Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San:

Một quá trình tư duy sáng tạo

15:56 | 28/08/2018

2,685 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 6/9/1988, tại giếng khoan Bạch Hổ (BH-1), trên giàn khai thác cố định MSP-1, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã phát hiện và khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên từ tầng đá móng, mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.  Nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện này, phóng viên Báo Năng lượng Mới - PetroTimes đã có cuộc phỏng vấn TS Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro, người đã tham gia trực tiếp vào việc quyết định khoan giếng khoan BH-1 để tìm dầu.

Một thành tựu khoa học địa chất dầu khí của Việt Nam

PV: Thưa ông, những kinh nghiệm có được khi khai thác dầu từ tầng đá móng ngày trước đã giúp gì được cho việc khai thác dầu hiện nay và sắp tới chúng ta đối phó với tình trạng trữ lượng dầu đang dần giảm?

mot qua trinh tu duy sang tao
Chủ tịch Hội DKVN Ngô Thường San

TS Ngô Thường San: Trải qua 30 năm khai thác dầu trong tầng đá móng, chúng ta đã xây dựng được lý luận và hệ phương pháp khai thác dầu trong tầng đá móng nứt nẻ của mỏ Bạch Hổ. Đồng thời, chúng ta đã xác định được đặc điểm của dầu trong đá móng có tính thấm - chứa bất đồng nhất cao và tồn tại 2 dạng: Độ rỗng lớn với các khe nứt hở và độ rỗng kín ở các dạng khe nứt và những hang hốc kín, ít liên thông với nhau.

30 năm qua, chúng ta đã khai thác dầu chủ yếu trong những môi trường rỗng hở bằng phương pháp luận là bơm ép nước để duy trì áp suất vỉa và cải thiện hiệu quả quét - đẩy dầu. Chúng ta đã khai thác được dầu từ tầng đá móng bằng phương pháp đó với tổng sản lượng khoảng 200 triệu tấn dầu với hệ số thu hồi dầu tương đối cao, có nơi lên đến 43%. Đó là một kỷ lục của Vietsovpetro.

30 năm qua chúng ta đã khai thác một lượng dầu tương đối lớn trong môi trường rỗng hở và theo thời gian, trữ lượng dầu sẽ giảm đi. Hiện nay, để duy trì khai thác dầu Bạch Hổ với trữ lượng dầu tại chỗ dự báo còn khoảng 30% nằm trong hệ khe nứt kín, chúng ta phải có cách tiếp cận khác. Chúng ta phải xây dựng một phương pháp luận khác đồng thời nghiên cứu lại hệ phương pháp làm thế nào để tận khai thác, tăng hệ số thu hồi dầu, kéo dài đời mỏ.

Hiện nay, để duy trì khai thác dầu Bạch Hổ với trữ lượng dầu tại chỗ dự báo còn khoảng 30% nằm trong hệ khe nứt kín, chúng ta phải có cách tiếp cận khác. Chúng ta phải xây dựng một phương pháp luận khác đồng thời nghiên cứu lại hệ phương pháp làm thế nào để tận khai thác, tăng hệ số thu hồi dầu, kéo dài đời mỏ.

Bên cạnh đó, dầu ở trong đá móng tồn tại không đồng nhất ở mỏ Bạch Hổ và có nơi không liên thông được với nhau. Điều này bắt buộc chúng ta phải có giải pháp để tìm lại và xác định lại những nơi dầu còn tồn tại mà chúng ta bỏ sót trong quá trình khai thác, đòi hỏi Vietsovpetro cũng như những nhà địa chất, công nghệ của Việt Nam phải có cách tiếp cận mới về phương pháp luận và xây dựng một hệ phương pháp để khai thác dầu còn tồn tại. Chúng ta có cơ sở để tin tưởng tiềm năng trữ lượng dầu còn phong phú không chỉ ở trong đá móng nứt nẻ mà còn ở các tầng trầm tích khác tại mỏ Bạch Hổ và rộng hơn trong các bể trầm tích chứa dầu truyền thống mà chúng ta đang thăm dò và khai thác.

PV: Việc tìm ra dầu ở tầng đá móng đã thay đổi về quan điểm cấu tạo, thăm dò dầu khí trên thế giới. Là người trực tiếp tham gia, xin ông cho biết các nhà khoa học của Vietsovpetro đã phải làm như thế nào để khai thác được dầu từ tầng đá móng?

TS Ngô Thường San: Có thể nói, từ trước đến nay chưa ai xây dựng phương pháp luận và hệ phương pháp hoàn chỉnh như ở Vietsovpetro để khai thác dầu trong tầng đá móng với hệ số thu hồi dầu lên tới hơn 40%. Đây là một thành tựu khoa học địa chất dầu khí của Việt Nam. Phải thấy rằng, phát hiện dầu khí vừa có yếu tố rủi ro, vừa có may mắn. Nhưng việc tìm ra dầu trong tầng đá móng là một quá trình tư duy sáng tạo khoa học của những người làm địa chất và công nghệ Vietsovpetro. Đó là kết quả của hệ thống nghiên cứu và nhận thức về tầng đá móng nứt nẻ.

Tôi lấy ví dụ, Deminex khi khoan lớp trầm tích nằm sát trên tầng đá móng cũng phát hiện những biểu hiện dầu, nhưng khi chúng tôi trình bày với họ để thử vỉa thì họ có quan điểm rằng từ trước đến nay dầu không tồn tại trong những đá magma và do đó họ không lưu tâm. Tôi có lần gặp Công ty Mobil, khẳng định giếng Bạch Hổ-1X trước đây của họ khai thác đã phát hiện dầu nhưng họ không kiên trì, không thử vỉa, nên đã bỏ qua một trữ lượng dầu rất lớn mà hiện nay Vietsovpetro đã tiến hành khai thác.

Đây là một phát hiện hoàn toàn mới, trong tìm dầu, người ta hay nói là sự nhạy bén của những người địa chất. Ở đây có thể nói tìm được dầu là do sự nhạy bén của tập thể những người làm địa chất Vietsovpetro.

mot qua trinh tu duy sang tao

Kiểm tra thiết bị trên giàn CNTT số 2 mỏ Bạch Hổ

Tôi vẫn nhớ vào 8 giờ ngày 6/9/1988, vừa họp giao ban xong quay trở lại phòng làm việc, Tổng giám đốc Vietsovpetro Vovk có gọi cho tôi nói ở ngoài giàn MSP-1 khi khoan trở lại qua cầu xi măng thì dòng dầu phụt lên rất mạnh, áp suất đầu giếng dự kiến là trên 100 atm, đóng đối áp, lắp giếng và hoàn tất giếng với bộ cần khai thác theo quy trình hay cứ để khai thác như hiện trạng? Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, ban lãnh đạo thực hiện phương án sau. Lần đầu tiên trong lịch sử khai thác chưa ghi nhận trường hợp khai thác dầu không qua cần khai thác mà tổ chức khai thác dầu qua bộ khoan cụ.

Chúng tôi đã phải tổ chức khai thác một cách an toàn nhất, tìm cách duy trì áp suất đầu giếng ở khoảng 70 atm, đó là ngưỡng an toàn cho giếng. Chúng tôi đã phải duy trì khai thác trong tình trạng như thế gần 1 năm trời, phải đến 4 năm sau, lưu lượng mới giảm xuống 400 tấn/ngày. Lúc mới khai thác, sản lượng dầu hằng ngày còn không thể đo được vì thiết bị đo đầu giếng của ta không thể chịu áp suất đó, chỉ có thể ước tính lưu lượng dầu lúc đó ở khoảng 1.000-2.000 tấn/ngày. Đây cũng phải nói vừa là may mắn, vừa là kết quả của một quá trình tìm hiểu, nhận thức về tầng đá móng và khai thác dầu trong tầng đá móng.

PV: Thưa ông, những bài học kinh nghiệm chúng ta đã rút ra được từ khai thác dầu tầng đá móng sẽ được áp dụng như thế nào vào khai thác dầu hiện nay?

TS Ngô Thường San: Bây giờ, theo các nhà địa chất, trữ lượng dầu tại mỏ Bạch Hổ còn khoảng 30%, nằm trong những khe nứt kín. Trong khi đó, cơ chế dòng chảy của dầu trong khe nứt hở và khe nứt kín hoàn toàn khác nhau. Chúng ta đã áp dụng cho những khe nứt hở thì bây giờ đối với khe nứt kín hoàn toàn là một phương pháp luận khác, có thể trái ngược với quan điểm trước đây.

mot qua trinh tu duy sang tao

Giàn MSP-1 khai thác tấn dầu đầu tiên trên mỏ Bạch Hổ

Vietsovpetro và “mệnh lệnh của trái tim”

PV: Dầu khí là một ngành chịu rất nhiều thử thách từ lòng đất. Bên cạnh sự rủi ro còn có những yếu tố may mắn. Theo ông, yếu tố trí tuệ con người, khoa học kỹ thuật có vai trò như thế nào trong việc tìm ra dầu trong tầng đá móng?

TS Ngô Thường San: Theo tôi, may mắn trong việc tìm thấy dầu trong tầng đá móng chiếm chỉ khoảng 20%. Cái may mắn ở đây ở là sự quyết tâm của chúng tôi khi tin tưởng ở tầng đá móng có dầu. Sự tin tưởng này là có cơ sở dựa trên những dấu hiệu gián tiếp chứng minh có dầu trong các giếng khoan trước đấy. Chúng ta lúc đó cũng ở trong tình thế bắt buộc phải đưa tầng dầu “23 Miocen” vào khai thác sớm, buộc phải tìm những tầng dầu mới để phát triển khai thác.

PV: Sau sự kiện đó đã có nhiều công ty dầu khí quốc tế đã đến tìm hiểu, mong muốn đầu tư vào khu vực này?

TS Ngô Thường San: Sự phát hiện và tổ chức khai thác thành công dầu trong đá móng nứt nẻ đã hấp dẫn nhiều công ty đến đầu tư, trong đó thuyết phục nhất là công ty của Nhật làm mỏ Rạng Đông, sau đó là Petronas. Khi bắt đầu khoan đến tầng đá móng, xác định ranh giới tầng đá móng rất khó, không phải lúc nào cũng xác định được chính xác, nếu xác định sai sẽ ảnh hưởng đến vấn đề kỹ thuật hoàn tất giếng khai thác. Do đó, các công ty đó thường mời chuyên gia Vietsovpetro sang để chia sẻ kinh nghiệm xác định ranh giới tầng đá móng và tổ chức khai thác dầu trong tầng đá móng.

Ngân hàng Thế giới (WorldBank) khi đó đã đánh giá Vietsovpetro không đủ khả năng khai thác dầu trong tầng đá móng, đặc biệt với phương pháp bơm ép nước để duy trì áp suất vỉa. Họ đã phản đối rất mạnh, nhưng sau đó với quyết tâm cao, chúng tôi đã chọn giếng bơm thử nghiệm, xây dựng phương pháp luận và khai thác thành công.

mot qua trinh tu duy sang tao

Cụm giàn công nghệ số 2 mỏ Bạch Hổ

Sự phát hiện và tổ chức khai thác thành công dầu trong đá móng nứt nẻ đã hấp dẫn nhiều công ty đến đầu tư, trong đó thuyết phục nhất là công ty của Nhật làm mỏ Rạng Đông, sau đó là Petronas.

Lúc đó, WorldBank đã yêu cầu khí phải được bơm trở lại, nhưng do điều kiện đầu tư để bơm được khí trở lại vỉa với áp suất trên 300 atm không phải đơn giản, phải đầu tư rất lớn và cũng không đủ khí đồng hành bơm ngược trở lại để duy trì áp suất vỉa. Chúng tôi không dùng phương pháp bơm khí. Sau đó, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, xin tổ chức đưa khí đồng hành vào bờ. Phải nói rằng, Vietsovpetro không những tạo ra được công nghiệp khai thác dầu ngoài biển mà còn xây dựng, tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp khí, sử dụng khí như một nguồn tài nguyên cho công nghiệp.

PV: Để có được thành tựu lớn như vậy, chúng ta đã được sự trợ giúp rất lớn của những người bạn Liên Xô?

TS Ngô Thường San: Những lúc khó khăn nhất trong thời gian đầu, sản lượng của giàn MSP-1 suy giảm rất mạnh đã nhanh chóng gây tâm lý hoang mang cho lãnh đạo Vietsovpetro, đặc biệt là phía Liên Xô lúc đó thúc ép bởi đường lối “Perestoika”. Khi xây dựng phương án khai thác sớm mỏ Bạch Hổ. chúng tôi cũng đã trao đổi với Trưởng đoàn phía Nga: Sao các bạn không chờ kết quả các giếng tìm kiếm, thăm dò, đánh giá trữ lượng, lại quyết tâm lắp đặt ngay các giàn khai thác ngoài biển và xây dựng cảng logistic rất quy mô? Chúng tôi nhận được câu trả lời từ đồng chí Seremeta - Trưởng đoàn chuyên gia: Đó là “mệnh lệnh của trái tim”. Họ quyết tâm nhanh chóng tìm cho bằng được dầu, đầu tư để Việt Nam xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí chứ không để phụ thuộc, dựa vào sự cung cấp của Liên Xô mãi được.

Thành công của Vietsovpetro cũng chính là thành công của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô lúc đó, nay là Liên bang Nga, chúng ta đã học tập rất nhiều từ họ. Việt Nam được Liên Xô đào tạo theo một mô hình công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, hiện đại nhất của Liên Xô lúc đó, rồi chúng ta dần dần trưởng thành để tự triển khai thăm dò, khai thác dầu khí ngoài biển cũng như xây dựng ngành Dầu khí hoàn chỉnh hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn:

Sự kiện tìm thấy dầu trong tầng đá móng ngày 6/9/1988 rất quan trọng, tạo nên bước ngoặt cho ngành Dầu khí Việt Nam và đặc biệt là cho Vietsovpetro. Sự kiện này đã tạo điều kiện cho sự phát triển vượt bậc của Vietsovpetro nói riêng cũng như cả ngành Dầu khí Việt Nam nói chung.

Sau khi Vietsovpetro phát hiện được dòng dầu ở tầng đá móng và phát triển hệ thống công nghệ kỹ thuật để khai thác được dầu từ đá móng, đây đã trở thành một bài học cho tất cả các nhà thầu dầu khí khác ở Việt Nam, đồng thời cũng là một đóng góp quan trọng của ngành Dầu khí Việt Nam vào khoa học kỹ thuật và sự phát triển dầu khí nói chung trên thế giới.

Các nhà thầu dầu khí tại Việt Nam cũng như ở một số nước khác đã áp dụng bài học kinh nghiệm, kiến thức của Vietsovpetro trong lĩnh vực phát triển, khai thác dầu đá móng và họ cũng đã thành công tại Việt Nam cũng như các nước khác.

Nhà nước đã ghi nhận công lao đóng góp của các nhà khoa học trong việc phát hiện, phát triển khoa học kỹ thuật để khai thác dầu đá móng bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ cho công trình của tập thể các nhà khoa học Liên Xô cũng như Việt Nam.

mot qua trinh tu duy sang tao Bài 5: Niềm hy vọng... vụt sáng
mot qua trinh tu duy sang tao Bài 4: Hiện thực khắc nghiệt

Hiền Anh

DMCA.com Protection Status