Một ngày trên tàu Bình Minh 02

08:33 | 01/07/2011

717 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chúng tôi đã có mặt trên con tàu này để tận mắt chứng kiến những khoảnh khắc rất mực đời thường của anh em thủy thủ...

Ghi chép của Vũ Minh Tiến

Bình Minh 02 – con tàu thăm dò dầu khí hiện đang là mối quan tâm đặc biệt của đông đảo dư luận trong nước và quốc tế. Thú thật, từ sáng ngày 26/5/2011, khi biết được thông tin Bình Minh 02 bị tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp khi đang hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, anh em phóng viên chúng tôi luôn có mong muốn “xa vời” rằng được lên tàu Bình Minh 02 để chứng kiến cuộc sống của thủy thủ trên tàu. Và “may mắn” đã đến khi trưa ngày 19/6, Bình Minh 02 cập cảng Nha Trang tại tọa độ 120 11,6N – 109 15,2E để tránh bão, chúng tôi đã có mặt trên con tàu này để tận mắt chứng kiến những khoảnh khắc rất mực đời thường của anh em thủy thủ…

Lên con tàu “mơ ước”

Thời gian qua, chúng ta liên tục nghe những thông tin về tàu Binh Minh 02. Thế nhưng, nhiều người cũng chỉ biết đó là con tàu thăm dò dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Một chút thông tin: Bình Minh 02 là tàu địa chấn 2D được hoán cải từ tàu cá mang tên Pavlovsk hệ Atlantic 333 được mua lại từ nhà thầu Nordic của Nga năm 2003. Tàu có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết trên tất cả các vùng biển kể cả điều kiện băng giá. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã, cho Tổng Công ty Cổ phần dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) chịu trách nhiệm quản lý và khai thác. Ngày 19/3/2009, con tàu đã được nhà thầu bàn giao sau khi chạy thử thành công và được chính thức mang tên Bình Minh 02. Tên gọi Bình Minh 02 được đặt cho tàu với ý nghĩa tiếp nối lịch sử của con tàu địa chấn đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam trước đây có tên gọi là Bình Minh.

Trong phòng điều khiển tàu Bình Minh 02. Ảnh: Mạnh Thắng

Tàu Bình Minh 02 dài hơn 62m, rộng hơn 13m, sâu hơn 9m. Toàn bộ các thiết bị địa chấn của tàu được trang bị mới 100% từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Sercel (Pháp), Seamap (Mỹ), Quest (Anh)… với công nghệ và cấu hình chuẩn hiện nay đối với loại tàu địa chấn 2D. Tàu có thể thu nổ với cáp dài 12.000m và tài liệu được xử lý sơ bộ hoàn toàn trên tàu với thiết bị thu, ghi và xử lý tốt nhất hiện nay. Ngay sau khi được bàn giao, tàu Bình Minh 02 đã tiến hành công tác khảo sát địa chấn trên các lô thuộc thềm lục địa Việt Nam.

Kể từ khi bị cắt cáp địa chấn lúc đang làm nhiệm vụ, đây là lần thứ hai, tàu Bình Minh 02 cập cảng Nha Trang. Buổi sáng ngày 24/6 như đã hẹn, chúng tôi có mặt tại bờ Nam cảng Nha Trang. Nói là tàu cập cảng Nha Trang nhưng thực ra, từ bờ lên đến vị trí tàu thả neo, chúng tôi phải đi thuyền máy 3 hải lý, tương đương gần 5km.

Sáng sớm, trời đẹp biển lặng, thuyền máy chạy chừng nửa giờ đồng hồ, chúng tôi đã thấy Bình Minh 02 lờ mờ hiện ra trong sương sớm. Điểm dễ nhận thấy nhất là dòng chữ Bình Minh 02 được sơn trắng lốp và cột đèn muỗi cao ngất ngưởng luôn nhấp nháy phía mũi tàu. Từ trên boong, chúng tôi đã thấy có ba thủy thủ đứng chờ sẵn và một thủy thủ đang lúi húi thả thang dây xuống bên mạn tàu. Từ thuyền máy, chúng tôi lần lượt theo nhau leo lên boong tàu.

Đội thủy thủ chăm chú theo dõi chúng tôi leo lên boong rồi một anh gãi đầu gãi tai hỏi: “Không có phóng viên nữ hả anh. Thế mà từ sáng tới giờ, mấy anh em cứ hy vọng được nghe tiếng phụ nữ”. Thú thực, lúc đó tôi thấy cũng hơi “áy náy” vì họ đã ra đón chúng tôi từ rất sớm, nở sẵn nụ cười tươi rói trên môi, mặc những bộ trang phục “sạch sẽ” nhất rồi, thế mà…

Cảm giác đầu tiên khi bước lên tàu là mùi sơn nồng nặc xộc thẳng vào mũi. Là bởi, trên mũi tàu, có mấy thủy thủ đang gõ gỉ và sơn lại sàn tàu. Bình thường, khi tiến hành công việc thu nổ địa chấn trên biển, anh em ai vào việc nấy. Chỉ khi tàu neo cảng tránh bão, họ mới có thời gian “tân trang” lại mặt tiền cho mình. Cánh thủy thủ thì đương nhiên, anh nào anh nấy to cao như lực sĩ, da ai cũng sạm đen vì gió biển và giọng nói rền như sấm. Họ mặc bộ quần áo liền quần, đi đôi giày bảo hộ cao cổ, nụ cười lấp loáng dầu mỡ trong nắng sớm.

Những ngày nghỉ ngơi… bận rộn

Thuyền trưởng Trần Anh Vũ đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt. Tuy là những ngày neo đậu tránh bão và tranh thủ nghỉ ngơi nhưng anh Vũ luôn bận rộn với việc theo dõi ra-đa, nhận thông tin tình hình gió bão từ ngoài khơi và liên tục báo cáo vào bờ. Quê mẹ ở Hưng Yên, quê bố ở Đà Nẵng, sinh ra ở Hà Nội, vợ con hiện ở Vũng Tàu và bản thân mình đã gần nửa đời người làm việc ngoài biển, sự dãi dầu sóng gió của người thuyền trưởng này toát lên không chỉ qua nước da rám nắng, đôi bàn tay thô sần mà qua cả cách anh nheo mắt nhìn trời đoán hướng gió, xem luồng nước. Anh rất vụng về khi nói về cuộc sống của mình nhưng lại lanh lẹ, khúc chiết lạ thường khi nói về công việc, về chuyên môn của mình.

Anh kể: “Ở trên tàu, chúng tôi cũng liên tục theo dõi tình hình căng thẳng trên biển Đông qua đài radio và mạng Internet. Sau vụ Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 khi đang hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tinh thần anh em thủy thủ trên tàu vẫn luôn vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự can thiệp của Nhà nước và của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Chúng tôi luôn xác định rằng, công việc của chúng tôi không những đem lại lợi ích về kinh tế cho đất nước mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia trên vùng biển”.

Trên tàu Bình Minh 02 lúc nào cũng có người… ngủ, bất kể là ngày hay đêm. Là bởi, họ làm việc theo ca, một ngày 4 ca, mỗi người hai ca một ngày và cứ 6 tiếng giao ca một lần. Bất kể là ngày hay đêm, mọi công việc trên tàu vẫn luôn diễn ra đúng trình tự, không thiếu một việc nào, kể cả việc gõ gỉ, quét sơn trên tàu. Thời gian tàu neo đậu tạm ngừng hoạt động không dài nên việc tổng vệ sinh con tàu phải bố trí làm thật gọn. Thế nên, không lạ gì khi giữa đêm khuya, giữa tiếng sóng gió gầm gào, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng coong coong gõ búa và phảng phất mùi sơn.

Theo anh Nguyễn Thuấn, Đại phó trên tàu Bình Minh 02 thì quân số trên tàu hiện tại có tất cả 40 người được chia làm các bộ phận. Bộ phận hàng hải gồm 10 người gồm thuyền trưởng, 2 đại phó, 1 phó hai, 1 thủy thủ trưởng và 3 thủy thủ. Công việc của họ là làm sao để con tàu vận hành trơn tru, bảo đảm an toàn cho con tàu. Thuyền trưởng là người điều phối chung tất cả các hoạt động trên tàu.

Bộ phận phụ trách máy tàu hiện có một máy trưởng, hai máy 2, hai máy 3, hai thợ máy và một thợ điện. Có lẽ, nếu so sánh về môi trường làm việc thì những nhân viên ở bộ phận này có môi trường làm việc nặng nhọc nhất. Tàu Bình Minh 02 có năm tầng gồm ba tầng ở, một tầng kho và một tầng máy. Tầng máy là tầng thấp nhất, nóng nực nhất và ồn ã nhất. Những người làm việc trong buồng máy người lúc nào cũng trơn nhớp dầu mỡ, hai tai phải đeo chụp tai giảm thanh bởi tiếng máy gào thét suốt ngày đêm. Cứ 15 phút một lần, họ lại đi kiểm tra tất cả hệ thống máy móc và báo cáo tình hình cho thuyền trưởng

Máy trưởng là anh Vykysaly Stanislav, người Slovakia. Anh Vykysaly người dỏng cao, có cái đầu hói nhẵn bóng chỉ phất phơ vài sợi tóc trông rất hài hước. Anh làm việc trên tàu được hơn một năm, hút thuốc lá Việt Nam, nói được một ít tiếng Việt và đang tập cầm đũa ăn… cơm. Các thành viên trên tàu Bình Minh 02 đến từ rất nhiều các quốc gia khác nhau và thứ duy nhất rất khó để dung hòa họ là món ăn hàng ngày. Mỗi một vùng miền lại ưa một khẩu vị các nhau, một thói quen ăn uống khác nhau. Đương nhiên, nhà bếp không thể đủ thực phẩm và thời gian để làm cho mỗi người một món đặc trưng và bài toán đặt ra cho nhà bếp là phải sáng chế ra một số món ăn “đa quốc gia”. Bếp trưởng Phùng Chí Tiến nói vui, mỗi khi ăn món ăn này mọi người đều phải tìm thấy bóng dáng quê hương mình trong đó!

Chuyện ăn uống trên tàu nhiều khi cũng có lắm phiền phức. Có những ngày biển động, sóng giật tàu nghiêng ngả. Bàn ghế thì chẳng thể xê dịch được bởi tất cả đều được thiết kế bắt vít gắn gặt xuống nền nhà nhưng đĩa cơm, bát canh mỗi lần sóng giật là rất dễ đổ ụp xuống người. Anh Vũ nói rằng, nhiều khi sóng đánh dữ quá, ngồi ăn cơm phải xuống tấn để thăng bằng, tay phải luôn giữ thật chặt đĩa cơm để không bị hất văng đi. Ăn uống mà vất vả y như tập võ!

Điều khác biệt của tàu Bình Minh 02 so với những con tàu thông thường khác là có thêm bộ phận thu nổ địa chấn. Với chức năng của mình, đây là bộ phận đặc biệt quan trọng trên tàu có chức năng vận hành máy thu nổ địa chấn, theo dõi tình hình cáp địa chấn, thăm dò đáy biển để tìm kiếm mỏ dầu. Thế nên đây là bộ phận có số nhân lực đông nhất, 15 người, bao gồm 3 người phụ trách hàng hải, 5 người quan sát theo dõi, 5 người vận hành súng hơi và 2 người xử lý dữ liệu.

Các chuyên gia đang kiểm tra thiết bị trên tàu Bình Minh 02. Ảnh: Mạnh Thắng

Trong thời gian tàu tạm dừng hoạt động, những nhân viên trong tổ thu nổ địa chấn cũng tranh thủ bảo dưỡng trang thiết bị của mình. Họ tỉ mẩn lau chuốt lại những đoạn dây cáp địa chấn vằn vện như con rắn biển và kiểm tra lại hệ thống máy thu nổ địa chấn.

Anh Guy Allan, chuyên gia người Canada, phụ trách bộ phận thu nổ địa chấn cho biết: “Dây cáp địa chấn là một bộ phận cực kỳ nhạy cảm và hết sức tinh vi. Hiện tàu Bình Minh 02 có 12.000m dây cáp, được nối với nhau bằng những đoạn dài 150m. Dây cáp này là sợi dây thông tin liên lạc thu thông tin địa chấn giữa súng hơi và máy thu nổ. Ở hai đầu mỗi đoạn dây đều được gắn chíp cảm biến. Bên trong lớp vỏ dây có lót thêm một lớp dầu chuyên dụng để chống áp lực nước, giảm khả năng chìm và chống gỉ. Ở trong cùng mới là lõi dây thu tín hiệu”.

Chính vì nó tối tân và tinh vi như vậy nên 150 m dây này có giá đến vài chục nghìn USD, mỗi lần đưa về Singapore bảo dưỡng một đoạn dây cáp cũng mất khoảng 3.000USD.

"Mái nhà” Bình Minh 02 giữa biển khơi

Ở trên tàu Bình Minh 02, thông thường, với những chuyên gia nước ngoài như anh Guy Allan thì cứ 6 tuần làm việc họ được lên bờ nghỉ ngơi. Ở nhiều nước trên thế giới, nghề thủy thủ được liệt vào một trong những nghề nghiệp nặng nhọc nhất. Thế nhưng, với những thủy thủ người Việt Nam, vì nhân lực còn hạn chế, thiếu hụt nên phải 3 tháng họ mới được lên bờ một lần.

Anh Nguyễn Văn Bắc, Phó 2 của tàu Bình Minh 02, cho biết: “Những lúc vùi đầu vào công việc thì chẳng nghĩ gì nhưng cứ khi nghỉ ngơi, ngồi yên ắng một chỗ thì nỗi nhớ nhà lại ập đến. Để tránh điều này, chúng tôi phải liên tục hoạt động, hết giờ làm việc thì tranh thủ chơi thể thao hay nghĩ ra việc gì đó để làm”.

Ở trên tàu Bình Minh 02 cũng có phòng tập thể thao. Gọi phòng cho oai chứ thực ra đó là một cái kho cũ trông như hộp sắt rộng gần 6m2. Tuy vậy, anh em cũng bố trí kê đủ các loại máy chạy bộ, đạp xe, tập tạ, máy thể dục đa năng. Cố lắm, căn phòng này cũng chỉ chứa đủ 4 người cùng tập trong đó. Vào giờ cao điểm lúc buổi chiều, anh em thường phải thay nhau, một nhóm tập trong phòng, còn một nhóm lên boong tàu đá bóng. Giữa mênh mông trời đất, trời chiều đang dần tắt nắng, sân bóng mini tự tạo ấy chộn rộn tiếng cười của những con người đến từ nhiều miền đất xa xôi trên thế giới. Họ cùng hò hét, cười nói để át đi tiếng sóng, át đi nỗi nhớ nhà.

Thế nhưng vào buổi tối, khoảng thời gian nghỉ ngơi sau giờ cơm trên tàu mới thực sự là buồn. Anh Nguyễn Thuấn, Đại phó, kể: “Thông thường, sau những giờ làm việc căng thẳng, tâm lý ai cũng muốn về với gia đình, đó có lẽ là ước muốn và nhu cầu chung của con người. Bữa ăn tối là lúc ai cũng được quây quần gia đình và cũng là lúc anh em nhớ nhà nhất”. Nói như thuyền trưởng Vũ thì nghề thủy thủ từ hoàn cảnh đặc thù cũng sinh ra lắm nghịch cảnh. Không ít người lên tàu xa gia đình khi trở về thì vợ đã đi theo người khác, con cái thì lạnh nhạt như người xa lạ. Tối ấy, tôi đã giật mình khi nghe tiếng người nào đó điện về nhà: “Bố đang ở rất gần bờ, gần lắm, nhưng chưa thể về thăm con được”.

Những ngày sóng lớn, dù là người tráng kiện, sống nửa đời mình trên biển nhưng anh Vũ vẫn cảm thấy mệt. Cơn mệt mỏi ở đây không giống như người lái xe khách đường dài đi phải khúc đường xấu bởi lái xe thì có thể xuống uống nước, nghỉ ngơi nhưng với người thủy thủ, không còn cách nào khác, tự mình phải chống chọi với sóng gió để tồn tại.

Phòng ngủ của những nhân viên trên tàu Bình Minh 02 nhỏ đến mức khó tưởng tượng. Căn phòng rộng chừng 5m2, được thiết kế hình chữ L. Mỗi phòng có thể ngủ được 2 người trên chiếc giường hai tầng với chiều dài giường khoảng 1,8m và chiều rộng khoảng 80cm. Trong căn phòng ấy, có lẽ người ta chỉ có thể ngủ chứ không thể có bất cứ sinh hoạt gì.

Trong suốt quãng thời gian ngoài khơi làm việc, tất cả anh em trên tàu chỉ có 36m3 nước ngọt. Vậy họ ăn uống, sinh hoạt như thế nào cho đủ? Câu trả lời được anh Phạm Nguyễn Toàn Huy, thủy thủ buồng máy trả lời rành rẽ: “Nước sinh hoạt sau khi sử dụng lại được chưng cất, xử lý để tái sử dụng. Hệ thống máy lọc nước tạo thành một vòng tròn trong quy trình sử dụng nước. Tuy nhiên, việc sử dụng nước trên tàu cũng được thuyền trưởng quán triệt là phải tiết kiệm triệt để”.

Để con tàu đồ sộ này hoạt động làm nhiệm vụ thu nổ địa chấn, trung bình một ngày, nó tiêu thụ đến hơn 10 tấn dầu. Trong thời gian neo đậu, tất cả máy móc ngừng hoạt động duy chỉ có hệ thống ra-đa quan sát và một máy phát điện công suất 650KW hoạt động. Một ngày nằm im nhưng chi phí để “nuôi sống” con tàu này mất gần 20.000USD. Chính vì thế, một ngày còn phải nằm im tránh bão là một ngày anh em như ngồi trên đống lửa”.

Và ngay sáng ngày hôm ấy, tin vui báo về, gió đã giảm, tàu Bình Minh 02 đã có thể trở lại vị trí làm việc của mình. Kế hoạch được định sẵn, đúng 18giờ, tàu sẽ nhổ neo. Buổi trưa, thuyền trưởng Vũ đứng ra tổ chức một buổi liên hoan ngay trên boong tàu để gọi là… chia tay đất liền. Mấy chục con người từ các quốc gia đổ ra boong tàu cùng ăn uống, đàn hát và cùng gọi điện về nhà chia tay người thân. Chúng tôi, những phóng viên may mắn có mặt trên tàu ngày hôm đó cũng hòa cùng nhịp cảm xúc của họ. Chúng tôi ôm nhau, bắt tay nhau thật chặt như những người đã thân quen từ lâu lắm. Tạm biệt họ, tạm biệt con tàu là niềm tự hào của ngành Dầu khí Việt Nam.

Theo Năng lượng Mới

{lang: 'vi'}

DMCA.com Protection Status