Một đời gắn bó với tổ chức đảng và công đoàn

09:45 | 19/08/2016

2,661 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tôi chọn viết về những dấu ấn khó phai của Công đoàn Dầu khí khoá IV (2008-2013) bởi một lẽ đơn giản tôi là một cán bộ công đoàn chuyên trách. Tôi đang mong muốn học tập những điều tốt đẹp, những thành quả đáng ghi nhớ mà Ban Chấp hành khoá IV đã làm được và đặc biệt là người đứng đầu Công đoàn Dầu khí Việt Nam - anh Hà Duy Dĩnh đáng kính.

Người cán bộ có tâm và có tầm

Năm ấy là năm 2006. tôi còn đang làm việc tại Công ty Khí miền Bắc, một đơn vị con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tôi và một số đồng nghiệp là đảng viên được tham dự lớp học tập Nghị quyết dành cho các cán bộ đảng viên các Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn do anh Hà Duy Dĩnh giảng bài. Với lối truyền đạt giản dị, gần gũi và dễ hiểu, anh đã quán triệt những nội dung Nghị quyết 11 của Trung ương đến nhiều đảng viên trong Ngành một cách hiệu quả, dễ hiểu và rất hấp dẫn. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao một số đảng bộ một số Bộ, ngành tại Hà Nội hay mời anh về truyền đạt Nghị quyết mới của Trung ương; giảng bài cho các lớp đối tượng đảng, những lớp đảng viên trẻ, mặc dù các Nghị quyết thường rất khô khan. Tôi đã gặp nhiều anh, chị em cùng học và ai đã một lần được dự lớp học của anh hay được lắng nghe anh phát biểu tại các Hội nghị đều có chung một nhận xét như Báo Năng lượng Mới đã viết về anh: Sâu sắc - trí tuệ - gần gũi - thân thiện - dễ hiểu và dễ tiếp thu.

mot doi gan bo voi to chuc dang va cong doan
Anh Hà Duy Dĩnh

Bài giảng cứ thế trôi qua, cuốn hút đến nỗi quên cả thời gian. Cả lớp “im lặng như tờ” để lắng nghe, không có tiếng rì rầm nào và hầu như rất ít có người làm việc riêng trong giờ. Chúng tôi học và làm “cháy giáo án” của anh khi kéo dài đến hơn 5 giờ chiều mà vẫn không ai muốn đứng dậy ra về.

Tôi cũng nghe một số bạn thân ở Vũng Tàu có kể lại rằng: “Khi đến nghe Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng do anh truyền đạt theo sự phân công của Đảng ủy, do đến muộn nên hội trường không còn ghế ngồi nên cả chục người đứng tựa lưng vào tường cuối hội trường chỉ để chứng tỏ là mình có mặt rồi khi nghỉ giải lao thì có cớ để về cơ quan. Nhưng rồi chúng tôi đã không làm được điều đó vì bài giảng quá hấp dẫn. Chúng tôi vẫn đứng và nghe Nghị quyết. Có thể nói Nghị quyết nào của Trung ương đơn vị chúng tôi cũng đều tổ chức và mời những báo cáo viên có tên tuổi. Thế mà điều làm chúng tôi rất ngạc nhiên là trong Ngành mà cũng có người truyền đạt hấp dẫn không thua kém người chuyên trách”. Anh đã đi truyền đạt tới 19 lớp khắp trong Nam ngoài Bắc về Nghị quyết Đại Hội X của Đảng và người nghe đều có chung nhận xét rất tốt về anh.

Từ khi tôi được tham dự các khoá học nghị quyết hoặc đi dự hội nghị nào đó do Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức, tôi đã học tập được rất nhiều kinh nghiệm ở anh từ giọng nói đến các cử chỉ, hành động. Trên bục giảng, anh thật giản dị, khiêm tốn, gần giũ nhưng lại rất uyên bác, trí tuệ sâu sắc. Không chỉ thể hiện ở tầm lý luận mà còn rất sát thực tiễn.

mot doi gan bo voi to chuc dang va cong doan
Anh Hà Duy Dĩnh (phải) gặp gỡ người lao động trên công trường

Sự hấp dẫn ấy đã lôi cuốn tôi bắt đầu tìm hiểu những bài viết phân tích sâu hơn về công tác Đảng, công tác đoàn thể, làm thế nào để hoạt động đoàn thể cho tốt. Đó là cả một vấn đề không hề đơn giản, thậm chí muốn làm công tác đoàn thể nói chung, công tác công đoàn nói riêng đòi hỏi người cán bộ chuyên trách không chỉ am hiểu sâu rộng mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, mọi hoạt động của từng đơn vị trong ngành mà còn có nghệ thuật tổ chức, lôi cuốn mọi người tham gia và đặc biệt là phải có tài ăn nói sao cho có sức thuyết phục, nhất là trong điều kiện đội ngũ người lao động hiện nay của ngành có trình độ học vấn rất cao. Đó chính là điều anh Dĩnh đã làm được.

Trong hành trình thu thập và tìm kiếm ấy, tôi đã gặp rất nhiều bài viết của anh, từ những bài viết nghiên cứu, kiến nghị về công tác xây dựng Đảng trong Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn, về mô hình tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế. Nhất là sự cần thiết phải thống nhất mô hình tổ chức đảng, đoàn thể trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vai trò của công nhân dầu khí đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,... Tất cả những bài viết ấy đều được anh truyền tải toàn tâm, toàn ý và cũng có sự trăn trở làm sao để tròn trách nhiệm, trọng trách của một người Lãnh đạo, một Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn và một Chủ tịch Công đoàn Ngành (năm 2008, anh đã được bầu giữ trọng trách này).

Tôi đã được nghe kể lại rằng, về mô hình đảng bộ toàn ngành, anh đã đề xuất ý kiến này với Đảng ủy cơ quan tại các kỳ họp của Ban chấp hành hay hội nghị tổng kết năm từ trước những năm 2000 nhưng không được chấp nhận với lý luận là các đảng bộ dầu khí trực thuộc Đảng bộ địa phương thì mối quan hệ giữa đơn vị với địa phương được gần gũi và thắt chặt hơn, tạo điều kiện để đơn vị phát triển. Nghe qua có vẻ có lý lắm. Nhưng riêng anh thì anh thấy không đúng, vì như thế tổ chức đảng ở từng đơn vị và ngay cả đảng bộ cơ quan tổng công ty sẽ thiếu đi sự lãnh đạo thống nhất, theo đó sức mạnh lãnh đạo giảm sút và hệ thống chính trị của ngành Dầu khí bị khập khiễng thì không thể tạo ra sức mạnh đồng bộ được. Anh cho rằng đảng bộ địa phương không có điều kiện để lãnh đạo công tác sản xuất kinh doanh và công tác cán bộ và công tác quần chúng.

Chỉ đến khi Trung ương điều đồng chí Đinh La Thăng từ Phó Bí thư thường trực Đảng bộ Thừa Thiên Huế về nhận chức Bí thư BCS Đảng Tổng Công ty Dầu khí và Chủ tịch HĐQT vào khoảng tháng 12 năm 2005, anh đã cùng anh Nguyễn Hữu Tuyến- hai Phó bí thư Đảng bộ cơ quan TCT đến gặp anh Đinh La Thăng đề nghị ý kiến này. Anh Thăng đã đồng ý và giao cho anh và các đồng chí trong Đảng ủy, Văn phòng Đảng ủy tiến hành các thủ tục cần thiết như xây dựng đề án sao cho khoa học nhất, có sức thuyết phục nhất để báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Đề án này được Trung ương chấp thuận và cho phép thành lập Đảng bộ toàn ngành như mô hình hiện nay. Theo đó Đoàn thanh niên cũng thống nhất về một mối. Kể từ đó đến nay mô hình ấy đã thể hiện sức mạnh của mình trong lãnh đạo toàn diện, mọi mặt hoạt động của Tập đoàn để các đơn vị và Tập đoàn có được diện mạo như ngày hôm nay.

Đại hội Đảng bộ cơ quan Tổng công ty Dầu khí năm 2005 đã bầu anh giữ cương vị Phó Bí thư Thường trực. Được anh Đinh La Thăng, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn ủy quyền, anh đến từng tỉnh thành nơi có đảng bộ dầu khí trực thuộc để thảo luận, thuyết phục và tiến hành mọi thủ tục chuyển tổ chức Đảng về với Đảng bộ Tập đoàn. Biết bao nhiêu công việc bộn bề nhất là đảng bộ một số địa phương thậm chí ngay cả đảng bộ trong ngành cũng chưa đồng tình về việc chuyển tổ chức đảng về trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn. Nhưng với sự khéo léo, tinh tế mà quyết liệt, anh Đinh La Thăng, anh Dĩnh cùng với một số lãnh đạo Tập đoàn đã thuyết phục được các địa phương để đến đúng 15/12/2008 công tác chuyển đảng đã hoàn tất. Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.

Sau đó, xét thấy vừa là Phó bí thư Thường trực vừa là Chủ tịch Công đoàn ngành thì quá sức nên anh đã làm đơn kiến nghị Đảng ủy cho anh thôi làm Phó bí thư để chuyên tâm làm Chủ tịch Công đoàn.

mot doi gan bo voi to chuc dang va cong doan
Anh Hà Duy Dĩnh với cương vị Phó bí thư TT Đảng uỷ Tập đoàn là đại diện ký tiếp nhận Lễ bàn giao tổ chức Đảng đơn vị về Đảng bộ Tập đoàn

Trên cương vị Chủ tịch Công đoàn, có lần nghỉ giải lao ở một hội nghị tập huấn anh đã tâm sự với anh chị em cán bộ công đoàn chuyên trách chúng tôi rằng nhiệm vụ của chúng ta thật nặng nề vì ví Công đoàn ngành như một con tàu đang chạy chậm, chúng ta có trách nhiệm không chỉ đẩy cho nó chạy nhanh hơn và mà còn phải nối thêm nhiều toa nữa để nó phù hợp với mô hình bên chuyên môn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Trên thực tế anh đã đoàn kết với đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp để làm xuất sắc đều này.

Chính vì thế thời gian càng trôi đi thì nhiều người đã bình luận “công đoàn ngành khóa anh Dĩnh làm Chủ tịch “đánh dấu một sự trưởng thành vượt bậc của công tác đoàn thể Ngành Dầu khí”.

Ở anh trong mỗi hoạt động nhất là tổ chức các sự kiện lớn anh đều tận dụng cả 3 nhân tố “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”. Khi thời tiết oi bức vào những tháng mùa hè ở miền Bắc thì anh thường cân nhắc để tổ chức các hoạt động được tổ chức ở miền Nam; khi mùa Thu đến rất mát mẻ dễ chịu anh tổ chức hoạt động ở miền Bắc, nhất là Tuần lễ Văn hóa Dầu khí; các cuộc thi trong đó có “Duyên dáng Dầu khí”; “Tiếng hát những Người đi tìm lửa”…

Để có được yếu tố “nhân hòa” anh thường tổ chức lấy ý kiến của anh chị em trong Ban Chấp hành, trong Thường vụ và đội ngũ chủ tịch công đoàn các cấp sau khi đã được Thường trực và cơ quan công đoàn Ngành thảo luận. Ở những đơn vị gặp khó khăn anh thường trực tiếp trao đổi, tranh thủ sự đồng tình của lãnh đạo đơn vị và tài trợ một phần kinh phí để công đoàn những đơn vị khó khăn ấy vẫn tiếp tục tham gia mà không bỏ cuộc, sẽ “mang tiếng” cho phong trào.

mot doi gan bo voi to chuc dang va cong doan

Anh Hà Duy Dĩnh – Chủ tịch CĐ Dầu khí VN trao quà cho các chị em nữ CNLĐ nghèo nhân dịp tết Nguyên đán 2013

Chính từ anh mà các phong trào của Công đoàn Ngành nói chung và công đoàn các đơn vị nói riêng đã nở rộ như “hoa mùa xuân”. Những đợt thi “Tiếng hát những người đi tìm lửa” đã không chỉ thu hút khán giản lúc nào cũng ngồi kín hội trường với những trang pháo tay như “sấm động”; đơn vị nào cũng “trổ tài” đưa đến với hội diễn những chương trình với chủ đề thật hấp dẫn và đội ngũ anh chị em văn nghệ được tập luyện hết sức công phu.

Những dấu ấn nổi bật

Một là, quan điểm không phải cán bộ công đoàn nào cũng nghĩ tới đó là cán bộ công đoàn đang sống bằng tiền bạc của người lao động đóng góp.

Tôi đã nghe một số anh chị em ở cơ quan Công đoàn Ngành kể lại rằng ở nhiều cuộc họp cơ quan, anh Hà Duy Dĩnh thường nói: “Chúng ta đang sống bằng tiền đóng góp của người lao động thì chúng ta cần hoạt động thật tích cực hướng về người lao động và chính chúng ta không được nghĩ mình là cấp trên của họ ngượi lại phải biết ơn họ”.

Câu nói quả thật quá đúng đắn có phải ai cũng nhận thức được như thế đâu. Cũng chính từ quan điểm ấy mà trong suốt 10 năm làm cán bộ của văn phòng Đảng ủy và gần 11 năm làm cán bộ công đoàn, anh đã thể hiện toàn tâm, toàn ý với tổ chức, với con người. Đồng thời anh đã tuyên truyền giáo dục đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp cần quán triệt và thực hiện quan điểm đúng đắn ấy. Chính vì thế mọi sự kiện được tổ chức đều nổi bật tính chu đáo. Chu đáo ân cần, đầy trách nhiệm từ khi bàn bạc chủ trương đến khi triệu tập, đón tiếp, tổ chức ăn ở, đi tham quan du lịch…

Hai là, anh cũng đồng thời nêu quan điểm tiền bạc đóng góp của người lao động cần quay trở về cho người lao động.

Kinh phí của các đơn vị và của đội ngũ người lao động hàng tháng là đóng góp rất cố gắng của người lao động. Chính vì thế khi đưa ra quan điểm trên đã được Ban Chấp hành công đoàn Ngành, nhất là công đoàn các đơn vị nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động không ít công đoàn đơn vị gặp khó khăn. Trong những trường hợp đó anh Dĩnh đã cùng Thường trực, Thường vụ và Ban Chấp hành hỗ trợ kinh phí hoạt động cho những nơi đó. Ví dụ, tài trợ cho công đoàn Dự án Nhiệt điện Nhơn trạch làm sân bóng đá cỏ nhân tạo 500 triệu, Công đoàn TCT Vận tải Dầu khí 500 triệu, Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 500 triệu; Công đoàn TCT Petrosetco 500 triệu… Đồng chí Chủ tịch Petrosetco đã có lúc phải thốt lên rằng, nguồn tiền 500 triệu mà công đoàn Dầu khí giúp đơn vị lúc khó khăn đã tạo đà cho công đoàn hoạt động tốt. Đúng là như cổ nhân đã tổng kết “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Ba là, sức mạnh là ở nơi tổ chức. Trước hết anh đã sắp xếp lại hệ thống công đoàn theo mô hình mới. Anh đã thấm nhuần tổ chức khi hợp lý sẽ là sức mạnh và ngược lại. Anh Dĩnh đã cùng Ban Chấp hành nghiên cứu và nhanh chóng sắp xếp lại với việc thành lập công đoàn của nhiều tổng công ty, công ty, trong đó đã đi đầu một cách sáng tạo và dám chịu trách nhiệm khi thành lập Công đoàn Công ty mẹ. Bởi lẽ cho đến ngày hôm nay chưa có Tập đoàn kinh tế nào thành lập Công đoàn Công ty Mẹ vì còn chờ đợi sự chỉ đạo của Tổng liên đoàn. Cách đây 7 năm, trước tình hình Chính phủ cho thành lập một số tập đoàn kinh tế trong đó có Dầu khí, Tổng liên đoàn lúc đó mới giao cho Viện Công đoàn nghiên cứu đề tài có nên tổ chức công đoàn công ty mẹ hay không và cho đến nay tôi chưa biết kết quả nghiên cứu này. Theo dõi hoạt động của Vông đoàn Công ty mẹ nơi tôi là cán bộ chuyên trách thì phải khẳng định rằng việc thành lập Công đoàn Công ty Mẹ là hết sức đúng đắn, chẳng những phù hợp với mô hình mà còn phát huy được sự mong đợi của đoàn viên nhất là đoàn viên ở các dự án trong Tập đoàn.

Đồng thời đi đôi với tổ chức thì công tác con người đã được anh hết lòng chú ý. Anh đã đề xuất và đi đến ký kết với Chủ tịch HĐTV và Tổng gám đốc Tập đoàn cho phép thành lập Văn phòng Công đoàn ở các tổng công ty với cán bộ chuyên trách không quá 5 người. Văn bản pháp lý này đã tạo lập thế đứng của Công đoàn trong hệ thống chính trị và để tổ chức Đảng, chính quyền quan tâm cử nhiều cán bộ bên chuyên môn chuyển sang công tác công đoàn, chấm dứt tình trạng kiêm nhiệm thiếu trách nhiệm như trước đây.

Với nhận thức công tác nhân sự - con người là yếu tố quyết định nên Công đoàn Ngành dưới sự quan tâm, chỉ đạo của anh đã mở hai lớp đại học công đoàn, các lớp MC, lớp chụp ảnh và rất nhiều lớp tập huấn theo chuyên đề hàng năm đã góp phần đưa hoạt động công đoàn các cấp lên tầm trí tuệ hơn, chuyên nghiệp hơn.

Bốn là, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và đã có nhiều kết quả nổi bật.

Khi Trung ương phát động “Cuộc vận động” này không phải tổ chức công đoàn tỉnh, thành, tập đoàn kinh tế nào cũng hiểu đúng và tốt như công đoàn Dầu khí. Vì nhiều nơi nghĩ Cuộc vận động là học theo đơn thuần đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng Công đoàn Dầu khí đã hiểu đúng và làm theo đúng, có thể nói đã đi đầu trong việc thực hiện có kết quả. Học tập đạo đức của Bác là phải ra sức lao động, sản xuất kinh doanh sao cho có hiệu quả nhất. Chỉ có lao động siêng năng, hiệu quả, vượt qua khó khăn, thách thức đó là đạo đức; không có đạo đức chung chung mà đạo đức phải thể hiện ra việc làm hàng ngày. Chính từ quan điểm đó mà Công đoàn các cấp đã thường xuyên vận động, khích lệ đội ngũ đoàn viên ra sức lao động, “lao động hết mình”, “việc hôm nay không để đến ngày mai”, “lao động sáng tạo”, “ lao động an toàn hiệu quả”… là đã thực hiện được một phần đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm là, Chủ tịch phải có tài tổ chức và khéo vận động quần chúng trong việc thực hiện Nghị quyết của công đoàn. Anh luôn đặt niềm tin mãnh liệt ở quần chúng lao động, không có họ thì không có bất cứ một phong trào nào hết. Chính vì thế anh luôn đặt nhiệm vụ vận động, thuyết phục người lao động là một nhiệm vụ không chỉ quan trọng hàng đầu mà là giải pháp hợp lý rất cần thiết.

Chỉ riêng chuyện vận động quyên góp tiền có hai kỷ niệm gây ấn tượng sâu sắc. Đó là trước sự khó khăn của Công đoàn TP Hải Phòng khi xây Nhà tưởng niệm Cụ Nguyễn Đức Cảnh lãnh đạo đầu tiên của tổ chức Công đoàn khi tìm thấy hài cốt của Cụ. Được sự đồng tình của Lãnh đạo Tập đoàn, Công đoàn ngành đã vận động đội ngũ người lao động làm việc thêm vào ngày thứ 7, thu được 7 tỷ đồng, trong đó trích ra 4 tỷ ủng hộ Công đoàn Hải Phòng và giữ lại 3 tỷ làm công tác hỗ trợ đoàn viên công đoàn trong ngành gặp khó khăn. Biết bao nhiêu trường hợp đau lòng của người lao động khi bị bệnh hiểm nghèo như ung thư, mổ sẻ… đều có sự ủng hộ chia sẻ của công đoàn với mức khá cao là 50 triệu đồng cho người bị bệnh nan y. Nếu không có tấm lòng rộng mở, không có văn hóa sâu sắc, không có tình thương yêu lẫn nhau mà Đảng, Nhà nước, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun đắp… thì không thể làm tốt được việc nghĩa tình này.

Hoặc anh đã cùng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp phát động nhiều đợt quyên góp tiền chỉ với mỗi đoàn viên ủng hộ 50.000 đồng để mua quần áo ấm ủng hộ người cao tuổi còn nghèo ở 6 tỉnh phía Bắc và miền Trung trong những đợt gió rét kỷ lục. Tuy chúng tôi không có thời gian để tìm hiểu cụ thể nhưng có thể khẳng định với những quần áo ấm đó đã giúp cho nhiều cụ vượt qua “cửa tử” của những đợt gió rét kinh người đến trâu bò cũng chết.

Để thể hiện tầm lòng của người lao động Dầu khí với biển đảo nhất là với Trường Sa, anh đã khéo kết hợp với các công đoàn đơn vị, chỉ một đêm biểu diễn văn nghệ kết hợp phát động quyên góp vì hải đảo đã thu được 6,7 tỷ đồng. Ngay trong đêm hôm đó anh đã mời đại diện nhân dân đảo Trường Sa và Hải quân vùng 4 lên sân khấu nhận 2 tỷ đồng ủng hộ của người lao động Dầu khí. Còn biết bao nhiêu cuộc vận động quyên góp ủng hộ nhân dân vùng bị bão lụt, thậm chí ủng hộ nhân dân một số nước gặp khó khăn như Cu Ba, Triều Tiên hay nhân dân chịu ảnh hưởng của động đất sóng thần ở Nhật Bản.

Với uy tín trong tổ chức, lãnh đạo Tập đoàn đã giao cho anh và công đoàn tổ chức các hội thao trong khối các nước có dầu khí ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Các đợt đi thi đấu ở Singapore, Thái Lan và đăng cai tổ chức ở Việt Nam, thành tích của đội tuyển Dầu khí đã làm cho các nước tham dự “kính nể” trong đó có năm môn bóng bàn đã đạt Huy chương Vàng đồng đội và nhiều huy hương vàng, bạc, đồng khác.

Những hoạt động nêu trên thể hiện người đứng đầu tổ chức công đoàn ngành Dầu khí đã có tài tổ chức và khéo vận động quần chúng. Những dấu ấn không bao giờ quên của Công đoàn Dầu khí.

mot doi gan bo voi to chuc dang va cong doan
Chủ tịch Hà Duy Dĩnh trao 2,2 tỷ đồng cho huyện đảo Trường Sa

Tích cực quảng bá thương hiệu

Đi đôi với sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công đoàn khóa IV mà anh Hà Duy Dĩnh làm Chủ tịch đã khéo kết hợp hoạt động của mình hòa quyện với hoạt động của 12 công đoàn tỉnh, thành phố và địa phương ở những nơi có đơn vị dầu khí đóng quân; đồng thời quảng bá hình ảnh thiết thực của tổ chức công đoàn với một số công đoàn trong khu vực và quốc tế.

Một dấu ấn khó quên đó là đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Dầu khí Việt Nam, theo lời mời của Công đoàn Dầu khí đã có 14 liên đoàn lao động, công đoàn các tập đoàn kinh tế đưa đội văn nghệ tiêu biểu nhất đến Viện Dầu khí để biểu diễn. Chương trình văn nghệ hiếm có này đã thể hiện sự yêu mến của các tổ chức công đoàn tỉnh thành địa phương với ngành Dầu khí và với Công đoàn Dầu khí.

Đồng thời Công đoàn Dầu khí đã tích cực và khéo tỏa sáng tới tổ chức Công đoàn công nghiệp thế giới và nhiều tổ chức công đoàn một số nước. Tại các diễn đàn thế giới, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực sự làm bạn với công đoàn Nhật Bản, Công đoàn Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga, Uzbekistan, Cu Ba và đã đặt mối quan hệ với Công đoàn Mỹ, Thái Lan, Singgapore, Malaysia, Trung Quốc, Lào….

Ở cương vị là một Chủ tịch Công đoàn của toàn ngành, lúc nào anh Dĩnh cũng toàn tâm, toàn ý với công việc. Anh luôn phối hợp chặt chẽ với các đồng chí trong Ban chấp hành để đưa ra các ý tưởng hay, các giải pháp hữu hiệu để mang lại nhiều quyền lợi cả vật chất lẫn tinh thần cho người lao động trong toàn ngành như: Phát động các phong trào thi đua yêu nước trong đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động để phát huy tài năng cá nhân, sức mạnh tập thể trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn và các đơn vị. Tổ chức các phong trào thi đua có thưởng trên các công trình trọng điểm của Ngành nhằm động viên khuyến khích người lao động yên tâm công tác yêu ngành yêu nghề.

Anh thường đi sâu, đi sát để nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên và người lao động nhằm báo cáo với cấp uỷ Đảng, đề xuất với lãnh đạo chuyên môn về những quyền lợi, hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên và người lao động đồng thời điều chỉnh những tư tưởng chưa đúng đắn, hợp lý (nếu có).

Phối hợp với Tập đoàn xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động như Quy chế Trả lương, Quy chế Khen thưởng, Quy chế Tuyển dụng, Quy chế Đào tạo, đề bạt cán bộ…

Hướng dẫn các Công đoàn trực thuộc ký kết thoả ước lao động tập thể, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động. Là trung tâm để xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà trong doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp cổ phần hoá. Anh cùng Ban Chấp hành Công đoàn Dầu khí đã đưa ra “10 đổi mới về hoạt động của tổ chức công đoàn’’.

Với 37 năm gắn bó và trưởng thành cùng ngành Dầu khí Việt Nam, anh Hà Duy Dĩnh đã dành trọn tâm sức, trí lực cho sự nghiệp phát triển ngành Dầu khí nói chung và cho tổ chức Công đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng. Cho đến hôm nay, bất cứ ai gặp anh cũng đều rất ấn tượng về việc anh đã lưu lại ở đồng nghiệp, bạn bè trong nước và quốc tế là hình ảnh một người năng động với ánh mắt rực sáng, thông tuệ, xử lý công việc nhanh gọn, thấu đáo và quyết liệt.

Câu chuyện về anh, mỗi bài viết như thế này, tôi tin là, sẽ có một góc nhìn riêng, một sự cảm nhận riêng, dù người viết đang ở cương vị lãnh đạo hay một công nhân trên giàn khoan, một cán bộ đã nghỉ hưu hay một đoàn viên công đoàn trẻ. Vì những gì anh mang lại cho công tác đoàn thể đã đánh dấu sự thành công rực rỡ, mà vẫn mang những dấu ấn rất riêng, rất rõ nét, mang đậm tính nhân văn và tình người mà tôi thường hay nói đùa với anh rằng “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”.

Đã có nhiều bài viết về Anh trên các báo (trong Ngành có, ngoài Ngành cũng có) để mỗi người đọc, qua đấy, thấy hình ảnh của một trong những “Người đi tìm lửa” đầy nhiệt huyết, rực sáng như những cần đuốc trên giàn khoan, cháy miệt mài vì sự nghiệp chung và anh xứng đáng là “Người thủ lĩnh của Công đoàn Ngành Dầu khí Việt Nam’’!

Kết thúc nhiệm kỳ của Công đoàn Dầu khí Việt Nam khoá IV cũng là lúc Anh đến tuổi về nghỉ chế độ hưu trí và lễ bàn giao công tác giữa Chủ tịch Công đoàn khoá IV và Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam khoá V được tổ chức long trọng tại tầng 19 trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong niềm vui tươi phấn khởi và có sự chứng kiến, chúc mừng của toàn thể lãnh đạo, các phòng ban đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Anh Hà Duy Dĩnh

- Sinh ngày 03 tháng 01 năm 1954

- Quê quán: Vĩnh Phong – Vĩnh Bảo- TP Hải Phòng

- Trình độ chuyên môn: Kỹ sư Địa chất Thủy văn

Địa chất công trình;

- Trình độ chính trị: Tiến sĩ Xây dựng Đảng

- Lưu học sinh tại Liên Xô từ năm 1971 – 1977

Từng tham gia các chức vụ:

- Công tác tại Viện Dầu khí làm công tác nghiên cứu khoa học, sau làm Trưởng Ban Quản lý công trình xây dựng Viện Dầu khí; kiêm Chủ tịch Công đoàn 2 nhiệm kỳ từ 1988 – 1992;

- Từ 1994 điều động làm Chánh văn phòng Đảng ủy TCT Dầu khí; Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan; Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam;

- Từ 2003 – tháng 2/2008 làm Phó Chủ tịch Công đoàn DKVN

- Từ tháng 2/2008 đến tháng 5/2013 Chủ tịch Công đoàn DKVN;

Khen thưởng:

- Huân Chương Lao động hạng Ba

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

- Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng

- Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương về Giải Nhì cuộc thi toàn quốc “Tìm hiểu 75 năm Đảng Cộng sản Việt Nam”.

- Là một trong 50 gương mặt xuất sắc nhất trong 50 năm của ngành Dầu khí.

Vũ Thị Toàn

DMCA.com Protection Status