Lướt sóng về đất mẹ (Kỳ II)

08:40 | 30/10/2011

93 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đêm về, dưới những ngọn đèn sáng rực, giữa biển Đông, giàn khoan TAD PV DRILLING V lung linh như một bức tranh kỳ vĩ của công sức lao động bao nhiêu con người bỏ ra nhằm bắt thiên nhiên phục vụ cho nhu cầu năng lượng cuộc sống.

>> Lướt sóng về đất mẹ (Kỳ I)

Kỳ II: Vững vàng giữa biển Đông

Buổi sáng ngày thứ ba, 17/10/2011 là ngày đặc biệt ở bến cảng Keppel FELS Shipyard (Singapore). Không khí rộn ràng hơn thường lệ. Thời tiết khá tốt! Trời quang đãng, nắng đẹp, rất thuận lợi cho việc kéo giàn như kế hoạch ấn định từ trước. Ban Lãnh đạo PV Drilling do Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng dẫn đầu và đại diện Hãng Keppel FELS cùng các kỹ sư có mặt đông đủ từ rất sớm để làm thủ tục bàn giao và chứng kiến thời khắc di chuyển giàn khoan TAD PV DRILLING V rời khỏi Singapore. Đây là chuyến kéo giàn kỳ công bởi tầm vóc đồ sộ của giàn PV DRILLING V cũng như quãng đường dài trên biển đến 566 hải lý (tính từ cảng Keppel FELS đến vùng biển Vũng Tàu), tương đương khoảng 861km.

Đứng trên hành lang giàn khoan nhìn xuống khu bến cảng, tôi thấy từng nhóm kỹ sư Keppel FELS trong màu áo trắng tinh đang hội ý cấp tốc những công đoạn cuối cùng để giàn PV DRILLNG V nhổ neo. Một nhóm thợ lặn được điều động khẩn trương móc dây cáp của tàu kéo vào giàn. Trên boong giàn, các kỹ sư PV Drilling cũng sẵn sàng mọi việc. Hệ thống cân bằng giàn khoan được tập trung kiểm soát cẩn trọng mức cao độ. Người dưới cảng, kẻ trên giàn đi đi lại lại tất bật như con thoi.

Không khí căng thẳng lùi dần cho niềm hân hoan khi các công đoạn nhổ neo kéo giàn dần hoàn tất. Sau hồi lệnh xuất phát, trước sự chứng kiến của lãnh đạo PV Drilling và Keppel FELS, đúng 10h20, bốn chiếc tàu kéo và hoa tiêu dẫn đường của Keppel FELS bắt đầu kéo giàn TAD PV DRILLING V di chuyển. Những tràng vỗ tay chúc mừng vang lên. Đứng từ giàn khoan trên cao với ngọn cờ tổ quốc tung bay phấp phới, những người người thợ PV Drilling reo hò vẫy tay chào tạm biệt khi giàn được kéo chầm chậm ra xa dần khu bến cảng. Vài giờ sau đó, giàn PV DRILLING V đã hướng thẳng về khu vực phao số 0 – nơi mà tàu kéo mang tên Lewek Stork đã sẵn sàng trọng trách chuyển tiếp hành trình kéo giàn về Việt Nam cho chiến dịch khoan dầu ở mỏ Mộc Tinh thuộc vùng bồn trũng Nam Côn Sơn.

Giàn khoan PV DRILLING V đang được kéo giữa biển Đông

Cứ thế, hải đoàn kéo giàn vững vàng tiến ra khỏi biển Singapore và hướng ra hải phận quốc tế qua eo biển Malacca. Sóng nước lăn tăn giữa vùng eo biển vỗ về nhè nhẹ vào thân giàn như tiếp thêm sức mạnh cho cuộc hành trình trên biển yên tâm lướt trên mặt sóng.

Sau khi chạy dọc theo các tuyến cảng biển sầm uất của Singapore, Malaysia, Indonesia, những nơi vốn có nhiều tàu thuyền quốc tế qua lại, tàu kéo đã đưa giàn khoan PV DRILLING V ra khỏi vùng eo biển Malacca và hướng ra hải phận quốc tế vào chiều 18/10/2011. Bước vào bên trong căn phòng Điều khiển cân bằng giàn (Ballast Control Room) của giàn PV DRILLING V – nơi chỉ huy chiến dịch kéo giàn, tôi thấy Thuyền trưởng William Wallace (người Anh) và các cộng sự đang chăm chú theo dõi trên màn hình radar, máy thu Navtex cùng hệ thống liên lạc vệ tinh INMARSATC nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình thời tiết trên biển Đông trong vài ngày tới. Còn đứng trước các màn hình kiểm soát cân bằng giàn, các kỹ sư của PV Drilling không ngừng kiểm soát hệ thống kiểm soát cân bằng giàn để đảm bảo giàn khoan được cân bằng tốt nhất trong hải trình di chuyển.

Đã bước sang ngày thứ tư kể từ lúc rời cảng ở Singapore, với nụ cười trên môi, ông Harrold John Ryan, người New Zealand, sĩ quan cao cấp cân bằng giàn trong phòng Ballast Controll lạc quan nói: “Biển rất im. Nắng đẹp. Sóng lặng. Chúng ta có thể đi nhanh hơn!”. Chỉ tay vào tấm hải đồ, ông Harrold John Ryan cho tôi biết thêm về hải trình di chuyển của giàn. Theo đó, giàn khoan PV DRILLING V sau khi rời khỏi cảng Keppel FELS Shipyard đã đi về hướng phía bắc. Giàn đang được kéo với tốc độ 3,5 hải lý/giờ, đến 9h ngày 21/10 đã đi được 270 hải lý. Hiện giàn đang đi đúng hướng gió và buổi tối có thể sẽ chậm hơn một chút vì đi ngược gió với tốc độ 2,9 hải lý/giờ. Với tốc độ và điều kiện thời tiết im đẹp như vậy thì giàn sẽ về vùng biển Vũng Tàu sớm hơn dự định.

Như vậy là chỉ hơn 4 ngày, giàn đã đi được nửa chặng đường rồi còn gì! Theo các kỹ sư PV Drilling, vốn từng trải nghiệm những lần đi kéo giàn, thì tốc độ di chuyển như vậy là khá tốt. Tàu kéo Lewek Stork (dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm Alex, người Nga) bền bỉ chạy liên tục 24/24 giờ theo hành trình định sẵn. Do trong khi di chuyển, khả năng xoay sở của cụm tàu kéo – giàn khoan là rất hạn chế nên thông tin liên lạc giữa tàu kéo và phòng điều khiển trên giàn không rời từng phút một.

Từ lúc khởi hành đến giờ, qua tìm hiểu thì ở trụ sở tại TP HCM hay Văn phòng dự án tại Singapore, Ban Lãnh đạo PV Drilling luôn theo dõi sát sao chuyến hành trình thông qua các kênh liên lạc thông tin trực tiếp với giàn PV DRILLING V. Giàn trưởng Darrel Osborne và Thuyền trưởng William Wallace cũng vậy, thường xuyên báo cáo, điện thoại trực tiếp về Ban Điều hành của PV Drilling tại TP HCM, tại Singapore, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp ISOS, trung tâm Điều hành tàu kéo Lewek Stork tại Singapore… nhằm cập nhật tình hình di chuyển giàn và có sự hỗ trợ kịp thời khi gặp tình huống khẩn cấp xảy ra. Tôi còn được Thuyền trưởng William Wallace cho xem và giải thích cặn kẽ về cuốn kế hoạch, quy trình kéo giàn (towing plan) và thấy đó quả là một kế hoạch cực kỳ kỹ lưỡng tới từng chi tiết, từng tình huống rủi ro có thể xảy ra… Toàn bộ đều có sẵn kế hoạch ứng phó một cách bài bản và kịp thời.

Các công nhân, kỹ sư trên giàn khoan PV DRILLING V

Có đi biển như vậy mới rõ vì sao tàu kéo giàn không thể chạy nhanh hơn nữa. Theo các chuyên gia hàng hải, thông thường với tàu chở hàng 1.000-10.000 tấn, vận tốc trung bình khoảng 10-23 hải lý/giờ, còn tàu cá đánh bắt xa bờ là 6-8 hải lý/giờ. Còn tàu kéo giàn di chuyển với vận tốc 3-3,5 hải lý/giờ là tốt lắm rồi. Bởi vì sức gió, sóng đẩy dễ gây bất lợi cho quá trình lai kéo, trong khi sức nặng của giàn PV DRILLING V lại rất lớn nên việc di chuyển chậm nhằm đề phòng các tai nạn, rủi ro trên biển là điều cần thiết. Không những vậy, khi đoàn tàu kéo quan sát thấy các tàu thuyền khác từ xa đã phải thông báo lộ trình cho nhau, thỏa thuận hướng tránh nhau. Rồi họ cũng phải tính đến độ nông sâu của biển thay đổi, các bãi cạn, dãy đá ngầm, chướng ngại vật tự nhiên và chủ quan như đăng đáy, lưới cá, tàu nhỏ… Tất cả đều được tính toán hợp lý nhất.

Có một điều thú vị đối với tôi là được mặc sức ngắm nghía biển Đông trên chuyến hải trình này. Từ vùng eo biển Malacca nhộn nhịp hướng ra biển Đông và vòng qua quần đảo Pulao (Indonesia) xinh đẹp, tất cả đều đã đi qua. Đảo nối liền đảo, mây nối liền mây. Bầu trời xanh ngắt hòa quyện cùng sóng nước mênh mông như mở ra cho tôi tầm nhìn bát ngát. Thi thoảng mới có vài cơn mưa lớt phớt thoáng qua. Mỗi sáng sớm, khi mặt trời ửng hồng màu mang cá ló dạng từ phía chân trời xa xa như xua đi làn sương mờ ảo. Mặt biển xanh lăn tăn dưới chân giàn gợn những làn sóng đẹp đến mê hồn. Thật khó tả được cảm xúc của tôi trước cảnh tượng có lẽ chỉ thấy được trên các kênh truyền hình…

Đêm về, dưới những ngọn đèn sáng rực, giữa biển Đông, giàn khoan TAD PV DRILLING V lung linh như một bức tranh kỳ vĩ của công sức lao động bao nhiêu con người bỏ ra nhằm bắt thiên nhiên phục vụ cho nhu cầu năng lượng cuộc sống.

Trên giàn TAD PV DRILLING V công việc của những người thợ PV Drilling luôn tiếp diễn với các ca trực luân phiên không ngừng nghỉ. Thông thường những người làm việc trên giàn chia làm hai ca, một ca ngày và một ca đêm. Bất kể là ngày hay đêm, mọi công việc trên giàn luôn diễn ra đúng trình tự, không bỏ sót bất cứ khâu gì, từ việc kiểm soát cân bằng giàn đến vận hành hệ thống máy phát điện, bảo trì máy móc, kiểm soát an toàn… Mặc dù đang thời điểm kéo giàn nhưng các công việc vẫn được bố trí chỉn chu. Do được huấn luyện kỹ càng cùng kinh nghiệm từ những giàn khoan trước đó nên các kỹ sư PV Drilling đã tiếp cận và quen dần với hệ thống thiết bị mới toanh và hiện đại trên giàn PV DRILLING V. Không lạ gì khi giữa đêm khuya, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng loa phát ra từ Phòng Thông tin (Radio Room) về liên lạc thông tin giữa các bộ phận đang làm ca đêm.

Theo giàn trưởng Darrel Osborne, người Australia, thì quân số trên giàn hiện tại có tất cả 76 người (trong đó có 59 công nhân kỹ sư Việt Nam) được chia làm các bộ phận chuyên trách như bộ phận hàng hải, bộ phận khoan, phòng kiểm soát an toàn, bộ phận máy phát điện, cơ khí, giám sát kho, kỹ thuật điện tử… Giàn trưởng (OIM) với vai trò tổng chỉ huy là người điều phối quản lý chung tất cả các hoạt động trên giàn. Công việc của OIM là làm sao để bảo đảm an toàn cho chuyến hành trình và giàn khoan được chạy trơn tru khi đi vào vận hành.

Ở trên giàn, bất kỳ bộ phận nào cũng quan trọng, vất vả nặng nhọc. Nhưng thấy cũng cần nhấn mạnh vai trò đặc biệt của bộ phận hàng hải và bộ phận khoan. Bộ phận hàng hải gồm 1 thuyền trưởng, 3 sĩ quan cân bằng giàn, 2 thợ lái cẩu, 8 thợ móc cáp, 3 thủy thủ, 1 thợ giám sát boong. Để giàn TAD PV DRILLING V hoạt động ở vùng nước sâu đến 1.200m nước thì phải nhờ đến hệ thống định vị và kiểm soát cân bằng hiện đại. Do vậy, những người vận hành ở bộ phận hàng hải kiểm soát cân bằng giàn luôn tập trung theo dõi tình trạng làm việc, mực nước trong các khoang chứa và điều khiển các thiết bị trên giàn. Điều này nhằm đảm bảo cho giàn trong quá trình di chuyển hoặc khi đi vào vận hành cũng phải an toàn, hiệu quả ở các điều kiện khí tượng thủy văn biển và địa chất đáy biển khác nhau.

Đối với bộ phận khoan – khâu chủ lực của giàn TAD PV DRILLING V, hiện có 2 đốc công, 2 kíp trưởng, 2 thợ cả, 8 thợ phụ khoan, 2 thợ bơm dung dịch khoan và 2 thợ ở trên cao. Nếu so sánh về môi trường làm việc khi giàn đi vào vận hành, những người thợ khoan sẽ có môi trường làm việc nặng nhọc nhất, bởi lúc nào cũng trơn nhớp dầu mỡ, hai tai phải đeo chụp tai giảm thanh bởi tiếng máy gào thét suốt ngày đêm…

Nhớ lại lúc trước khi lên giàn PV DRILLING V, tôi trải qua khóa huấn luyện ở Trung tâm PV Drilling Training (đặt tại Bà Rịa – Vũng Tàu) để học an toàn, làm quen những tình huống nguy hiểm như cách thoát nạn khi giàn gặp sự cố, phòng cháy chữa cháy, khi máy bay trực thăng lao xuống biển, cách sống sót trên biển… nên thú thực cũng thấy ái ngại lắm. Lên giàn rồi, được tiếp xúc những cán bộ đảm trách an toàn đầy kinh nghiệm như hai anh Cao Việt Bắc và Graham Purves (người Anh) đã giúp tôi an tâm hơn nhiều. Anh Cao Việt Bắc cho biết: Ở trên giàn, nhiệm vụ của cán bộ an toàn là đi xem từng bộ phận làm việc như thế nào, đảm bảo an toàn hay chưa, có phát sinh sự cố gì không và có giấy phép làm việc hay chưa… nhằm kiểm soát an toàn ở mức tốt nhất.

Không những vậy, các kỹ sư PV Drilling còn được huấn luyện, thực hành các biện pháp an toàn trên giàn. Tôi còn nhớ sau buổi xuất hành kéo giàn được 1 ngày, chỉ huy giàn đã thực tập báo động để mọi người trên giàn tập trung tại xuồng cứu sinh thoát hiểm. Bản thân tôi và những người thợ ở đây vốn được huấn luyện nên việc ứng phó trong tình huống báo động diễn ra khá tốt.

Anh Đinh Quang Minh (nhân viên Phòng Radio Room, thâm niên hơn 10 năm làm việc trên biển) và các anh em công nhân trên giàn PV DRILLING V nói với tôi rằng, lần kéo giàn này rất thuận lợi. Bởi theo lời kể của anh Minh và những người từng vài lần đi kéo giàn từ Singapore về Việt Nam thì có khi mất gần cả tháng trời, vì gặp phải thời tiết xấu, những cơn bão trên biển Đông, sóng to gió lớn, giàn và tàu kéo phải dạt vào các hòn đảo để tránh bão liên tục. Nhớ lại thời điểm đó, các anh vất vả chống chọi gió biển rít từng cơn, những con sóng cao cứ vỗ sầm sập dưới chân giàn. Biển động mạnh khiến giàn được kéo trong trạng thái lắc lư cứ như bị kéo giật trở lại. Gần cả tháng sống trong trạng thái mất cân bằng khiến đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ăn ngủ kém. Chưa kể lương thực dự trữ trên giàn cũng vơi cạn… Sự nhọc nhằn của hành trình dài cùng sóng gió biển khơi khiến nhiều người tưởng chừng đuối sức. Thế nhưng rồi các anh vẫn yêu giàn khoan, yêu biển và bám biển, tiếp tục những cuộc hành trình mới…

Chuyến hải trình trên biển Đông không chỉ giúp tôi hiểu thêm nỗi vất vả lẫn niềm vui của những người thợ giàn khoan lênh đênh giữa biển khơi mà còn biết thêm các quy luật biển cả. Chỉ mong biển và những người thợ giàn khoan gắn bó nhau như máu thịt. Tôi cảm nhận hạnh phúc thật sự sau những lần mệt nhoài bấm máy ghi lại khoảnh khắc lao động cực nhọc và cả nét lạc quan của những người thợ làm việc trên giàn PV DRILLING V. Sự từng trải, dãi dầu sóng gió của người thợ PV Drilling toát lên không chỉ qua làn da sạm nắng, đôi bàn tay thô ráp mà qua cả cách nói chuyện với tầm hiểu biết xã hội rộng rãi. Các anh tin rằng công việc của mình không những đem lại lợi ích lớn cho ngành Dầu khí của đất nước mà còn góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên vùng biển Đông.

(Xem tiếp kỳ sau)

Bài, ảnh: Thế Vinh (ghi từ giàn PV DRILLING V)

{lang: 'vi'}

DMCA.com Protection Status