tài nguyên cho đất nước.

Lên Hà Nội, ông được vào học lớp đào tạo kỹ thuật địa chất ở chùa Láng, do thầy Hồ Đắc Liên, Giám đốc Sở Địa chất trực tiếp phụ trách. Cũng như Đặng Của, phần lớn anh chị em ở đây vẫn đang học dở cấp III, có một số ít người đã tốt nghiệp. Khi ấy, chùa Láng còn chưa có điện, thế mà, thầy vẫn giảng nhiệt tình, trò vẫn học say sưa. Ngoài việc học ở lớp, học viên còn được tham quan, thực tập tại Bảo tàng Địa chất và Trường Đại học Y Dược Hà Nội.

Thời gian của khoá học là 6 tháng, nhưng mới được 4 tháng, tất cả phải lên đường công tác, vì các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc đã đến Việt Nam.

Tháng 12/1955, Đặng Của được phân công vào làm việc tại Đoàn thăm dò địa chất số 2 Cao Bằng. Để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, và với suy nghĩ đơn giản rằng, càng sớm hoàn thành công tác thì càng sớm được quay trở về, ông lao vào học tập và miệt mài lao động.

Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 1) Giấc mơ làm nên kỳ tích
Thăm dò mỏ thiếc Tinh Túc - Cao Bằng (1956) Thợ khoan Đặng Của (*) làm việc trên máy khoan đập do Liên Xô sản xuất.

Ngày đó, để ngăn chặn sự phá hoại của địch, tinh thần cảnh giác được đẩy lên cao độ. Những người được phân công trực tiếp sử dụng máy móc phải có lý lịch trong sáng, thành phần cơ bản. Nhờ hội tụ đủ các yếu tố này, cùng với trình độ sẵn có, Đặng Của từ nhân viên lấy mẫu, được chuyển sang làm kỹ thuật. Ông được giao sử dụng máy khoan đập, do chuyên gia Liên Xô Voronov trực tiếp hướng dẫn vận hành. Đây cũng chính là người thầy ngoại quốc đầu tiên của ông.

Cuối năm 1956, Đặng Của được điều sang Lào Cai làm tổ trưởng tổ khoan. Tại đây, với những kiến thức học được, ông đã tìm ra phương pháp khoan với lỗ khoan xiên 45 độ mà khi ấy, bằng loại máy này chưa có ở đâu áp dụng. Nhờ đó, ông và các đồng nghiệp đã tìm ra một vỉa apatit tiết kiệm rất nhiều kinh phí cho nhà nước.

Năm 1958, ông được điều về Nà Dương, Lạng Sơn. Tại đây, ông tiếp tục có thêm nhiều sáng kiến mới như dùng 2 ống mẫu khi khoan hoặc sử dụng máy bơm nén để lấy mẫu ra khỏi ống. Sáng kiến này vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo độ bền cho những chiếc ống khi đó phải nhập ngoại rất đắt tiền, giúp tăng năng suất lao động lên đến 200% và cả tiết kiệm vật tư, nguyên liệu.

Mùa xuân năm Mậu Tuất (1958), công cuộc tổng tuyển cử sụp đổ hoàn toàn. Thời hạn chuyến đi 2 năm của Đặng Của trở thành vô thời hạn. Trước mắt ông, đường về quê bỗng trở nên diệu vợi. Nhất lại vào dịp Tết, nhìn anh em miền Bắc háo hức về thăm nhà, ông lại càng nhớ nhà da diết. Đón Tết ngay tại công trường, để khuây khỏa nỗi buồn, Đặng Của lại lao vào công việc, tiếp tục nhen nhóm niềm hy vọng “càng làm tốt công việc, đường về quê càng gần”.

Mấy tháng sau đó, khi về Hà Nội tham dự Đại hội Công Nông Binh toàn quốc lần thứ II, ông nhận phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc và Huân chương lao động hạng Nhì. Khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi: “Có vất vả lắm không”, ông đã không cầm lòng được và bật khóc. Những giọt nước mắt không phải của riêng ông mà cho cả những người anh em cùng cảnh ngộ.

Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 1) Giấc mơ làm nên kỳ tích
Đặng Của (*) được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc - Huân chương lao động hạng Nhì (Hà Nội, 1958)

Giấc mơ ấp ủ

Ngay sau khi Đại hội kết thúc, Đặng Của không trở lại đơn vị mà được điều về mỏ than Cẩm Phả. Ngày đó, do điều kiện thiếu thốn, ông đã nghĩ ra cách dùng một loại đất sét ở mỏ Giếng Đáy làm dung dịch khoan. Nhờ đó, mùn được đẩy lên, mũi khoan không bị kẹt nên hiệu quả kinh tế cũng như tiến độ công trình tăng lên đáng kể.

Từ những bài học đúc rút từ thực tế, hai năm sau ông đã viết tổng kết được thành hai tập sách, mỗi tập dày cả trăm trang. Đây là bộ sách về khoan và thăm dò địa chất đầu tiên của một tác giả người Việt. Điều đáng khâm phục hơn là khi ấy ông chỉ mới vừa tròn 22 tuổi, lại hoàn toàn chưa được qua bất cứ một trường lớp chuyên môn nào. Bộ sách sau này đã được sử dụng như một “cẩm nang bỏ túi” cho nhiều thợ khoan lành nghề.

Nhờ sự sáng tạo và hăng say trong lao động, năm 1960, Đặng Của được kết nạp Đảng. Đến năm 1961, ông tiếp tục được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 1) Giấc mơ làm nên kỳ tích
Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 1) Giấc mơ làm nên kỳ tích

Năm 1963, Đặng Của được cử đi du học tại Trường Đại học Dầu khí Gubkin (Matxcơva), chuyên ngành công nghệ và cơ khí hóa đồng bộ khai thác các mỏ dầu khí. Những tài liệu khoa học trên giảng đường, trong thư viện, những giàn khoan hoành tráng tại hiện trường đã khiến anh thợ khoan tay mỏ than Cẩm Phả ngỡ ngàng đến choáng ngợp. Tự thấy sự nhỏ bé của mình trước những thành tựu to lớn ở đây, ông buộc bản thân mình phải lao vào học hỏi. Bốn năm sau, với đề tài “Thời điểm dừng khoan hợp lý nhất”, ông trở thành sinh viên nước ngoài đầu tiên đoạt giải Nhất tại Hội thi khoa học kỹ thuật của sinh viên do trường Đại học Dầu khí Gubkin tổ chức.

Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 1) Giấc mơ làm nên kỳ tích
Sinh viên Đặng Của bảo vệ luận án tốt nghiệp trước Hội đồng.

Năm 1968, Đặng Của bảo vệ thành công luận văn “Thiết kế giếng khoan tìm kiếm, thăm dò ở độ sâu 4.300m vùng Evromov cùng phân tích kết quả làm việc thực tế các choòng khoan và tuốc bin”, được Hội đồng chấm thi quốc gia xếp loại xuất sắc. Luận văn này được giáo sư Filatov.B.C - chuyên gia hàng đầu thế giới về khoan sâu - đánh giá rất cao. Đây đã trở thành động lực mạnh mẽ để ông dồn hết tất cả thời gian, công sức, nhiệt huyết vào học tập và nghiên cứu, với ước mơ thực hiện một giếng khoan sâu trên 4.000m đầu tiên ở Việt Nam./.

(còn tiếp)

Bài 4: Hiện thực khắc nghiệtBài 4: Hiện thực khắc nghiệt
Những ký ức không phai mờNhững ký ức không phai mờ
Vẹn nguyên ký ức…Vẹn nguyên ký ức…
Kho cảng Thị Vải – Ký ức một thờiKho cảng Thị Vải – Ký ức một thời
Ký ức những ngày đầu tại Ký ức những ngày đầu tại "gia đình PV GAS"
Vietsovpetro và ký ức về DK 1-1 (Kỳ 2)Vietsovpetro và ký ức về DK 1-1 (Kỳ 2)

Trúc Lâm

DMCA.com Protection Status