Mỏ Dầu - Mỏ thơ

07:00 | 27/01/2020

821 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Dầu và thơ, sao lại đặt chúng cạnh nhau kỳ cục vậy? Dầu và thơ là hai thứ khác nhau, một cái vật chất, một cái tinh thần. Một thứ do trầm tích dưới lòng đất, lòng biển mà thành chất lỏng lấy lên làm nhiên liệu. Một thứ cảm xúc từ trong đầu người mà ra, được ghi lại bằng các ký tự và ghi nhớ trong tâm trí. Dầu là dầu, thơ là thơ, hai cái có gì liên quan với nhau nhỉ?
mo dau mo tho
Mỏ Bạch Hổ về đêm (ảnh: Bùi Minh Trí)

Ấy vậy, chúng lại liên quan với nhau, mà còn liên quan mạnh, trong một so sánh, liên tưởng rất có quan hệ đến thơ của một người và của cả một nền thơ. Thật thế ư, lấy dầu so với thơ, ở đâu, khi nào và ai so? Xin thưa, người so là nhà thơ Xuân Diệu và năm đưa ra sự so sánh đó là năm 1939. Ối, năm ấy nhà thơ mới vừa 20 tuổi, đang là ngôi sao mới nổi trong phong trào Thơ Mới, được coi là một “cái thiên tài còn khép nép” (Thế Lữ), cớ sao lại nói chuyện mỏ dầu ở đây. Ông là thi sĩ “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, mà tự nhiên lại nói đến dầu, đến khí hẳn phải có nguồn cơn, mà nguồn cơn đó chắc hẳn chỉ đụng thơ. Phải rồi, từ thơ và vì thơ mà “nhả thơ mới nhất trong những nhà Thơ Mới” là Xuân Diệu phải viện dẫn đến mỏ dầu để làm trạng sư cãi cho mình, cho thơ.

mo dau mo tho

Số là thơ ông khi mới xuất hiện được những người tân thời khen mới, khen hay, nhưng phái thủ cựu thì mè nheo chê bai là “lai tây”, không có tính dân tộc. Xuân Diệu bèn đáp lại bằng một bài viết nhan đề “Tính cách An-nam trong văn chương” có cái câu nói về mỏ dầu ấy. Ông nói tôi viết thơ bằng tiếng Việt thế là thơ tôi có tính dân tộc quá rồi. Còn như tôi viết về mọi thứ cảm xúc, tình cảm mà người Việt bây giờ đọc thấy ngỡ ngàng mới lạ thì đấy chẳng qua là những thứ tình bao lâu nay vẫn có trong hồn ta mà ta không biết, bây giờ nhờ học theo cách khai thác tâm hồn từ phương Tây đưa lại ta mới biết ta có những tình ấy trong ta thì ta cứ viết ra thôi, viết bằng tiếng ta. Và ông lấy ngay thí dụ mỏ dầu làm dẫn chứng.

mo dau mo tho

Đoạn văn Xuân Diệu viết thế này: “Chúng ta là những người An-nam có chịu ảnh hưởng Âu-tây, nhưng vẫn là người An-nam. Mà người Âu-tây là gì? Họ cũng là người. Trong lòng An-nam của chúng ta, vẫn có phần nhiều những ý những tình, những cảm giác mà người tây có. Xưa kia ta không nói là vì ta không ngờ, bây giờ cái não khoa học của Âu-tây đã cho ta biết rằng ta có, vẫn có đã lâu những của cải chôn giấu ở trong lòng, thì sao ta không nói? Miễn là ta dùng tiếng An-nam và dùng đúng, tức là ta viết văn An-nam. Khi xưa, đất An-nam cũng vẫn có dầu hỏa đấy chứ, cái dầu hỏa mà khoa học Âu-tây tìm ra trên đất An-nam có phải là dầu hỏa tây hay không?”.

Nói thế đúng quá còn gì! Không ngờ một nhà thơ lãng mạn bậc nhất lại nảy ra cái ý so sánh hay đến thế. Bao lâu nay dưới lòng đất Việt dầu khí đã sẵn có nhưng ta không biết vì ta không có công cụ kỹ thuật thăm dò và khai thác. Khi khoa học kỹ thuật phương Tây đưa lại cho ta cái khoa học kỹ thuật đó thì dầu ta khơi lên từ lòng đất quê ta là dầu của ta.

Thơ và văn chương cũng vậy thôi. Lấy dầu hỏa ra so sánh với thơ ở đây là Xuân Diệu đã lấy một cái cực kỳ mới mẻ, hiện đại để chứng minh cho “tính cách An-nam trong văn chương” không thể hẹp hòi, nông nổi. Cái ý cứ viết tiếng nước mình là sáng tác văn chương đã có dân tộc tính rồi, nửa thế kỷ sau nhà văn Pháp gốc Trung Hoa - Cao Hành Kiện (Nobel 2000) cũng nói y như Xuân Diệu khi ông lâm hoàn cảnh bị chê bai như nhà thơ Việt Nam.

Thế là mỏ thơ cũng như mỏ dầu, biết có mỏ rồi thì phải tìm cách khai mỏ. Khai dầu dùng mũi khoan thép. Khai thơ dùng mũi khoan tiếng - tiếng Việt. Từ mỏ thơ - mỏ dầu, Xuân Diệu đã dùng khí cụ tiếng Việt khơi lên được những dòng thơ óng ánh đẹp. Nào “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Nào “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Nào “Ái ân bờ cỏ ôm chân trúc”. Nào “Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu/ Lả lả cành hoang nắng trở chiều”...

Thơ Xuân Diệu và thơ của các nhà thơ khác đồng thời Thơ Mới, đã đem lại cho tiếng Việt nhiều sắc thái và khả năng mới đa dạng, phong phú để diễn tả những tình cảm, cảm xúc vi tế trong hồn người Việt thời hiện đại. Cái khí cụ ấy phải luôn được mài giũa, nâng niu, để tiếng Việt luôn trong sáng, giàu có, sắc bén, đáp ứng được mọi nhu cầu thể hiện mình của con người Việt Nam.

Và thơ cũng phải được hóa lọc, như hóa lọc dầu. Dầu được lấy lên từ lòng đất phải qua bao công đoạn hóa lọc mới dùng được trong cuộc sống. Thơ cũng không khác. Không phải câu vần vè nào ghép lại cũng là thơ. Không phải cứ dùng thứ tiếng Việt mòn cùn xơ xác phẳng bẹt chẳng hề cựa quậy động đậy khi được viết ra thì thơ gọi là có tính dân tộc. Hóa lọc thơ là luyện tinh cho tiếng Việt.

Thế có đúng là dầu khí có liên quan đến thơ không? Đúng quá đi chứ! Xuân Diệu “vẫy chào cõi thực để vào hư” đã 35 năm. Cái câu ông viết về dầu khí để bênh vực và bảo vệ cho một lối thơ mới đã hơn 80 năm. Ngày nay, ngành Dầu khí Việt Nam đang phát triển mạnh. Thơ Việt cũng vẫn tăng triển. Nhưng ít thấy có những mỏ thơ trữ lượng lớn được phát hiện.

Hà Nội, 9-11-2019

Phạm Xuân Nguyên

DMCA.com Protection Status