Lướt sóng về đất mẹ (Kỳ cuối)

09:59 | 02/11/2011

85 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Vượt qua 566 hải lý từ cảng Keppel FELS Shipyard (Singapore) với 8 ngày di chuyển liên tục giữa biển khơi mênh mông, lúc 6 giờ ngày 25/10/2011, tàu Lewek Stork đã kéo khối giàn khoan TAD PV DRILLING V về đến mỏ Mộc Tinh 1 thuộc block 5.2 ngoài khơi biển Vũng Tàu, Việt Nam.

>> Lướt sóng về đất mẹ (Kỳ II)

Kỳ cuối: Sứ mệnh lớn lao

Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Wiliam Wallace và sự hỗ trợ của nhân viên Trung tâm Trắc địa Bản đồ biển Việt Nam (SEAMAP), hệ thống neo định vị giàn được triển khai, giàn khoan TAD PV DRILLING V đã cập sát và giữ khoảng cách an toàn với giàn khai thác cố định của Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông POC (Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) tại tọa độ 7055’41 “Bắc – 108047’25” Đông, đánh dấu sự kiện giàn khoan tiếp trợ đầu tiên của Việt Nam cán đích an toàn tốt đẹp. Nở nụ cười rạng rỡ và bắt tay chúc mừng nhau khi giàn về “bến đỗ”, những người thợ dầu khí PVD quên đi mệt mỏi sau chuyến hành trình gian nan. Họ nói rằng, bây giờ là giai đoạn mới để đồng hành cùng giàn TAD PV DRILLING V thực hiện sứ mạng lớn cho công trình khai thác dầu khí ở vùng biển nước sâu.

Cứ nghĩ rằng, sau chuyến kéo giàn dài ngày trên biển thì những người thợ sẽ được vào bờ nghỉ ngơi hoặc thay ca mới. Nhưng không hẳn như vậy! Đa phần các anh vẫn ở lại với nhiều công việc còn bộn bề phía trước. Và theo đó, các công nhân, kỹ sư trên giàn đã bắt tay ngay vào thực hiện một trong những công đoạn cực kỳ phức tạp và quan trọng nhất đó là đưa cụm thiết bị khoan (DES) của giàn TAD PV DRILLING V lắp đặt lên giàn khai thác đầu giếng (Well Head Platform – WHP) của Công ty Biển Đông POC. Toàn bộ cụm DES với sức nặng hơn 1.400 tấn, đều được chuyển bằng cẩu chuyên dụng PC400 có sức nâng cực đại đến 300 tấn, cẩu từ phần tiếp trợ (Tender) để lắp đặt lên trên giàn WHP và thực hiện các công đoạn của một giếng khoan dầu khí. Công đoạn lắp đặt cụm thiết bị khoan này được thực hiện trong khoảng thời gian 15-20 ngày (nếu thời tiết êm đẹp). Các chuyên gia đánh giá đây là công đoạn công phu đòi hỏi những người thợ dầu khí phải tính toán tỉ mỉ với độ chính xác an toàn tuyệt đối, đặc biệt là khâu định vị, kết nối kỹ thuật để có thể đưa cụm thiết bị khoan đi vào vận hành suôn sẻ.

Làm chủ công nghệ khoan

Chứng kiến phong cách làm việc của những công nhân, kỹ sư trẻ trong suốt hành trình, điều cảm nhận của tôi là họ luôn lao động hăng say với trí tuệ và tinh thần cần mẫn, lạc quan nhất. Gắn bó với giàn khoan này từ ngày đầu hoàn thiện và trong số họ có cả những người đã tham gia ngay từ giai đoạn đầu thi công đóng mới giàn khoan tại xưởng đóng giàn, nay họ đã trở thành những người thợ giỏi khi mới trên dưới 30 tuổi đầy nhiệt huyết và luôn khát khao cống hiến. Và tôi nghĩ, đây không chỉ là giàn khoan tiếp trợ hiện đại nhất trên thế giới mà còn là nơi rèn luyện, thử thách bản lĩnh và trí tuệ những người thợ của ngành Khoan dầu khí Việt Nam.

Một góc giàn TAD PV DRILLING V

Chính yêu cầu khắt khe về an toàn trong thi công các giếng khoan tại vùng biển nước sâu có nhiệt độ, áp suất cao (HPHT) và trang bị các thiết bị công nghệ cao của giàn khoan TAD PV DRILLING V đã đòi hỏi nguồn chất xám đáng kể từ các công nhân, kỹ sư ngành Dầu khí. Giàn khoan tiếp trợ nửa nổi, nửa chìm này quá lớn và phức tạp, lại yêu cầu sử dụng an toàn, hiệu quả, điều đó buộc PV phải tính toán các bước tuyển chọn đào tạo nhân lực vững vàng để vận hành. Nói về vấn đề này, kỹ sư Trịnh Văn Lâm (Giám đốc Công ty Khoan nước sâu – PVD Deep Water, đơn vị điều hành giàn TAD PV DRILLING V) cho biết: “Kế hoạch đào tạo được chúng tôi xây dựng ngay từ khi triển khai dự án đóng mới giàn TAD. Trên cơ sở những nhân sự có kinh nghiệm đang làm việc trực tiếp trên 4 giàn khoan của PVD và hơn 500 kỹ sư, công nhân khoan đang làm việc trên các giàn khoan tại Việt Nam và quốc tế, PVD đã chọn lọc những người tốt nhất để đào tạo nhằm lĩnh hội, tiếp cận và vận hành giàn khoan này một cách hiệu quả và an toàn nhất”.

Để giàn TAD PV DRILLING V có đội ngũ nhân lực đủ tầm đảm đương thi công, kiểm soát các giếng khoan có nhiệt độ áp suất cao và những giếng khoan nước sâu ở độ khó cao, theo kỹ sư Lâm, những khóa học chuyên biệt về vấn đề này được thực hiện cho hầu hết các vị trí chủ chốt như kíp trưởng, đốc công, giàn trưởng, kỹ sư khoan… nhằm đảm bảo họ được làm quen và trang bị đầy đủ kiến thức, có đầy đủ bằng cấp và năng lực vận hành, quản lý giàn khoan kiểu tiếp trợ này.

Từ việc đầu tư và đào tạo nhân lực cho giàn khoan công nghệ cao này, nhớ lại trong lần trả lời phỏng vấn Báo Năng lượng Mới, ông Phạm Tiến Dũng, Tổng giám đốc PVD từng nói rằng: Yếu tố nền tảng trong hoạt động của PVD là mạnh dạn đầu tư loại hình dịch vụ khoan và kỹ thuật khoan có trình độ cao, chuyên sâu, thiết bị hiện đại và tự động hóa cao, chứ không đầu tư dàn trải qua những lĩnh vực không thuộc thế mạnh của mình. Hơn thế nữa, PVD cũng chú trọng phát triển đội ngũ nhân sự kỹ thuật, quản lý cấp cao cũng như tận dụng những tiến bộ về công nghệ và kinh nghiệm, trình độ quản lý chất lượng của đối tác thông qua liên doanh, liên kết với những công ty dầu khí có uy tín trên thế giới…

Nhìn về những quyết sách đúng đắn của người lãnh đạo trực tiếp chèo lái con tàu PVD, cũng cần nhắc lại một chút về quá trình đóng mới giàn TAD PV DRILLING V tại xưởng chế tạo của Keppel FELS. Để phục vụ việc vận hành giàn khoan này sau khi hoàn thiện, Ban Lãnh đạo PVD đã đưa đội ngũ kỹ sư tinh nhuệ đã từng trực tiếp tham gia quản lý đóng mới thành công 3 giàn khoan tự nâng và 1 đất liền của PVD trước đây để trực tiếp tiếp cận, xem xét toàn bộ bản vẽ, quy trình, quy phạm và chi tiết kỹ thuật, máy móc thiết bị của giàn khoan TAD, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ mới. Đây là phương pháp đào tạo hiệu quả nhất vì suốt quá trình 2 năm đóng giàn tại Singapore, đội ngũ kỹ sư Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn để vận hành thành thạo giàn khoan TAD an toàn và hiệu quả, tận dụng tối đa các công năng vượt trội của việc ứng dụng công nghệ cao.

Nhớ lại thời điểm ấy, đối với một công trình lớn và nhiều thách thức về kỹ thuật lần đầu tiên đóng mới như giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm này, lẽ ra PVD đã phải thuê tư vấn nước ngoài với mức lương “khủng” hàng nghìn đôla/ngày. Tuy nhiên, bằng những tính toán hợp lý, Ban Lãnh đạo PVD quyết định giao cho đội ngũ kỹ sư Việt Nam thực hiện tất cả các khâu từ nghiên cứu khả thi dự án, làm đầu bài kỹ thuật, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đóng giàn khoan, đàm phán hợp đồng đóng giàn và đặc biệt là tổ chức giám sát, quản lý dự án đóng mới giàn khoan này trong suốt gần 2 năm tại Cảng Keppel FELS Shipyard, Singapore.

Để giám sát công trình nhiều thách thức về mặt kỹ thuật này, theo Thạc sĩ Lê Đắc Hóa (nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án đóng mới giàn TAD PV DRILLING V, người có mặt từ những ngày đầu thực hiện dự án) thì Ban Lãnh đạo PVD đã thiết lập một Ban Quản lý giám sát dự án là người Việt (Project Management Team – PMT) thường trực ngay tại xưởng đóng giàn của nhà thầu Keppel FELS trong suốt thời gian thi công. Và chính đội ngũ PMT này đã có nhiều sáng kiến giúp cải tiến giàn TAD PV DRILLING V có nhiều tính năng kỹ thuật ưu việt hơn so với các giàn khoan tiếp trợ hiện hữu để thuận tiện cho công nghệ khoan ở vùng biển nước sâu, tiết kiệm được hàng triệu đôla chi phí dự án phát sinh. Đặc biệt đội ngũ PMT đã kết hợp với nhà thầu Keppel FELS để cho ra đời thế hệ giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm hiện đại nhất hiện nay thuộc model SSDT 3600 HP (ngoài giàn TAD PV DRILLING V, trên thế giới chỉ có 7 giàn khoan thuộc loại tiếp trợ nửa nổi nửa chìm này được đóng bởi Keppel FELS từ năm 1994 đến nay). Với thế hệ mới nhất này, giàn TAD PV DRILLING V được ứng dụng nhiều tính năng vượt trội so với các giàn khoan tiếp trợ hiện hữu, có thể khoan các giếng khoan có độ khó cao, hoạt động trong điều kiện thời tiết khó khăn và là giàn khoan đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ cao để khoan giếng có nhiệt độ áp suất cao với công suất thiết bị chống phun được thiết kế có áp suất đến 15.000 psi.

Quả là một kỳ tích đáng khâm phục khi chính đội ngũ PMT này, được đánh giá như là “đội đặc nhiệm” của PVD đã thực hiện việc xem xét hơn 1.000 bản vẽ kỹ thuật, hơn 1.700 bản vẽ thi công với khoảng 3.500 giải pháp kỹ thuật, góp ý đề xuất thay đổi trong thiết kế và chế tạo có giá trị được nhà thầu Keppel FELS chấp thuận. Trên thực tế, để cho Hãng Keppel FELS chấp nhận sửa đổi theo các ý kiến đề xuất của các kỹ sư Việt Nam không phải là chuyện đơn giản. Bởi vì cần phải nhìn nhận rằng, Keppel FELS là hãng đóng mới, sửa chữa giàn khoan lớn nhất thế giới với 70% các giàn khoan nước sâu và trên thế giới là do họ sản xuất. Các thiết kế chi tiết giàn khoan của họ đã được cấp bản quyền trên toàn thế giới. Cho nên để thuyết phục nhà thầu Keppel FELS chấp nhận thay đổi thiết kế, giữa đội ngũ PMT và nhà thầu đã phải trải qua những cuộc tranh luận nảy lửa, những cuộc họp trực tuyến xuyên đêm với nhà thầu phụ tại Mỹ và khách hàng tại Việt Nam…

Và cuối cùng, bằng óc sáng tạo cũng như tính toán tỉ mỉ từng bản vẽ, xem xét chi tiết từng hệ thống máy móc thiết bị, đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã góp phần vào việc đảm bảo tốt nhất cho giàn TAD PV DRILLING V hoàn thiện. Chính bản thân giới lãnh đạo Keppel FELS cũng phải công nhận trình độ chuyên môn cao của đội ngũ cán bộ kỹ thuật PVD và khẳng định đây là bước trưởng thành vượt bậc của công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Sứ mệnh tự chủ

Theo các chuyên gia, việc nước ta làm chủ giàn khoan tiếp trợ thuộc thế hệ mới nhất này ở vùng biển nước sâu sẽ đem lại sự chủ động về công nghệ, không phải phụ thuộc vào nước ngoài và mở ra một hướng phát triển mới cho công nghệ khoan nước sâu của Việt Nam. Với kinh nghiệm điều hành giàn khoan hiện hữu cộng với một đội ngũ nhân lực tinh nhuệ luôn khát khao cống hiến và vững vàng lĩnh hội kiến thức mới về công nghệ cao, PVD hoàn toàn tự tin trong việc quản lý điều hành giàn khoan TAD PV DRILLING V trong thời gian tới.

Tác giả và những người thợ trên giàn khoan TAD PV DRILLING V

Cũng cần phải hiểu thêm rằng, giàn khoan TAD PV DRILLING V ra đời trong thời điểm này là phù hợp với chiến lược phát triển ngành Dầu khí của Petrovietnam theo chủ trương hướng việc khai thác dầu khí ra các vùng biển nước sâu. Qua đó thể hiện sự đi đầu, đón lõng công nghệ khoan của PVD đối với sự phát triển của ngành công nghiệp khoan, đồng thời đa dạng hóa dịch vụ cung cấp giàn khoan tại Việt Nam. Việc đóng mới và đưa giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm TAD PV DRILLING V đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch đã khẳng định chủ trương và định hướng đúng đắn của Petrovietnam trong việc phát triển ngành Dịch vụ khoan dầu khí đảm bảo triển khai thực hiện chiến lược thăm dò khai thác dầu khí ở các mỏ xa bờ và các vùng nước sâu tại thị trường Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng vì đó không chỉ là để gia tăng sản luợng dầu khí mà còn tăng cường đảm bảo an ninh về năng lượng cho nền kinh tế quốc dân.

Và bây giờ, khi nói đến PVD, mọi người sẽ không chỉ nhìn vào những giàn khoan tự nâng, mà song hành với nó chính là những giàn khoan nước sâu và các dịch vụ về khoan nước sâu được chuyên môn hóa cao hơn. Việc đầu tư giàn khoan TAD PV DRILLING V sẽ đặt nền móng cho sự phát triển của công nghệ khoan nước sâu tại Việt Nam, góp phần hiện đại hóa ngành Khoan và phát triển công nghệ cao cho sự phát triển của đất nước. Không những vậy, nó còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc về việc khẳng định chủ quyền, an ninh quốc phòng của nước ta trên vùng biển Đông.

Nhìn lại thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược và hướng đi đúng đắn, thành công của PVD là một kết quả tất yếu và xứng đáng. Trở lại quá khứ một chút, năm 2005, PVD đã ký hợp đồng đầu tiên là đóng mới giàn khoan tự nâng đa năng và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Petrovietnam. Đến tháng 3/2007, giàn khoan PV DRILLING I ra đời, là giàn tự nâng đa năng đầu tiên do người Việt Nam sở hữu 100% vốn. Liên tiếp sau đó, PV đã lần lượt sở hữu và điều hành các giàn khoan như PV DRILLING II (tháng 9/2009), PV DRILLING III (tháng 11/2009) rồi đến giàn khoan đất liền PV DRILLING 11, tất cả đều hoạt động an toàn, hiệu quả… Và bây giờ là sứ mạng lớn dành cho giàn khoan TAD PV DRILLING V.

Trên thế giới hiệu suất giàn khoan đạt 90% được xem là hiệu suất hoạt động cao và 95% được xem là rất cao, trong khi đó, các giàn khoan của PVD thường xuyên đạt hiệu suất hoạt động 99% trở lên. Đơn cử như giàn khoan PV DRILLING I, luôn đạt hiệu suất hoạt động 99,5-99,8%, được khách hàng đánh giá là rất cao. Không chỉ có vậy, PVD cũng thường xuyên nhận thư mời chào cung cấp giàn khoan ở các nước Malaysia, Myanma, Indonesia cùng một số nước ở Trung Đông… Và PVD từng có nhiều cơ hội trúng thầu ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo định hướng sát sao của Petrovietnam, nhiệm vụ trước mắt của PVD là phải đáp ứng đủ thị phần giàn khoan trong nước và sau đó sẽ phát triển mở rộng ra thị trường nước ngoài. Và sắp tới, khi giàn TAD PV DRILLING V bắt đầu chiến dịch khoan cho Công ty Biển Đông POC, PVD sẽ đối diện với những thử thách mới vì đây là một lĩnh vực chưa từng được thực hiện ở Việt Nam, nhưng cũng hứa hẹn một triển vọng lớn cho công nghệ khoan và khai thác dầu khí cho vùng biển nước sâu của nước ta.

…Xin được khép lại loạt bài “Lướt sóng về đất mẹ” bằng lời chúc cho sứ mạng lớn lao của giàn TAD PV DRILLING V luôn thành công, vững vàng giữa biển Đông, cũng như gửi gắm sự tin cậy vào đội ngũ công nhân, kỹ sư PVD sẽ khẳng định được bản lĩnh lớn của mình trong việc vận hành hiệu quả giàn khoan TAD PV DRILLING V, mang lại niềm tự hào cho ngành Khoan dầu khí Việt Nam.

Bài, ảnh: Thế Vinh (Từ giàn khoan PV DRILING V)

{lang: 'vi'}

DMCA.com Protection Status