Luật khí đốt mới của Brazil và vấn đề cơ chế cho hoạt động dầu khí ở Việt Nam

08:47 | 07/09/2022

3,260 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Lĩnh vực dầu khí của Brazil được điều chỉnh bởi các quy định chung của Hiến pháp Brazil, cũng như bởi một số luật liên bang khác nhau và các sắc lệnh, nghị quyết do ANP ban hành.
Luật Dầu mỏ mới của Brazil và vấn đề cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp

Căn cứ vào Điều 20 và 176 của Hiến pháp Brazil, trữ lượng dầu khí nằm trong lãnh thổ Brazil (bao gồm thềm lục địa, lãnh hải và các khu vực kinh tế đặc quyền) được coi là tài sản của chính phủ liên bang. Tuy nhiên, một khi chúng được khai thác theo luật hiện hành, tài sản của những tài nguyên này sẽ được giao cho người có quyền khai thác.

Sau khi Tu chính án số 9/1995 được ban hành, sự độc quyền của Chính phủ liên bang đối với việc thăm dò và khai thác trữ lượng dầu khí đã được nới lỏng, cho phép Chính phủ liên bang ký hợp đồng với các công ty nhà nước hoặc tư nhân.

Hiến pháp đã trao cho Chính phủ liên bang độc quyền đối với một số hoạt động liên quan đến dầu khí. Sửa đổi Hiến pháp số 9/1995 cho phép các hoạt động này cũng được thực hiện bởi các công ty tư nhân.

Do đó, với việc chấm dứt độc quyền của Petrobras đối với ngành dầu mỏ, Luật số 9.478 / 1997, điều chỉnh khung pháp lý mới cho ngành dầu khí (Luật Dầu mỏ), đã được thông qua.

Brazil đã thành lập Hội đồng Quốc gia về Chính sách Năng lượng (CNPE), do Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng (MME) làm Chủ tịch, với nhiệm vụ chuẩn bị các chính sách và hướng dẫn về năng lượng, trong khi đó, ANP (Cơ quan Quốc gia Brazil về Dầu mỏ, Khí đốt tự nhiên và Nhiên liệu sinh học) là đơn vị chịu trách nhiệm điều tiết, tham gia và kiểm tra dầu, các hoạt động kinh tế của ngành công nghiệp khí đốt và nhiên liệu sinh học, cũng như chịu trách nhiệm chuẩn bị các thủ tục đấu thầu để nhượng quyền khai thác dầu khí, thực hiện các thỏa thuận nhượng quyền và kiểm tra việc thực hiện chúng.

Vào năm 2008, một cuộc thảo luận để sửa đổi Luật Dầu khí liên quan đến hoạt động khí "trung nguồn" đã được khởi xướng, dẫn đến việc ban hành Luật số 11.909 / 2009 (Luật Khí). Bị xem là quan liêu và không thân thiện với nhà đầu tư, Luật số 11.909 / 2009 đã bị bãi bỏ và thay thế bởi Luật số 14.134 / 2021 và quy định của Luật này đã được ban hành thông qua Nghị định số 10.172/2021.

Còn được gọi là Luật khí đốt mới, đạo luật này được kỳ vọng sẽ kích thích sự phát triển của thị trường bằng cách tạo điều kiện tiếp cận cơ sở hạ tầng và thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các bên.

Thị trường khí đốt tự nhiên hiện tại của Brazil được thống trị bởi Petrobras thuộc sở hữu nhà nước. Petrobras là nhà khai thác, bán và vận chuyển khí đốt lớn nhất cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Luật khí đốt mới được Tổng thống Jair Bolsonaro ký hồi tháng 4 năm ngoái sẽ cho phép nhiều công ty hơn tham gia thị trường với mục tiêu hướng tới sự cạnh tranh để giành khách hàng và dịch vụ.

Tại Việt Nam, Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động Dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu thô và khí đốt. Ở trong nước, môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí ngày càng trở nên kém hấp dẫn, các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp… Việc sửa đổi Luật Dầu khí, bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư là rất cần thiết, nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Phan Minh Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh ngành công nghiệp dầu khí thế giới chịu những ảnh hưởng nặng nề từ xu hướng chuyển dịch năng lượng và dịch Covid-19, ngành dầu khí Việt Nam đã nhanh chóng có những giải pháp thích ứng. Tuy nhiên, có một thực tế là tất cả mỏ lớn, trên 30 năm khai thác, sản lượng các mỏ dần suy giảm.

Cụ thể, sản lượng khai thác dầu/condensate của Việt Nam đạt mức đỉnh với sản lượng trên 20 triệu tấn/năm vào năm 2004 sau đó bắt đầu suy giảm. Ngoài mỏ Bạch Hổ, một số mỏ khác như Ruby, Sư Tử Đen, Rạng Đông là các nguồn cung dầu thô chính đến nay cũng đều suy giảm sản lượng, một số mỏ được đưa vào khai thác từ sau 2010 có sản lượng khá nhỏ. Các nguồn cung khí hiện hữu, một số mỏ cũng suy giảm nhanh và dần cạn kiệt (Lan Tây/Lan Đỏ, Rồng Đôi/Rồng Đôi Tây...).

Bên cạnh đó, tiến độ phát triển/khai thác các nguồn khí cũng gặp nhiều yếu tố rủi ro, phụ thuộc nhiều vào kết quả đàm phán thương mại, thống nhất giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị khí. Các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp… Số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết giảm đáng kể, thậm chí những năm gần đây không ký được hợp đồng mới.

"Các quy định hiện hành mâu thuẫn, chồng chéo cũng khiến cho việc khai thác dầu khí trong những năm qua gần như không có tiến triển. Muốn tìm những mỏ mới phải đi xa vùng sâu, xa bờ, khai thác rất khó khăn. Điều đó đòi hỏi phải có chính sách, điều kiện ưu đãi đầu tư phù hợp để giải quyết thực trạng này, đánh thức tiềm năng đầu tư dầu khí", TS. Phan Minh Quốc Bình nêu quan điểm.

Bình An

Cần phân cấp cụ thể, minh bạch về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khíCần phân cấp cụ thể, minh bạch về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí
Cần có quy định “đảm bảo đầu tư” khi có Luật Dầu khí mớiCần có quy định “đảm bảo đầu tư” khi có Luật Dầu khí mới
Petrovietnam và Văn phòng Quốc hội đẩy mạnh hợp tác trong công tác truyền thôngPetrovietnam và Văn phòng Quốc hội đẩy mạnh hợp tác trong công tác truyền thông
Phân cấp cụ thể, minh bạch, rành mạch về trách nhiệmPhân cấp cụ thể, minh bạch, rành mạch về trách nhiệm
Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần tiếp tục nghiên cứu để có chính sách ưu đãi hiệu quả hơnLuật Dầu khí (sửa đổi): Cần tiếp tục nghiên cứu để có chính sách ưu đãi hiệu quả hơn
Luật Dầu khí (sửa đổi) cần mang tính cạnh tranh so với khu vựcLuật Dầu khí (sửa đổi) cần mang tính cạnh tranh so với khu vực

DMCA.com Protection Status